Cổng thành phía Tây thành cổ vẫn còn khá nguyên vẹn

Cổng thành phía Tây thành cổ vẫn còn khá nguyên vẹn

(HBĐT) - Trải qua bao thay đổi của thời gian và mưa nắng, chiếc cổng thành với màu gạch đỏ au vẫn đứng sừng sừng, hiên ngang như bất chấp mưa dập, gió vùi. Những đoạn thành đá ong lẫn trong cỏ dại dù không còn nguyên vẹn cũng đủ nói lên một thành trì vững chãi nằm án ngữ bên quốc lộ 21. Ngôi thành cổ đang rất cần sự quan tâm của các ngành chức năng để sớm có phương án bảo tồn nhằm giữ gìn một thành cổ vào loại độc nhất của tỉnh.

 

Trong tiết trời mưa bụi của những ngày đầu xuân, chúng tôi tìm về xã Cao Thắng  (Lương Sơn) để tìm hiểu về ngôi thành cổ.  Đồng chí Nguyễn Văn Tồ, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Ngôi thành có chu vi hình vuông rộng tới 40.000 m2. bốn mặt đều có hào nước lớn bao bọc. Chúng tôi ngạc nhiên khi đứng trước cổng thành phía tây tuyệt đẹp và vô cùng kiên cố. Cổng thành hình mái vòm có kích thước khá lớn với chiều ngang hơn 6m, chiều cao khoảng hơn 5 m. Những viên gạch xây cổng thành có màu đỏ, độ nhẵn khá cao do được nung kỹ,  vuông thành sắc cạnh, có kích thước 24x12x4 cm. Điều bí ẩn là trong khối gạch xây cổng ấy thi thoảng xuất hiện những viên gạch bát cùng độ dày nhưng kích thước mỗi chiều 24x24 cm. Ngay phía trong cổng thành vẫn còn những mộng đá khá lớn, dấu tích của cánh cửa gỗ to, nặng. Xung quanh thành vẫn còn hào nước rộng bao bọc. Mặt phía bắc của thành đắp dựa vào sông Huỳnh, còn ba mặt đều là hào nhân tạo. Toàn bộ tường thành xây bằng đá ong nhưng nay đã bị san lấp gần hết để lấy đất canh tác, chỉ còn vài đoạn thành ngắn khá nguyên vẹn ở gần cổng tây và cổng nam.

 

Theo đồng chí Nguyễn Văn Tồ, trước đây, trong thời kỳ chiến tranh, khu vực thành này nằm trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của kho xăng dầu T8. Mãi đến những năm 80 mới được chuyển giao cho chính quyền xã. Vì chưa được xếp hạng hay khoanh vùng bảo vệ nên hiện đang cho thuê đất trong thành... Hiện toàn bộ hào nước quanh thành đã được cắt chia ra để nuôi cá. Dạo một vòng trong thành nội, rộng mỗi chiều chừng 200m, hầu như toàn bộ đất đai đã được khai thác trồng cây ăn quả và cây lấy gỗ. Đoạn ở giữa được dùng làm vườn rau. Phần vòm của cổng thành nam đã bị phá bỏ thành biển hiệu quán đặc sản nhà vườn.

 

Để tìm hiểu hiện trạng của ngôi thành cổ, chúng tôi đã tìm gặp ông Trần Văn Sản, cán bộ coi kho của kho xăng dầu T8. ông Sản nhớ lại: Đơn vị ông được chuyển về khu vực thành cổ vào khoảng năm 1965. Khi đó, cổng thành phía tây, phía nam và hầu hết tường thành bằng đá ong đều còn khá nguyên vẹn. Cổng thành phía đông đã bị san phẳng từ lâu. Tuy nhiên, sau này khi chuyển giao cho chính quyền do không được quản lý, bảo vệ nên có một thời người dân cạy gạch ở tường thành về xây chuồng lợn, bó sân, bó nhà. Cũng theo ông Sản, trong thành cổ khi đó vẫn còn tồn tại dấu tích của 4 dãy nhà, trong đó có ba dãy nhà chạy song song theo hướng đông - tây, quay mặt phía nam, ngoại trừ phần nền móng vẫn còn những tảng đá xanh lớn kê cột và khá nhiều mảnh vỡ của gạch ngói. Nhưng sau bao nhiêu năm biến thành đất canh tác, toàn bộ dấu tích phía trong thành đã biến mất. Là một người từng công tác trong quân đội, ông Sản cho rằng, ngôi thành cổ được xây dựng ở một địa thế quan trọng, có thể xem như một căn cứ chiến lược quân sự, án ngữ con đường từ phía nam vào Hà Đông và Hà Nội.

 

Chính quyền xã Cao Thắng cho biết hầu hết nhân dân đều gọi đây là thành nhà Mạc nhưng hiện tại không còn lưu giữ được bất cứ tài liệu nào nói về ngôi thành cổ này, chính vì vậy, chúng tôi đã tìm gặp những nhân chứng sống ở xã. ông Nguyễn Đình Sán, ngoài 80 tuổi kể lại:  Đây không phải là thành nhà Mạc mà được xây dựng dưới thời vua Gia Long. Chuyện kể rằng, có một ông tướng thời Tây Sơn tên là Đinh Công Bản làm lãnh binh, người vùng này gọi là ông Lãnh, gốc ở xã Cao Phong, tỉnh Sơn Tây, sử cũ chép thuộc thôn ông Khuộn, xã Cao Đăng, huyện Chương Đức, phủ Hoài An. Sau khi Nguyễn ánh đánh dẹp nhà Tây Sơn, vợ chết, hai cha con lên một ngựa chạy về đây đổi từ họ Đinh ra họ Nguyễn, rồi chiêu tập quân lính, lập thành để bảo toàn lực lượng.

 

Từ những năm 1995, 1996, thành cổ tại Cao Thắng đã được các cán bộ Bảo tàng Tổng hợp Hòa Bình tiến hành điều tra, khảo sát, lập hồ sơ di tích. Bằng những thu thập từ nguồn tư liệu, các cán bộ bảo tàng khi đó đã cho rằng, đây là thành nhà Mạc. Năm 1998, UBND tỉnh đã ra Quyết định bảo vệ di tích số 17/198/QĐ–UB về việc bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Năm 2000, Bảo tàng tỉnh đã lập hồ sơ khoa học để trình Bộ VH-TT & DL xếp hạng di tích cấp quốc gia.

 

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng Quản lý di tích, Bảo tàng tỉnh cho biết: Mặc dù  cán bộ của bảo tàng đã nhiều lần khảo sát, thu thập và đối chiếu tư liệu nhưng vẫn chưa có một tài liệu chính thức nào có đề cập đến ngôi thành cổ ở xã Cao Thắng. Vì vậy, chưa thể kết luận là thành nhà Mạc hay thuộc về một triều đại nào khác. Hiện nay, Bảo tàng đang đề xuất với các cơ quan cấp trên để có thể tiến hành khai quật khu vực này nhằm tìm kiếm những bằng chứng thuyết phục hơn. Trong thời gian chờ đợi,  những kết luật chính thức từ cơ quan chuyên môn, những giá trị về mặt kiến trúc của ngôi thành cổ ở Cao Thắng là không thể phủ nhận, do vậy, chính quyền xã cần có biện pháp bảo vệ nhằm giữ gìn một ngôi thành cổ duy nhất của tỉnh.

    

 

                                                                                Hoàng Toản (T.T.V)

Các tin khác

Anh Nguyễn Văn Đại đã cùng hơn 100 lao động của Công ty LiLama10 từ Li-Bi về đến sân bay Tân Sơn Nhất đêm 26/2.
Trong những năm qua lực lượng công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ hàng trăm vụ buôn bá, vận chuyển ma tuý.
Cọn nước suối Chiềng, xóm Bon, xã Tân Minh(Đà Bắc) phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.
Hình ảnh, việc làm, hành động với thái độ ân cần niềm nở của những người thầy thuốc mặc áo lính đã trở thành niềm tin ở những nơi còn nghèo khó.

Thân thương màu áo trắng

(HBĐT) - Những ngày đầu xuân Tân Mão chúng tôi đến thăm Bệnh viện Đa khoa huyện Lạc Thủy khi đâu đó không khí Tết vẫn còn núi kéo lòng người thì nơi đây vẫn là không khí làm việc bận rộn của đội ngũ y, bác sỹ hết lòng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Giữ bình yên nơi đại ngàn

(HBĐT) - Ở một huyện miền núi như Mai Châu, súng săn tự chế là vật phổ biến. Trước đây, khẩu súng không chỉ mang ý nghĩa là thứ vũ khí trong bảo vệ con người trước các loại thú dữ mà còn giúp người dân săn bắn hàng ngày. Không chỉ vậy, khẩu súng còn là tài sản có giá trị. Nhưng cũng chính những khẩu súng khi được sử dụng bừa bãi đã gieo nỗi đau cho nhiều gia đình... Nhưng điều đó giờ đã chấm dứt nhờ một cuộc vận động mang đậm chất nhân văn.

Dấu ấn người lính giữa thời bình

(HBĐT - Thời gian qua với tinh thần luôn gần dân, sát dân, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhân dân, những người lính LLVT tỉnh đã phát huy vai trò xung kích, trở thành một trong những lực lượng đi đầu tích cực tham gia giúp đỡ người dân ở những vùng khó khăn phát triển kinh tế, từng bước xoá đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá mới. Họ đã đẻ lại những ấn tượng sâu đậm và rõ nét trong lòng dân.

Lên miền cao gió núi Tự Do

(HBĐT) - Ở xã Tự Do, huyện Lạc Sơn hôm nay lại là một ngày nắng ấm áp lạ thường. Nắng vàng như mật ong đổ tràn xuống thung lũng mùa xuân. Những bóng lá bên sườn non kia xanh óng ả màu ngọc bích. ở xóm Kháy (trung tâm xã), đội văn nghệ đang tập đi, tập lại bài xắc bùa rộn ràng chuẩn bị tham gia liên hoan nghệ thuật quần chúng dân tộc Mường khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông. Tiếng hát của các nam thanh, nữ tú hoà cùng tiếng cồng chiêng vang vọng bài ca ngày mới nơi vùng cao.

Mai Hịch - đêm đêm không còn tiếng “cọp trêu người”

(HBĐT) - Đến bây giờ, chúng tôi cũng chẳng hiểu và cũng chẳng thể nhớ nổi điều gì đã thôi thúc hơn chục thanh niên choai choai ở cái thời ngồi trên ghế nhà trường bậc PTTH đạp xe 80 km từ Hoà Bình lên Mai Châu trong tiết trời chớm bước vào xuân. Giờ ngẫm lại thấy mình thật ngây thơ khi cứ nghĩ lên Mai Châu mùa xuân ấy rồi về Mường.

Mùa xuân sống giữa tình yêu

(HBĐT) - Mỗi khi có dịp đi qua Kỳ Sơn, chúng tôi đều ghé thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội. Mùa xuân đang đến trong từng nhà, mùa xuân hiển hiện ở những nhịp phách của đời sống và mùa xuân rạng ngời trên nét mặt của những em thơ ở Trung tâm BTXH tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục