Từ ngày 20/8 đến 05/10 lực lượng công an huyện Mai Châu đã vận động nhân dân giao nộp 2.423/3.056 khẩu súng.
(HBĐT) - Ở một huyện miền núi như Mai Châu, súng săn tự chế là vật phổ biến. Trước đây, khẩu súng không chỉ mang ý nghĩa là thứ vũ khí trong bảo vệ con người trước các loại thú dữ mà còn giúp người dân săn bắn hàng ngày. Không chỉ vậy, khẩu súng còn là tài sản có giá trị. Nhưng cũng chính những khẩu súng khi được sử dụng bừa bãi đã gieo nỗi đau cho nhiều gia đình... Nhưng điều đó giờ đã chấm dứt nhờ một cuộc vận động mang đậm chất nhân văn.
Không thể kể hết những nỗi đau, những cái chết đáng tiếc là hậu quả của việc sử dụng súng tự chế một cách tùy tiện của người dân ở Mai Châu trong những năm qua. Theo thống kê của Công an huyện Mai Châu, trong khoảng thời gian từ năm 1996 đến nay, toàn huyện đã xảy ra hàng chục vụ đi săn bắn nhầm người và dùng súng tự chế (súng kíp) để giải quyết mâu thuẫn. Ngần ấy vụ bắn nhầm cùng đồng nghĩa với ngần ấy số người chết và bị thương. Nếu tính chung số vụ đi săn mà bắn nhầm nhau trên địa bàn toàn tỉnh còn hơn. Có nhiều vụ xảy ra rất thương tâm và đau xót như con bắn nhầm cha, anh bắn nhầm em; bạn săn bắn nhầm nhau. Thông tin mà anh bạn công tác trong ngành công an chia sẻ khi chiếc xe đang được đà nhẹ nhàng vượt dốc Thung Khe trong chuyến công tác lên huyện vùng cao Mai Châu cách đây chưa lâu làm chúng tôi thoáng giật mình. Không chỉ có vậy mà trong quá trình thực hiện chuyên án vây bắt tên tội phạm truy nã đặc biệt nguy hiểm Vàng A Khua ở xóm Hang Kia I, xã Hang Kia, một số đối tượng quá khích còn sử dụng súng kíp làm phương tiện để đe doạ lực lượng vây bắt. Lẫn trong những loạt đạn AK là những tiếng nổ đanh rền, khô khốc của loại súng tự chế làm rung chuyển núi rừng Hang Kia. Thời điểm ấy, theo thống kê của Công an huyện Mai Châu, ở 2 xã người Mông Hang Kia, Pà Cò có đến hơn 400 khẩu súng tự chế. Trong đó, xã Hang Kia có 150 khẩu, xã Pà Cò có 260 khẩu.
Còn bây giờ để tìm thấy một cây súng treo trên vách nhà làm kỷ niệm ở Mai Châu là chuyện hiếm hoi chứ nói gì đến chuyện người ta nghênh ngang đeo dao, vác súng vào rừng như trước nữa. Sự thay đổi này ở một vùng vốn được xem là “kho súng” của tỉnh này có được là “nhờ sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng cùng các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương ráo riết vận động bà con tự giác giao nộp súng tự chế theo Đề án vận động toàn dân giao nộp, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của UBND tỉnh” - Thượng tá Hà Công Cận, Trưởng Công an huyện Mai Châu chia sẻ.
Trên thực tế, việc vận động người dân giao nộp những khẩu súng không phải là chuyện đơn giản, làm trong ngày một, ngày hai. Với nhiều người dân, khẩu súng không đơn giản là vật dụng sử dụng trong bảo vệ mùa màng, trong săn bắn và trưng bày kỷ niệm mà sâu thẳm trong tâm thức truyền đời, khẩu súng đã trở thành vật gia bảo, bất ly thân. Có những khẩu súng được truyền từ đời này sang đời khác, được nâng niu cất giữ. Đó là linh hồn, niềm tự hào của cả một gia đình, dòng tộc.
Ấy vậy mà chỉ trong khoảng thời gian gần 2 tháng, tính từ ngày 20/8 - 5/10/2010, lực lượng công an huyện Mai Châu làm nòng cốt đã phối hợp với các ngành chức năng, đoàn thể, chính quyền địa phương đã vận động thu hồi được 2.423 khẩu súng các loại trong tổng số 3.056 khẩu trên toàn huyện. Tính ra, số lượng súng tự chế của huyện Mai Châu đã chiếm đến hơn 1/2 tổng lượng súng tự chế của toàn tỉnh (theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 5.886 khẩu). Thượng tá Hà Công Cận, Trưởng Công an huyện Mai Châu chia sẻ: Trong quá trình vận động, có người còn kiên quyết không giao nộp vì cho rằng đây là vật linh thiêng không thể để nó rời xa. Vì nếu giao nộp người đó sẽ bị... ma bắt tội, làm cho ốm không khỏi được. Ngoài ra, một số vấn đề về phong tục, tập quán trong sử dụng súng của người dân... Những khó khăn đó cũng đã qua, đa số người dân đã tích cực tham gia và vận động người thân giao nộp súng còn cất trong nhà. Thượng tá Hà Công Cận cũng cho biết thêm: Số súng còn lại theo thống kê chưa được giao nộp, chúng tôi sẽ tích cực vận động nhân dân giao nộp trong đợt tới.
Hết súng, có lẽ từ đây ở Mai Châu cũng sẽ tàn những cuộc săn đêm. Điều đó cũng đồng nghĩa với sẽ không còn ai phải chết oan uổng. Hết súng, từ đây, người dân Mai Châu không còn hoảng loạn, khiếp đảm khi thấy ai đó mang chúng ra để giải quyết mâu thuẫn. Khi người dân tự giác giao nộp súng tự chế cũng là khi họ nhìn thấy sự bình yên nơi mỗi bản làng và ở phía những cánh rừng xa sẽ thôi không còn khét đắng mùi thuốc súng.
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Một buổi tối tràn ngập trăng, sao (năm 2007), tôi được một người bạn trong giới hoạ sỹ mời đến Vũ Gia Sử Quán - một quán cà phê nằm sâu trong ngõ nhỏ thuộc phường Đồng Tiến (TPHB) với lời giới thiệu: Đây là quán cà phê của Hiếu “Mường”, tên thật là Vũ Đức Hiếu, dân tộc Kinh, một hoạ sỹ có những đam mê cháy bỏng đối với nền văn hoá Mường.
(HBĐT) - “Tôi nghĩ, xứ Mường Hoà Bình đã từng có một không gian văn hoá cồng chiêng đậm đà bản sắc. Dù không phải là người Mường nhưng tôi sẽ cảm thấy xót xa nếu đến lúc nào đó, chúng ta tự đánh mất đi cái gọi là không gian văn hoá cồng chiêng Hoà Bình” - Tâm sự của nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Bùi Chí Thanh dường như đã “chạm” vào trái tim của những người đang hướng về nguồn cội với một khát vọng lớn lao và chính đáng: “Đánh thức” cồng chiêng để thứ âm thanh linh thiêng của dân tộc có thể ngân vang giữa cuộc sống đương đại của người Mường Hoà Bình.
(HBĐT) - Cách đây vài năm về trước, trên bản đồ du lịch, Hoà Bình chỉ là một điểm đến chưa tạo được sức hút bởi sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, cơ sở hạ tầng đầu tư cho ngành công nghiệp “không khói” này còn chưa thoả đáng, chưa tương xứng với tiềm năng. Vì thế đã tạo ra tâm lý nhàm chán, có người dù mới chỉ lần đầu đặt chân đến đã ngao ngán: Sẽ không trở lại Hoà Bình lần thứ hai! ấy vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, diện mạo du lịch Hoà Bình đã có sự thay đổi đáng kể. Giờ đây, Hoà Bình đang trở thành một điểm đến đầy mê hoặc và cuốn hút.
(HBĐT) - Xuân đã về trên vùng cao Đà Bắc, nhưng dường như mùa đông vẫn ẩn nấp đâu đó trên những cánh đào phai ướt sẫm sương đêm. Khác hẳn với nỗi bâng khuâng của thời tiết lúc giao mùa, phiên chợ vùng cao đã ngập tràn không khí Tết. Khi trời còn tối khiến con gà lười chưa kịp cất tiếng gáy, đồng bào nơi đây đã châm đuốc, í ới gọi nhau đi họp chợ phiên.
(HBĐT) - Chúng tôi cũng không thể ngờ rằng khoảnh đất mà cách đây chưa lâu còn hoang vu, um tùm lau lách, chỉ lưa thưa vài nóc nhà mái gianh mủn mục, bạc phếch vì mưa nắng nay đã trở thành khu dân cư đông vui, trù phú với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đó là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến khu tái định cư mới Mai Sơn ở xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn).
(HBĐT) - Về thăm lại Mai Châu trong những giáp Tết, niềm vui lớn nhất đối với chúng tôi là được chứng kiến đời sống đồng bào vùng cao này đang ngày càng khởi sắc.