(HBĐT) - Ở vùng đồng bào dân tộc xã Phú Vinh (Tân Lạc) luôn có những già làng, lão niên uy tín, được bà con tin tưởng, yên mến. Một trong những già làng tiêu biểu là ông Đinh Văn Dung ở xóm Kè Ưng. Gần tuổi "thất thập", mọi việc trọng đại ở xóm ông đều được mọi người nhờ chủ trì. Đối với người dân xóm Kè Ưng, ông không chỉ là người uy tín mà như trưởng họ, trưởng lão của mỗi gia đình.
Cách trung tâm huyện Tân Lạc 16 km, xã Phú Vinh có 7 xóm, 971 hộ với 4.244 nhân khẩu, trong đó hơn 95% là người dân tộc thiểu số. Nhiều năm trước đây, nếp sống của bà con mang nặng hủ tục, trình độ dân trí thấp, khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động phát triển KT-XH. Việc lễ, việc tang, cưới hỏi đều kéo dài, lãng phí tiền của, nhiều thanh niên lười lao động, chỉ ham rượu chè, cờ bạc, đánh nhau gây rối trật tự khiến đời sống bà con lại càng khó khăn. Cùng với chính quyền và các ngành, đoàn thể, ông Dung kiên trì vận động thông qua các cuộc họp thôn, xóm, thậm chí tới từng hộ dân, gặp gỡ từng thanh niên, xây dựng hương ước, quy chế tại khu dân cư, thực hiện nếp sống văn minh trong việc lễ, việc cưới, việc tang nhằm từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Nhờ đó, đến nay, các buổi lễ, cưới xin, ma chay đều không tổ chức quá 1 ngày, nhiều hủ tục lạc hậu, không phù hợp được xóa bỏ; mỗi gia đình cử đại diện đi dự, không bỏ việc đồng áng; giải tán các nhóm thanh niên chơi cờ bạc, say rượu, tụ tập.
Ông Dung cho biết: "Để mọi người tin tưởng và làm theo mình không hề dễ, trước tiên phải gương mẫu, đi đầu các phong trào. Từ đó, người thân, con em trong dòng họ và bà con trong xóm mới học tập, làm theo. Phải luôn sâu sát với bà con, nắm bắt rõ tâm tư, nguyện vọng, tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền sát với tình hình thực tế. Điều mừng nhất là các hủ tục lạc hậu được đẩy lùi, giữ lại được những nét đẹp trong phong tục tập quán, mọi người đoàn kết giúp nhau làm ăn, đời sống ngày càng khá hơn".
Đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo, ông Dung vận động người dân tham gia các phong trào thi đua, tích cực lao động sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi từ kinh nghiệm của mình; hướng dẫn bà con tiếp cận các nguồn vốn vay chính sách ưu đãi. Nhiều gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ông tận tình giúp đỡ bằng việc cho cây, con giống, vay vốn làm ăn không tính lãi.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, năm 2013, xã chủ trương cải tạo tuyến đường lầy lội bùn đất tại xóm Kè Ưng. Tuy nhiên, dự án đứng trước không ít khó khăn do mặt bằng hạn chế, người dân không chịu nhường đất để mở rộng đường. Bằng quyết tâm cao, ông và các ngành, đoàn thể tới từng hộ vận động. Đồng thời, ông tự nguyện hiến hơn 400 m2 đất, dỡ tường bao, vận động người thân cùng góp sức, nhờ đó bà con trong xóm dần làm theo. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều đoạn đường bao được dỡ bỏ, nhiều diện tích ao cá được san lấp, đoạn đường lầy lội bùn đất được thay thế bằng con đường bê tông chắc chắn. Đến nay, các tuyến đường tại xóm cơ bản được cứng hóa.
Tiếp tục duy trì, phát huy lễ hội chùa Kè, ông vận động người dân nhường đất mở rộng khuôn viên chùa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan sạch đẹp, mỗi người dân cũng tăng cường quảng bá, nhờ đó, thu hút lượng khách mỗi năm ngày càng đông, góp phần nâng cao thu nhập cho địa phương. Đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân toàn xã đạt 23 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo còn 36,58%, giảm 3% so với năm 2017. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 76,6%, 6/7 xóm đạt văn hóa. Với những đóng góp tích cực, ông Dung được huyện, tỉnh tặng nhiều giấy khen, biểu dương là người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng.
Hoàng Anh