Cán bộ, chiến sỹ Đoàn 565 thi công công trình bạt xả bờ phải sông Đà phục vụ xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. (ảnh: T.L)
(HBĐT) - Anh hùng Lao động Trần Văn Cường năm nào, giờ đã lên chức ông và là Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi TP Hòa Bình. Nhắc lại thời kỳ xây dựng thủy điện Hòa Bình, những kỷ niệm gian khó nhưng đầy vinh quang khi được tham gia thi công công trình thủy điện tràn về ngập lòng, ông chia sẻ: Những người lính Đoàn 565 mang theo truyền thống bộ đội Trường Sơn chắc tay súng năm nào luôn tự hào được hy sinh, cống hiến xây dựng công trình Thủy điện Hòa Bình, công trình mang dấu ấn, tầm vóc thời đại.
Anh hùng Trần Văn Cường kể: Ngày 5/11/1980, Bộ Tổng tham mưu giao nhiệm vụ cho Đoàn 565 - Binh đoàn 12 tham gia thi công công trình thủy điện Hòa Bình. Đây là công trình có quy mô lớn, nhiều hạng mục được triển khai đồng thời với nhiều ngành kỹ thuật, điều kiện thi công vô cùng phức tạp, tiến độ đòi hỏi khẩn trương theo các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng nghiêm ngặt. Tháng 12/1980, Đoàn 565 hành quân về nước để cùng 4 vạn công nhân Việt Nam và hàng nghìn chuyên gia Liên Xô xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Lực lượng Đoàn 565 khi ấy gồm 2 trung đoàn 514, E 39 và một số tiểu đoàn, đại đội trực thuộc. Khi nhận nhiệm vụ tham gia thi công một số các hạng mục công trình thủy điện, những người từ nước bạn Lào trở về đứng trước muôn trùng khó khăn, thử thách. Kinh nghiệm công trường, trang thiết bị thi công công trình công nghiệp lớn hầu như chưa có gì. Đoàn 565 có được là một tập thể đoàn kết thống nhất, truyền thống xẻ dọc Trường Sơn, không chùn bước trước khó khăn, gian khổ đi đánh Mỹ của các thế hệ đàn anh đã gây dựng, vun đắp, là trách nhiệm vinh dự lớn lao được cống hiến và hy sinh cho công trình mang tầm vóc thế kỷ, cho dòng điện của Tổ quốc tỏa sáng muôn nơi. Lời hứa trước lá cờ đỏ sao vàng, ánh sáng dòng điện có lẽ là động lực thôi thúc cán bộ, chiến sỹ Đoàn 565 vừa nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Trong khó khăn, thiếu thốn, Đoàn 565 nhanh chóng ổn định nơi đóng quân, vừa bắt tay tham gia thi công trên công trường. Đúng mồng 2 tết năm 1981, cán bộ, chiến sỹ Đoàn 565 ra quân đào kênh bờ phải - là điểm nóng trên công trường để phục vụ cho chiến dịch ngăn sông Đà đợt 1 vào năm 1983. Sắc cờ tổ quốc chảy trong tim, khí thế hừng hừng, những người lính 565 bắt tay vào sẻ núi, đào hào không kể ngày đêm. Tinh thần, nghị lực được phát huy cao độ trong điều kiện sinh hoạt, cơ sở vật chất thiếu thốn trăm bề. Anh em tới công trường từ mờ sáng, đến tối mịt mới về nơi nghỉ. Tất cả đều thiếu ngủ nhưng được tham gia khói bụi công trường lại tỉnh như sáo. Vừa khoan nổ mìn trong núi đá, khói bụi chưa ngớt đã lao vào xem kết quả như thế nào. Từ một đơn vị chuyên gia giúp bạn Lào trong những năm chiến tranh, chuyển sang xây dựng cầu, đường, khai thác, chế biến gỗ của những năm đầu đất nước giải phóng nay tham gia xây dựng công trình thế kỷ, được tiếp xúc, sử dụng trang thiết bị hiện đại không khỏi bỡ ngỡ, lúng túng. Vừa làm, vừa học, học ngay trên công trường, học tại các hội nghị giao ban sản xuất, học tác phong công nghiệp của cán bộ, kỹ sư, chuyên gia nước bạn, cán bộ, chiến sỹ 565 đã có sự trưởng thành vượt bậc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều nguời trở thành công nhân xuất sắc trên công trường. Đồng chí Trần Văn Cường rèn luyện và trưởng thành trong quá trình tham mưu chỉ đạo đoàn 14, được phong tặng quân hàm đại tá, giữ cương vị Trung đoàn trưởng Đoàn 565.
Ngoài nhiệm vụ đào, vận chuyển đất đá ở kênh bờ phải, Đoàn 565 đã tham gia nhiều hạng mục đòi hỏi tiến độ đặc biệt nhanh, kỹ thuật cao như đào kênh bờ phải, trạm nạp nhiên liệu cơ sở 500 xe, bãi rửa xe, kho xăng dầu, trạm lắp ráp liên hợp, xưởng cưa mở rộng, các đường công nghiệp phục vụ chuyên gia Tháng 4/1983, đoàn đường hầm (Trung đoàn 14 được thành lập) để thực hiện nhiệm vụ khoan đào hầm. Trong 5 năm (1984-1988), Đoàn 565 cùng cán bộ, công nhân và chuyên gia Liên Xô đã thực hiện 3 chiến dịch lớn đó là: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đổ bê tông 2 hầm xả lũ số 1 và 2, phục vụ mục tiêu quan trọng là ngăn sông Đà đợt 2 thắng lợi (1985 - 1986); thi công đào hầm chạy đua với chiến dịch cao độ 81 hay là chết phục vụ chống lũ năm thắng lợi (năm 1987n). Đặc biệt, năm 1988, cán bộ, chiến sỹ Đoàn 565 đã lao động ngày đêm bất chấp nguy hiểm, độc hại, khó khăn tất cả phấn đấu cho ngày phát điện tổ máy số 1 đúng tiến độ rồi tiếp tục đưa tổ máy số 2 - số 8 phát điện theo đúng kế hoạch.
Trong 15 năm xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình, Đoàn 565 đã khoan đào được 6.895 m đường hầm, đường kính từ 1,5 - 2,5 m, đổ bê tông 280.500 m3, xây dựng 37.680 m3 gạch đá các loại; thi công 11 km đường ô tô, xây 17.200 m2 nhà các loại. Đặc biệt cán bộ, chiến sỹ Đoàn 565 đã lập 2 kỷ lục khoan đào hầm trên công trường đạt 42 m /tháng, 56 m/tháng. Thi công trong điều kiện khó khăn và sức ép cao nhưng hầu hết các công trình đều đạt và vượt tiến độ thi công từ 2-7 ngày, có công trình vượt tiến độ tới 15 ngày. Các công trình đều bảo đảm chất lượng cao, mỹ thuật đẹp được chuyên gia Liên Xô biểu dương tại hội nghị giao ban trên công trường và được Bộ Xây dựng tặng 3 Huy chương vàng là tổ hợp chống thấm trại nhãn nhà máy (15/7/1992); tuyến năng lượng Nhà máy (17/7/1992), công trình cơ sở nhà du lịch thợ lặn (29/4/1995).
Từ công trình này, Đoàn 565 đã đào tạo trên 700 thợ khoan đào và xây dựng, huấn luyện 3.700 tân binh thành chiến sỹ thi công thành tục, tiếp cận nhanh chóng và làm chủ KH -CN tiên tiến trong thi công các dự án công nghiệp và dân dụng. Những thành tích nỗ lực đóng góp trên công trình thế kỷ, năm 1989, Đoàn 565 và cá nhân đại tá Trần Văn Cường được Đảng và Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Lê Chung
(HBĐT) - Cùng với thời gian, cây cam đã thể hiện được sức sống mãnh liệt trên mảnh đất Cao Phong ngọt lành. Sự gắn kết giữa cây và đất, giờ đây đã mật thiết đến độ khi nhắc đến mảnh đất Cao Phong không thể không nhắc đến sản vật đặc trưng nhất của nơi này: cây cam với vị ngọt thơm đặc biệt được kết tinh từ đất - nước - nắng - gió Cao Phong.
(HBĐT) - Lâu rồi chúng tôi mới lên thăm lại Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (BQL KBTTN) Phu Canh. Trong cái nắng hanh hao cuối thu, những cánh rừng vẫn xanh thẫm, ôm ấp các bản làng của đồng bào Dao, Tày, Mường, che chở cho những ruộng bậc thang đang vào vụ thu hoạch. Anh Đào Hữu Lợi, Trưởng BQL đón chúng tôi với nụ cười rất tươi: Các anh lên thật đúng dịp. Những cánh rừng Phu Canh đang hồi sinh.
Bài 2: Cần sớm được nâng tầm để phát huy giá trị
(HBĐT) - Từ nhiều năm nay, quần thể di tích Thác Bờ đã thực sự trở thành điểm nhấn sắc nét cho tuyến du lịch vùng lòng hồ sông Đà (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định là điểm du lịch quốc gia trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030). Nhưng đến thời điểm hiện tại, cụm di tích Thác Bờ vẫn chưa được quản lý một cách chặt chẽ, có hệ thống. Từ đó đã nảy sinh tình trạng lộn xộn, mất ANTT trong từng di tích mà nếu không trấn an kịp thời sẽ có sự tác động ngược trở lại với những giá trị lịch sử văn hóa vốn có.
(HBĐT) - Đến xã vùng hồ Tân Dân (Mai Châu) mới thấy những gian nan trong cuộc sống mưu sinh của bà con. Giao thông cách trở, thu nhập vừa thấp, vừa phập phù kéo theo những khó khăn khác khiến công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) ở đây như một cuộc “leo núi” mà đích đến còn xa vời vợi.
(HBĐT) - Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có trên 1.000 nghề truyền thống, làng có nghề với 3 nhóm nghề truyền thống: dệt thổ cẩm, mây, tre đan và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Với mục tiêu bảo tồn, xây dựng và phát triển được các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống có tiềm năng lợi thế, tạo thành các sản phẩm bản sắc, có giá trị văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc trong tỉnh, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11 về phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020. Đây được xác định là hướng mở để tỉnh phát triển các ngành nghề nông thôn.