(Ảnh minh họa)
(HBĐT) - Tôi đã nhiều lần đến với xã vùng cao Lũng Vân (Tân Lạc) nhưng chưa một lần được ngắm mùa hoa đào nở. Chỉ thấy những người bạn xuýt xoa: Đẹp lắm, nên thơ lắm! Lần này, tôi chọn đúng mùa xuân để ngược dốc lên với vùng đất mộng mơ, quyến rũ này.
Xe chúng tôi rời thị trấn Mường Khến khi ánh bình minh đã sóng sánh dội về. Vậy mà đi suốt chặng đường gần 30 km, đến địa phận xã Lũng Vân, những giọt sương lười biếng vẫn chưa chịu nhường chỗ cho ánh nắng ban mai. Sương mờ bảng lảng trên những ngọn cây che khuất những nếp nhà sàn yên ả, dưới thung lũng sương ken đặc tựa như nồi bánh chưng ngày tết mới được mở vung đang bốc hơi nghi ngút. Bước xuống xe để ngắm sắc đào trong sương sớm, ai nấy đều thoáng chợt rùng mình bởi cảm nhận được cái lạnh đến thấu xương. Chị Bùi Thị Thương, Chủ tịch MTTQ huyện Tân Lạc giới thiệu: đỉnh Thung Mây này cao 1.200 m so với mặt biển đấy và được ví như nóc nhà của Mường Bi. ở đây sương mù bao phủ quanh năm và nhiệt độ chênh lệch so với vùng thấp khoảng 5-6oC nên mùa hè luôn mát mẻ, còn mùa đông và mùa xuân thì tiết trời luôn lạnh giá. Có lẽ cũng vì vậy mà người Mường Bi chúng tôi còn hay gọi địa danh Lũng Vân bằng một cái tên khác là Mường Chậm.
Gọi là Mường Chậm nhưng nhịp sống của người dân lại không hề chậm chạp, tuy không đến mức hối hả. Hơn 450 nóc nhà nằm rải rác ở 12 xóm, ngăn cách bởi núi non trông có vẻ rời rạc nhưng thực tế họ được gắn bó với nhau bằng sợi dây của tình đoàn kết. Dưới sự dẫn dắt của cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể, người dân luôn góp sức, chung tay xây dựng cuộc sống mới. Tiếp chuyện chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Lũng Vân Hà Đức Thọ bộc bạch tâm tình: Những năm 2000 trở về trước, quả thật hễ nhắc đến Lũng Vân hay Mường Chậm là người ta nghĩ ngay đến một vùng đất xa xôi, hẻo lánh, sống biệt lập và nghèo khó. Cũng đúng thôi, bởi có lúc cả xã có tới 60% hộ nghèo, nếp sống tự cấp, tự túc đã cản trở con đường phát triển kinh tế, xã hội ở nơi này. Cho đến năm 2000, được Nhà nước triển khai Chương trình 135, đường giao thông, trạm y tế, trường học được xây dựng khang trang và mừng nhất là dòng điện lưới quốc gia được kéo về thắp sáng núi rừng. Có thêm chợ trung tâm cụm xã làm chỗ giao thương mua bán các mặt hàng giữa miền ngược với miền xuôi, cuộc sống của chúng tôi như được tạo đà để vươn dậy. Mừng hơn cả là từ con lợn, con gà đến hạt bắp, củ khoai người dân làm ra đều trở thành hàng hóa. Đặt niềm tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ KH -KT vào thâm canh tăng vụ để xóa đói, giảm nghèo. Hôm nay, dù chưa xóa hết những khó khăn, nhọc nhằn nhưng cuộc sống của người dân đã được gọi là tạm ổn. Từ năm 2007, Lũng Vân đã mạnh dạn xin rút tên ra khỏi danh sách những xã thuộc diện vùng 135 của tỉnh. Nhắc đến chuyện này, gương mặt ông Hà Đức Thọ thoáng nở nụ cười: Thực ra cuộc sống của dân mình cũng chưa khá lắm đâu nhưng được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ như vậy là đã có được nền tảng cơ bản rồi. Mình phải nắm lấy cơ hội ấy để động viên nhân dân tự lực vươn lên thôi, còn nhường cho nơi khác chứ. Xem đài, báo, chúng tôi biết rằng ngay ở tỉnh Hòa Bình mình thôi cũng còn nhiều nơi khó khăn lắm. Nghe giọng nói, cách nói của một người đứng đầu xã đã thấy cảm giác ấm áp, dung dị, chúng tôi như được cởi mở tấm lòng để tìm hiểu rõ hơn về vùng đất, con người nơi đây.
Ngồi trong trụ sở UBND xã hướng tầm mắt về phía xa xa chỉ thấy núi đồi và sương mờ bao phủ. Hương xuân dội về làm chúng tôi có cảm giác muốn đi về phía những bản làng để ngắm hoa đào nở, thứ hoa được biết đến như một niềm kiêu hãnh ở vùng núi rừng này. Thật bất ngờ khi có một chàng trai mới ngoài 30 tuổi, nhìn bề ngoài không những không có vẻ lãng mạn mà còn mộc mạc, chân chất đến không ngờ lại có thể giới thiệu với chúng tôi về hoa đào một cách rành rọt đến vậy. Chàng trai ấy có tên Hà Công Năm, cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã. Trả lời những câu hỏi của chúng tôi bằng chất giọng tâm tình, anh Năm như thả hồn vào với không gian và thời gian đi từ quá khứ đến hiện tại rằng: đào Lũng Vân không biết có tự bao giờ, chỉ biết rằng khi tết đến, xuân về, hoa đào nở làm bừng sáng cả không gian vốn âm u như là tên gọi Lũng Vân - Thung Mây. Đào là một loài hoa quý, vừa dân dã lại vừa vương giả - người ta bảo thế. Với riêng tôi, cứ mỗi lần ngắm hoa đào nở tôi lại có được niềm vui khôn tả. Tôi có mấy năm xa nhà đi làm nghĩa vụ quân sự, có những tết không được về quê, ngắm hoa đào xuân ở đơn vị mà cảm nhận nỗi nhớ đến nao lòng. Cũng là hoa đào nhưng tôi thấy đào quê tôi sao đẹp quá, đẹp từ cái gốc to xù xì đến những cành khẳng khiu nhưng đầy sức sống, cánh hoa mỏng manh màu phớt hồng dịu dàng, e ấp. Đó chỉ là những nét chấm phá cơ bản trong trí tưởng tượng của tôi thôi, còn đào Lũng Vân phải có tới trên 5 loài với những tên gọi khác nhau như: đào vôi (màu hoa đo đỏ), đào mèo (cánh hoa phớt hồng), đào khách (cánh hoa dày, nhiều lớp, mọc nhiều ở thung lũng, đồi nương), đào tiên (với nhiều cánh nhỏ li ti) và đào Pháp (màu hoa đỏ và quả cũng đỏ)... có loài hoa nở sớm nhưng cũng có loài phải đợi đến giêng hai mới bắt đầu khoe sắc, bởi vậy, ngay từ lúc vào xuân đến khoảng thời gian chuyển giao sang mùa hạ, nơi đây vẫn luôn thắm sắc hoa đào.
Mấy năm nay, đường sá đi lại thuận tiện nên hoa đào về xuôi nhiều lắm. Đào Lũng Vân đã vươn cánh khoe sắc ở muôn nơi nên những cành đào ở nơi đây cũng dần trở nên thưa thớt. Trước kia đào mọc tự nhiên nhưng đến nay, người dân đã phải ươm cành để gây giống. Có nhà trồng dăm, mười cành, có nhà trồng 40-50 cành đào để tết về biếu xén và làm hàng hóa gửi về miền xuôi.
Ngắm cánh hoa đào khoe sắc, qua lời giới thiệu của người dân bản xứ, chúng tôi cảm thấy dâng tràn một tình yêu tha thiết với con người, cảnh vật nơi đây. Tất cả thật thanh bình, tinh khiết, không chút bon chen. Trong gian khó, người dân giúp đỡ, sẻ chia cùng vươn lên để có một cuộc sống thật hài hòa. Cho đến nay, Lũng Vân vẫn tự hào là một cộng đồng dân cư thuần khiết, chưa bao giờ có TNXH. Dù đời sống vật chất chưa cao nhưng đến nay, 85% hộ gia đình trong xã đã được công nhận đạt tiêu chuẩn văn hóa, 7/12 khu dân cư đạt danh hiệu làng văn hóa. Hiểu rõ hơn về cuộc, nếp sinh hoạt của người dân trong sự giao hòa trời đất, chúng tôi thấy như sắc đào chốn Thung Mây ngày càng tươi thắm.
Ghi chép của Thúy Hằng
(HBĐT) - Để bù đắp những hy sinh nhà cửa, ruộng vườn của người dân vùng hồ sông Đà vì dòng điện của Tổ quốc, Đảng và Nhà nước đã triển khai Dự án ổn định dân cư phát triển KT-XH các xã vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà đã kết thúc 2 giai đoạn. Hiện nay đang tiếp tục triển khai giai đoạn 3, hướng tới mục tiêu giải quyết căn bản những khó khăn, phát triển KT-XH các xã vùng chuyển dân bền vững, nâng cao mức sống người dân vùng hồ.
(HBĐT) - Cao Phong vào vụ cam mới ngọt ngào đầy ắp niềm vui. Suốt dọc đường thị trấn nhuộm vàng sắc cam. Nắng ấm đầu đông chan hòa, ấm áp đem lại những vườn cam trĩu quả vàng xuộm. Thương lái mua hàng rộn rã. Vùng cam hàng hóa đang hình thành. Chất lượng, uy tín, thương hiệu cam Cao Phong được nâng lên và khẳng định vị trí hơn trên thị trường. Cam vàng nặng trĩu được mùa, được giá đang trả nghĩa mồ hôi, công sức người vun trồng.
(HBĐT) - Một nắm ngô từ bàn tay người thanh niên được tung lên, chưa kịp chạm mặt đất, hàng ngàn con gà lông óng vàng, mượt mà từ đâu lao đến quây lấy chủ. Phía bên có đến cả trăm chú lợn rừng lai với lợn bản địa mũm mĩm to có, nhỏ có từ trong các lùm cây, trên những vách đá nhọn hoắt lao về bu lấy hàng rào dây thép cạnh trại gà... Đó là khung cảnh án tượng khi chúng tôi đến thăm gia đình anh Khương Đức Thụ ở xóm Sèo, xã Cao Sơn (Đà Bắc).
(HBĐT) - Trong màn đêm dần buông, dọc những đường mòn bên sườn núi, ánh đèn pin soi đường cho những đôi chân quanh năm quẩn quanh với ruộng vườn. Từ các ngả đường, người dân xóm Cạn 2, xã Xuân Phong (Cao Phong) đổ về nhà văn hóa, nơi những người làm chiếu bóng thuộc Trung tâm Điện ảnh Băng hình tỉnh chiếu phim phục vụ.
(HBĐT) - Cũng có dáng vẻ lam lũ, hiền lành, chất phác như bao người nông dân ở xứ Mường Bi. Cũng lăn lộn với đồng đất quê hương, với từng hạt lúa, củ khoai. Nhưng ở ông lại có một điều đặc biệt. Đó là tình yêu, đam mê với các giống lúa, ruộng đồng. Với tình yêu và niềm đam mê đó, ông đã lai tạo, phục tráng thành công nhiều giống lúa chất lượng cao phù hợp với điều kiện đồng đất quê mình. Nhiều người vui miệng bảo ông là “kỹ sư” lúa. Đó là ông Bùi Cao Tường ở xóm Cộng 3, xã Quy Hậu (Tân Lạc).
(HBĐT) - Khi ở quê nhà, nghề làm trống đã trở nên khó cạnh tranh và muốn gìn giữ nghề gia truyền của tổ tiên để lại, anh đã cùng với vợ con lên vùng đất Hòa Bình để sinh cơ, lập nghiệp.