(HBĐT) - Theo tour khám phá vùng lòng hồ sông Đà, không khó để nhận ra sự thay đổi của những xóm nghèo ven hồ khi xưa. Theo hướng khai thác du lịch xanh, bền vững, những ngôi nhà sàn được đầu tư, trang bị kết hợp hài hòa giữa hiện đại, văn minh và bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc; người dân thân thiện, mến khách... Ít ai biết người góp phần làm nên những thay đổi này là cô gái trẻ Đinh Thị Hảo, Giám đốc Công ty Du lịch Đà Bắc.



Với việc đưa loại hình du lịch homestay về với các xóm, bản khó khăn vùng lòng hồ sông Đà, Đinh Thị Hảo (ngoài cùng bên phải) đã góp phần làm đổi thay cuộc sống người dân.

Người "gieo mầm” khát vọng

Phải mất vài cái hẹn tôi mới gặp được Đinh Thị Hảo. Bởi lẽ hiện Hảo rất bận rộn với công việc quản lý, điều hành hoạt động của công ty tại Hà Nội. Trò chuyện với chúng tôi Hảo cho biết: Tôi không phải là người Hòa Bình. Quê tôi ở Hà Nam. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Khoa Kinh tế nông thôn - Học viện Nông nghiệp Hà Nội, vì đam mê thích xê dịch nên tôi đã thi tuyển và trở thành cán bộ dự án AFAP - tổ chức phi chính phủ của Austrailia (hiện nay là AOP) hỗ trợ đầu các dự án sinh kế cho người dân vùng lòng hồ sông Đà thuộc địa bàn huyện Đà Bắc. Từ đó, tôi bén duyên với vùng đất này...

Suốt thời gian làm cán bộ dự án, một mình Hảo lăn lộn khắp các làng, bản nơi vùng núi ven hồ sông Đà để hỗ trợ người dân triển khai, thực hiện mô hình sinh kế. Đến đâu, người dân cũng coi cô như người thân thiết trong nhà. Sau khi tham gia một chương trình đào tạo tại TP Hồ Chí Minh trong thời gian 3 tháng, Hảo tiếp tục quay trở lại Đà Bắc là cán bộ dự án AOP. Nhưng lần này, Hảo có một vai trò, vị thế khác. Cũng là triển khai dự án hỗ trợ sinh kế cho người dân nhưng cô mang đến một luồng sinh khí mới khi đưa ra ý tưởng, đề xuất với Ban quản lý dự án về một mô hình sinh kế bền vững: mô hình du lịch cộng đồng tại các xã vùng lòng hồ sông Đà. Bởi qua quá trình làm dự án, gắn bó nhiều năm với bà con vùng đồng bào dân tộc ở các bản làng ven hồ sông Đà, Hảo nhận thấy có tiềm năng rất lớn về du lịch, nhất là du lịch cộng đồng homestay gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây.

Bằng ý tưởng đó, Hảo đã thuyết phục được các thành viên của Ban điều hành AOP. Đó cũng là tiền đề để Công ty Du lịch Đà Bắc do cô làm giám đốc ra đời vào tháng 10/2014. Từ đây, những hoài bão, khát vọng về một hướng đi mới, góp phần làm thay đổi toàn diện đời sống của người dân ở những bản làng khó khăn nơi vùng lòng hồ sông Đà như những hạt giống đã được vun trồng...

Đổi thay vùng lòng hồ sông Đà

Đó chính là cảm nhận rõ nét nhất đối với nhiều người khi có dịp trở lại các xã vùng lòng hồ sông Đà thuộc huyện Đà Bắc. Sự đổi thay này nói như đồng chí Đinh Công Báo, Bí thư Huyện ủy Đà Bắc thì: không chỉ tạo ra một sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương mà còn góp phần làm thay đổi bộ mặt KT-XH, thay đổi về tư duy, cách nghĩ, cách làm. Nhất là đã hình thành tư duy dám nghĩ, dám làm của người dân ở những địa bàn vùng sâu, xa đặc biệt khó khăn của huyện.

Gần 10 năm gắn bó với đồng bào dân tộc ở các xã vùng lòng hồ sông Đà, 6 năm gieo trồng và vun đắp mầm khát vọng, Đinh Thị Hảo đã mang đến một luồng gió mới thổi vào đời sống của người dân nơi đây. Ngay từ những ngày đầu triển khai dự án du lịch homestay, cô đã trèo núi, leo dốc, thuyết phục từng hộ dân tham gia dự án du lịch cộng đồng. Bằng tâm huyết và sự kiên trì, bước đầu Đinh Thị Hảo thuyết phục được 1 nhà, rồi 2 nhà làm thử nghiệm. Sau khi đầu tư đạt tiêu chuẩn về nhà cửa, trang thiết bị, vật dụng. Công ty tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các hộ dân tham gia mô hình làm du lịch homestay về nghiệp vụ bếp, buồng phòng, vệ sinh... Như ở xóm Đá Bia - nay là xóm Đức Phong (xã Tiền Phong) ban đầu chỉ có nhà chị Bùi Thị Nhềm mạnh dạn đi trước, làm trước. Các hộ khác trong xóm nhìn thấy được hiệu quả, lợi ích từ dự án mang lại đã mạnh dạn đầu tư. Đến nay, cả xóm đã có 4 nhà làm du lịch homestay. Nhiều hộ trong xóm cũng tích cực tham gia hỗ trợ, giữ gìn cảnh quan, bản sắc văn hóa, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách khi đến đây.

Chị Bùi Thị Nhềm, một trong những người đầu tiên tham gia dự án du lịch homestay ở Đá Bia chia sẻ: Thay đổi lớn nhất kể từ khi được hỗ trợ triển khai mô hình du lịch cộng đồng ở đây là về đời sống KT-XH và nhận thức của người dân, nhất là trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng. Chính điều đó đã biến Đá Bia từ một nơi chưa có ai biết đến, chưa bao giờ đón khách bên ngoài đến thăm; từ chỗ chưa có gì đến nay đã trở thành một địa danh có tên và có sức hút trên bản đồ du lịch. Trong năm 2019 và những tháng đầu năm nay, Đá Bia đã đón gần 200 đoàn, với khoảng 2.500 lượt khách du lịch. Trong đó, chủ yếu là khách quốc tế với khoảng 1.600 lượt người.

Còn Lý Sao Mai, điều phối viên Công ty Du lịch Đà Bắc ở xóm Sưng (xã Cao Sơn) phấn khởi: Qua quá trình triển khai dự án, từ chỗ người dân chỉ là người thụ hưởng đến nay họ đã cùng hành động với chúng tôi để thay đổi. Không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại như trước. Để đạt được kết quả đó là cả một chặng đường gian nan của Hảo và những người có tâm huyết.

Những năm qua, với sự đóng góp của Hảo, của những người như Lý Sao Mai, Bùi Thị Nhềm, khách du lịch trong nước và quốc tế biết và đến với những xóm, bản du lịch homestay ở vùng lòng hồ sông Đà nhiều hơn thông qua Công ty Du lịch Đà Bắc. Giờ đây, không chỉ Đá Bia mà trên bản đồ du lịch của Đà Bắc nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung, những địa danh như Mó Hém (xã Tiền Phong), xóm Ké (xã Hiền Lương) hay bản Sưng (xã Cao Sơn) đã trở thành những những địa danh có sức hút đối với khách du lịch...

Là người mang đến những thay đổi, nhưng khi nói về những thành quả đạt được, Hảo khiêm tốn: Thực ra công sức đóng góp của tôi không nhiều. Tôi chỉ là người xây dựng ý tưởng và kết nối với người dân để biến nó trở thành hiện thực. Để có được kết quả như hôm nay đều nhờ có sự tham gia, hỗ trợ và đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương từ tỉnh đến huyện. Nhưng trên hết vẫn là những nỗ lực và khát vọng muốn thay đổi của chính những người dân vùng lòng hồ sông Đà. Với khát vọng ấy, tôi tin mô hình du lịch cộng đồng homestay sẽ kết nối, góp phần tạo nên giá trị cốt lõi, khai thác hiệu quả tiềm năng cảnh quan, văn hóa các dân tộc để tỉnh xây dựng thành công điểm du lịch quốc gia vùng lòng hồ sông Đà.


Mạnh Hùng


Các tin khác


Gặp thanh niên Mường Bi được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Cái tên Bùi Văn Tường giờ đây không còn xa lạ với nhiều thanh niên và người dân xã Thanh Hối (Tân Lạc). Lập nghiệp tại quê hương với mô hình "Vườn ươm giống cây trồng”, đến nay Bùi Văn Tường đã là Giám đốc của HTX Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp 0789, xóm Sung, xã Thanh Hối. Thành công từ khát vọng khởi nghiệp tại mảnh đất quê hương, ý chí và nghị lực của anh đã góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thế hệ trẻ tại địa phương.

Gặp gỡ những điển hình lao động sáng tạo

Tuy khác nhau về tuổi đời, tuổi nghề và trình độ học vấn… nhưng đội ngũ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) tỉnh nhà đều có điểm chung là tinh thần hăng say thi đua lao động sản xuất. Những ý tưởng, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn. Qua đó góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đồng thời khẳng định CNVCLĐ là lực lượng tiên phong trong phát triển KT - XH địa phương.

Nữ đoàn viên công đoàn tâm huyết với nghề giáo

Giản dị, thân thiện và gần gũi… đó là cảm nhận đầu tiên khi trò chuyện với chị Bùi Thị Phương Thảo, giáo viên Trường liên cấp Dạ Hợp (TP Hòa Bình). Là giáo viên trẻ tràn đầy nhiệt huyết, chị Thảo được đồng nghiệp và học sinh yêu mến không chỉ bởi giỏi về chuyên môn mà còn là đoàn viên sôi nổi, nhiệt tình tham gia các hoạt động do tổ chức công đoàn phát động.

“Nuôi lợn đất” - mô hình ý nghĩa hỗ trợ hội viên khó khăn

Thời gian qua, mô hình "Nuôi lợn đất” được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Yên Trị (Yên Thủy) triển khai thực hiện hiệu quả, có tính lan tỏa. Mô hình không chỉ tạo được ý thức tiết kiệm, quản lý chi tiêu gia đình trong hội viên phụ nữ mà qua đó khơi dậy tinh thần "tương thân tương ái”, giúp chị em khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Huyện Mai Châu lan tỏa những tấm gương điển hình học tập và làm theo Bác

Thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thời gian qua, trên địa bàn huyện Mai Châu đã có nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu về học tập và làm theo Bác trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội, QP-AN ở địa phương.

Trưởng Công an xã học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

"Hưởng ứng phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc” do Bộ Công an, Công an tỉnh phát động, từ năm 2012 đến đầu năm 2024, với vai trò là Đội trưởng Đội Tổng hợp, tôi đã tham mưu Đảng uỷ, lãnh đạo Công an huyện chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT). Tham mưu, phục vụ tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Bộ Công an về công tác đảm bảo ANTT; các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, thẩm định văn bản phục vụ chỉ đạo của Đảng uỷ, lãnh đạo Công an huyện, Huyện uỷ, UBND huyện. Tháng 2/2024, tôi được điều động, bổ nhiệm làm Trưởng Công an xã Bảo Hiệu” - Trung tá Bùi Văn Tuần, Trưởng Công an xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy chia sẻ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục