Trưởng xóm Cóc Bùi Văn Tiền và ông Bùi Văn Sòn chia sẻ niềm vui bên ngôi trường mới xây

Trưởng xóm Cóc Bùi Văn Tiền và ông Bùi Văn Sòn chia sẻ niềm vui bên ngôi trường mới xây

(HBĐT) - Xóm Cóc, xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) được biết đến bởi nhiều điểm đặc trưng: chưa có điện, con đường độc đạo xuống xã mấp mô, trơn trượt, thường xuyên bị cô lập vào mùa mưa. ốm đau không có cơ sở y tế để chữa trị, trẻ em đi học chữ có khi phải dậy từ sớm tinh mơ để vượt qua 4 km đường rừng ... Thế nhưng, đây lại là nơi tụ hội lòng tin của dân vào Đảng, nơi con người sống với nhau chan chứa tình yêu thương.

 

Cận cảnh xóm vùng 3 với  nhiều cái thiếu và yếu

 

Trời đã tạnh ráo suốt 2 ngày, nhưng con đường dẫn chúng tôi đến với xóm Cóc vẫn có nhiều điểm đầy thử thách. Giữ chắc tay lái, dùng cả 2 chân “bơi” trên đất để điều khiển chiếc xe mô tô chạy với tốc độ 15-20 km/h, thỉnh thoảng lại phải xuống xe để dắt bộ, ông Trần Quang Kiện, Chủ tịch Hội CCB xã Ngọc Mỹ phân trần: Làm cán bộ phong trào, chúng tôi thường xuyên đến cơ sở. Riêng với xóm Cóc, xa xôi, khó khăn là vậy nhưng có tháng chúng tôi đến đôi lần. Đi rồi mới cảm nhận hết cái khó, khổ, thấm thía nỗi thương dân và khâm phục ý chí của dân nữa. Vượt qua 8 km đường rừng, chúng tôi chọn điểm bằng phẳng nhất và có bóng râm nghỉ ngơi để không còn ngộp thở, khi nghĩ lại chặng đường mình đã đi qua.

 

Thả mắt ngắm nhìn phong cảnh núi non hùng vĩ, bao bọc lấy khu ruộng lúa bậc thang và những nếp nhà sàn thấp thoáng mới thấy hết vẻ trầm lắng, u tịch của miền sơn cước này. Chúng tôi vừa yên vị trong nếp nhà sàn cũ kỹ của ông Bùi Văn Sòn thì trưởng thôn Bùi Văn Tiền cũng có mặt. Anh xởi lởi: Các bác đi đường không quen chắc vất vả lắm! Vừa đi làm đồng về, nghe tin các bác đến thăm tôi cất đồ đạc rồi đi thẳng tới đây luôn. Cùng nhấm nháp chén trà đặc sánh, trưởng thôn Tiền sơ qua cho chúng tôi về tình hình, đời sống, sinh hoạt của người dân trong xóm. Anh bộc bạch: Không giới thiệu thì các bác cũng đã thấy rồi, đời sống của bà con còn khó khăn lắm. Đường thì có đấy nhưng chỉ có thể đi lại vào ngày nắng thôi, khi trời mưa xuống, xóm hoàn toàn bị cô lập. Vừa nói, anh vừa chỉ tay về phía gác bếp nhà ông Sòn, nơi có cả chục gói muối iốt được xếp ngay ngắn phân trần: Ở đây có rất nhiều nhà phải tích trữ muối như vậy đấy. Lúa, ngô,  rau củ hay con gà, con vịt, các nhà còn tự túc được, chứ muốn mua cân thịt, gói muối hay mì chính… phải xuống chợ mà chợ cách đây cả chục cây số liền, trời mưa gió chẳng thể kiếm đâu ra. Nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu để nuôi sống con người là vậy, còn một thứ mà người dân nơi đây vẫn luôn khao khát, thèm muốn là điện - dòng điện lưới quốc gia mà trên đài, tivi vẫn thường nhắc đến đó!  Anh Tiền đếm nhẩm trên đốt ngón tay: kể ra thì đến hôm nay cả xóm cũng có khoảng 60 hộ có tivi, quạt điện và đèn thắp sáng nhưng mỗi năm chỉ sử dụng được khoảng 4 tháng mùa mưa thôi (vì tất cả chạy bằng điện nướcv). Những tháng còn lại trong năm, các hộ gia đình lại quay trở về với ánh đèn dầu leo lét.

 

Một cái thiếu và yếu nữa là công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Giọng trưởng thôn Tiền  trở nên trầm lắng khi kể về những cái chết oan uổng của những người dân xấu số trong xóm mình. Có thể họ chỉ bị cảm, ho hay tiêu chảy..., những căn bệnh thường gặp, nếu được chữa trị kịp thời thì không có chuyện đáng tiếc xảy ra. Cái khó là ở chỗ không có y - bác sỹ và cũng không có cơ sở y tế để chữa trị kịp thời. Xóm có 1 cán bộ y tế thôn bản cũng hết sức tận tình, chu đáo với bà con nhưng đường xá đi lại khó khăn, trình độ chuyên môn cũng có hạn... nên đã có không ít người bệnh đã chết vì những căn bệnh hết sức giản đơn.

 

        

          Người dân xóm Cóc tiếp cận với nghề nuôi ong mật làm hàng hóa

 

 

Nơi sáng ngời niềm tin với Đảng

 

Nhọc nhằn là vậy, nhưng không mấy ai cảm thấy phiền lòng bởi cuộc sống của mỗi người, mỗi nhà vẫn luôn đầm ấm, vui vẻ. Khi chúng tôi đang ngồi bên bàn nước, bà Hải, vợ ông Sòn cũng vừa đi nương về. Người phụ nữ lặng lẽ ấy chỉ kịp chào khách qua loa rồi nhào luôn vào góc bếp để chuẩn bị bữa cơm trưa. Khi bếp đã đỏ lửa, nồi cơm đã cạn, bà mới bê rổ rau ra phía trái nhà ngồi nhặt và nghe chồng chuyện trò với khách. Chỉ nghe để biết  thôi chứ bà không  tham gia vào chuyện đại sự - hầu hết phụ nữ ở đây đều như vậy. Thế nhưng có một việc lớn bà đã tham gia, đó là ủng hộ chồng hiến hơn 3.600 m2 đất của gia đình để xã xây dựng lớp học. Trưởng thôn Tiền bộc bạch: Nghĩa cử cao đẹp ấy của vợ chồng ông Sòn đã góp phần tăng thêm niềm tự hào cho thôn, cho xã. Hiện tại, xóm đang có chủ trương xây dựng lớp học mầm non, chưa có vốn nhưng ông Bùi Văn Xiên, một người dân trong xóm cũng đã nguyện hiến trên 1.000 m2 đất để xây trường. Dù cuộc sống còn nghèo khó (xóm có 78 hộ đã có 58 hộ nghèo và 18 hộ cận nghèo) nhưng chỉ nghèo về vật chất thôi không nghèo tình, nghèo nghĩa. Trưởng thôn Tiền khẳng định như vậy và lấy ngay dẫn chứng: Cách đây chừng 4 năm, cũng vào mùa mưa bão như bây giờ, xóm bị cô lập đến gần cả tháng, khi đó có rất nhiều người dân đi làm ăn đã về đến xã nhưng không có cách nào để về nhà được.  Vì nóng lòng được trở về với gia đình, làng xóm mà anh Bùi Văn Quyền, một công dân của xóm đã bị dòng nước lũ cuốn trôi tại con suối Đai cắt ngang con đường về xóm. Anh Quyền ra đi để lại người vợ trẻ và 2 đứa con thơ dại. Với vai trò là trưởng xóm, anh Tiền đã đứng ra vận động bà con người góp dăm, ba chục ngàn đồng, người sách vài cân gạo, cắt cử nhau đến thăm nom, động viên giúp đỡ vợ anh, chị Bùi Thị Nhất. Mất đi người trụ cột của gia đình, cuộc sống của mẹ con chị Nhất ngày càng khó khăn hơn nhưng hầu như lúc nào chị cũng nhận được sự động viên, giúp đỡ cuả họ hàng, làng xóm. Qua sự bình bầu của bà con lối xóm, mẹ con chị Nhất đã được ưu tiên xây dựng nhà 167 để che mưa, che nắng. Ai cũng mừng cho mẹ con chị nhưng niềm vui đó ngắn “chẳng tày gang” khi ngôi nhà có nguy cơ đổ sụp vì lở đất. Một lần nữa những người dân trong xóm lại ghé vai giúp đỡ di chuyển ngôi nhà của mẹ con chị đến nơi ở mới ổn định, an toàn hơn. Đến hôm nay, chị Nhất đã có thể nở nụ cười để tận hưởng cuộc sống. nơi đây những nghĩa cử cao đẹp thể hiện tinh thần “Lá lành đùm lá rách” luôn được phát huy. Trong xóm có 4 hộ gia đình chính sách có công với cách mạng, mỗi năm vào dịp 27/7, xã lại tổ chức vận động xây dựng quỹ “Đền ơn - đáp nghĩa” và mỗi hộ đóng góp 2 công lao động giúp đỡ các gia đình chính sách này. Ngoài ra, người dân còn tham gia hết sức tích cực vào các hoạt động từ thiện như: ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, ủng hộ đồng bào bị thiên tai hay ủng hộ xây dựng quỹ “Vì người nghèo” hàng năm. ..

 

Đó chỉ là một vài trong số những công việc nhỏ huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng mà theo chúng tôi hiểu: anh Tiền - người trưởng thôn tận tụy ấy muốn nói lên rằng: dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân nơi đây vẫn vững vàng niềm tin với Đảng. Niềm tin ấy giúp người dân gắn bó với nhau xây dựng làng, xã giàu mạnh. Thật vui khi chúng tôi được biết, dù còn nhiều hộ nghèo nhưng cuộc sống của người dân luôn ấm áp sự sẻ chia. Xóm không có TNXH, tình hình ANTT luôn được giữ vững, năm 2010, xóm đã được Công an tỉnh tặng giấy khen vì có thành tích trong giữ gìn an ninh cụm xã.

 

Chia tay chúng tôi, Trưởng xóm Tiền không quên hẹn ngày gặp lại. Chỉ một thời gian nữa thôi, xóm Cóc sẽ có nhiều đổi khác. Anh khẳng định với chúng tôi như vậy. Anh đang cảm thấy phấn khởi vì năm học vừa qua, cô con gái lớn  đoạt giải nhất môn tiếng Anh trong kỳ thi học sinh giỏi các trường nội trú của tỉnh. Đó là niềm vui lớn bởi chuyện học chữ của con em xóm Cóc vẫn còn khó khăn lắm. Cho đến nay, cả xóm mới có khoảng 8 em học hết lớp 12. Hiện, xóm đang cử 2 em đào tạo y tế thôn, bản để quay về chăm sóc sức khỏe cho dân. Con đường mòn lên xóm cũng đã được Nhà nước quan tâm, lập dự án nâng cấp đảm bảo việc đi lại cho bà con. Một mai con đường rộng mở cho những chuyến xe ô tô chở nông sản, hàng hóa ngược xuôi  mang lại cho người dân cuộc sống ấm no. hạnh phúc.

 

                                                                     Thúy Hằng

 

 

Các tin khác

Ông Vi Xuân Đức, Chủ tịch UBND xã Mai Hạ chỉ cho chúng tôi biết vị trí của Đồng Uống xưa, giờ đã thành diện tích đất canh tác của người dân.
Ở tuổi 52, ông Bùi Văn Nế ( phải), xóm Khú, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn) tham gia lớp học văn hóa – nghề với mong muốn có kiến thức để làm việc và dạy dỗ con cháu.
Chị Nhuận đang kiểm tra xuất -nhập hàng hoá.
Ông Nguyễn Hồng Dương thường xuyên kiểm tra khả năng vận hành của máy xúc để đảm bảo hiệu suất công việc cao nhất.

“Ông vua” giảo cổ lam và những tri ân cuộc đời

(HBĐT) - Người ta gọi ông là “ông vua “giảo cổ lam, báo chí ca ngợi ông làm rạng danh xứ Mường, tò mò, tôi đã ngược dốc Tày Măng tìm đến xã Tu Lý – Đà Bắc để được gặp ông. Khác với mỹ từ "ông vua”, Bùi Đắc Quang, Giám đốc công ty TNHH Hoàng Tùng - người làm nên thương hiệu giảo cổ lam Ba Tri nổi tiếng thực tế là một CCB đã cống hiến hết những năm tháng tuổi trẻ cho chiến trường và với ông, tìm được giảo cổ lam đơn giản đó là cơ duyên trời ban và ông làm tất cả cũng chỉ muốn tri ân cuộc đời.

Bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường

Bài 2: Giữ gìn di sản văn hóa cho dân tộc

(HBĐT) - Không gian văn hóa cồng chiêng Mường đã khẳng định được giá trị qua chiều dài lịch sử phát triển nhưng lại đang có nguy cơ bị mai một không chỉ ở số lượng mà cả về số bài chiêng và các nghệ nhân biết đánh chiêng giai điệu. Những giá trị văn hóa cồng chiêng quý giá đó cần được bảo tồn và phát huy bản sắc trong công cuộc đổi mới và phát triển.

Bảo tồn và phát huy không gian văn hoá cồng chiêng dân tộc Mường

 

Bài 1:  Kiệt tác văn hóa  trước cơ hội lớn

(HBĐT) - Đối với người Mường, cồng chiêng không chỉ đơn thuần là nhạc cụ mà đã trở thành giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng. Không gian văn hóa cồng chiêng Mường với phương thức trình diễn độc đáo đã tồn tại và phát triển cùng lịch sử phát triển của người Mường. Kiệt tác này đang được lập hồ sơ đề cử trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Những người giữ rừng cho phố

(HBĐT) - Thành phố Hoà Bình đang đổi thay từng ngày. Những quả đồi, những bờ ruộng đang dần bị thu hẹp bởi quá trình đô thị hoá. Nhưng có hai người quyết tâm trồng, bảo vệ cánh rừng lim có hàng trăm năm nay giữa lòng thành phố. Họ mong ước cánh rừng này là lá phổi xanh cho thành phố trong tương lai.

Đà Bắc: Đã hết rồi mùa đói

(HBĐT) - Trước kia, lên Đà Bắc vào tháng 5, khi những nương ngô xanh biếc phất cờ cũng là lúc người dân ở huyện vùng cao này bước vào mùa đói. Còn bây giờ, nhìn những nương ngô xanh bạt ngàn khiến cho đồi núi trập trùng cũng trở nên trù phú, hứa hẹn một cuộc sống ấm no. Đà Bắc đã hết rồi mùa đói.

Chuyện ghi ở Cổng trời

Kỳ 2: Lớp học đặc biệt

(HBĐT) - Chuyện tự bỏ tiền ra làm đường của người dân xóm Đằng Long thì nhiều người đã biết. Nhưng hàng đêm, trong ánh đèn dầu leo lét, người dân ở đây vẫn duy trì những lớp học dạy làm người và học làm người thì không phải ai cũng biết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục