Một góc xóm bản ở Tự Do (Lạc Sơn) hôm nay.
(HBĐT) - Ở xã Tự Do, huyện Lạc Sơn hôm nay lại là một ngày nắng ấm áp lạ thường. Nắng vàng như mật ong đổ tràn xuống thung lũng mùa xuân. Những bóng lá bên sườn non kia xanh óng ả màu ngọc bích. ở xóm Kháy (trung tâm xã), đội văn nghệ đang tập đi, tập lại bài xắc bùa rộn ràng chuẩn bị tham gia liên hoan nghệ thuật quần chúng dân tộc Mường khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông. Tiếng hát của các nam thanh, nữ tú hoà cùng tiếng cồng chiêng vang vọng bài ca ngày mới nơi vùng cao.
Bận lo các tiết mục văn nghệ cho chị em nhân dịp biểu diễn vào cuối năm nhưng chị Bùi Thị Thêu và các thành viên của đội ở xóm Tren, xóm Chơ, xóm Trên (thuộc xóm Cối Cáo) vẫn lo làm tròn vai của người phụ nữ trong những ngày đón xuân, đón tết. Ngay từ trung tuần tháng 12 âm lịch, chị và mọi người đã vào rừng lấy lá dong về ấp ngay bể nước bên nhà để giữ được độ xanh, tươi của lá. Năm nay, cậu con trai thứ 2 có thể được đơn vị cho về ăn tết cùng gia đình. Có chàng lính trẻ về, chị vui lắm. Hai vợ chồng chị đã bàn định rồi: mọi năm, đàn lợn đặc sản người Mường nuôi sẽ đổ hết cho thương lái ở thị trấn Vụ Bản và một số nơi khác. Năm nay, con trai về ăn tết, dành một con “được mắt” nhất để ăn tết. Số ngô để chị rang thính cũng được chuẩn bị kỹ. Đồng bào Mường Tự Do ăn tết, ngoài món cá, gà nhà “trồng được”, nhất thiết phải có thịt lợn với món quen thuộc là nướng, món thịt thính, thịt chua. Lợn vừa mổ xong, pha chế, thái xong rửa sạch để ráo nước là phải trộn thính, gia vị và ủ ngay. Món này mà để lâu mới ướp, mới ủ thì mất luôn hương vị ngon của lợn đặc sản. Trong khi chị đi đãi gạo nếp (thứ gạo nếp cổ được mọi người gọi là nếp sô vì vỏ hạt thóc nếp có râu tua rua. Nếu nhà nào đồ, nấu, mùi hương ngào ngạt bay lên làm hàng xóm cũng thơm lây), các con lại bận rộn trang hoàng nhà cửa. Lúc này, những sản phẩm thổ cẩm, mặt chăn, khăn do các bà, các chị làm ra đã trở thành đồ trang trí nơi cửa voóng, bàn thờ ông bà. Sắc màu thổ cẩm xanh, đỏ, tím, nâu làm tươi mới không gian, có cảm giác như tết đã đến và xuân về trong những ngôi nhà sàn nơi đây... Chị cũng cố nhẩm lại xem còn thiếu thứ gì, thứ gì cần mua, mai lại hai vợ chồng bon xe máy ra chợ Ngọc Sơn mua sắm. Năm nay, đào Ngọc Sơn, Ngọc Lâu có nhiều cành đẹp lắm, cũng phải mua một cành để trang hoàng nhà cửa. Chị bảo rằng: Mấy năm gần đây, nhà nào, nhà nấy ăn tết đều có phần tươi tắn hơn vì có đến 30% số hộ đều nuôi được lợn đặc sản, gà nuôi vườn nhà nào cũng sẵn. Những món này, khách phương xa đến mua, có dạo không có mà bán. Gạo nếp, nhà ít cũng 15 kg, nhà nhiều dùng đến 20 - 30 kg. Không chỉ gói bánh chưng, gạo còn đồ xôi để mang đi biếu ông, bà nội ngoại và dùng trong bữa ăn thường ngày...
ở vùng cao nơi đây, dù xóm đầu xã (giáp Ngọc Lâu) với xóm xa nhất (xóm Trên, Rì giáp các xóm bản ở Thanh Hoá) cách nhau đến 20 km nhưng những ngày xuân còn duy trì được nhiều sinh hoạt mang tính cộng đồng cao. Không chỉ ở 2 làng văn hoá Mòn và Sát Thượng, 10 xóm của xã cũng có các hoạt động văn hoá - thể thao giàu bản sắc văn hoá dân tộc. Anh Bùi Ngọc Thiên, Phó Chủ tịch UBND xã Tự Do cho biết: Ngày Tết, các đoàn thể tổ chức hoạt động thể thao - văn hoá vui lắm. Xóm Mu chơi bóng chuyền; các xóm khác tổ chức bóng đá, kéo co, ném còn, đánh mảng. Ngày Tết, hầu hết phụ nữ Tự Do đều diện những trang phục dân tộc đẹp nhất, đây đều là sản phẩm do họ làm ra (cạp váy, áo cóm...). Chị Bùi Thị Thêu và anh Bùi Chí Nhin, cán bộ văn phòng cho biết: Đêm giao thừa, nhiều xóm nam đoàn viên thanh niên đi chúc Tết tập thể khắp lượt các nhà. Vào thời khắc đó có những trai bản đến chúc với bao điều chúc tốt lành, chủ nhà vui và phấn khởi lắm. Có thêm chén rượu được chưng cất từ gạo, ngô, từ nguồn nước non cao, thấy lòng lâng lâng, đồng cảm đến khó tả.
Anh Bùi Ngọc Thiên cho rằng, xã Tự Do không còn quá khổ như trước nữa. Cái ăn, cái mặc, cái ở, cái chữ đã được cải thiện đáng kể nhưng sự đi lại vẫn là điều nan giải nhất vì từ xã Ngọc Lâu vào Tự Do đường quá xấu, gồ ghề. Thanh niên đi xe máy một mình nếu không cẩn thận, tay lái non cũng có thể ngã như chơi. Khi được hỏi về điều ước mùa xuân của mình, chị Bùi Thị Thêu ở xóm Tren mong rằng, năm 2011, các xóm ở Cối Cáo có được điện lưới quốc gia để dùng. Nhà tôi dùng điện nước mi -ni nhưng dạo này nước hiếm phập phù lắm. Mong lắm con đường về Tự Do được cải tạo, nâng cấp. Cả một thời tuổi trẻ của chúng tôi phải đi trên con đường chẳng ra đường, mong thời con mình có đường thuận tiện mà đi... Quả thật, nếu không đến Tự Do, không thấy được cuộc sống của bà con trong dịp xuân này và thấy được điều ước của bà con trong thời khắc giao mùa thật đáng được lưu tâm.
Văn Tưởng
(HBĐT) - Cách đây vài năm về trước, trên bản đồ du lịch, Hoà Bình chỉ là một điểm đến chưa tạo được sức hút bởi sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, cơ sở hạ tầng đầu tư cho ngành công nghiệp “không khói” này còn chưa thoả đáng, chưa tương xứng với tiềm năng. Vì thế đã tạo ra tâm lý nhàm chán, có người dù mới chỉ lần đầu đặt chân đến đã ngao ngán: Sẽ không trở lại Hoà Bình lần thứ hai! ấy vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, diện mạo du lịch Hoà Bình đã có sự thay đổi đáng kể. Giờ đây, Hoà Bình đang trở thành một điểm đến đầy mê hoặc và cuốn hút.
(HBĐT) - Xuân đã về trên vùng cao Đà Bắc, nhưng dường như mùa đông vẫn ẩn nấp đâu đó trên những cánh đào phai ướt sẫm sương đêm. Khác hẳn với nỗi bâng khuâng của thời tiết lúc giao mùa, phiên chợ vùng cao đã ngập tràn không khí Tết. Khi trời còn tối khiến con gà lười chưa kịp cất tiếng gáy, đồng bào nơi đây đã châm đuốc, í ới gọi nhau đi họp chợ phiên.
(HBĐT) - Chúng tôi cũng không thể ngờ rằng khoảnh đất mà cách đây chưa lâu còn hoang vu, um tùm lau lách, chỉ lưa thưa vài nóc nhà mái gianh mủn mục, bạc phếch vì mưa nắng nay đã trở thành khu dân cư đông vui, trù phú với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đó là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến khu tái định cư mới Mai Sơn ở xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn).
(HBĐT) - Về thăm lại Mai Châu trong những giáp Tết, niềm vui lớn nhất đối với chúng tôi là được chứng kiến đời sống đồng bào vùng cao này đang ngày càng khởi sắc.
(HBĐT) - Tháng chạp, nước sông Đà xanh màu ngọc bích. Đứng giữa cây cầu bắc qua dòng sông khỏa tầm mắt, làng chài như một dải lụa nằm nép mình bên bờ kè phía tả ngạn thuộc tổ 4, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình.
(HBĐT) - Những ngày cuối năm, trong không khí se lạnh của tiết trời cuối đông, chúng tôi đã có chuyến rong ruổi ngược vùng cao Đà Bắc. Con đường dốc núi quanh co uốn lượn hoà trong màu xanh của ruộng, cây, màu xanh của sắc núi, trời tạo nên khung cảnh thiên nhiên chan hoà, thân thiện và hữu tình. Tiếng suối chảy róc rách, nhịp mõ gặm cỏ lốc cốc của đàn trâu ẩn hiện trong đám cây rừng, những nhà sàn ven đường thấp thoáng gợi lên nét đẹp tự nhiên của vùng cao Đà Bắc.