Ngụp lặn trong hàng ngàn mét đất đá để tìm vàng.

Ngụp lặn trong hàng ngàn mét đất đá để tìm vàng.

(HBĐT) - Nạn khai thác vàng trái phép ở thôn Lộng, xã Thanh Nông (Lạc Thuỷ) sau một thời gian tạm lắng bởi sự truy quét quyết liệt của các ngành chức năng, nay bùng phát trở lại. Mức độ khai thác có phần quy mô, tinh vi hơn nhờ sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị hiện đại. Để tận mắt chứng kiến “công trường” khai thác vàng này, chúng tôi đã có một cuộc hành trình đầy mạo hiểm vào bãi vàng Thung Voi.

 

Khoét núi tìm vàng

 

Trong vai một kẻ thất nghiệp, đang muốn xin khai thác vàng thuê để kiếm tiền, chúng tôi đã xâm nhập vào bãi vàng Thung Voi.  Men theo con đường mòn leo lên lưng chừng núi, tôi gặp một đại ca tên là Liên. Với sự nhất trí của đại ca, tôi được dẫn đi thăm quan công trường khai thác vàng Thung Voi.

 

Ấn tượng đầu tiên khi xâm nhập vào điểm nóng này là hàng trăm người cả phụ nữ, trẻ em, thanh niên cùng các phương tiện thô sơ, máy móc hiện đại đang ngụp lặn dưới các vũng nước, đào xới vách núi. Cùng với đó là những thửa ruộng bị cày xới tan hoang, vách núi bị đào khoét, tạo nên những hầm, hố sâu, là cái bẫy chết người. Tiếng máy xúc gầm rú, tiếng cuốc, xẻng chan chát, tiếng máy bơm hút nước và tiếng máy nổ phát điện rền vang khắp núi rừng. Theo quan sát của chúng tôi, tại bãi vàng có 4 chiếc máy xúc đang hoạt động hết công suất, cố ngoạm xúc liên tục đất từ những mảnh ruộng, vạt nương, lòng suối đổ vào chiếc sàng lớn để vài người dùng vòi rồng phun nước vào đãi vàng. Nhiều lán trại được dựng xung quanh bãi vàng ở những vị trí hiểm trở, khó phát hiện, có những lán trên núi, chỗ thì ẩn mình trên rừng cây, khe đá. Anh Bùi Văn Mình ở thôn Đệt, xã Thanh Nông, người đã có thâm niên nhiều năm khai thác vàng cho một đầu nậu tên là Hưng cho biết: Các chủ lò thường cho dựng lều như vậy, tránh sự phát hiện của các lực lượng chức năng và dễ phân tán, tháo chạy.

 

   

                        Ruộng nương bị cày xới tan hoang

 

Sự xuất hiện đột ngột của người lạ khiến nhiều người dừng hoạt động khai thác, những ánh nhìn sắc lẹm đầy nghi hoặc, dò xét. Để chứng minh Thung Voi đang là điểm nóng của tình trạng khai thác vàng trái phép, anh Mình dẫn chúng tôi đến những điểm nằm tận trên núi cao. Tại đây, không chỉ có ruộng nương bị cày xới, núi đá bị đục khoét, con suối chảy qua địa bàn giáp ranh với xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) cũng bị cày xới tan hoang. Việc khai thác vàng trái phép ở đây khiến con suối ô nhiễm nặng.

 

Có mặt tại bãi vàng, chị Bùi Thị Chiêm, hơn 20 tuổi ở thôn Đệt tâm sự: Đời làm vàng bạc lắm, không biết bỏ mạng lúc nào nhưng vì miếng cơm, manh áo mà phải làm thôi. Rồi chị kể: Cái nghề đào vàng sợ nhất là sập hầm mà không dính sập hầm mới là lạ, cứ khoét núi mà vào khối anh chết. Cuối năm 2009 có người ở thôn Đệt đã chết vì sập hầm đấy.

 

Lúc này, trước mắt chúng tôi là cửa hầm sâu hut hút, tối om. Bằng tất cả sự can đảm, chúng tôi theo chân một thợ vàng khoảng 20 tuổi vào hầm. ánh sáng duy nhất từ chiếc đèn pin nhỏ dẫn chúng tôi vào đường hầm sâu hun hút. Cả đoạn hầm dài không có bất cứ vật gì chống đỡ. Đến một đoạn hầm toàn đá xanh, cậu thanh niên kể: Đoạn đá xanh này bọn em phải mất cả tuần để phá đấy, phải dùng mìn cả. Làm như vậy rất nguy hiểm   vì nếu nổ mìn sẽ dễ dẫn đến    sập hầm nhưng nghe chủ lò nói sắp đến chỗ có vàng rồi nên anh em cố.

 

Vào sâu bên trong hầm, chúng tôi chợt lạnh gáy vì sự mạo hiểm. Nếu chẳng may hầm sập xuống, cả ngàn mét khối đất, đá sẽ vùi chôn vĩnh viễn tại bãi vàng này. Hầm vàng giống như con đường xuống địa ngục, tối om, ánh điện máy nổ không đủ để chiếu sáng hết đường hầm. Dưới ánh sáng mờ đục không rõ mặt người, những người thợ vẫn cặm cụi đào khoét, khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi nhưng vẫn ánh lên một sự hy vọng nhỏ nhoi để có thể thấy vàng.

 

Không chịu được sự ngột ngạt và cảm giác sợ hãi, chúng tôi phải vội vã quay ra dù chưa đi được đến tận cùng hầm vàng. Bước ra khỏi hầm, chúng  tôi thấy nhẹ cả người, như mình từ lòng địa ngục trở về.

 

Những cái chết được báo trước

 

Tại thôn Đệt, ngôi nhà xây bằng gạch còn nguyên chưa trát, rêu mốc xanh, trống hoác của anh Bùi Văn Diển, 34 tuổi. Khuôn mặt anh hiện lên những nét khắc khổ sau sự ra đi của người vợ. Ngồi thất thần, giọng nói như lạc đi khi kể về cái chết của người vợ. Anh nhớ lại: Hôm đó là ngày 27/11/2009, không hiểu thế nào sáng dậy tôi bảo vợ hôm nay nghỉ không phải đi làm, tôi đi phụ xây mãi ngoài An Phú (Hà Nội). Có người ra tận nơi gọi về bảo vợ bị tai nạn vì đi làm vàng, ban đầu tôi đâu có tin vì sáng đi làm vợ tôi còn ở nhà. Nhưng cuối cùng thì... sự việc đã xảy ra. Hai đứa trẻ con anh, đứa lớn 15 tuổi, đứa nhỏ mới lên 6, cả hai đều nhếch nhác, gầy gò, đen nhẻm. Đứa bé bị suy dinh dưỡng nên đã 6 tuổi mà nhìn nhỏ quắt, thật đáng thương.

 

Chị Bùi Thị Hảo, thôn Đệt cũng vẫn còn nhớ như in cái ngày mà chị Hà vợ anh Diển ra đi: Trưa hôm đó, ngày 27/11/2009, cả hội đang cạo đất đãi vàng, chị Hà đến, mải mê cạo bất ngờ khối đất lớn đổ ập xuống, mọi người đổ xô cứu được con trai tôi là Bùi Văn Mạnh. Khi quay lại, mọi người mới ngớ người ra khi phát hiện chiếc nón và máng của chị Hà bên cạnh đống đất, đá thì đã quá muộn.

 

Không chỉ có những cái chết mà tai nạn của những người đào đãi vàng cũng để lại cho gia đình những gánh nặng, nỗi lo. Trường hợp của chị Bùi Thị Dung, vợ anh Điền ở xóm Đệt may mắn hơn, thế nhưng chị cũng đã bị mù một bên mắt do bọn “vàng tặc” ném đá khi xâm phạm vào lãnh địa của chúng ở Thung Voi. Chị kể: Nghe thấy người trong xóm Đệt đào được hạt vàng to hơn hột ngô, hôm sau, tôi cũng lên Thung Voi để đào vàng, nào ngờ đi vào đúng bãi của mấy cai, bị bọn nó ném cho tới tấp.

