- Chào bác! Mới sáng ngày ra mà trông bác trầm tư thế!
- À, ừ …! Đang có chuyện phân vân. Vừa may chú đến! Vào đây làm chén trà rồi tư vấn giúp tôi.
- Chuyện gì mà nghe bí hiểm vậy bác?
- Ôi dào! Chú cứ nhạy cảm. Có gì đâu mà bí với hiểm! Chẳng là hôm qua mấy ông già trong Ban liên lạc cựu thanh niên xung phong (TNXP) chúng tôi qua thăm bà Vân, đồng đội cũ. Cảnh nhà éo le quá nên thấy buốt lòng.
- Phải rồi bác. Nữ TNXP thì thường phải chịu nhiều thiệt thòi. Mà cảnh nhà bà ấy thế nào ạ?
Bà ấy đi TNXP về thì quá lứa, lỡ thì nên kiếm một đứa con. Phải thôi, phụ nữ ai chả mong một lần được làm mẹ. Nghe nói lúc sinh thằng bé bị ngạt nên để lại di chứng, giờ hơn 40 tuổi rồi mà cứ lều khều, ốm đau dặt dẹo. Bao năm qua 2 mẹ con cứ nương tựa vào nhau mà sống thế thôi. Mấy năm trước bà ấy được Hội Cựu TNXP tỉnh vận động, kết nối hỗ trợ kinh phí xây tặng căn nhà "Nghĩa tình đồng đội” nên đã có chỗ che mưa, che nắng. Nhưng giờ bà ấy ốm, con cũng ốm, lo cái ăn không nổi lại còn thuốc men, khổ quá!
- Thế ý bác là định làm gì đó để giúp đỡ mẹ con bà ấy?
- Phải chú ạ! Nhưng thú thực chưa biết làm cách nào. Giúp một mình thì không đủ sức, đứng ra kêu gọi các hội viên cựu TNXP hỗ trợ thì cũng không xong, vì bà ấy đã được hỗ trợ xây nhà rồi. Trong khi nhiều hội viên khác cũng có hoàn cảnh hết sức khó khăn cần được giúp đỡ. Nhưng nhìn cảnh nhà bà ấy thật không đành lòng! Tôi đang định đứng ra vận động cả những người không phải là hội viên cựu TNXP cùng giúp đỡ. Được tí nào hay tí đấy chú ạ! Nghĩ thế thôi nhưng cũng đang phân vân, làm không khéo lại mang tiếng trục lợi từ thiện như đài, báo, mạng xã hội đang chỉ trích thì khổ.
- Bác cẩn trọng thế cũng phải. Nhưng có cách bác ạ.
- Cách nào chú nói luôn đi. 
- Đây bác! Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Trong đó quy định rõ nguyên tắc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện. Đó là: Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện và tổ chức vận động đóng góp tự nguyện. Nhưng vận động đóng góp phải đảm bảo kịp thời và được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. Các tổ chức, cá nhân không được phép đặt ra mức tối thiểu để yêu cầu phải đóng góp. Các khoản đóng góp tự nguyện phải từ thu nhập, tài sản hợp pháp của các tổ chức, cá nhân thực hiện đóng góp. Tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp phải đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công bằng, công khai, đúng mục đích, đối tượng; có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Đây nữa, Điều 17, nghị định này nêu rõ: Khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ, cá nhân vận động có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú theo mẫu. Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu. Cá nhân vận động ủng hộ có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ. Đồng thời phải cung cấp thông tin về vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật...
- Tóm lại là phức tạp bác ạ! Mai em in cho bác toàn văn nghị định mới này để bác nghiên cứu rồi quyết định nên hay không nên làm.
- Cảm ơn chú! Có tuổi rồi nên đầu óc có phần chậm chạp, may có chú " quân sư”. Thôi thì cứ nghiên cứu cái đã, xem nên làm cách nào. "Cẩn tắc vô áy náy” chú nhỉ!

Thúy Hằng 
(Hội Nhà báo tỉnh)


Các tin khác


“Con” ca-mê-ra ghê thật…

(HBĐT)-Cả dãy phố này luôn đánh giá "bà xã” anh là người năng động, nhanh nhạy, thức thời và cũng… hay thạo chuyện. Bà cập nhật nhanh tình hình trong nước, trong tỉnh, nhất là mấy vụ đánh ghen. Clips "8 phút” đâu đó trên mạng, hay các chuyện đầu làng, cuối phố từ nguồn quán nước vỉa hè đều được bà nhìn nhận từ mọi góc cạnh. Hôm nay, bà vừa từ ngoài phố về, gương mặt thật nghiêm trọng, thì thầm vào tai anh:

Thư giãn

(HBĐT) - Cách đổi tiền của bố 

Có tiếng chuông cửa. Chủ nhà ra mở thì thấy đứng ở bên ngoài là thằng bé con nhà ông hàng xóm. - Bác ơi, bố cháu bảo cháu sang nhờ bác đổi cho tờ 500 nghìn. - Được, cháu đưa tờ 500 nghìn đây! - Bố cháu bảo tờ tiền đó thì bố cháu sẽ gửi cho bác sau 3 ngày nữa ạ. - !!!

“Cao kiến”

(HBĐT) - Vốn nhạy bén với kinh tế thị trường nên dù ở vùng "rừng xanh, núi đỏ" xa lắc, xa lơ nhưng hàng quán của vợ chồng Thạch Sanh vẫn "gặt hái” đều đều. Ngày ngày, chồng trông quán cơm xe với hơn chục nhân viên tha hồ quát nạt, vợ coi quán game với hơn 50 máy đặt ngay cạnh trường liên cấp, lúc nào cũng nườm nượp khách vào, ra. Hôm nào cũng thế, đêm khuya 2 vợ chồng lại chụm đầu "rả rích” với thành quả trong ngày.

Mùa Covid 19…chuyện gia đình, chuyện cộng đồng…

(HBĐT)-Những ngày "cách ly xã hội” vì Covid 19, nhà bà MM cũng có vẻ hơi "cách ly” nhau tý. Nói năng, trò chuyện không thể kiểu…giáp lá cà như trước. Thậm chí, hôm nọ, bà còn đề xuất: Trong gia đình chia làm 2 ca ăn mỗi bữa, cho bảo đảm giãn cách; khi nói chuyện cũng phải xa xa chút…Ông phản đối bằng cách dỗi: Thôi, kiểu này, khi nằm ngủ cạnh cũng phải đeo khẩu trang thôi. May mà bà bỏ qua…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục