Thương binh, nạn nhân chất độc da cam Bùi Văn Chếch (ngoài cùng bên trái) cùng lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Lạc Sơn động viên nạn nhân chất độc da cam xã Vũ Bình.
Sau thời gian phục vụ trong quân ngũ, thanh niên Bùi Văn Chếch trở về quê hương xã Vũ Lâm - nay là xã Vũ Bình (Lạc Sơn) với thương tật được xác định là thương binh hạng 4/4, bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin 41%.Sau khi lập gia đình, chờ đợi niềm hạnh phúc đón con thơ nhưng trái tim ông lại thắt nghẹn khi con sinh ra bị dị tật, không được lành lặn, khỏe mạnh như người khác. Nỗi đau nối tiếp khi đứa cháu nội cũng đau ốm liên miên. Tổng cộng gia đình ông có 3 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam.
Nhớ lời Bác Hồ dặn "thương binh tàn nhưng không phế”, với bản lĩnh của người lính cụ Hồ, ông gạt đi nước mắt, nỗ lực không ngừng nuôi con ăn học, "truyền lửa” để con vượt qua khó khăn, đau đớn hàng ngày. Ông tâm niệm: "Càng khó khăn càng cần phải có ý chí, đó như ngọn đuốc soi đường cho ta đi”. Không khỏe mạnh nhưng con ông ngoan ngoãn, chăm chỉ và trở thành người thầy giáo da cam dạy chữ cho con em tiểu học trong xã, được học trò, đồng nghiệp và phụ huynh thương mến.
Sắp xếp việc nhà, ông Chếch còn tham gia tích cực vào các hoạt động của địa phương và được tín nhiệm bầu là Bí thư chi bộ, Chủ nhiệm Hợp tác xã xóm Cơi. Lăn lộn, sâu sát cơ sở, ở cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, gương mẫu để cán bộ, Nhân dân noi theo. Gia đình ông liên tục đạt gia đình văn hóa, chi bộ xóm Cơi là chi bộ vững mạnh. Năm 1999, ông được bầu chọn là thương binh tiêu biểu của huyện, của tỉnh, được đi dự hội nghị thương binh tiêu biểu toàn quốc lần thứ 3 tại TP Hồ Chí Minh, được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tặng bằng khen.
Sinh năm 1944, khi mái tóc người cựu binh ngả bạc, ông tiếp tục được tín nhiệm, đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã và từ tháng 4/2015 được điều động làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã. Giờ đây, dù tuổi cao, ông vẫn nhiệt huyết vừa đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội, vừa là Bí thư chi bộ xóm. Sau khi sáp nhập 3 xã (Vũ Lâm, Bình Chân, Bình Cảng) thành xã Vũ Bình, địa bàn rộng quả là thách thức đối với ông. Song với ý chí của người lính bộ đội Cụ Hồ, ông vẫn nhiệt huyết tham gia công tác, hoạt động. Bản thân là nạn nhân chất độc da cam và gia đình có 3 người bị nhiễm, ông thấu hiểu nỗi khổ của nạn nhân và tập hợp, đoàn kết họ vào tổ chức Hội. Toàn xã có 51 nạn nhân chất độc da cam đã được xác định, trong đó, 15 nạn nhân thế hệ thứ 2, thứ 3. Đến nay, 100% nạn nhân đều tham gia vào tổ chức Hội, sinh hoạt tại 9 chi hội. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả hỗ trợ nạn nhân. Tiêu biểu, từ năm 2016 - 2021, Hội đã vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và phối hợp MTTQ, các đoàn thể xóa được 4 nhà tạm cho 4 gia đình nạn nhân; tặng bò sinh sản cho 2 gia đình nạn nhân khó khăn; tặng 217 suất quà ngoài phần quà theo chế độ. 100% nạn nhân được thực hiện đầy đủ chính sách, đời sống được nâng lên rõ rệt, tinh thần phấn khởi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, tích cực xây dựng Hội vững mạnh, xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Bình Bùi Minh Tặng và Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Phạm Xuân Khóa đều chung nhận xét: "Ông Bùi Văn Chếch là một cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm, trọn nghĩa vẹn tình với đồng đội, luôn phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành tốt”. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, ông được đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích cống hiến.