 

Những số phận bất hạnh sau giấc mơ vàng không chỉ có ở riêng xóm Đệt mà cả ở xóm  Đồng Hòa 2, xã Mỵ Hòa. Nơi đây cũng không ít trường hợp bị  chết do hầm sập. Điển hình là câu chuyện về hai chị em dâu Bùi Thị Lỏn, Bùi Thị Sang. Trong một lần đào vàng, cả hai chị em đã bị đất đá vùi lại vĩnh viễn  trong lòng đất.

 

Trò chuyện với chúng tôi, chị Bùi Thị Hiến (25 tuổi) ở thôn Lộng tâm sự: Mỗi ngày công chỉ được ông chủ trả 70.000 đồng, biết là nguy hiểm lắm, để lấy được vàng phải dùng đến bao nhiêu thứ hoá chất độc hại đến cơ thể nhưng làm sao được. Không đi thì lấy gì mà ăn. Còn theo chị Dung, một “đồng nghiệp” của chị Hiến, làm nghề này, người nào may mắn có thể kiếm được 2 - 3 mảy vàng trong một ngày, song có khi cả tuần chẳng được mảy nào.

 

Nguy hiểm hơn nữa, những đứa trẻ tại thôn Lộng cũng bị cuốn theo cơn lốc vàng. Trong “đoàn quân” tí hon đãi vàng, tôi gặp em Bùi Văn Mạnh, khoảng 11 tuổi với dáng người nhỏ thó, gầy gò, đen nhẻm. Nhưng cách đãi vàng của em điệu nghệ y như một người lớn thực thụ. Mạnh bảo, có ngày em và một số bạn cũng được 10.000 đồng nhưng phần lớn là phải về không. Cậu nói giọng nghe lơ lớ: Nhà cháu nghèo lắm, không có tiền mua gạo, cháu đi mót vàng để kiếm tiền mua sách, mua quần áo mới.

 

Chính quyền bó tay?

 

Như lời Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Nông Dương Vinh Quang thì tình trạng khai thác vàng ở Thung Voi đã có từ lâu rồi. Đặc biệt là 2 năm lại đây, khi các “bưởng” mang máy móc vào khai thác ồ ạt khiến cho tình hình trở nên phức tạp: Những người khai thác vàng đều là người địa phương. Những người đi làm thuê chủ yếu do điều kiện kinh tế khó khăn, không có việc làm ổn định nên cứ đời này làm rồi lại truyền qua đời khác. Thôn Lộng vốn có nhiều mỏ vàng sa khoáng nên khi giá vàng tăng, người dân lại đổ xô đi tìm vàng. Chính quyền xã đã nhiều lần truy quét nhưng chỉ được một thời gian là đâu lại vào đấy. Hơn nữa, đường sá đi lại khó khăn, khi đoàn kiểm tra chưa vào tới nơi, họ đã bỏ chạy hết, lực lượng của xã mỏng nên rất khó giải quyết. UBND xã Thanh Nông đã kết hợp với UBND huyện Lạc Thủy vào tận nơi để giải quyết nhưng tình hình chỉ lắng xuống vài ngày rồi lại tiếp tục.

 

Ông Quang cho biết thêm: Hiện nay, tại thôn Lộng vẫn còn khoảng 5-6 đội khai thác, mỗi đội có đến chục người và mỗi ngày có đến hàng trăm khối đất, đá bị đào bới. Các “đại ca” Thảo Lĩnh, Lực Liên, Tư Năm, Hưng... đều khai thác với quy mô lớn gồm 2 máy xúc, đầu nổ, ô tô, vòi rồng...

 

Ông Bùi Mạnh Hà, Trưởng Công an xã Thanh Nông cho biết: Buổi chiều ngày 15/3, xã đã tổ chức vào bãi vàng ngăn chặn không cho khai thác, yêu cầu lấp các hố đất đã đào và đến UBND xã để làm cam kết không khai thác thế nhưng đến hết trưa ngày 16/3 vẫn không thấy đối tượng nào đến. Chúng tôi cũng không thể lúc nào cũng có mặt ở bãi vàng để ngăn chặn.

 

Thực tế hoạt động khai thác vàng trái phép đang diễn ra công khai tại Thung Voi là vấn đề cần các cơ quan chức năng địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý quyết liệt. Ngoài ra, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân mới là biện pháp hữu hiệu, lâu dài để ngăn chặn triệt để nạn khai thác vàng trái phép ở Thung Voi.

 

                                                                             Thanh Tuyền

 

Các tin khác

Cán bộ, phóng viên Báo Hòa Bình tham gia trồng ngô với nhân dân xã Vầy Nưa (Đà Bắc)
Nhân viên Khu di tích Nhà máy in tiền đầu tiên giới thiệu về ông bà nhà tư sản Đỗ Đình Thiện - Trịnh Thị Điền.
Trở về từ Libi, anh Hoàng Ngọc Thanh ở xóm Gò Chè, xã Hợp Kim (Kim Bôi) tiếp tục mưu sinh với nghề bán hàng rong.
Một cây Phay cổ thụ vừa bị lâm tặc cưa đổ.

Khám phá thành cổ ở Lương Sơn

(HBĐT) - Trải qua bao thay đổi của thời gian và mưa nắng, chiếc cổng thành với màu gạch đỏ au vẫn đứng sừng sừng, hiên ngang như bất chấp mưa dập, gió vùi. Những đoạn thành đá ong lẫn trong cỏ dại dù không còn nguyên vẹn cũng đủ nói lên một thành trì vững chãi nằm án ngữ bên quốc lộ 21. Ngôi thành cổ đang rất cần sự quan tâm của các ngành chức năng để sớm có phương án bảo tồn nhằm giữ gìn một thành cổ vào loại độc nhất của tỉnh.

Lao động trở về từ Ly-bi: Mừng - lo ngày đoàn tụ

(HBĐT) - Theo thống kê từ Sở LĐTB&XH, tỉnh ta có 44 lao động đang làm việc tại Li-bi theo hợp đồng với các Công ty xuất khẩu lao động. Theo Trưởng phòng Việc làm - ATLĐ Nguyễn Đức Tuyên, tính đến chiều ngày 2/3, Sở LĐTB&XH vẫn chưa nhận được thông báo có lao động là người địa phương từ Li-bi về.

Phòng, chống ma tuý - quyết liệt từ cơ sở

(HBĐT) - Theo thống kê của lực lượng chức năng, tính đến hết năm 2010, toàn tỉnh có 932 người nghiện có hồ sơ quản lý ở 105/210 xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, công tác đấu tranh với loại tội phạm buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma tuý trên địa bàn tỉnh vẫn còn có những diễn biến hết sức phức tạp.

Những chiếc cọn nước miệt mài giữa núi rừng Đà Bắc

(HBĐT) - Với lợi thế nhiều mặt trong phát triển KT-XH, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, đời sống của bà con huyện vùng cao Đà Bắc đang từng ngày đổi thay . Nhưng còn một góc khác có giá trị về văn hóa, về tập quán truyền thống vẫn không hề mai một mà ngày đêm đang song hành cùng người dân nơi đây tạo nên bản sắc rất riêng của Tây Bắc, đó là những cọn nước đang rì rầm bên suối, miệt mài mang dòng nước mát cho đồng ruộng. Không chỉ là nông cụ sản xuất tiện ích, những cọn nước còn là hình ảnh vô cùng quen thuộc của bản làng, nét đặc trưng của đồng bào Dao, Tày, Mường nơi đây.

Chuyện về những thầy thuốc mặc áo lính

(HBĐT) - Ân cần trong từng lời nói; nhẹ nhàng, cẩn trọng và chính xác trong từng động tác; tỉ mỉ chăm chút tới từng người bệnh... Đó chính là những điều mà người ta thường thấy ở những người thầy thuốc mặc áo lính giữa đời thường.

Thân thương màu áo trắng

(HBĐT) - Những ngày đầu xuân Tân Mão chúng tôi đến thăm Bệnh viện Đa khoa huyện Lạc Thủy khi đâu đó không khí Tết vẫn còn núi kéo lòng người thì nơi đây vẫn là không khí làm việc bận rộn của đội ngũ y, bác sỹ hết lòng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục