Cán bộ kiểm lâm BQL Khu BTTN Phu Canh thường xuyên kiểm tra đánh giá hiện trạng rừng để xây dựng phương án quản lý, bảo vệ phù hợp.
(HBĐT) - Lâu rồi chúng tôi mới lên thăm lại Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (BQL KBTTN) Phu Canh. Trong cái nắng hanh hao cuối thu, những cánh rừng vẫn xanh thẫm, ôm ấp các bản làng của đồng bào Dao, Tày, Mường, che chở cho những ruộng bậc thang đang vào vụ thu hoạch. Anh Đào Hữu Lợi, Trưởng BQL đón chúng tôi với nụ cười rất tươi: Các anh lên thật đúng dịp. Những cánh rừng Phu Canh đang hồi sinh.
Rừng xanh xào xạc
Vâng! Nói theo cách của anh Đào Hữu Lợi, rừng Phu Canh quả thật đang hồi sinh sau một trận “bão rừng” làm cho những cánh rừng Bưa Phay và cả xóm Thầm Luông, xã Đoàn Kết (Đà Bắc) xào xạc. Cách đây hơn 3 năm (năm 2011), khi đó, chúng tôi lên KBTTN Phu Canh để viết bài về việc hơn 100 người dân các xóm Thầm Luông, Lăm (xã Đoàn Kết), Nà Bò (xã Tân Mai - Mai Châu), Chen (xã Yên Sơn Thanh Sơn Phú Thọ) nghe theo lời kẻ xấu kéo nhau vào khu vực rừng Bưa Phay để chặt hạ những cây gỗ phay hàng trăm năm tuổi. Tiếng cưa máy rền vang cả khu rừng trước sự bất lực của lực lượng kiểm lâm khi đó. Do địa hình đồi núi hiểm trở, những người chặt phá rừng chia thành từng nhóm nhỏ, cử người canh gác, thậm chí có cả cán bộ xóm tham gia nên lực lượng kiểm lâm rất khó để tiếp cận, tuyên truyền, ngăn chặn.
Huyện Đà Bắc đã phải huy động các lực lượng gồm quân đội, công an, kiểm lâm, các ngành chức năng vào cuộc để ngăn chặn, truy quét những nhóm chặt phá rừng Bưa Phay. Thế nhưng cũng phải mất hơn 3 tháng (từ tháng 5 7/2011), lực lượng chức năng mới ngăn chặn hoàn toàn phá rừng. Hơn 100 đối tượng được công an, kiểm lâm gọi hỏi, điều tra, củng cố hồ sơ. Tòa án nhân dân huyện Đà Bắc đã phải mở tới 9 phiên tòa mới xét xử hết tội danh của 63 bị cáo về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng xảy ra tại khu vực Bưa Phay, khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh. Nhờ chính sách khoan hồng của Nhà nước nên các bị cáo được hưởng án treo, trong đó, mức án cao nhất 36 tháng và thấp nhất 9 tháng. Số tiền các bị cáo phải bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng lên đến trên 463 triệu đồng.
Đau lòng nhất là xóm Thầm Luông, xã Đoàn Kết có tới 58 người trở thành bị cáo trong vụ án này. Trong đó có không ít người là cán bộ xóm hoặc cả gia đình chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Ông Đặng Văn Bình là người phải chịu mức án cao nhất với 36 tháng tù treo cho biết: Tôi rất xấu hổ với việc mình đã làm vì không hiểu biết pháp luật, nghe theo lời kẻ xấu nên đã vào rừng chặt cây, phá rừng phòng hộ. Mỗi lần nghĩ lại hành động của mình, tôi không dám đặt chân vào rừng và luôn áy náy vì việc mình đã gây ra.
Lời thề giữ rừng
Xự việc xảy ra đã gây xốc không chỉ đối với những cán bộ, chiến sỹ BQL KBTTN Phu Canh, mà còn ngay cả với người dân, những người đã gắn bó bao đời nay với rừng.
KBTTN Phu Canh nằm trên địa phận huyện Đà Bắc có diện tích tự nhiên trên 5.000 ha ở địa bàn 4 xã Đồng Chum, Tân Pheo, Đoàn kết và Đồng Ruộng. Ngoài chức năng bảo tồn và duy trì nguồn gen động thực vật quý hiếm, rừng Phu Canh còn có chức năng duy trì và phát triển hệ thống rừng phòng hộ sông Đà, bảo vệ môi trường, môi sinh phục vụ sản xuất của nhân dân và góp phần bảo vệ nguồn nước cho Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình. Trong những năm qua, việc gìn giữ và quản lý nghiêm ngặt tài nguyên rừng, hệ động, thực vật hiện có tại khu bảo tồn thiên nhiên nơi đây của chính quyền và nhân dân tỉnh ta đã góp phần tích cực trong trong việc bảo vệ nguồn gen động, thực vật, đa dạng hoá sinh học của thiên nhiên. KBTTN này được coi là điểm dự trữ sinh quyển giá trị để các nhà khoa học tiếp cận, nghiên cứu thực tế. Anh Đào Hữu Lợi, Trưởng ban quản lý cho biết: Theo báo cáo đánh giá hiện trạng rừng năm 2013, KBTTN Phu Canh đã phát hiện có 52 loài thực vật đang bị đe dọa, trong đó có 44 loài được ghi vào sách đỏ Việt
Trước những giá trị to lớn đó cùng với các biện pháp quản lý, bảo vệ, ngành kiểm lâm đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, thành lập 12 tổ đội bảo vệ rừng ở các xóm với 49 thành viên, thường xuyên phối hợp tổ chức các đợt tuần tra, kiểm tra rừng. Anh Đào Hữu Lợi cho biết thêm: Thời gian qua, đơn vị đã duy trì chế độ giao ban phản ảnh giữa kiểm lâm phụ trách địa bàn và lãnh đạo Ban để có biện pháp chỉ đạo, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh. Tham gia các cuộc họp giao ban tuần, tháng, quý của chính quyền xóm, xã và lắng nghe ý kiến, tham mưu cho chính quyền để từ đó nâng cao hiệu qủa trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Xây dựng quy chế phối hợp giữa kiểm lâm địa bàn với tổ dân quân tự vệ, giữa Ban với UBND các xã.
Một trong những cách làm hay mà ngành kiểm lâm đã và đang thực hiện hiệu quả là tranh thủ vai trò, vị trí của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, vận động nhân dân. Điển hình như ông Xa Văn Thế, người Tày ở xóm Nhạp, xã Đồng Chum. Hàng năm, ông tổ chức họp dòng họ, cho các gia đình ký cam kết về ANTT, trong đó có nội dung quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài ra, ông còn hướng dẫn các xóm, xã đưa nội dung quản lý, bảo vệ rừng vào các quy ước, hương ước. Theo ông Thế, đây chính là lời thề giữ rừng của người Dao, Tày, Mường không chỉ trong KBTTN Phu Canh mà còn cả những cánh rừng của huyện Đà Bắc. Đặc biệt, ông Thế còn là người đi đầu và trực tiếp tham gia việc giám sát quần thể cây nghiến tại xóm Nhạp, đồng thời gieo ươm cây giống và vận động các hộ dân trồng hàng trăm cây nghiến trên địa bàn xóm.
Già làng Lý Văn Hang, người Dao ở xã Đoàn Kết đã tham gia cùng lực lượng kiểm lâm đi đến các xóm, trường học trên địa bàn để nói chuyện, truyên truyền, chiếu phim Rừng xanh yêu thương và giới thiệu về vai trò, chức năng của rừng với cuộc sống con người cho nhân dân và học sinh. Ông cũng trực tiếp soạn thảo và hướng dẫn người dân, học sinh ký kết những nội dung về quản lý, bảo vệ rừng. Đối với trường hợp ông Đặng Văn Bình ở xóm Thầm Luông, xã Đoàn Kết, trăn trở về hành động chặt phá rừng Bưa Phay, được sự động viên của cán bộ kiểm lâm, ông đã tình nguyện tham gia vào tổ bảo vệ rừng của xóm. Hiện nay, ông là một trong những thành viên tích cực trong việc tuyên truyền, vận động người dân, phát hiện và cung cấp thông tin cho lực lượng kiểm lâm những hành vi xâm hại rừng
Sau những biến động đau lòng từ vụ án phá rừng Bưa Phay trong KBTTN Phu Canh, giờ đây, với sự đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và người dân, màu xanh và sự bình yên đang dần trở lại trên những cánh rừng Phu Canh, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ nguồn gen động, thực vật và đa dạng hoá sinh học của thiên nhiên.
Ngọc Vinh
(HBĐT) - Nơi đây, không thiếu những trẻ có hoàn cảnh éo le, nghiệt ngã. Em mồ côi cha, em không còn mẹ, em bị bỏ rơi... Mỗi em một số phận, một cuộc đời bất hạnh trước khi đến với Trung tâm Công tác xã hội. Để bù đắp những mất mát, thiệt thòi, cán bộ Trung tâm đã tận tình chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các em bằng tình thương, trách nhiệm của người cha, người mẹ với mong muốn các em luôn cảm nhận nơi đây là “mái ấm gia đình”.
Bài II: Vũng Chùa - yên bình với điệu hò khoan
(HBĐT) - Giọng nói trúc trắc, sự chân tình nồng ấm của con người miền Trung - nơi cong mình “gánh” 2 đầu đất nước chẳng dễ để quên. Và càng không thể quên những huyền thoại bất tử của những người con miền “nắng lửa”...
(HBĐT) - Mường Bi là vùng mường lớn nhất, cái nôi của sử thi huyền thoại Đẻ đất, đẻ nước nổi tiếng của đồng bào Mường Hòa Bình. Nơi đây không chỉ chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo mà còn được thiên nhiên ưu đãi, đất đai mầu mỡ, phong cảnh hữu tình. Một ngày cuối thu, chúng tôi lên với các xã vùng cao của huyện Tân Lạc để cảm nhận cảnh sắc kỳ thú và gặp những con người chất phác.
(HBĐT) - Thực hiện Quyết định số 3298 của UBND TP Hòa Bình về việc phê duyệt hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà văn hóa (NVH) tổ dân phố số 1+ 2, phường Thái Bình, vừa qua, nhân dân nơi đây đã đóng góp mỗi hộ 1 triệu đồng để xây dựng NVH chung của hai tổ. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhân dân, NVH được bàn giao đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã xuống cấp, nước tràn vào nhà sau mỗi trận mưa, phải đục lỗ gạch để thoát nước, trần xệ phải đóng lại và không minh bạch trong thu - chi tài chính.
(HBĐT) - Đó là cách gọi vui của nhiều người dành cho những người thợ làm than tổ ong. Họ được gọi là những “thợ mỏ” trên mặt đất khi hàng ngày phải tiếp xúc với lớp than đen đúa, làm việc trong không gian đen ngòm, nóng bức.