Bể biôga đã bảo đảm cho gia đình anh Nguyễn Bá Lân, xóm Trung Thành A, xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) nguồn khí đốt phục vụ cho nấu nướng, sinh hoạt.
(HBĐT) - Anh Đồng Văn Thái ở xóm Trung Thành A, xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) tâm đắc: Các anh cứ nghĩ tới cảnh nông thôn, đi làm đồng về, nắng nóng mệt mỏi phải vào bếp nhóm lửa để nấu nước, cơm, canh... Còn trường hợp ngược lại, vào bếp, bật gas lên cứ thế mà nấu nướng, còn gì hơn nào! Mấy năm nay, nhờ dự án khí sinh học mà mọi việc của gia đình anh nhàn hơn...
Tiện lắm... lợi lắm
Anh Thái tiếp tục thổ lộ: “Các em tôi ở thị trấn về chơi không tin nổi, cả năm, gia đình dùng không hết 1 bình gas mua ở cửa hàng, vì suốt năm, nấu nướng nhờ vào hầm khí biôga. Năm 2010, năm mất điện khá trầm trọng, vậy mà các con tôi vẫn đủ ánh sáng để học bài (3 đèn bóng sáng trắng như đèn măng-xông), quạt mát quay vù vù. Anh cho biết thêm: Được hỗ trợ một phần kinh phí từ dự án, cộng với nguồn kinh phí của gia đình (khoảng 3 triệu đồng), năm 2005, nhà anh đã xây bể khí có dung tích trên 9 m3 . Để nuôi nguồn khí, gia đình thường duy trì từ 5-7 đầu lợn/lứa. Trước đây, khi chưa sử dụng khí sinh học, vào hè, vợ chồng, con cái phải đi lấy củi cách nhà từ 4-5 km, bây giờ củi đuốc lấy cũng khó lắm. Nhiều hộ không có bể khí, toàn đi kiếm vỏ cây của các điểm thu gom vật liệu để làm củi đun, mỗi tháng cũng chi vào đó vài trăm ngàn đồng. Nhờ chương trình này, gia đình sử dụng khí đốt thoải mái...
Sau khi nghe anh Thái thổ lộ, chúng tôi đã được mục sở thị các công trình của anh Nguyễn Bá Lân, xóm Trung Thành B. Bật toách một cái, ngọn lửa xanh lấy từ bể biôga của gia đình bập bùng sáng đun sôi siêu nước nhỏ. Anh Lân ra chiều phấn khởi khi nói về dự định và những nỗ lực của gia đình anh từ khi làm biôga. Được dự án hỗ trợ 1,2 triệu đồng, gia đình đã đầu tư thêm để làm bể khí thuộc dạng lớn nhất xã: 20 m3. Đồng thời, anh đầu tư làm lại toàn bộ hệ thống chuồng trại chăn nuôi gồm 6 khoang nuôi lợn nái, lợn thịt, có dạo nuôi hàng chục đầu lợn. Anh phân trần, ở đây, nhà sát nhà, sát đường, nếu nuôi nhiều, lượng phân chuồng lớn chẳng biết trút vào đâu để giữ môi trường xung quanh. Nay, hàng ngày, xối nước, bao nhiêu trút hết xuống bể biôga. Tuy mức thu nhập từ chăn nuôi chưa nhiều (chỉ trên 20 triệu đồng/năm), không bằng với các hộ như anh Thuần (xóm Độc Lập), anh Phú (xóm Tân Lập) cũng là các hộ dùng bể để chứa phân, rác nhưng anh khá hy vọng vào những ngày tháng tới. Không chỉ được hưởng lợi từ nguồn khí cho việc sinh hoạt gia đình, anh còn có thêm thu nhập khi quy mô chăn nuôi được đầu tư đúng hướng...
Ngọn lửa xanh sáng gần 300 hộ
Anh Vũ Quang Trung, cán bộ KN xã, hiện được giao phụ trách dự án khí sinh học tại Hợp Thịnh cho biết: Dự án này huyện chọn xã triển khai từ năm 2003. Mới đầu chỉ một vài hộ ở các xóm Tân Lập, Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc đón nhận. Sau đó, nhờ hiệu quả thực tế, nhiều hộ ở Hợp Thịnh muốn được thụ hưởng dự án này. Nhằm góp phần vào bảo đảm chất lượng công trình bể khí, tại xã đã hình thành 1 đội thợ xây lành nghề (từng được dự án tập huấn nhiều lần) đảm trách xây bể khí trên địa bàn. Các hộ tham gia dự án được tập huấn 2 lần về quy trình, thao tác, cách xử lý bể khí, cách sử dụng khí cho sinh hoạt gia đình như thắp sáng, đun nấu, quạt mát... Thời kỳ đầu, khi giá vật liệu, công thợ chưa tăng, mỗi năm, xã đều triển khai được hàng chục hộ. Với 1 triệu đồng hỗ trợ của dự án, gia đình bỏ thêm 2-3 triệu đồng, có thể xây bể từ 8 - 9 m3. Hiện nay, do giá thành đã khác trước nên xây 1 bể cũng phải chi phí từ 6-7 triệu đồng nên số hộ đăng ký có giảm hơn trước. Dẫu vậy, từ đầu năm 2011 đến nay cũng đã có 10 hộ tham gia, trong đó, các hộ như Nguyễn Văn Sĩ (xóm Tôm), Nguyễn Thị Lý, Nguyễn Duy Thọ (xóm Tân Thịnh)... vẫn quyết tâm đầu tư vì thấy dự án có hiệu quả thiết thực cho cuộc sống người dân nông thôn. Sau nhiều năm triển khai, hiện nay, tại Hợp Thịnh đã có gần 300 hộ có bể khí biôga thuộc dự án chưa kể gần 20 hộ tự túc kinh phí thực hiện.
Anh Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã cho rằng; một xã như Hợp Thịnh có 946 hộ với 4324 nhân khẩu mà hàng năm có gần 16.000 đầu lợn, 18.000 con gia cầm, nếu không sử dụng bể khí biôga, thật khó bảo đảm vệ sinh môi trường thôn, xóm. Đây là một dự án hợp lòng dân. Được biết, Hợp Thịnh là xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới đầu tiên ở Kỳ Sơn. Với điều kiện phát triển KT-XH (tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn 3,67% (34 hộ), việc VS-MT đảm bảo cũng là điều kiện để Hợp Thịnh vươn lên mạnh mẽ hơn.
Bắt đầu từ Hợp Thịnh, dự án khí sinh học đã lan rộng tới 100% số xã, thị trấn ở Kỳ Sơn với số lượng trên 400 bể khí biôga. Các xã như Phú Minh, Hợp Thành, Dân Hạ... đang có nhiều nỗ lực để tăng thêm số hộ tham gia dự án. Chỉ có điều, với tình hình giá cả tăng cao như hiện nay, việc tham gia của các hộ khó khăn về kinh tế là cả một vấn đề cần cân nhắc, dù mong muốn có ngọn lửa xanh trong ngôi nhà của mình vẫn không hề giảm. Trong khi đó, dự án cũng đang vào hồi kết. Như vậy, việc chủ động đầu tư kinh phí của các hộ đang được đặt lên hàng đầu.
Văn Tưởng
(HBĐT) - Chỉ đến khi được nghe ông Khà Phúc Dằng, Bí thư Huyện ủy Mai Châu khẳng định: "Những vụ thảm sát xảy ra liên tiếp ở đồn Đồng Uống (xã Mai Hạ) do giặc Pháp lập trong những năm 1947 - 1949 làm khoảng hơn 100 người dân Mai Châu, Thanh Hóa và các tỉnh lân cận bị giết", chúng tôi mới dám tin đó là sự thật.
(HBĐT) - Hơn một năm nay, những ngày nghỉ cuối tuần luôn có ý nghĩa đặc biệt đối với chị Bùi Thị Lan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn). Vào những ngày này, tạm gác lại công việc Hội, không bận rộn với mùa màng, chị Lan vượt hơn 20 km đường đèo, dốc để tham gia lớp học đặc biệt nơi vùng cao Ngọc Sơn. Đó là lớp văn hóa - nghề do trường TH Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh tổ chức.
(HBĐT) - Tháng bảy, đất trời Hòa Bình như cô gái đỏng đảnh. Đang nắng chang chang là thế bỗng sập mưa. Người phụ nữ ở tuổi ngoài 40 có khuôn mặt tròn và nhân hậu ngồi bên tôi, nhìn mưa giăng giăng cứ thở dài. Chị Phạm Thị Nhuận, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Định Nhuận thổ lộ nỗi lo lắng:
(HBĐT) - Ông 72 tuổi, “Cái tuổi nó đuổi xuân đi”. Ôm trong mình nỗi đau màu da cam suốt 35 năm qua, người lính pháo binh ấy chưa bao giờ thấy mình là người bất hạnh, càng không cho rằng mình là nạn nhân khốn khổ của chiến tranh. Từ trước đến nay, ông chấp nhận mọi cái giá trong cuộc đời bởi ông luôn sống lạc quan và trái tim lúc nào cũng nghêu ngao những vẫn thơ biết hát…
(HBĐT) - Người ta gọi ông là “ông vua “giảo cổ lam, báo chí ca ngợi ông làm rạng danh xứ Mường, tò mò, tôi đã ngược dốc Tày Măng tìm đến xã Tu Lý – Đà Bắc để được gặp ông. Khác với mỹ từ "ông vua”, Bùi Đắc Quang, Giám đốc công ty TNHH Hoàng Tùng - người làm nên thương hiệu giảo cổ lam Ba Tri nổi tiếng thực tế là một CCB đã cống hiến hết những năm tháng tuổi trẻ cho chiến trường và với ông, tìm được giảo cổ lam đơn giản đó là cơ duyên trời ban và ông làm tất cả cũng chỉ muốn tri ân cuộc đời.
Bài 2: Giữ gìn di sản văn hóa cho dân tộc
(HBĐT) - Không gian văn hóa cồng chiêng Mường đã khẳng định được giá trị qua chiều dài lịch sử phát triển nhưng lại đang có nguy cơ bị mai một không chỉ ở số lượng mà cả về số bài chiêng và các nghệ nhân biết đánh chiêng giai điệu. Những giá trị văn hóa cồng chiêng quý giá đó cần được bảo tồn và phát huy bản sắc trong công cuộc đổi mới và phát triển.