Chuyên gia nước bạn và các cán bộ, kỹ sư trao đổi kinh nghiệm thi công đường hầm Thủy điện Hòa Bình. Ảnh: T.L

Chuyên gia nước bạn và các cán bộ, kỹ sư trao đổi kinh nghiệm thi công đường hầm Thủy điện Hòa Bình. Ảnh: T.L

(HBĐT) - Khi công trình thế kỷ biến dòng nước sông Đà thành dòng điện quốc gia cũng là khi Đài tưởng niệm được dựng lên để tưởng nhớ 168 con người đã ngã xuống. Nơi đây được thiết kế thi công như một hình tháp có 6 cánh vươn rộng, bên trong lòng tháp đặt vừa vặn 168 tấm bia nhỏ quây đúng thành một vòng tròn. Tấm bia chính trang trọng khắc 6 chữ “Tổ quốc ghi công các anh”. Họ - những “người lính” sông Đà đã hòa dòng máu của mình để góp phần làm nên dòng diện cho Tổ quốc. Họ đã trở thành bất tử với những hy sinh mãi mãi được lưu danh.

 

Đài tưởng niệm cách công trình Thủy điện Hòa Bình về phía hạ lưu sông Đà khoảng 300 m. Nơi đây đặt trang trọng 168 tấm bia đá ghi danh 168 “người lính” sông Đà đã hy sinh trong quá trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Họ hầu hết đều còn rất trẻ, có người chỉ vừa mới bước sang tuổi 20 như anh Lương Văn Nghĩa, Lương Văn Khâu quê ở Hà Bắc (đều sinh năm 1961, mất năm 1981 - khi công trình đang vào thời kỳ thi công cao điểm). Người đầu tiên ngã xuống là anh Lê Xuân Lý (Hà Tĩnh, 1952 - 1972), khi mất, anh vừa tròn 20 tuổi. Người cuối cùng là kỹ sư Đậu Tiến Thọ - cán bộ phụ trách xây dựng công trình Đài tưởng niệm. Anh mất ở tuổi 35 trong một tai nạn ngày 12/12/1994 - cách ngày khánh thành công trình Đài tưởng niệm một tuần. Ngày 19/12 hàng năm được chọn là ngày giỗ chung của họ. Đó là ngày tưởng niệm cho những hy sinh vì dòng điện của Tổ quốc, ngày tri ân 168 con người với những cái chết đã hóa thành bất tử.

 

Trong số 168 “đóa hoa bất tử” đó có 11 chuyên gia Liên bang Xô Viết (cũ). Những người bạn đến từ quê hương Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại đã hòa dòng máu đỏ của mình với dòng máu của những người lính thợ Việt Nam. Cùng với hàng chục vạn con người ngày đêm lao động dũng cảm  và sáng tạo trên công trường xây dựng Thủy điện Hòa Bình, những người bạn Liên Xô như những người lính thực sự đã chiến đấu hết mình trên một đại công trường của tình hữu nghị. Họ đã khắc phục mọi gian lao để góp phần làm nên một kỳ tích cho ngành xây dựng Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XX. Công trình Thủy điện Hòa Bình - biểu tượng lớn lao và cao đẹp cho tình hữu nghị Việt - Xô càng thêm giàu ý nghĩa khi đặt trong quần thể đó một Đài tưởng niệm khắc ghi 168 “đóa hoa bất tử”.

 

     

Đài tưởng niệm 168 người đã ngã xuống vì dòng điện của Tổ quốc - biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô. Ảnh: P.V

 

Hầu như ngày 19/12 năm nào, bà Vũ Thị Thanh Nhã (phường Tân Thịnh, TPHB) - hội viên Hội hưu trí Tổng Công ty Sông Đà tại Hòa Bình đều đến cùng những người bạn thắp hương tại Đài tưởng niệm. Đi bên vòng tròn bia đá khắc ghi tên, tuổi của những người đã ngã xuống, bà Nhã bùi ngùi xúc động. Lần nào đến đây, bà cũng dừng lại thật lâu bên tấm bia đá khắc tên người bạn đồng hương: anh Nguyễn Văn Bình, quê ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Hơn 20 năm qua, câu chuyện về người bạn đã hy sinh ấy vẫn luôn khiến bà day dứt. Ám ảnh khôn nguôi trong tâm trí bà Nhã là hình ảnh chiếc đồng hồ cũ đeo trên tay người đồng đội. Kim đồng hồ vẫn chạy từng giây, từng giây sống động mà thật đau xót làm sao, tim người đã ngừng đập từ lâu! Bà tìm thấy hai mảnh giấy được gấp gọn và đút thật sâu nơi túi áo của người đồng đội: một lá đơn đăng ký tham gia cuộc thi công nhân tay nghề giỏi do Đoàn Thanh niên công trường Thanh niên Cộng sản phát động. Một giấy xác nhận của địa phương về nhân thân của một cô gái. Cô gái đó sẽ sớm trở thành vợ của anh công nhân trẻ Nguyễn Văn Bình nếu như không có cái ngày định mệnh kia và nếu không phải gác việc cá nhân để hoàn thành tiến độ “Cao điểm 89 hay là chết” thì họ đã làm đám cưới.

 

“Khi đó, tiến độ ngăn sông Đà đòi hỏi cao, bạn tôi đã hoãn ngày cưới chậm vài ngày để cùng với công trường chạy đua đảm bảo tiến độ. Một đám cưới đã không bao giờ được diễn ra...” - Bà Vũ Thị Thanh Nhã ngậm ngùi nhớ lại. Là người đã gắn bó trọn vẹn với công trình Thủy điện Hòa Bình từ những năm tháng chuẩn bị khởi công đến những ngày Nhà máy Thủy điện Hòa Bình chính thức đi vào hoạt động, bà Nhã hiểu hơn ai hết những hy sinh của người đi xây dựng thủy điện. Bà khẳng định một cách đầy tự hào: “Đó là sự hy sinh vô điều kiện của những con người nhỏ bé và nghị lực. Họ đã cống hiến cuộc đời mình để cùng nhau làm nên một kỳ tích. Chính vì thế, những cái chết đã hóa thành bất tử và mãi mãi được lưu danh”.

 

 

 

                                                                            Thu Trang

 

 

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục