Giao thông khó khăn gây trở ngại cho sự phát triển KT-XH, cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ về TNGT. (Ảnh chụp tại xóm Mu, xã Tự Do, Lạc Sơn).
(HBĐT) - Đã từng nghe kể về những gian khó của xã vùng cao Tự Do (Lạc Sơn) nhưng phải một lần được trải nghiệm và lắng nghe những câu chuyện bi hài xung quanh con đường gập gềnh đầy sỏi đá dẫn vào nơi đây, chúng tôi mới thấy rõ hơn nỗi vất vả của bà con ở chốn “thâm sơn, cùng cốc” này.
Chỉ cách trung tâm huyện Lạc Sơn 22 cây số, thế nhưng, phải mất khoảng 2 giờ đồng hồ chúng tôi mới vào đến trụ sở UBND xã Tự Do. Sau con đường nhựa ngoằn ngoèo leo đến trung tâm xã Ngọc Sơn, rẽ tay trái là con đường nhấp nhô với những ổ voi, ổ gà và chằng chịt rãnh nước cắt ngang sau cơn mưa cách đó mấy ngày dẫn vào xã Ngọc Lâu; đi chừng 4 km, rẽ phải là đường vào xã Tự Do. “Đón” chúng tôi ngay đầu dốc con đường độc đạo đó là những lởm chởm sỏi đá và lùm xùm những bụi cỏ, lùm cây ven đường. Để vào đến trụ sở UBND xã, chúng tôi tiếp tục vượt qua quãng đường hơn 7 cây số, trong đó chừng 4 cây số không có nhà cửa; đặc điểm chung của tuyến đường này là có nhiều dốc, đoạn cua khúc khuỷu và thỉnh thoảng lại bị một vài tảng đá “bày binh, bố trận” cản đường.
Đường và những câu chuyện “cười ra nước mắt”
Khoảng 10 giờ, chúng tôi vào đến trụ sở UBND xã Tự Do, sau khi nghe tôi “trải lòng” về quãng đường vừa vượt qua, đồng chí Bùi Văn Sùn, Phó Chủ tịch UBND xã Tự Do cho biết: “Anh may mắn vì hôm nay trời nắng đấy, chứ mưa xuống thì chỉ có thể đi bộ được thôi”. Là một xã vùng cao, xuất phát điểm thấp nên công cuộc xây dựng NTM ở Tự Do gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, giao thông là vấn đề nan giải và cấp thiết nhất lúc này. Xã có 573 hộ, gần 2.600 nhân khẩu, tập trung ở 10 xóm với tổng chiều dài đường giao thông khoảng 20 km, đến nay, mới có 2,8 km được bê tông hóa. Đường sá khó khăn không chỉ gây cản trở sự phát triển KT-XH, mà nguy cơ về TNGT vẫn hằng ngày hiện hữu với bao câu chuyện “cười ra nước mắt”.
Đồng chí Bùi Văn Sùn kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện cán bộ xã “xuống núi” đi họp: Chuyện là, những ngày mưa, để xuống huyện họp đúng giờ các anh phải đi trước hẳn một ngày và “đội hình” thường phải đi 3 người để một người dắt xe, một người đẩy và người còn lại sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ. Có hôm, đường quá trơn trượt, lầy lội, nhiều rãnh nước sâu do nước xói mòn các anh phải khiêng cả xe máy. Đó là chưa kể, khi xuống đến huyện thì xe cộ ở tình trạng bùn đất lấm lem. Hay câu chuyện về 4 cô giáo dưới xuôi lên Tự Do dạy học, trong 4 cô thì có đến 3 cô bị gãy xương sườn do bị ngã xe vì tay lái còn non khi băng qua các cung đường đầy sỏi đá; cô còn lại cũng ghi dấu “kỷ niệm” với không ít cú ngã để đời.
Với các em học sinh nhà ở xóm Trên (xóm xa nhất, cách trung tâm xã 8 km), những hôm mưa bão chỉ còn nước cuốc bộ đến trường và thường bị muộn giờ học. Ông Bùi Văn Hạc, Thường trực Trung tâm học tập cộng đồng xã nhớ lại: “Năm ngoái, có đoàn tình nguyện về tặng quà cho các cháu trường Tiểu học nhưng vào đúng dịp mưa nên ô tô không vào được, thế là cả thầy và trò nhà trường cuốc bộ 7 cây số ra đón, vận chuyển quà vào”. Theo ông Hạc, điều lo ngại nhất là những trường hợp bà con bị bệnh, ốm nặng phải đưa lên tuyến trên cấp cứu, bình thường trời khô ráo thì chạy xe máy đã khó; trời mưa thì thời gian di chuyển sẽ bị chậm lại rất nhiều, ảnh hưởng đến tính mạng của chính người bệnh.
Trên đường vào Tự Do, chúng tôi gặp chị Bùi Thị Chiền và hai người phụ nữ khác ở xóm Mu (Tự Do) đi bộ hơn 4 cây số ra xóm Chiềng (Ngọc Lâu) ăn cưới. Chị Chiều chia sẻ: “Đường khó quá nên chúng tôi có dám tập đi xe máy đâu, nhiều người bị ngã lắm rồi, đi bộ mệt nhưng an toàn. Chúng tôi mong có con đường đẹp để đi lại; con lợn, con gà, ngô, sắn bán sẽ được giá hơn”.
Mong lắm một con đường
Lúa và ngô là hai cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của xã Tự Do, thế nhưng năng suất hai cây trồng này vẫn còn thấp so với các vùng lân cận. Tình trạng “đầu vào thì cao, mà đầu ra thì thấp” thường xuyên xảy ra vì đường sá xa và khó đi nên phân bón, vật tư nông nghiệp bị đẩy giá lên cao, trong khi, đến kỳ thu hoạch thương lái lại ép giá. Mấy năm trước, Tự Do đã đưa cây keo vào trồng và phát triển tốt nhưng đến khi khai thác giá bán rất rẻ, nhiều hộ chỉ để dùng làm củi mà nguyên nhân cũng vì đường quá xấu.
Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Vì đường giao thông khó khăn nên người dân chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Công cuộc xây dựng NTM cũng gặp rất nhiều khó khăn, hiện, Tự Do mới chỉ hoàn thành 5 tiêu chí và phấn đấu hoàn thành tiêu chí về điện trong năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, thu nhập bình quân đầu người còn thấp cũng là bài toán nan giải đối với xã vùng cao này. Ngoài ra, còn rất nhiều vấn đề KT-XH khác cũng vì thế mà ùn ứ, tạo ra nguy cơ tụt lùi so với các địa phương khác.
Là một xã vùng cao thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, trữ tình; đặc biệt nơi đây có Thác Mu, một địa danh được nhiều người biết đến, cùng với đó là những nét phong tục, tập quán còn khá nguyên vẹn của đồng bào Mường, Tự Do có nhiều lợi thế về phát triển du lịch. Trong 6 tháng đầu năm nay đã có 33 đoàn khách về tham quan với tổng doanh thu trên 135 triệu đồng. Bởi vậy, Tự Do mong lắm một con đường để bắt nhịp với công cuộc xây dựng NTM.
Viết Đào
(HBĐT) - Đi trên con đường làng được bê tông hóa sạch sẽ, được lắng nghe tiếng thủ thỉ học bài của các cô trò và nhìn ngắm sắc xanh mướt đang trải dài trên những cánh đồng màu, chúng tôi biết rằng: nơi đây, bà con đã bước đầu “an cư” và tin tưởng về một ngày mai “lạc nghiệp”. Họ là hơn 70 hộ dân xóm Tân Phúc, xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) được di chuyển từ vùng có nguy cơ sạt lở cao của hai xã: Tân Mai và Phúc Sạn (Mai Châu) về định cư từ năm 2010.
(HBĐT) - Không phải lần đầu đến với Hạ Long (Quảng Ninh) mà sao chuyến đi lần này vẫn có điều gì đó háo hức, mới mẻ. Không chỉ vì dư âm câu hát “Tôi về đây nghe sóng / Sóng hát từ bao giờ” của nhạc sĩ Nguyễn Cường viết về vùng biển Hạ Long tuyệt vời mà còn vì những dấu ấn, kỷ niệm từng qua trên vùng đất, vùng biển này. Một sự tình cờ mà đã có đêm nghỉ ở khu vườn Đào (Bãi Cháy). Chợt bừng thức nhớ tới lần đầu tới nơi này vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước...
(HBĐT) - Có những thời điểm, khi mà “ba bề, bốn bên” trời đổ mưa giông thì đồng ruộng, đất đai huyện Yên Thuỷ vẫn khát khô, nứt nẻ. Bà con nông dân nơi đây dường như đã quen với những khắc nghiệt của thời tiết, không năm nào mà không phải hứng chịu hạn hán thiên tai. Cách họ làm là gồng mình, vượt lên những thử thách ngặt nghèo để cây lúa, cây màu vẫn chuyển mình sinh sôi trên miền đất khó.
(HBĐT) - Về Thái Nguyên, chúng tôi thực sự ấn tượng với những đồi chè, những xưởng chế biến chè của "Thủ đô gió ngàn" một thương hiệu chè nổi tiếng được trồng ở mảnh đất Tân Cương, nổi danh cả nước và là niềm tự hào của đất chè Thái Nguyên với bạn bè trong nước và quốc tế.
(HBĐT) - Đà Bắc không chỉ hấp dẫn du khách nước ngoài mà gần đây bắt đầu thu hút các giới học sinh, sinh viên, văn nghệ sỹ đam mê khám phá, sáng tác cảnh quan, văn hóa và con người nơi đây. Đại ngàn rừng nguyên sinh Pu Canh thuộc địa phận xã Đồng Ruộng- Đoàn Kết- Đồng Chum thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới, đan xen các cánh rừng xanh ẩm, xanh tươi và rừng bụi với nhiều loại cây gỗ quý như giáng hương, cà te, cẩm lai, trắc, đinh, lim, nghiến….
(HBĐT) - Trong Quyết định số 201 của Thủ tướng Chính phủ năm 2013 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định hồ Hòa Bình là 1/12 điểm của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ có tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia. Tỉnh ta đang triển khai các giải pháp cụ thể để khai thác bền vững tài nguyên du lịch hồ Hòa Bình.