Tưng bừng lễ hội Khai hạ Mường Bi.
(HBĐT) - “Tôi nghĩ, xứ Mường Hoà Bình đã từng có một không gian văn hoá cồng chiêng đậm đà bản sắc. Dù không phải là người Mường nhưng tôi sẽ cảm thấy xót xa nếu đến lúc nào đó, chúng ta tự đánh mất đi cái gọi là không gian văn hoá cồng chiêng Hoà Bình” - Tâm sự của nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Bùi Chí Thanh dường như đã “chạm” vào trái tim của những người đang hướng về nguồn cội với một khát vọng lớn lao và chính đáng: “Đánh thức” cồng chiêng để thứ âm thanh linh thiêng của dân tộc có thể ngân vang giữa cuộc sống đương đại của người Mường Hoà Bình.
“Ngày xưa, người Mường phải khấn bái lễ nghi cẩn trọng rồi mới mang “chiêng thần” ra đánh. Tiếng chiêng là hồn phách của xứ Mường, vang khắp rừng, khắp núi ngân lên sức sống của người Mường, tiếng chiêng linh thiêng như lời sấm dậy, trở thành vật thiêng tượng trưng cho sự phồn thịnh của xã hội Mường... Tôi nghĩ, xứ Mường Hoà Bình đã từng có một không gian văn hoá cồng chiêng đậm đà bản sắc”.
Không gian đó - theo như cách cảm của nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Bùi Chí Thanh - không ngùn ngụt hứng khởi và ùa mạnh vào tim như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên mà nhịp nhàng đi vào lòng người, khe khẽ lắng đọng thành từng giọt cảm xúc để rồi khơi gợi một cách nhuần nhị những rung động tinh tế nhất trong tận sâu tâm hồn. âm thanh đó lúc bay bổng, mơ màng, lúc thiết tha, lắng đọng, lúc rộn ràng, giục giã như sắp đi trẩy hội, lúc lại thư thái như cụ bà ngồi nhai trầu bên bát nước vối đặc... Một không gian âm nhạc mở ra một không gian văn hoá. Một thứ âm thanh linh thiêng của núi rừng. Một thứ âm thanh được thần thánh hoá để nối cõi thực của một đời với cõi vĩnh hằng của ngàn đời. Thứ âm thanh đó cũng như không gian văn hoá đó tượng trưng cho đức tín ngưỡng của cả một dân tộc, vừa giao hoà gần như tuyệt đối với thiên nhiên, vừa như tách ra để được vang âm trọn vẹn giữa đất trời.
Lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc) được tổ chức quy mô, hoành tráng vào ngày mồng 7 Tết hàng năm.
Nghe tích xưa kể lại. Khởi nguồn của cồng chiêng là những âm thanh “thần bí” phát ra khi vô tình chạm vào các nhũ đá trong hang động. Lâu dần được con người chế tác và hoàn thiện thành nhạc cụ bằng kim loại như bây giờ. Bí quyết để tạo nên sức hấp dẫn cho thứ âm thanh vừa vang, vừa ngọt, vừa trong, vừa ấm nằm ở đôi tay của người thợ. Từ khâu pha chế đồng đến khâu đúc thành một chiếc chiêng đồng có độ vang ngân đẹp là cả một nghệ thuật dân tộc độc đáo, đủ để mỗi người thợ được ca ngợi như một nghệ nhân.
Một dàn cồng chiêng đủ bộ của người Mường gồm mười hai chiếc, tượng trưng cho mười hai tháng trong năm và trọn một vòng quay xuân - hạ - thu - đông của đất trời. Người Mường đặt tên chiêng theo số thứ tự từ chiêng mốt đến chiêng mười hai (căn cứ theo kích thước, độ cao âm lượng) và chia thành ba nhóm: bốn chiêng dàm (theo thứ tự từ chiêng chín đến chiêng mười hai, kích thước lớn, âm phát ra thuộc khu trầm trong dàn chiêng, còn gọi là chiêng khầm), bốn chiêng bồng (từ chiêng năm đến chiêng tám, kích thước trung bình, âm phát ra thuộc khu giữa trong dàn chiêng, còn gọi là chiêng bôồng bêênh) và bốn chiêng tlé (từ chiêng một đến chiêng bốn, kích thước nhỏ, âm phát ra thuộc khu vực âm cao nhất trong dàn, còn gọi là chiêng chót, chiêng poỏng hoặc chiêng lóng). Mười hai chiếc chiêng tạo ra mười hai âm sắc riêng biệt, đồng thời hợp thành một dàn cồng chiêng độc đáo với những bản hoà âm đã đi vào lịch sử của xứ Mường. Cồng chiêng theo phường bùa mang may mắn đầu năm đến tận cửa mọi nhà. Cồng chiêng chúc phúc cho đôi uyên ương trong ngày cưới. Cồng chiêng thành kính đưa người về cõi “Mường Ma”. Cồng chiêng thúc giục nhà nhà đến chia vui lễ cơm mới... Gắn liền với sinh hoạt của người Mường từ xưa đến nay, cồng chiêng luôn được coi là linh hồn của vùng “Đẻ đất, đẻ nước”.
Thấm thoắt đã hơn hai mươi năm chị Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng Hoà
Bình gắn bó với các giá trị văn hoá cổ của đất Mường Hoà Bình. Hơn hai mươi năm ăn cơm Hoà Bình, uống nước Hoà Bình, chị đã cùng với đồng nghiệp mải miết đi tìm những hiện vật bị chìm sâu dưới lớp bụi thời gian, bóc tách những giá trị còn lẩn khuất trong từng hiện vật để bảo quản, trưng bày, quảng bá hiện vật. Với cồng chiêng Hoà Bình, chị có một niềm day dứt: “Di sản vô giá này xứng đáng được tôn vinh, không chỉ trong những lễ hội văn hoá trọng đại mà cần được vang âm trọn vẹn trong trái tim những người con yêu văn hoá dân tộc mình”.
“Đánh thức tiếng cồng chiêng để thứ âm thanh linh thiêng của dân tộc có thể ngân vang giữa cuộc sống đương đại của người Mường Hoà Bình” - Đó cũng là điều ông Nguyễn Phú Đức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam từng gợi mở khi nhìn nhận những tiềm năng chưa được khai thác của du lịch Hoà Bình. Theo ông Đức, văn hoá cồng chiêng nếu được bảo tồn và khai thác đúng mạch sẽ trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, tạo sức hút mạnh mẽ cho du lịch Hoà Bình.
Tiếp tục khẳng định điều đó, bà Hoàng Thị Chiển, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy (trước đây là Giám đốc Sở VH-TT&DL) nhấn mạnh: Vài năm gần đây, Hoà Bình đã trở nên quen thuộc với nhiều du khách. Gắn liền theo đó là ấn tượng khó quên về một vùng đất tươi đẹp, hiền hoà, giàu bản sắc dân tộc. Đến với địa danh “bốn Mường” đã từng được tôn vinh trong lịch sử, du khách đam mê khám phá các giá trị văn hoá cổ truyền hẳn sẽ khó cưỡng lại sức hút độc đáo của lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc), lễ hội chùa Tiên (Lạc Thuỷ), lễ hội chùa Hang (Yên Thuỷ) rồi lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Mường, lễ hội chá chiêng của đồng bào dân tộc Thái... Bất chấp dòng chảy của thời gian, Hoà Bình tự hào vì vẫn còn lưu giữ hàng trăm chiếc trống đồng, hàng ngàn chiếc cồng chiêng quý giá; tự hào vì là nơi diễn ra hàng chục lễ hội văn hoá dân gian truyền thống với tưng bừng màu sắc và âm thanh; tự hào vì là nơi tình người vẫn thuấn nhuần trong thuần phong mỹ tục, nơi bản sắc văn hoá Mường vẫn ý nhị quấn quanh mỗi nếp nhà...
Với niềm tự hào đó, những người con của đất Mường sẽ biết cách “đánh thức” tiếng cồng chiêng, để mãi về sau, “mười hai âm sắc dân tộc” vẫn vang âm trọn vẹn giữa đất trời Hoà Bình.
Phan Anh
(HBĐT) - Tháng chạp, nước sông Đà xanh màu ngọc bích. Đứng giữa cây cầu bắc qua dòng sông khỏa tầm mắt, làng chài như một dải lụa nằm nép mình bên bờ kè phía tả ngạn thuộc tổ 4, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình.
(HBĐT) - Những ngày cuối năm, trong không khí se lạnh của tiết trời cuối đông, chúng tôi đã có chuyến rong ruổi ngược vùng cao Đà Bắc. Con đường dốc núi quanh co uốn lượn hoà trong màu xanh của ruộng, cây, màu xanh của sắc núi, trời tạo nên khung cảnh thiên nhiên chan hoà, thân thiện và hữu tình. Tiếng suối chảy róc rách, nhịp mõ gặm cỏ lốc cốc của đàn trâu ẩn hiện trong đám cây rừng, những nhà sàn ven đường thấp thoáng gợi lên nét đẹp tự nhiên của vùng cao Đà Bắc.
(HBĐT) - “Cam Cao Phong vừa thơm vừa ngọt/ Người Cao Phong vừa đẹp vừa chăm/ Hương cam thơm trong ngày lễ cưới/ Anh đón em về với Mường Thàng quê anh". Câu hát da riết trong bài Khúc ca Công ty RQNS Cao Phong của nhạc sĩ Tăng Đức Cửu như thôi thúc chúng tôi xuân này hãy về vùng đất ngọt Mường Thàng để được thả mình giữa vùng cam chín mọng và cảm nhận tình đất, tình người Cao Phong.
(HBĐT) - Cây đào trước sân nhà chợt nở bung những chồi non lộc biếc. Vậy là mùa Xuân đã về. Tạm gác những lo toan thường nhật nơi phố thị náo nhiệt tôi lại lên ăn Tết với bà con người Mông ở hai xã Hang Kia, Pà Cò, (Mai Châu).
(HBĐT) - Trong những năm gần đây, xã Tân Phong có bước phát triển mạnh, luôn đứng ở tốp đầu trong các phong trào thi đua yêu nước của huyện Cao Phong. Tân Phong đã xóa được hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10%.
(HBĐT) - Những ngày cuối năm, chuyến xe về xuôi dường như thêm phần tấp nập. Những cành đào phai, lá dong... và những bình rượu cần vàng óng đặc trưng cho ẩm thực xứ Mường cũng nườn nượp theo xe về phố. Đã từ lâu, rượu cần trở thành sản vật quý của núi rừng được cả những người dân miền xuôi yêu thích. Có lẽ không chỉ bởi mùi vị thơm nồng khó tả, rượu cần hấp dẫn lòng người còn bởi những tinh hoa trong chế biến và thưởng thức.