(HBĐT) -Cứ ngỡ ông là người lính cựu bị ám ảnh bởi chiến tranh, day dứt vì biết còn nhiều đồng chí, đồng đội đã hy sinh ở nơi chiến trường xa thẳm chưa được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ. Nhưng không, khi tiếp xúc mới biết ông chưa từng qua quân ngũ. Việc ông lao tâm, khổ tứ đi tìm mộ liệt sỹ là bởi cơ duyên, được chỉ đường, dẫn lối bằng hai chữ nghĩa - tình. Biết việc mình làm như "mò kim đáy bể”, nhưng ông vẫn dốc vào đó tất cả sự tận tâm, lòng nhiệt huyết. Cái nick name Facebook "Người Tìm Kim” đã phần nào nói lên điều đó - ông là Nguyễn Tiến Lợi, đại tá công an về hưu, hiện đang là ủy viên BCH Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Hòa Bình.

Từ ước vọng trọn "nghĩa”, vẹn "tình” với 2 người anh liệt sỹ 

Năm 2015, hoàn thành nhiệm vụ người chiến sỹ công an nhân dân (Công an tỉnh), được nghỉ hưu theo chế độ, ông Lợi mới có thời gian thực hiện tâm nguyện của đại gia đình: Đi tìm phần mộ của 2 người anh liệt sỹ. Anh trai Nguyễn Văn Sửu và anh rể Nguyễn Văn Luyện đều hy sinh ở chiến trường phía Nam. Cuộc tìm kiếm như "mò kim đáy bể” khiến ông mắc vào vòng trăn trở. Cũng may, với kinh nghiệm hơn 30 năm công tác trong ngành công an, ông đã rèn cho mình lối tư duy lôzich và khả năng phán đoán. Bởi vậy, khi truy cập vào trang web "Người đưa đò” Nguyễn Sỹ Hồ hỗ trợ tìm mộ liệt sỹ để đọc, xem, trao đổi thông tin, ông đã lần ra chút manh mối.


Ông Nguyễn Hữu Lợi trong hành trình đi tìm mộ người anh liệt sỹ tại nghĩa trang dốc Bà Đắc, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. 

Một chút thông tin thôi thì không thể xác định được "các anh” đang nằm ở đâu đó khi cuộc chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm. Phải đọc, phải học, nghiên cứu, từ đấy, ông tập trung mày mò trong sách vở để biết được tên, ký hiệu của sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn. Đọc lịch sử chiến tranh, kể cả tài liệu phía đối phương... và tìm những chứng nhân lịch sử để nắm rõ vào thời điểm ấy, cụ thể là ngày, tháng, năm ấy đơn vị nào hành quân, chiến đấu tại đâu... Khi đã trang bị đầy đủ thông tin cần thiết, ông sách ba lô lên đường đi tìm phần mộ của 2 người anh. Sau nhiều ngày rong ruổi tìm kiếm, cuối cùng ông cũng xác định được phần mộ liệt sỹ Nguyễn Văn Sửu được quy tập vào nghĩa trang liệt sỹ huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang nhưng chưa xác định được danh tính; liệt sỹ Nguyễn Văn Luyện hiện được quy tập vào nghĩa trang Dốc Bà Đắc, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, nhưng cũng chỉ có họ và tên, không có thêm thông tin nào khác. Cũng qua cuộc tìm kiếm phần mộ của 2 người anh liệt sỹ, ông Lợi nhận ra rằng: ở các nghĩa trang liệt sỹ có tới hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn tấm bia mộ bị ghi sai họ, tên, địa chỉ. Đặc biệt có sư đoàn do quá trình số hóa đã bị lệch dòng khiến mấy trăm hồ sơ liệt sỹ không đúng quê quán, nơi hy sinh. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc có hàng trăm, hàng ngàn gia đình thân nhân liệt sỹ chưa biết được phần mộ của cha, anh mình đang nằm ở đâu.
 
Đến trăn trở "trả lại tên” cho những phần mộ
 
Thấy ông cứ cần mẫn post lên trang facebook cá nhân những tấm bia mộ sai họ, sai tên, thiếu địa chỉ… với những dòng coment đầy trăn trở, tôi những muốn gặp ông để tỏ nỗi niềm. Ba cuộc điện thoại, cuối cùng tôi cũng sắp xếp được cuộc chuyện trò gần tiếng đồng hồ. Cuộc chuyện trò thi thoảng lại đứt quãng bởi những cuộc điện thoại: - Chú ơi, nhờ chú tìm giúp phần mộ của bác cháu liệt sỹ…, hy sinh ngày, tháng năm; - Bác ơi đã có thông tin gì về phần mộ của liệt sỹ … ở đơn vị D4 E165 - F7 chưa? - Anh cho hỏi gia đình tôi muốn chuyển phần mộ của liệt sỹ… từ Tây Ninh về nghĩa trang liệt sỹ của huyện cần phải làm những thủ tục gì, có được Nhà nước hỗ trợ chi phí…?
 
Đặt chiếc điện thoại xuống bàn ông lật giở quyển sổ tay bìa đỏ dày cộp (có lẽ là vật bất ly thân) để ngay trên mặt bàn ghi chép, dánh đấu. Thấy tôi tò mò ông lật từng trang quyển sổ giới thiệu: "Đây là danh bạ điện thoại của cán bộ LĐ -TB&XH của các xã, phường, thị trấn, hiện tôi đã có 186 đầu mối trên tổng số 210 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Họ chính là những cộng sự đắc lực của tôi nói riêng và của Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Hòa Bình nói chung trong việc tìm kiếm thông tin, thân nhân các liệt sỹ. Đây là danh sách mộ liệt sỹ có đầy đủ thông tin nhưng gia đình chưa biết; đây là những liệt sỹ gia đình đã biết phần mộ (kể cả bằng ngoại cảm); đây là danh sách đăng ký tìm liệt sỹ, dấu "sao” là đăng ký tìm qua Facebook…”.
 
Dò theo danh sách mà ông Lợi lập, kê thì sau 3 năm " tìm kim đáy bể” ông đã cập nhật danh sách trên 800 liệt sỹ quê tỉnh Hòa Bình, hiện đang nằm tại các nghĩa trang liệt sỹ từ tỉnh Điện Biên đến đất mũi Cà Mau. Từ danh sách liệt sỹ của các sư đoàn, quân khu, quân đoàn, binh chủng của quân đội nhân dân Việt Nam… ông đã lọc được hơn 1.000 hồ sơ liệt sỹ quê ở Hòa Bình. Tiếp đó, ông liên hệ với các địa phương, các cựu chiến binh để xác minh, chỉnh sửa tên, tuổi, quê quán, nơi hy sinh của 435 liệt sỹ thuộc Sư đoàn 2 và Sư đoàn 3 (Quân khu 5). Phối hợp với các cựu chiến binh và cán bộ LĐ -TB&XH các xã chỉnh lý, bổ sung danh sách 218 liệt sỹ thuộc Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3). Sau 3 năm tìm kiếm, đối chiếu thông tin từ nhiều kênh khác nhau như: Nghĩa trang liệt sỹ các tỉnh; Cổng Thông tin Điện tử của Bộ Quốc phòng; webside "Lietsy.com” của Bộ LĐ -TB&XH; webside "Người đưa đò”… ông đã tìm ra 37 mộ liệt sỹ ghi thiếu hoặc sai sót thông tin báo về cho các địa phương và thân nhân các liệt sỹ; thông báo cho 52 gia đình liệt sỹ biết phần mộ của cha, ông họ đang nằm ở nghĩa trang nào.
 
Can tâm làm "Người đào bới quá khứ”
 
"Kể từ khi bước chân đi tìm phần mộ của 2 người anh liệt sừ, thấy hàng trăm phần mộ chỉ ghi vẻn vẹn 2 chữ "vô danh” kèm theo hàng chữ "Tên anh, chị gắn liền với chiến công lịch sử” hoặc có ghi thông tin nhưng sai tên xã, tên huyện, tôi luôn có cảm giác không an lòng. Tôi bắt tay đi tìm mộ "người dưng” như đi tìm chính cha, anh mình vậy. Nghỉ hưu rồi nên giờ hầu như toàn bộ thời gian cho việc tìm mộ. Bởi đã bắt tay vào việc thì không thể buông bỏ vì ngày càng có nhiều thân nhân liệt sỹ nhờ giúp. Đó là thực tế, nhưng không phải ai cũng hiểu, thậm chí có người còn trách móc, gièm pha cho rằng tôi đi "đào bới quá khứ” cốt là để nổi tiếng, thậm chí là để trục lợi”… Nói đến đây giọng ông Lợi chợt căng như dây đàn: "Tôi không sợ điều tiếng thị phi, bởi việc tôi làm hoàn toàn bắt nguồn từ cái "tâm” trong sáng. Hiện tôi chỉ sợ một điều rằng, những thông tin về phần mộ liệt sỹ mà tôi "ắp” lên Facebook sẽ bị kẻ xấu lợi dụng, mượn danh ông Lợi hoặc người của Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Hòa Bình mà vòi vĩnh gia đình liệt sỹ 10 triệu, 20 triệu đồng gì đó để xét nghiệm AND hay di rời hài cốt về quê hương chẳng hạn. Riêng tôi có thể khẳng định rằng: Dẫu đã giúp thân nhân liệt sỹ tìm ra gần 40 phần mộ và nhiều gia đình đã đưa hài cốt về quê an táng nhưng tôi chưa biết mặt họ (thân nhân liệt sỹ) là ai và ngược lại. Bởi, mọi thông tin tôi có đều được gửi tới Sở LĐ -TB&XH các xã, phường, thị trấn và trao đổi qua điện thoại và mạng xã hội đến gia đình liệt sỹ. Với tôi, cuộc tìm kiếm này chưa biết bao giờ kết thúc vì còn nhiều lắm những phần mộ liệt sỹ cần trả lại tên và những gia đình thân nhân liệt sỹ cần biết cha, ông họ nằm ở nơi nào để tiện bề hương khói… Được góp sức nhỏ của mình để tri ân những anh hùng liệt sỹ đã xả thân vì nền độc lập, tự do của dân tộc, với tôi, đó là điều hạnh phúc!” . Còn nhiều điều muốn hỏi, nhiều chuyện muốn nghe về hành trình đi tìm mộ liệt sỹ của ông Lợi nhưng tôi phải chủ động xin phép vì chuông điện thoại của ông réo liên hồi: - Chú ơi, bác ơi! cháu là thân nhân của liệt sỹ…! Trong cái bắt tay vội vã ông nở nụ cười hiền: Dù ai nói gì cũng mặc, chú can tâm làm "người đào bới quá khứ”!
 
Tôi không biết nói gì hơn, chỉ gửi lại ông lời chúc: ông luôn dồi dào sức khỏe để tiếp tục "tìm kim” tri ân những liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Vì tôi biết, với ông đó là điều tâm đắc nhất.

 

                                                                     Thúy Hằng 

Các tin khác


Gặp thanh niên Mường Bi được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Cái tên Bùi Văn Tường giờ đây không còn xa lạ với nhiều thanh niên và người dân xã Thanh Hối (Tân Lạc). Lập nghiệp tại quê hương với mô hình "Vườn ươm giống cây trồng”, đến nay Bùi Văn Tường đã là Giám đốc của HTX Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp 0789, xóm Sung, xã Thanh Hối. Thành công từ khát vọng khởi nghiệp tại mảnh đất quê hương, ý chí và nghị lực của anh đã góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thế hệ trẻ tại địa phương.

Gặp gỡ những điển hình lao động sáng tạo

Tuy khác nhau về tuổi đời, tuổi nghề và trình độ học vấn… nhưng đội ngũ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) tỉnh nhà đều có điểm chung là tinh thần hăng say thi đua lao động sản xuất. Những ý tưởng, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn. Qua đó góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đồng thời khẳng định CNVCLĐ là lực lượng tiên phong trong phát triển KT - XH địa phương.

Nữ đoàn viên công đoàn tâm huyết với nghề giáo

Giản dị, thân thiện và gần gũi… đó là cảm nhận đầu tiên khi trò chuyện với chị Bùi Thị Phương Thảo, giáo viên Trường liên cấp Dạ Hợp (TP Hòa Bình). Là giáo viên trẻ tràn đầy nhiệt huyết, chị Thảo được đồng nghiệp và học sinh yêu mến không chỉ bởi giỏi về chuyên môn mà còn là đoàn viên sôi nổi, nhiệt tình tham gia các hoạt động do tổ chức công đoàn phát động.

“Nuôi lợn đất” - mô hình ý nghĩa hỗ trợ hội viên khó khăn

Thời gian qua, mô hình "Nuôi lợn đất” được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Yên Trị (Yên Thủy) triển khai thực hiện hiệu quả, có tính lan tỏa. Mô hình không chỉ tạo được ý thức tiết kiệm, quản lý chi tiêu gia đình trong hội viên phụ nữ mà qua đó khơi dậy tinh thần "tương thân tương ái”, giúp chị em khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Huyện Mai Châu lan tỏa những tấm gương điển hình học tập và làm theo Bác

Thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thời gian qua, trên địa bàn huyện Mai Châu đã có nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu về học tập và làm theo Bác trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội, QP-AN ở địa phương.

Trưởng Công an xã học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

"Hưởng ứng phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc” do Bộ Công an, Công an tỉnh phát động, từ năm 2012 đến đầu năm 2024, với vai trò là Đội trưởng Đội Tổng hợp, tôi đã tham mưu Đảng uỷ, lãnh đạo Công an huyện chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT). Tham mưu, phục vụ tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Bộ Công an về công tác đảm bảo ANTT; các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, thẩm định văn bản phục vụ chỉ đạo của Đảng uỷ, lãnh đạo Công an huyện, Huyện uỷ, UBND huyện. Tháng 2/2024, tôi được điều động, bổ nhiệm làm Trưởng Công an xã Bảo Hiệu” - Trung tá Bùi Văn Tuần, Trưởng Công an xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy chia sẻ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục