(HBĐT) - Anh Hoàng Văn Sao, xóm Vai Đào, xã Cao Sơn (Lương Sơn) không chỉ là đoàn viên năng động, trách nhiệm trong hoạt động Đoàn, mà còn là tấm gương khởi nghiệp vươn lên từ khó khăn. Anh đã tìm cho mình con đường để lập thân, lập nghiệp bằng mô hình chăn nuôi dúi. Đến nay, mô hình đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.



Anh Hoàng Văn Sao, xã Cao Sơn (Lương Sơn) chuẩn bị thức ăn cho đàn dúi.

Đồng chí Bùi Văn Tảo, Bí thư Đoàn xã Cao Sơn cho biết: "Nguyên là Bí thư chi đoàn xóm Vai Đào, đồng chí Sao rất năng động, nhiệt tình tham gia các hoạt động Đoàn. Mặc dù quá trình khởi nghiệp, phát triển kinh tế trải qua nhiều khó khăn, nhưng với bản lĩnh, nghị lực của một đoàn viên thanh niên năng động, đồng chí Sao đã không nản chí, nỗ lực vượt qua mọi thử thách, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho mọi người. Đồng chí xứng đáng là tấm gương trong phát triển kinh tế để ĐV-TN cùng người dân trên địa bàn xã học tập, noi theo”.

Từ lâu, anh Hoàng Văn Sao ấp ủ giấc mơ làm giàu chính đáng từ chính nơi mình sinh ra và lớn lên. Năm 2012, biết đến chăn nuôi dúi nhờ tình cờ xem được chương trình trên truyền hình, sau đó tìm hiểu thêm trên các phương tiện thông tin đại chúng về kinh nghiệm, các mô hình chăn nuôi dúi hiệu quả. Nhận thấy mô hình phát triển kinh tế này không quá khó, ít tốn kém mà đem lại hiệu quả kinh tế cao, thức ăn cũng như điều kiện chăn nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và khả năng của bản thân, anh Sao đã mạnh dạn đầu tư gần 15 triệu đồng lên Sơn La, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... tìm mua được gần 20 cặp dúi giống về nuôi thử nghiệm. Những cặp dúi giống được chính tay anh lựa chọn. Chuồng nuôi dúi được xây dựng khá đơn giản, không tốn quá nhiều diện tích. Mỗi ô chuồng được dựng bằng các tấm gạch men, kích thước 50x50 cm nối liền sát với nhau. Dúi là loài động vật hoang dã, sợ tiếng ồn, ưa mát mẻ nên chuồng phải đảm bảo kín gió, ít tiếng ồn, không bị ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm thực tế, chưa có nhiều tài liệu hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật chăn nuôi dúi, anh gặp không ít khó khăn và từng có ý định bỏ cuộc. Nhưng với khát khao lập thân, lập nghiệp, ý chí, bản lĩnh, sức trẻ của thanh niên, anh đã nỗ lực vượt qua những khó khăn ban đầu.

Theo anh Sao, việc chăn nuôi dúi khá đơn giản. Thức ăn của loài động vật này gồm có tre, ngô, mía, cỏ voi... đều là những sản phẩm dễ kiếm trong nông nghiệp. Hàng ngày chỉ cần cho ăn 1 lần vào buổi chiều tối. Mỗi năm, dúi cái đẻ được 3 - 4 lứa, mỗi lứa từ 2 - 3 con. Từ khi sinh ra, sau khoảng 20 - 25 ngày thì dúi giống có thể xuất bán với giá 1,2 triệu đồng/cặp. Hiện nay, dúi thịt trên thị trường có giá từ 450.000 đồng/kg. Mỗi năm, sau khi đã trừ chi phí, anh Sao thu được trên 100 triệu đồng.

Sau khoảng 8 năm thử sức và phát triển, từ gần 20 cặp giống, đến nay, mô hình chăn nuôi dúi của anh Hoàng Văn Sao đã phát triển được hơn 300 con.

Anh Hoàng Văn Sao chia sẻ: "Dúi ăn rất ít, một lần đi lấy thức ăn có thể đủ cho cả đàn ăn trong vài ngày. Công việc dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại cũng không tốn nhiều công sức nên công việc chăn nuôi dúi khá nhàn. Dúi là động vật hoang dã, thịt thơm ngon, giàu chất đạm, mặc dù giá khá cao nhưng lại được nhiều khách hàng ưa chuộng và tìm mua. Nuôi dúi đem lại hiệu quả kinh tế cao nên trong thời gian tới, tôi tiếp tục nâng cao số lượng đàn để đáp ứng được nhu cầu của thị trường”.


Linh Nhật


Các tin khác


Làm giàu từ nuôi ong lấy mật

(HBĐT) - Từ một người lính với tình yêu cây, yêu hoa, yêu ong, ông Mai Văn Chữ quyết định ở lại khu 3, phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) để thỏa mãn niềm đam mê của mình. Sau 30 năm nuôi ong ở đất Hòa Bình đã mang lại cho gia đình ông cuộc sống ổn định, cơ ngơi khang trang.

Nguyễn Hoài Thương - điển hình thanh niên làm theo lời Bác 

(HBĐT) - Nguyễn Hoài Thương là Bí thư chi đoàn, cán bộ trẻ của Tòa án nhân dân tỉnh. Với trách nhiệm Bí thư chi đoàn, Thương đã cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và đã có nhiều ý tưởng mới cùng với Ban Chấp hành chi đoàn vận động và tổ chức các chương trình hưởng ứng phong trào Thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.

Làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp

(HBĐT) - Trong những năm gần đây, làm nông nghiệp gặp nhiều rủi ro, không ít người phải trắng tay, thậm chí phá sản sau một vụ bị dịch bệnh, thời tiết, thị hiếu người tiêu dùng thay đổi. Nhưng với anh Nguyễn Văn Năm, xóm Hồng Dương, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) không những trụ vững mà còn làm giàu cho gia đình.

Người cựu chiến binh tiên phong hiến đất ở xóm Rú Mới

(HBĐT) - Cựu chiến binh (CCB) Bùi Văn Tý, xóm Rú Mới, xã Hợp Phong (Cao Phong) là gương sáng trong phong trào hiến đất xây dựng một số công trình phúc lợi ở địa phương, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc, khang trang.

Khởi nghiệp từ đam mê

(HBĐT) - Không chỉ là một trong những đoàn viên, thanh niên (ĐV-TN) tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn TN phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình), Trần Thị Liêm còn là người luôn nỗ lực trong việc biến đam mê thành cơ hội khởi nghiệp. Hiện, Liêm đã có cửa hàng chuyên may và bán chăn, ga, gối, đệm... 

Sáng kiến nhỏ cho một niềm tin lớn

(HBĐT) - Trong điều kiện vật tư, trang thiết bị y tế dành cho các các y, bác sỹ, điều dưỡng trực tiếp làm công tác sàng lọc, khám chữa bệnh còn thiếu, chị Vũ Thị Hoa điều dưỡng trưởng Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã sáng chế tự làm mũ bảo hộ ngăn giọt bắn từ những nguyên vật liệu sẵn có, dễ làm, phục vụ tốt cho công tác điều trị, chăm sóc người bệnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục