Ông Tô Hải Nam hướng dẫn với các hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình về nơi những con

Ông Tô Hải Nam hướng dẫn với các hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình về nơi những con "Tàu không số" xuất phát.

(HBĐT) - Qua cuộc trao đổi học tập kinh nghiệm hoạt động của BCH Hội Nhà Báo tỉnh ta với Hội Nhà Báo Hải Phòng mà chúng tôi được hiểu thêm về một địa danh mà tiếng tăm đã vượt qua biên giới quốc gia: Cảng quân sự bí mật K15- nơi xuất phát của những con “Tàu không số” thời chống Mỹ.

 

Chúng tôi đến Đồ Sơn đúng vào lúc cơn bão Conson đang vần vũ tiến vào Biển Đông. Biển Đồ Sơn trào dâng lớp lớp sóng bạc đầu. Gió ngàn khơi lồng lộng thổi. Chúng tôi được tận mắt chứng kiến các đồng nghiệp đất Cảng đang hối hả ghi lại hình ảnh các cơ quan chức năng chỉ đạo nhân dân tiến hành chống bão quyết liệt. Các phương tiện tàu bè được cấp tốc gọi về cập bến và đình chỉ ra khơi... Nhưng gần 50 năm trước, vào những lúc biển động thế này thì những con “Tàu không số” do những con người quả cảm cầm lái lại lặng lẽ nhổ neo ra khơi theo yêu cầu bảo đảm bí mật tuyệt đối.

        

May mắn cho chúng tôi, người hướng dẫn đoàn đi thăm lại là một cựu chiến sỹ của đơn vị “Tàu không số”, nguyên TBT Báo Hải Quân và hiện tại đang đương nhiệm một loạt chức vụ: Phó TGĐ Cty Cổ phần Du lịch Quốc tế Hòn Dấu, y viên thường trực, Chánh văn phòng Hội đường Hồ Chí minh trên biển toàn quốc- ông Tô Hải Nam. Là người trong cuộc và nguyên là nhà báo nên ông Nam quả là một “Thư viện sống” về đoàn “Tàu không số”. Ông nói về lịch sử phiên hiệu của đơn vị: Từ khi thành lập Đoàn 759 (sau đổi thành Đoàn 125 Hải quân). Đặc biệt, ông giải thích cặn kẽ  ý nghĩa của mật danh cảng quân sự K15: “K” là ký hiệu quân sự, còn con số 15 là số Nghị quyết của Trung ương Đảng về đường lối đấu tranh Giải phóng miền nam. Thú vị hơn là Nghị quyết 15 được ra đời tại Đồ sơn và cảng K15 cũng ở chính nơi ra đời Nghị quyết đó.

 

    

Ông Tô Hải Nam tự hào về những đóng góp của mình và đồng đội trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng tổ quốc

        

Ông Nam đưa chúng tôi thăm Tượng đài kỷ niệm bến Tàu không số. Sừng sững vươn cao là hai cánh buồm cách điệu hướng ra trùng khơi, bên cạnh là bức phù điêu đắp nổi phù hiệu của quân chủng Hải quân. Ngay phía dưới là hàng cọc bê tông dấu tích của Cảng K15 vẫn còn đó như nhắc lại những kỷ niệm của một thủa hào hùng. Mặc dù đã được đọc, được biết tương đối đầy đủ về đơn vị đặc biệt này, nhưng mọi người không dấu nổi xúc động khi nghe ông Nam nhắc lại những tư liệu và kỷ niệm về đơn vị, về đồng đội. Ông nói: Ngày ấy, mỗi lần tiễn đưa tàu xuất phát là mỗi lần thử thách tình cảm và thần kinh của anh em trong đơn vị. Vì để giữ bí mật tuyệt đối không để kẻ địch phát hiện ra tuyến vận tải đặc biệt này, nên Thuỷ thuỷ đoàn đều được đơn vị tổ chức “Lễ Truy điệu sống” trước khi xuất phát. Mỗi tàu đều được cài sẵn những khối lớn thuốc nổ ở mũi, thân và đuôi tàu với các loại kíp nổ tức thì được khởi động bằng tay và bằng điện. Điều đó thể hiện sự quyết tâm, lòng dũng cảm, tự nguyện chấp nhận hy sinh của chiến sỹ Tàu không số không chịu rơi vào tay địch. Tàu không số, không phải là không có số mà trước khi rời bến phải xoá sạch vết tích xuất sứ của con tàu. Rồi khi đến Hải phận nào thì phải đeo biển số của nơi đó vv...

       

Ác liệt là vậy. Hy sinh là vậy. Nhưng những chiến sỹ Tàu không số vẫn lấy làm vinh dự, tự hào khi được đứng trong đội ngũ của đơn vị. Chiến sỹ của Đoàn 125 được tuyển chọn kỹ lưỡng trong toàn quân với tiêu chuẩn nghiêm ngặt: có phẩm chất chính trị vững vàng, có sức khoẻ, có kinh nghiệm đi biển trong mọi điều kiện khắc nghiệt, sẵn sàng chấp nhận hy sinh anh dũng nhưng thầm lặng... Sau một thời gian chuẩn bị và huấn luyện, vào đúng dịp kỷ niệm 16 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946- 19/12/1962), vào đêm ngày 20/12/1962, với sự có mặt trực tiếp của các đồng chí Phạm Hùng, Trần Văn Trà, Nguyễn Chánh dưới sự chỉ đạo từ Bộ Tổng tư lệnh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chuyến Tàu đầu tiên, vỏ gỗ, hai đáy, trọng tải 60 tấn (có 30 tấn vũ khí, đạn dược) do Thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy cùng hơn mười thuỷ thủ đã rời bến trong niềm tin tưởng xen lẫn âu lo của của các thủ trưởng và cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị. Sau những ngày dài căng thẳng, đấu trí, đấu lực chống chọi với những cuộc tuần tra, giám sát của tàu Tuần duyên địch và bão tố, lốc soáy; phải thay đổi nguỵ trang và hành trình liên tục (đến hải phận tỉnh nào của miền nam thì phải thay đổi biển số tàu, giấy tờ tuỳ thân và nói giọng địa phương đó), Tàu đã cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) trong niềm vui sướng vô bờ của đồng bào, chiến sỹ miền nam. Từ nay tuyến đường bí mật đặc biệt trên biển giữa hậu phương lớn với tiền tuyến đã được nối liền...

        

Sau sự kiện đó, trong suốt 13 năm (1962-1975), Đoàn 125 đã có 168 chuyến tàu chở 6.105 tấn vũ khí đạn dược chi viện chiến trường đã cập 19 bến các tỉnh miền nam. Trong đó, riêng bến K15 có 118 chuyến tàu xuất bến mà hầu hết đều đến đích. Thành tích đó của Hải đoàn 125 đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của dân tộc. Nhưng những mất mát hy sinh của đơn vị cũng rất lớn không gì bù đắp nổi: trong số 97 liệt sỹ của đơn vị đến nay chỉ có một liệt sỹ duy nhất được tìm thấy hài cốt, còn lại tất cả thi hài đều gửi lại nơi biển sâu ngàn năm sóng vỗ. Bản hùng ca bi tráng của Đoàn 125 được ghi nhận bằng Danh hiệu Đơn vị hai lần Anh hùng và 6 anh hùng LLVT nhân dân với những con tàu 235, 187, 645... cùng những anh hùng Nguyễn Phan Vinh, Hồ Đức Thắng, Nguyễn Văn Hiệu... đã góp phần sáng danh 125.

        

Ngày nay Ban liên lạc toàn quốc của Đoàn 125 có 19 đồng chí với trên 1.000 hội viên vẫn cùng nhau sát cánh tô thắm thêm truyền thống Đoàn 125- Đơn vị vận tải đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại. Nhiều cựu chiến sỹ của đơn vị đã và đang thành công và thành danh trên mặt trận mới- làm giàu cho chính mình, cho quê hương, cho đất nước bằng trí tuệ, quyết tâm và “Truyền thống 125”, như cựu chiến sỹ Đào Hồng Tuyển- “Chúa đảo” Tuần Châu, như Hoàng Văn Thiềng, “TGĐ Hòn Dấu” và như CCB đang đứng trước mặt chúng tôi - Phó TGĐ Cty cổ phần Du lịch quốc tế Hòn Dấu Tô Hải Nam, phong trần và mạnh mẽ. Với quy hoạch 120 ha (khu A: 55 ha, khu B: 65 ha) các anh đã “Rời non lấp biển” theo đúng nghĩa đen của nó với 5 triệu khối đất đá (trong tổng số hơn chúc triệu khôí) các anh đã lấp xong Khu B và một phần khu A để xây dựng khu Du lịch nghỉ dưỡng mang tầm vóc khu vực và quốc tế. Những công trình đồ sộ trong dự án đang được hình thành. Trong đó phải kể đến cây cầu vượt biển từ bán đảo Đồ Sơn ra đảo Hòn Dấu- nơi có đền thiêng thờ Nam Hải Thần Vương (một quan tướng triều Trần), nơi có ngọn Hải đăng Hòn Dấu cùng 100 bậc đá lên tới cột đèn cao 67 mét chiếu xa 24 hải lý (tương đương 40 km), với Vạn lý Trường thành thu nhỏ, với đường Vạn Hoa, với biệt thự Trúc Đào... tất cả đều năm liền kề nơi Quân cảng bí mật mà ngày xưa các anh đã xuất phát ra đi với nhiệm vụn thiêng liêng mà quân đội và nhân dân giao phó.

       

Sóng biển Đồ Sơn vẫn ào ạt trào dâng thử thách cư dân miền duyên hải. Bão  ngoài khơi vẫn thổi giật liên hồi. Nhưng ở đây - nơi Tượng đài “Bến Tàu không số”- Cột mốc Hải lý đầu tiên của đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn sừng sững hiên ngang, đánh dấu một trang sử oai hùng của Hải quân nhân dân, một Di tích lịch sử quân sự Việt Nam và vẫn còn đây những “Cựu chiến sỹ 125” đang hiên ngang, vững vàng trên cương vị mới- những công dân bình thường của một Đất nước anh hùng, một Dân tộc anh hùng.

                                                                                                     

                                                                                          Hải Giang  

 

Các tin khác

Anh Nguyễn Trung Kiên, khu 6, thị trấn Cao Phong đã đoạn tuyệt với ma túy và xây dựng cuộc sống mới trong vong tay yêu thương của cộng đồng
Anh Bùi Văn Công (người thứ 2 từ bên trái sang) đang giới thiệu với cán bộ, chính quyền xã mô hình kinh tế của mình
Đối với Xa Văn Đức, cuộc sống là luôn nhìn về phía trước
Nghi lễ tế rước trong lễ hội Xên Mường, huyện Mai Châu năm 2010.

Làng "thuốc nam" Quèn Thị

(HBĐT) - Nghề thuốc nam ở Quèn Thị, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn có từ bao giờ, không ai nhớ nổi, chỉ biết rằng khi người dân gắn với đất, với núi rừng Quèn Thị này thì hầu như ai ai cũng có thể phân biệt được đâu là cây thuốc lẫn trong bạt ngàn cây lá của rừng xanh. Từ thế hệ trước truyền cho thế hệ sau, cứ như vậy, nghề thuốc nam ở Quèn Thị được duy trì đến bây giờ.

Học chữ để thoát nghèo

(HBĐT) - “Nếu đặt mình vào chỗ của Hà Thị Thắm thì chưa chắc tôi đã có đủ bản lĩnh, nghị lực để vươn lên theo đuổi ước mơ con chữ như em”, cô giáo Lưu Thị Thu Hương, Chủ nhiệm lớp 10A1 trường PTTH Đà Bắc, huyện Đà Bắc đã không ít lần đã dành thái độ cảm phục, trìu mến cho cô học trò nhỏ có khuôn mặt sáng với đôi mắt trong veo đang ngồi ở phía đối diện...

Rừng phòng hộ ở Hiền Lương bị "xẻ thịt"

(HBĐT) - Tiếng chặt, tiếng cưa máy rền rít, tiếng cây đổ rào rạo đã làm cho cánh rừng già Phục Trâu, Nước Mọc thuộc xóm Ké, xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc trở thành công trường khai thác gỗ. Lần theo những móng trâu hằn sâu trên con đường mòn độc đạo, chúng tôi xâm nhập rừng già sau một ngày mưa tầm tã.

Trở lại “đất nóng” Hang Kia

(HBĐT) - Trở lại vùng “đất nóng” Hang Kia, huyện Mai Châu khi chưa thể quên tiếng súng nổ vang động núi rừng đầy uy hiếp trong ngày 05/2/2010 vừa qua. Mặc dù đã lên tinh thần trước, nhưng trên suốt chặng đường hơn 100km, tôi vẫn luôn mang một cảm giác không mấy bình yên khi trở lại thung lũng Hang Kia...

Cả cuộc đời đam mê ca hát

(HBĐT) - Thời gian đã nhuộm sương trắng mái đầu người nghệ sĩ bước sang tuổi 75, cái tuổi không còn cho người ta sức khoẻ dồi dào để hào sảng câu hát. Nhưng thời gian không làm phai nhạt trong ông niềm say mê, tâm huyết với câu hát chèo. Trong một buổi sáng tháng 5 yên bình ở Tiểu khu 2, Bãi Lạng, Lương Sơn, giọng ca “thổ đồng” của nghệ sĩ Minh Sáng lại vang lên, đưa chúng tôi trở về với oan khiên Nguyễn Trãi…

Nhịp sống mới bên hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Tính ra, có 3 cái mốc quan trọng đã cơ bản làm thay đổi cuộc sống ở Tân Dân. Thứ nhất đó là việc kéo điện lưới quốc gia, tiếp đến là đường giao thông được mở đến trung tâm xã và cuối cùng là việc chuyển địa giới hành chính của xã về huyện Mai Châu. Những cái mốc này đã dần “kéo” Tân Dân ra khỏi cái “ốc đảo” của đói nghèo

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục