Tuy hoàn cảnh khó khăn, từ nhà đến trường phải đi nhờ xe của bạn, em không đi học thêm mà chỉ được thầy cô ôn tập tại trường nhưng cô học trò Đinh Thị Xuyến, dân tộc Mường, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Mường Bi (Tân Lạc) vẫn xuất sắc đạt 3 điểm 10 trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Mỗi khi rảnh rỗi, em Đinh Thị Xuyến thường giúp mẹ việc gia đình và phụ giúp bán hàng.
Nghị lực vượt khó
Chúng tôi tìm gặp Xuyến khi em đang phụ mẹ bán hàng trong căn chòi nhỏ trên đèo Đá Trắng ở xã Phú Cường. Ngoài những ngày đi học, Xuyến thường tới trông quán để mẹ tranh thủ đi cắt cỏ cho trâu ăn hoặc ra đồng. Ẩn sau dáng người nhỏ nhắn của em là nghị lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập.
Sáng 17/7, Bộ GD&ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Qua tổng hợp, tỉnh Hoà Bình có 12 thí sinh đạt 2 điểm 10 và duy nhất thí sinh Đinh Thị Xuyến, Trường THPT Mường Bi, huyện Tân Lạc đạt 3 điểm 10 các môn: Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Không giấu được nụ cười hạnh phúc, chị Bùi Thị Ơ, mẹ em Đinh Thị Xuyến tự hào chia sẻ: "Tôi vui lắm, sung sướng lắm. Nghe cô giáo báo tin cháu Xuyến đỗ tốt nghiệp và được 3 điểm 10, hai mẹ con chỉ biết ôm nhau nhảy quanh nhà”.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xóm Báy, xã Phú Cường, gia đình Xuyến nhiều năm thuộc hộ cận nghèo, đã thoát nghèo được 2 năm nay. Chị Ơ sinh được 2 người con gái, Xuyến là con cả, con gái thứ hai năm học tới vào lớp 7. Gần 10 năm nay, bố Xuyến thường xuyên đi làm thuê tại Hà Nội, thỉnh thoảng mới về nhà. Chị Ơ một tay chăm sóc 2 con. Là chị cả trong gia đình nên Xuyến sớm ý thức được cần phải làm tốt cả hai việc: Học giỏi và giúp đỡ bố mẹ công việc gia đình.
Không có điều kiện đi học thêm, Xuyến luôn cố gắng, nỗ lực tiếp thu kiến thức ngay trên lớp, hoàn thành bài tập trước hạn nộp và sắp xếp thời gian biểu một cách hợp lý. Trường cách nhà 15km, không có xe đạp nên mỗi buổi sáng em đều phải đi nhờ xe của bạn để đến trường. Khi được nghỉ học vào buổi chiều, Xuyến dành thời gian giúp đỡ gia đình chăn trâu, cắt cỏ, thu hoạch lúa… và bán hàng ở khu vực đèo Đá Trắng. Buổi tối em tự học tại nhà hoặc cùng các bạn học nhóm trên trường.
Cô Trần Thị Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 chia sẻ: "Xuyến là học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng em rất ngoan, chăm chỉ, quyết tâm học và học đều các môn. Ngoài thời gian học trên lớp và ôn tập buổi chiều ở trường, dù nhà xa nhưng Xuyến vẫn ở lại phòng thư viện cùng một số bạn học sinh giỏi trong lớp lập nhóm cùng ôn luyện vào buổi tối. Kỳ thi thử tốt nghiệp THPT lần 1, em Xuyến đạt điểm cao nhất trường và là tấm gương cho các bạn noi theo”.
Quyết tâm theo đuổi ước mơ nghề giáo
Vất vả, thiếu thốn là thế nhưng chưa bao giờ Xuyến nản chí. Từ năm lớp 9 em đã bộc lộ năng khiếu với bộ môn Lịch sử. Liên tiếp các năm, Xuyến được lựa chọn vào đội tuyển Sử của trường thi học sinh giỏi các cấp. Kết quả, em đoạt giải nhì học sinh giỏi cấp huyện năm lớp 9; lớp 11 giành giải ba cấp trường, lên lớp 12 tiếp tục đoạt giải nhì môn Lịch sử cấp tỉnh. Những giải thưởng này giúp cô học trò có thêm tự tin trước khi bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Cô Nguyễn Thị Kim Huệ, giáo viên dạy môn Lịch sử của Xuyến trong cả 3 năm THPT cho hay, việc em đạt điểm số cao ở các môn hoàn toàn trong khả năng của em, nhưng cô rất bất ngờ khi học trò đạt 3 điểm 10 các môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. "Nhận tin em Xuyến được 3 điểm 10, tôi thực sự vỡ òa”, cô Huệ chia sẻ. Cô Kim Huệ nhận xét Xuyến là học sinh thông minh, có năng khiếu và tố chất đặc biệt với môn Lịch sử. Riêng với môn Lịch sử em luôn tự đọc trước khi lên lớp, trong giờ học Xuyến cũng hay thắc mắc những câu hỏi khó để được thầy cô giải đáp.
Chia sẻ bí quyết đạt 3 điểm 10, Đinh Thị Xuyến cho biết: "Em cố gắng nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và làm thêm đề các thầy cô giao. Em dành 1 tháng trước ngày thi để tập trung ôn luyện đề và nhờ thầy cô sửa bài”. Nói về động lực để đạt kết quả thi cao, Xuyến cho hay: "Em thấy bố mẹ đi làm rất vất vả nên em muốn có một công việc ổn định để có thể phụ giúp gia đình. Ước mong của em sau này được làm cô giáo, đó chính là động lực lớn nhất giúp em quyết tâm học tập và có kết quả tốt”.
Nghèo khó, nhà xa trường hay không được đi học thêm đều không phải là rào cản đối với em học sinh đầy nghị lực này, mà đó chính là động lực thôi thúc Xuyến học tập và vươn lên. Chia tay em khi chiều đã buông, Xuyến vẫn tất bật luộc thêm ngô, nướng thêm quả trứng để cùng mẹ tiếp đoàn khách mới dừng lại nghỉ chân tại đèo Đá Trắng. Mong rằng em không ngừng mạnh mẽ, quyết tâm, phấn đấu thực hiện được ước mơ trở thành cô giáo trong tương lai.
Huyền Trang
Mùa hè lên xã Hang Kia (Mai Châu) khí hậu thật trong lành, mát mẻ. Những homestay xinh xắn ngập sắc hoa đón du khách đến với Hang Kia. Để mở "cánh cửa” bản Mông xưa nay dường như bị khép kín, người dân Hang Kia đang nỗ lực giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển du lịch, nâng cao đời sống kinh tế, góp phần đảm bảo AN-QP địa phương.
Tưởng rằng cuộc sống phía trước chỉ còn lại những ngày tăm tối khi mất đi đôi chân vì tai nạn lao động ở tuổi 26, nhưng vì gia đình và đặc biệt là con gái mới chỉ vài tháng tuổi là động lực để anh Đinh Công Hùng, thôn Đồng Làng, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) nỗ lực vượt lên nghịch cảnh. Bằng đôi tay khéo léo, anh Hùng đã vươn lên để sống với đam mê, mở xưởng thủ công mỹ nghệ làm lồng chim với mong muốn có thu nhập trang trải cuộc sống.
Bằng tình yêu và niềm đam mê với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, anh Đỗ Hùng (phường Trung Minh - thành phố Hòa Bình), hiện công tác tại một cơ quan nhà nước của tỉnh đã nghiên cứu, tìm hiểu về công thức làm men độc đáo của người Mường xưa, từ đó khôi phục cách làm men lá cổ truyền, tạo nên những loại rượu mang hương vị thơm ngon, đậm bản sắc văn hóa ẩm thực của dân tộc Mường.
Tự mày mò học hỏi, anh Ngô Kim Quyền, phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình đã nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Dám nghĩ, dám làm, quyết làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Xa Ngọc Hưng, thanh niên dân tộc Mường, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Đà Giang Eco tại xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc với khao khát phát triển mô hình HTX nuôi cá lồng trên sông Đà đã, đang mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng và hiệu quả về kinh tế.
Những năm gần đây, xã Hang Kia (Mai Châu) dần trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài. Có được thành quả này là nhờ sự đồng thuận, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương. Trong đó không thể không nhắc tới chị Sùng Y Múa, xóm Hang Kia - người phụ nữ Mông đầu tiên mạnh dạn làm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.