Các "mẹ" ở TTBTXH tỉnh đã viết nên câu chuyện cổ tích có thật về tình yêu thương.
(HBĐT) - “Họ xứng đáng là những người được vinh danh cho những đóng góp, hy sinh của mình trong suốt 20 năm qua kể từ khi Trung tâm được thành lập cho đến nay. Họ chính là những người đã viết nên câu chuyện cổ tích có thật về tình yêu thương”. Nói về các “mẹ” tại làm công tác chăm sóc trẻ sơ sinh, ông Ngô Ngọc Thu, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội (TTBTXH) tỉnh trải lòng.
Buồn vui “nghề”... làm mẹ
Dù không nói nhiều, kể nhiều nhưng những người đã và đang làm ở Trung tâm từng ngày, từng giờ thầm lặng hy sinh cuộc sống riêng tư để nhen lên ngọn lửa niềm tin cho những mảnh đời bất hạnh. Nói như chị Nguyễn Thị Hữu thì nước mắt dành cho con đẻ, còn nụ cười dành cho các con ở Trung tâm. 13 năm làm “mẹ” ở TTTBTXH cũng là ngần ấy thời gian chị Hữu phải san sẻ tình mẫu tử cho những đứa con thiếu may mắn ngay từ khi mới sinh ra. Trong sự san sẻ ấy, các con ở Trung tâm bao giờ cũng nhận được phần nhiều.
Chẳng biết có phải là cái duyên trời định cho chị Bùi Thị Quy được nếm trải những cung bậc cảm xúc, được trao gửi trọn vẹn yêu thương bù đắp cho những thốn thốn cuộc sống.
Ôm cô con gái nhỏ dễ thương vào lòng như để truyền thật nhiều hơi ấm và tình yêu, chị Hữu rưng rưng: các cháu ở đây hầu hết là bị bỏ rơi khi vừa mới sinh ra. Có cháu còn chưa kịp đặt tên, chưa kịp ngậm bầu sữa mẹ. Tên của các cháu đều được các mẹ ở đây đặt cho. Thương các cháu, chúng tôi luôn dành hết tình cảm, sự thương yêu để bù đắp lại nỗi bất hạnh mà các cháu phải trải qua khi còn quá nhỏ.
Đến nay, tính ra các mẹ Hữu, mẹ Vân, mẹ Thắm, mẹ Hường, mẹ Diệu... đều là những người đã có nhiều năm gắn bó với Trung tâm. Các chị đã làm mẹ của hàng chục trẻ sơ sinh bất hạnh. Chị Vân chia sẻ: Chúng tôi đã trở thành người mẹ thực sự, chăm sóc các cháu ngày đêm. Bén hơi rồi, nhiều khi cũng chẳng muốn xa các cháu lâu. Có về với gia đình, về với con đẻ cũng chỉ được một chốc, một lát rồi lại vào ngay. Nghĩ đến con mình, nhiều khi cũng buồn đến thắt ruột, nước mắt chỉ trực trào. Nhưng khi thấy những nụ cười thơ ngây, ánh mắt trong veo của những đứa con còn thiếu hơi ấm của mẹ, chúng tôi lại thấy trong tim đầy ắp niềm vui.
Cổ tích về tình yêu thương
Ông Ngô Ngọc Thu, Giám đốc TTBTXH tỉnh cho biết: hiện nay, Trung tâm đang nuôi dưỡng 6 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Tính thì từ khi TTBTXH tỉnh được thành lập cho đến nay, nơi đây đã trở thành mái ấm hạnh phúc của hàng trăm trẻ sơ sinh bị bỏ rơi; hàng trăm người già cô đơn, hàng trăm trẻ mồ côi, tàn tật... Trước khi đến với Trung tâm, cháu nào cũng có một số phận buồn. Nhưng khi bước vào ngôi nhà chung, những phận người côi cút như đã cập bến đỗ yêu thương.
Đến TTBTXH lần này, tôi lại gặp chị Bùi Thị Quy, đối tượng tàn tật không nơi nương tựa được nuôi dưỡng ở Trung tâm. Vẫn cái nhìn đầy thiện cảm, vẫn rưng rưng nụ cười. Di chứng của căn bệnh liệt nửa người dường như đã hết. Hỏi chuyện về những đứa “con” được mẹ Quy nuôi dưỡng, ký ức trong tâm trí người đàn bà có khuôn mặt phúc hậu chợt ùa về với hình ảnh của cậu bé Bùi Văn Chung giờ đã trở thành con nuôi của một người nước ngoài. Với cậu bé Chung, “mẹ” Quy đã trở thành người mẹ thật sự khi cháu luôn được mẹ nâng niu từng bữa ăn, từng giấc ngủ. Được sống trong ăm ắp đủ đầy thương yêu. Thương mẹ Quy đau ốm, tật nguyền đi lại khó khăn, Chung luôn quanh quẩn bên mẹ, luôn làm mẹ vui. Cứ thế, 2 mẹ con chăm lo cho nhau từng bữa ăn, từng giấc ngủ, cùng sưởi ấm lòng nhau.
Sau Chung, mẹ Quy lại nhận nuôi bé sơ sinh Bùi Thị Hồng được đón về từ bệnh viện tỉnh, bố mẹ cháu đã bỏ rơi. Cháu Hồng ngay từ khi sinh ra đã là đứa trẻ bất hạnh khi bị lây HIV từ mẹ. Nhưng bằng chính sự yêu thương chăm sóc của người mẹ tật nguyền này như có phép lạ. Chỉ sau vài tháng, bé Hồng đã bước qua được cánh cửa của thần chết. Các xét nghiệm sau đó đã chứng minh cháu không còn HIV. Niềm vui ngọt ngào đó vỡ oà trong nước mắt mẹ Quy và các mẹ ở Trung tâm. ở với bé Hồng được 9 tháng, mẹ Quy lại thêm một lần giấu những giọt nước mắt buồn khi đưa bé về với gia đình bố mẹ nuôi ở Ninh Bình.
Giờ đây, nỗi nhớ các con cũng đã vơi dần, mẹ Quy lại có được niềm vui bên cậu bé Bùi Văn Bình và cháu Nguyễn Thị Hương. Cả 2 là trẻ tàn tật, Bình bị mắc chứng bệnh não úng thủy còn Hương thì bị mắc hội chứng down từ nhỏ. Dẫu vậy cả 2 đều luôn mang lại niềm vui cho “mẹ” Quy với những bài hát được các cô, các bạn ở Trung tâm dạy. Còn tuyệt vời hơn, khi ở bên “mẹ”, từ một cậu bé chỉ nằm một chỗ, đến nay, Bình cũng đã tự đi được trên đôi chân của mình dù chỉ là những bước đi chập chững, run rẩy. Nhưng với “mẹ” Quy và các cô ở Trung tâm thì đây là một phép màu.
Chia tay các em thơ, tạm biệt các “mẹ”, chúng tôi không khỏi lưu luyến. Mong cho những mảnh đời côi cút sẽ tìm được bến đỗ bình yên; mong cho những mơ ước sẽ trở về hiện hữu như chính niềm hy vọng từ trong trái tim của họ. ở phía bên kia cánh cổng sắt, trái ngược với cuộc sống ồn ã, sôi động những câu chuyện cổ tích có thật về tình yêu thương vẫn đang tiếp tục được viết nên bởi những con người bình dị, những tâm hồn bình dị với trái tim nhân hậu và tình yêu thương cao cả.
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Cao Phong vào vụ cam mới ngọt ngào đầy ắp niềm vui. Suốt dọc đường thị trấn nhuộm vàng sắc cam. Nắng ấm đầu đông chan hòa, ấm áp đem lại những vườn cam trĩu quả vàng xuộm. Thương lái mua hàng rộn rã. Vùng cam hàng hóa đang hình thành. Chất lượng, uy tín, thương hiệu cam Cao Phong được nâng lên và khẳng định vị trí hơn trên thị trường. Cam vàng nặng trĩu được mùa, được giá đang trả nghĩa mồ hôi, công sức người vun trồng.
(HBĐT) - Một nắm ngô từ bàn tay người thanh niên được tung lên, chưa kịp chạm mặt đất, hàng ngàn con gà lông óng vàng, mượt mà từ đâu lao đến quây lấy chủ. Phía bên có đến cả trăm chú lợn rừng lai với lợn bản địa mũm mĩm to có, nhỏ có từ trong các lùm cây, trên những vách đá nhọn hoắt lao về bu lấy hàng rào dây thép cạnh trại gà... Đó là khung cảnh án tượng khi chúng tôi đến thăm gia đình anh Khương Đức Thụ ở xóm Sèo, xã Cao Sơn (Đà Bắc).
(HBĐT) - Trong màn đêm dần buông, dọc những đường mòn bên sườn núi, ánh đèn pin soi đường cho những đôi chân quanh năm quẩn quanh với ruộng vườn. Từ các ngả đường, người dân xóm Cạn 2, xã Xuân Phong (Cao Phong) đổ về nhà văn hóa, nơi những người làm chiếu bóng thuộc Trung tâm Điện ảnh Băng hình tỉnh chiếu phim phục vụ.
(HBĐT) - Cũng có dáng vẻ lam lũ, hiền lành, chất phác như bao người nông dân ở xứ Mường Bi. Cũng lăn lộn với đồng đất quê hương, với từng hạt lúa, củ khoai. Nhưng ở ông lại có một điều đặc biệt. Đó là tình yêu, đam mê với các giống lúa, ruộng đồng. Với tình yêu và niềm đam mê đó, ông đã lai tạo, phục tráng thành công nhiều giống lúa chất lượng cao phù hợp với điều kiện đồng đất quê mình. Nhiều người vui miệng bảo ông là “kỹ sư” lúa. Đó là ông Bùi Cao Tường ở xóm Cộng 3, xã Quy Hậu (Tân Lạc).
(HBĐT) - Khi ở quê nhà, nghề làm trống đã trở nên khó cạnh tranh và muốn gìn giữ nghề gia truyền của tổ tiên để lại, anh đã cùng với vợ con lên vùng đất Hòa Bình để sinh cơ, lập nghiệp.
(HBĐT) - Còn nhớ, nhân kỷ niệm cách mạng Tháng Mười Nga cách đây vài năm, khán giả VTV lần đầu được biết tới bài hát “Tiếng Nga mãi cùng ta” do 2 giảng viên trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, 2 nhạc sĩ nghiệp dư: Phan Văn Bích và Lê Văn Nhân trình bày. Giai điệu thiết tha cùng ngôn từ trong sáng, dễ cảm nhận, bài hát đã được nhiều khán giả yêu thích, nhất là những người từng học, từng yêu tiếng Nga một thời.