Người phụ nữ vùng cao say sưa chọn dép để đi chơi Tết (ảnh: chợ Ênh, xã Tân Minh)
(HBĐT) - Xuân đã về trên vùng cao Đà Bắc, nhưng dường như mùa đông vẫn ẩn nấp đâu đó trên những cánh đào phai ướt sẫm sương đêm. Khác hẳn với nỗi bâng khuâng của thời tiết lúc giao mùa, phiên chợ vùng cao đã ngập tràn không khí Tết. Khi trời còn tối khiến con gà lười chưa kịp cất tiếng gáy, đồng bào nơi đây đã châm đuốc, í ới gọi nhau đi họp chợ phiên.
Từ nhà đến chợ Hạt (xã Yên Hoà) không bao xa nhưng chị Thuỷ (xã Trung Thành) đã dậy từ bốn giờ sáng, chuẩn bị đồ đạc và háo hức lên đường. Hoà vào bóng đêm, sương núi và những cơn gió buốt thấu xương, chị nhai trầu như để át đi cái rét căm căm của thời tiết. Đoạn, hào hứng khoe: “Đi chợ Tết vui nên phải đi sớm không lại hết ngày, tiếc lắm!”.
Ở Đà Bắc, chợ phiên những ngày giáp Tết đông vui, nhộn nhịp và có thời gian dài hơn hẳn những phiên chợ thường. Với đồng bào các xã vùng cao như Trung Thành, Yên Hoà, Suối Nánh, Đồng Ruộng…, chợ Tết đã thực sự trở thành ngày hội. Ngay từ khi trời còn tối người dân nơi đây đã châm đuốc, í ới gọi nhau đi họp chợ phiên. Chợ vùng cao thường họp rất sớm. Phiên chợ giáp Tết càng họp sớm hơn. Mờ đất, tối trời đã có người đến chợ, đó cũng là thời điểm chợ bắt đầu vào phiên.
Chợ Hạt là một trong những phiên chợ vén sông hiếm hoi còn lại ở vùng cao Đà Bắc. Đúng như tên gọi, phiên chợ họp ở mép sông, hoạt động mua bán đều diễn ra trên thuyền nên nước hồ dâng lên đến đâu, người tham gia phiên chợ lại “vén” theo nước lên đến đó. Mỗi tháng hai lần vào ngày 11 và 21, thương lái dưới xuôi chất hàng lên thuyền ngược sông Đà lên phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân các xã vùng lòng hồ. Dịp giáp Tết như thế này, hàng hoá lại càng phong phú, từ cây kim, sợi chỉ, tấm chăn đến loa đài, tivi, thậm chí cả xe máy, xe đạp. Mê mẩn ngắm nhìn bộ ấm chén bằng gốm màu nâu nhạt, chị Thuỷ quyết định mua vì thấy rất hợp với chái nhà sàn truyền thống của gia đình mình.
Du xuân trong bầu không khí đón Tết an lành của núi rừng Đà Bắc khoáng đạt, chúng tôi lại thêm một may mắn khi đến được phiên chợ Ênh (xã Tân Minh). Chỉ một lần thôi cũng đủ để khám phá bao điều với bao ngạc nhiên và thú vị. Là chợ trung tâm cụm xã nên phiên họp nào, chợ Ênh cũng nườm nượp kẻ mua, người bán. Bình thường chỉ đến giữa trưa là tan chợ nhưng trong những ngày giáp Tết, chợ họp đến tận chiều. Từ trên cao nhìn xuống, chợ Ênh nằm gọn trong tầm mắt, nổi bật giữa bồng bềnh sương lam bởi sắc màu rực rỡ của váy áo bà con dân tộc. Chợ vùng cao, đông vui đấy nhưng chan chứa tình người, mua bán đấy nhưng vẫn rất mực chân thành và thẳng thắn. Không nói thách, ưng cái bụng thì bán, không ưng thì có trả giá cao cũng lắc đầu! Nét đặc trưng ở những phiên chợ này là các loại sản vật do người dân bản địa mang đến chợ. Nhỏ thì bó lá dong, củ gừng, củ lạc, mớ rau xanh hái vội trên rừng… Lớn thì có con gà, con lợn… Đến chợ, mỗi người vừa là người mua, vừa là người bán, vừa là người đi du xuân, trẩy hội mua sắm cuối năm. Tuy là phiên chợ vùng cao nhưng hàng hoá đa dạng, chẳng thiếu thứ gì, không khí tấp nập làm náo nhiệt cả một góc rừng hoặc rộn ràng cả một quãng sông.
Xưa kia và bây giờ vẫn thế, người vùng cao không có tiền mặt vẫn háo hức đến chợ. Bởi với họ, đi chợ như đi vui xuân. Người lớn vui vì được gặp bạn bè, được lần lượt thay nhau hút một điếu thuốc lào, được ngồi uống với nhau một chén rượu xuông trong gian hàng tuềnh toàng dựng tạm. Thế đã là quý! Nhưng có lẽ vui nhất là đám trẻ nhỏ. Với chúng, đi chợ Tết nghĩa là diện quần áo mới, được thoải mái ngắm nhìn những món đồ chơi chúng vẫn hằng ao ước sở hữu và nếu được xì xụp húp bát phở gà nóng hổi, lạ lẫm, hôm đó sẽ trở thành kỷ niệm tuổi thơ ngọt ngào mà chúng sẽ mang theo suốt những năm tháng sau này.
Xuân đã về trên những đỉnh núi cao lộng gió. Cùng với sắc xuân tươi sáng của đất trời, những phiên chợ Tết đang góp phần làm bừng lên sức sống mới cho vùng cao Đà Bắc hôm nay.
Thu Trang
(HBĐT) - “Cam Cao Phong vừa thơm vừa ngọt/ Người Cao Phong vừa đẹp vừa chăm/ Hương cam thơm trong ngày lễ cưới/ Anh đón em về với Mường Thàng quê anh". Câu hát da riết trong bài Khúc ca Công ty RQNS Cao Phong của nhạc sĩ Tăng Đức Cửu như thôi thúc chúng tôi xuân này hãy về vùng đất ngọt Mường Thàng để được thả mình giữa vùng cam chín mọng và cảm nhận tình đất, tình người Cao Phong.
(HBĐT) - Cây đào trước sân nhà chợt nở bung những chồi non lộc biếc. Vậy là mùa Xuân đã về. Tạm gác những lo toan thường nhật nơi phố thị náo nhiệt tôi lại lên ăn Tết với bà con người Mông ở hai xã Hang Kia, Pà Cò, (Mai Châu).
(HBĐT) - Trong những năm gần đây, xã Tân Phong có bước phát triển mạnh, luôn đứng ở tốp đầu trong các phong trào thi đua yêu nước của huyện Cao Phong. Tân Phong đã xóa được hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10%.
(HBĐT) - Những ngày cuối năm, chuyến xe về xuôi dường như thêm phần tấp nập. Những cành đào phai, lá dong... và những bình rượu cần vàng óng đặc trưng cho ẩm thực xứ Mường cũng nườn nượp theo xe về phố. Đã từ lâu, rượu cần trở thành sản vật quý của núi rừng được cả những người dân miền xuôi yêu thích. Có lẽ không chỉ bởi mùi vị thơm nồng khó tả, rượu cần hấp dẫn lòng người còn bởi những tinh hoa trong chế biến và thưởng thức.
(HBĐT) - Mới chỉ có vài năm mà TP Hòa Bình đổi thay đến ngỡ ngàng. Đổi thay trong tư duy hành động và trong cả diện mạo. Về tư duy, đó là sự đồng lòng nhất trí từ các cấp lãnh đạo đến mỗi công dân, tất cả như đang có trách nhiệm hơn, phấn đấu xây dựng TP Hòa Bình xứng tầm khu vực. Diện mạo đó là sự đổi mới từng ngày trên từng ngõ phố, KDC và cả trong mỗi gia đình.
(HBĐT) -Ngày thủy điện Suối Nhạp (Suối Nhạp A) chính thức thức hòa lưới điện quốc gia, núi rừng Đà Bắc rộn rã tiếng ca vui. Hàng nghìn người từ khắp nơi đến chứng kiến công trình thủy điện ra đời tại vùng rừng núi heo hút Đồng Chum. Từ sớm tinh mơ, bà con 2 xã Đồng Chum, Đồng Ruộng lựa chọn những bộ quần áo đẹp nhất băng núi, vượt rừng đến thăm công trình thủy điện Suối Nhạp nghe văn nghệ và chứng kiến các tổ máy hiện đại phát lên dòng điện bừng sáng núi rừng Đà Bắc.