“Quầy thuốc đa không” ngay trước cổng chợ xã Tân Pheo (Đà Bắc).
(HBĐT) - Chợ phiên ở các xã vùng cao huyện Đà Bắc là nơi giao lưu, buôn bán hàng hóa, đáp ứng nhu cầu đời sống, sinh hoạt của người dân địa phương. Định kỳ từ 4 – 5 ngày hoặc 1 tuần, phiên chợ lại diễn ra sôi động. Tuy nhiên, trong sự phong phú, đa dạng của các mặt hàng tiêu dùng vẫn tái diễn tình trạng bày bán thuốc chữa bệnh không phép. Đây là điều đáng lo ngại bởi thuốc là mặt hàng đặc biệt, kinh doanh có điều kiện và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người.
Chúng tôi có mặt tại chợ phiên xã Tân Pheo lúc 8 giờ. Bên cạnh những mặt hàng nông sản của bà con, xuất hiện một “quầy thuốc đa không” ngay trước cổng chợ. Gọi là quầy chứ các loại thuốc được xếp lộn xộn ngay trên tấm bạt trải thẳng xuống nền đất. Trong vai người mua thuốc, chúng tôi được một người đàn ông trung niên hướng dẫn nhiệt tình. Đầu tiên là cầm tay bắt mạch, sau đó “phán” tôi bị nóng trong, cần phải uống thuốc mát gan. Phán xong, người phụ nữ ngồi bên cạnh nhanh tay bốc một số loại thuốc nam từ trong các bọc túi ni lông màu đen ra đưa cho tôi. Tuy nhiên, khi thấy tôi giơ máy ảnh lên chụp, 2 người này tỏ ra rất khó chịu và vội cất thuốc đi. Theo quan sát của chúng tôi, các mặt hàng bày trên tấm bạt khá phong phú như thuốc trị viêm mũi, viêm trật khớp, tiêu độc, tê thấp phong… cùng một số loại thuốc đông y đựng trong các túi ni lông màu đen không có nhãn mác. Đáng chú ý, điểm bán thuốc tại chợ phiên này cách không xa trạm y tế xã.
Đem những điều mắt thấy, tai nghe trao đổi với Trưởng phòng Y tế huyện Đà Bắc Sa Thị Tươi được biết: Tình trạng trên là có thật và không chỉ xuất hiện tại chợ Tân Pheo. Mới đây, ngày 26/8, sau khi nhận được tin báo của Trạm y tế xã Cao Sơn, Đoàn công tác BCĐ 389 huyện đã đi kiểm tra tại chợ xã Cao Sơn. Đoàn đã phát hiện trường hợp bán thuốc chữa bệnh không phép. Đối tượng là Đào Thị Lệ Thu, sinh năm 1973, quê quán theo CMTND tại Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Qua kiểm tra, bà Thu không xuất trình được giấy phép hoạt động trên địa bàn. Trong khi đó, theo phản ánh của người dân, bà Thu bắt mạch, kê đơn và bán thuốc như một dược sĩ chuyên nghiệp. Đoàn công tác đã lập biên bản và cho bà Thu làm cam kết rời khỏi địa bàn. Trước đây, tình trạng bán thuốc đông, nam dược, thậm chí thuốc tây y không phép, không đảm bảo các điều kiện bảo quản tại các chợ phiên trên địa bàn huyện khá nhiều. Điều lo ngại là cả người bán và người mua đều thiếu hiểu biết về tính năng, tác dụng của thuốc. Trong khi đó, toàn huyện Đà Bắc đã có trên 95% dân số tham gia BHYT. Ở vùng cao, tỷ lệ này còn cao hơn do đồng bào chủ yếu được hỗ trợ mua theo chính sách dành cho hộ nghèo, DTTS. Trước mối nguy của các “quầy thuốc đa không”, cơ quan chức năng đã vào cuộc và tình hình đã giảm “nóng” nhưng vẫn chưa triệt để. Ngoài nguyên nhân chủ quan, còn nguyên nhân khách quan do điều kiện kinh tế, đường sá đi lại của nhân dân còn khó khăn. Đồng bào thiếu hiểu biết, quen với việc mua bán thuốc chữa bệnh dễ như mua hàng tạp hóa ở chợ. Mặt khác, các loại thuốc được chi trả theo BHYT chưa phong phú.
Bà Lê Thị Thanh Hòa, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y - dược tư nhân (Sở Y tế) cho biết: Thuốc là mặt hàng đặc biệt, kinh doanh có điều kiện, không thể bày bán như hàng tạp hóa bình thường. Mọi hành vi mua bán như nêu trên đều sai theo Luật Dược. Nhiều mối nguy có thể xảy ra từ việc dùng thuốc không kê đơn, không đủ điều kiện bảo quản, chưa kể thuốc giả, kém chất lượng, thuốc nhiễm chì, diêm sinh… Đây là vấn đề nhức nhối và thời gian qua phòng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung giải quyết. Song, với nhân lực mỏng không thể trực tiếp đến hết các chợ trong tỉnh. Để giải quyết tình trạng này, cần sự vào cuộc kiểm tra, xử lý mạnh mẽ, kiên quyết của chính quyền địa phương. Kết hợp cung cấp thông tin, tuyên truyền thay đổi thói quen mua thuốc dễ dãi của người dân để tránh tiền mất, tật mang. Phòng đã tham mưu cho Sở Y tế gửi văn bản đến Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đề nghị phối hợp giải quyết, trong đó có UBND huyện Đà Bắc.
Cẩm Lệ
(HBĐT) - Về Thái Nguyên, chúng tôi thực sự ấn tượng với những đồi chè, những xưởng chế biến chè của "Thủ đô gió ngàn" một thương hiệu chè nổi tiếng được trồng ở mảnh đất Tân Cương, nổi danh cả nước và là niềm tự hào của đất chè Thái Nguyên với bạn bè trong nước và quốc tế.
(HBĐT) - Đà Bắc không chỉ hấp dẫn du khách nước ngoài mà gần đây bắt đầu thu hút các giới học sinh, sinh viên, văn nghệ sỹ đam mê khám phá, sáng tác cảnh quan, văn hóa và con người nơi đây. Đại ngàn rừng nguyên sinh Pu Canh thuộc địa phận xã Đồng Ruộng- Đoàn Kết- Đồng Chum thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới, đan xen các cánh rừng xanh ẩm, xanh tươi và rừng bụi với nhiều loại cây gỗ quý như giáng hương, cà te, cẩm lai, trắc, đinh, lim, nghiến….
(HBĐT) - Trong Quyết định số 201 của Thủ tướng Chính phủ năm 2013 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định hồ Hòa Bình là 1/12 điểm của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ có tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia. Tỉnh ta đang triển khai các giải pháp cụ thể để khai thác bền vững tài nguyên du lịch hồ Hòa Bình.
(HBĐT) - Không được vui chơi thỏa thích, không có những chuyến du lịch cùng gia đình như những bạn bè đồng trang lứa, những em nhỏ của làng chài Tân Thịnh (phường Tân Thịnh-TP. Hòa Bình) ngày nào cũng rong ruổi trên những chiếc thuyền đánh cá với ước mơ có đủ tiền mua sách, vở cho năm học mới.
(HBĐT) - Những ngày này, những người làm nghề bốc vác ở cảng Bích Hạ (xã Thái Thịnh, TP. Hòa Bình) vẫn oằn lưng giữa nắng bụi kiếm những đồng tiền để trang trải cho cuộc sống gia đình.
(HBĐT) - Vụ tai nạn nổ khí metan tại lò khai thác than xóm Vọ, xã Cuối Hạ (Kim Bôi) ngày 24/4/2015 vừa qua đã không còn là lời cảnh báo nguy hiểm mà đã trở thành hồi chuông báo động đối với việc khai thác than ở đây, nhất là khi tình trạng khai thác than “thổ phỉ” vẫn đang còn có những diễn biến phức tạp, khó kiểm soát...