(HBĐT) - Tại Lễ hội cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình năm 2019, khách thăm quan và người tiêu dùng chú ý nhiều đến sản phẩm cam trứng được huyện Lạc Thủy đem đi giới thiệu. Sản phẩm do anh Vũ Duy Tân (SN 1984), thôn Đồng Huống, xã Thống Nhất, đồng thời là người "khai sinh" cam trứng đặt cho tên gọi, xuất phát từ việc cho cây cam "ăn" trứng.

 


Anh Vũ Duy Tân, thôn Đồng Huống, xã Thống Nhất (Lạc Thủy) với sản phẩm cam trứng tạo sự khác biệt về chất lượng. 

Khởi nghiệp trên núi

Nhận thức rõ nhu cầu rất lớn của người tiêu dùng về các sản phẩm nông sản an toàn, tốt cho sức khỏe, năm 2016, anh Vũ Duy Tân quyết định lên núi khởi nghiệp để thực hiện những điều nung nấu. Việc trước tiên là phải mua đất lập trang trại, tập trung nghiên cứu sâu về cách làm nông nghiệp sạch. Ý tưởng của anh nhận được sự ủng hộ, đầu tư hợp lực của những người bạn trong nhóm cộng sự. Cũng từ đây, trang trại cây ăn quả có múi sản xuất theo hướng hữu cơ với quy mô lớn nhất huyện hình thành.

Trang trại của anh Tân có diện tích hơn 20 ha với những quả đồi lúp xúp gần như biệt lập. Bắt tay vào làm, anh chủ động bỏ kinh phí thuê thực hiện các bước kiểm nghiệm, phân tích, đánh giá chất đất, nguồn nước... để đảm bảo yếu tố an toàn của sản phẩm trồng trọt. Đặc biệt, với quy mô lên đến vài chục ha, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất được anh tập trung thực hiện bài bản. Hầu hết các công đoạn đều được tự động hóa, từ hệ thống tưới cung cấp dinh dưỡng cho cây đến hệ thống phun phủ vi sinh...

Cho cây cam "ăn" trứng

Với xuất phát điểm khá lơ mơ nhưng càng tìm hiểu nông nghiệp sạch, anh Tân càng say mê và quyết tâm làm cho bằng được. Qua tìm đọc các tài liệu, anh biết rằng thành phần dinh dưỡng trong quả trứng gà rất lớn, trứng có yếu tố vi lượng cân đối, chất trong quả trứng dễ tiêu. Anh lại nghĩ "cho cây ăn bổ sung chất gì thì quả sẽ có chất đó". Đây là lý do để anh tiến hành thử nghiệm bón trứng cho cây cam.

Lạc Thủy không chỉ là vùng khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để cây cam phát triển mà còn có rất nhiều trang trại nuôi gà đẻ trứng giúp anh Tân có được nguồn trứng tại chỗ làm thức ăn cho cây. Qua hạch toán, mỗi cây cam "ăn" 50 - 70 quả trứng/năm, chi phí khoảng 100.000 - 150.000 đồng. Số lượng trứng nhập về mỗi lần lên đến hàng triệu quả. Bí kíp được anh chia sẻ: trước khi cho cây cam "ăn", trứng được đập vỏ, giữ lại toàn bộ phần lòng trứng trộn với các thành phần khác như cá, đậu tương và chế phẩm sinh học, ngâm ủ 6 tháng trước khi sử dụng bón cho cây. Việc bón trứng được thực hiện qua hệ thống tự động và điều chỉnh liều lượng với từng giai đoạn cây phát triển.

Bên cạnh cách làm sáng tạo là cho cây cam "ăn" trứng cùng chế độ dinh dưỡng bón nhiều vi sinh, anh còn thực hiện phòng trừ sâu bệnh bằng phương pháp hữu cơ, hoàn toàn không xử lý, can thiệp bằng thuốc hóa học. Cụ thể, anh dùng chế phẩm làm từ tinh dầu ớt, nước quả bồ hòn, hạt cau, lá lim ngâm cùng với tỏi tươi, quả bình bát, thuốc lào... Để quản lý sâu bệnh vào mùa dịch bệnh, hệ thống phun thuốc tự động gần như hoạt động 1 lần/ngày. Những tâm huyết và công sức đầu tư của anh được đổi lại bằng việc cho ra đời sản phẩm cam trứng độc, lạ ngay từ ý tưởng và bổ dưỡng, thơm ngon.

Cam trứng "cháy hàng"

Sau 4 năm gây dựng, niên vụ 2019-2020 là niên vụ đầu tiên trang trại cây ăn quả có múi sản xuất theo hướng hữu cơ đưa ra thị trường sản phẩm cam trứng với 8/20 ha cho thu hoạch. 

Cảm nhận của chúng tôi về sản phẩm là tép cam màu sắc vàng tươi như lòng đỏ trứng gà, vị ngon ngọt đặc trưng của cam, hậu vị có mùi thơm ngậy giống như sữa, khi mới nếm không có cảm giác tê trong miệng, vị gắt thường thấy ở cam quả. Không chỉ tạo sự khác biệt khi ra mắt sản phẩm cam trứng, người chủ trang trại còn tính toán lựa chọn phát triển giống V2 chín muộn là chủ lực để tung ra đúng thời điểm sản lượng cam khan hiếm trên thị trường. Sản phẩm cam trứng có đầy đủ tem nhãn do chính anh Tân thiết kế, công khai minh bạch toàn bộ lý lịch hình thành, quy trình sản xuất. Anh còn lập một số fanpage cung cấp thông tin về trang trại để người tiêu dùng tìm hiểu.

Trang trại hiện đang ký hợp đồng với doanh nghiệp nông sản Đăng Khôi phân phối độc quyền sản phẩm. Với kênh liên kết tiêu thụ này, cam trứng có mặt ở các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch thuộc 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh với giá bán tại thị trường Hà Nội 60.000 đồng/kg, tại TP Hồ Chí Minh 75.000 đồng/kg. Anh Tân cho biết, do sản lượng ít, nên cam trứng chưa thể đáp ứng được các đơn đặt hàng. Dự kiến vụ sau, toàn bộ 20 ha cam trứng sẽ cho khai thác đều, sản lượng tăng lên 200 tấn, tình trạng "cháy hàng" sẽ đỡ hơn.

Bằng việc tìm cho mình một hướng đi khác biệt, tạo ra sản phẩm độc, lạ về ý tưởng, tạo sự khác biệt về chất lượng, tin rằng Vũ Duy Tân - "cha đẻ" của dòng cam trứng sẽ thành công trên bước đường khởi nghiệp nông nghiệp sạch. Với nguồn vốn lớn (khoảng 35 tỷ đồng) đầu tư vào cây cam trứng, anh Tân tính toán phải 5 - 6 năm nữa mới hoàn lại kinh phí bỏ ra. Đổi lại, sản xuất theo hướng hữu cơ, thời kỳ cam kinh doanh sẽ được lâu dài hơn. Quan trọng nữa là sản phẩm có giá tốt và được thị trường ưa chuộng, tin dùng. Hiện, anh Tân đang hoàn thiện các thủ tục và điều kiện để các tổ chức đến đánh giá, công nhận sản phẩm cam trứng sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu. 

                                                                                       Bùi Minh

Các tin khác


Người đi đầu trong phong trào cải tạo vườn tạp

(HBĐT) - Vụ bưởi năm nay, gia đình ông Nghiệp vui lắm, cây nào cũng sai quả, giá bán lại cao hơn năm ngoái, đầu ra cũng ổn định. Sản phẩm không chỉ giao cho tư thương tại vườn mà các con ông đã ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá và chuyển hàng cho khách trong huyện, tỉnh, các tỉnh bạn qua đường xe khách. Ông dự tính trừ chi phí 2 ha bưởi, 0,5 ha cam, gia đình tích lũy được hơn 100 triệu đồng. Ở vùng đất thuần nông, vườn tạp còn nhiều như xã Văn Sơn (Lạc Sơn) thì đó là khoản thu nhập đáng kể.

Vượt lên số phận chế tạo xe lăn cho người khuyết tật

(HBĐT) - Không cam chịu số phận nghiệt ngã của người tàn phế do tai nạn giao thông, anh Lê Huy Tích, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) đã bền bỉ vượt lên nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, để chế tạo thành công sản phẩm xe lăn đầu kéo điện được khách hàng cả nước tin dùng. Câu chuyện của anh Tích đã truyền cảm hứng cho những người cùng hoàn cảnh vươn lên hòa nhập với xã hội, có ích cho cộng đồng, là điển hình học tập, làm theo lời Bác và điển hình trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020 của tỉnh.

"Vua" cá ngạnh trên dòng Đà Giang

(HBĐT) - Với anh Bùi Văn Chiến ở xóm Tháu, phường Thái Bình (TP Hòa Bình), nghề đánh cá, nuôi cá trên hồ Hòa Bình đã giúp anh lập nghiệp và làm giàu. Đặc biệt nhiều năm nay, trên dòng Đà Giang, chưa có ai có thể "qua mặt” được anh về kỹ năng đánh bắt cá ngạnh.

Chi hội trưởng phụ nữ gương mẫu

(HBĐT) - Luôn gương mẫu đi đầu, năng động, sáng tạo trong các hoạt động, phong trào hội; tích cực tuyên truyền, vận động nhằm thu hút hội viên, phụ nữ tham gia các hoạt động hội; phấn đấu xây dựng tổ chức Hội vững mạnh… Đó là những nhận xét tích cực của lãnh đạo Hội LHPN xã Yên Bồng (Lạc Thủy) đối với chị Bùi Thị Điền (ảnh), Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Sóc Bai.

Thu nhập tiền tỷ từ trại bò trăm con ở thôn Voi

(HBĐT) - Thôn Voi từng là vùng quê heo hút, ít ai biết đến của xã đặc biệt khó khăn Hưng Thi (Lạc Thủy). Tuy nhiên, nơi đây đang có nhiều đổi khác với màu xanh trù phú trải rộng, xuất hiện nhiều gia trại, trang trại chăn nuôi tầm cỡ. Ngay tại đầu thôn là trang trại với đàn bò trăm con của bà Đặng Thị Vân. Nhờ mạnh dạn, quyết đoán đầu tư đã giúp bà có nguồn thu nhập cao, ổn định từ mô hình trại bò thịt trăm con này.

Người phụ nữ nhiệt huyết với công tác dân số ở cơ sở

(HBĐT) -  26 năm qua, bà Đỗ Thị Hữu, thôn Đồng Nhất - nay là thôn Đồng Thắng, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) luôn thầm lặng tới từng hộ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân số. Bằng việc làm của mình, bà Hữu đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân trong việc nâng cao chất lượng dân số. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục