Ông Đỗ Văn Chiến (thứ hai từ phải sang), xã Thịnh Minh (TP Hòa Bình) giới thiệu sản phẩm OCOP 3 sao miến dong Chiến Thọ.
Xây dựng thành công thương hiệu miến dong Chiến Thọ
Ông Chiến chia sẻ: Trước đây, người dân xóm Bu Chằm chủ yếu trồng sắn, dong riềng. Song vào vụ thu hoạch điệp khúc "được mùa mất giá” cứ đeo bám bà con. Tư thương mua dong riềng với giá rẻ đã thôi thúc tôi đi học hỏi kinh nghiệm chế biến tinh bột sắn, dong riềng ở Hoài Đức (Hà Nội). Với mong muốn tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ nông sản cho bà con, tôi đã mạnh dạn vay ngân hàng 300 triệu đồng để mua 1 bộ máy chế biến tinh bột sắn và dong riềng. Khi bắt tay vào chế biến miến dong tôi luôn tâm niệm phải làm ra sản phẩm sạch, không chất bảo quản, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, quy trình sản xuất miến dong được kiểm soát chặt chẽ, tỉ mỉ từ khâu thu mua nguyên liệu.
Trung bình mỗi năm, cơ sở chế biến được khoảng 2.000 tấn củ tươi, sản xuất ra từ 110 - 120 tấn thành phẩm. Năm 2019, với sự hỗ trợ của các cấp, ngành trong hoàn thiện hồ sơ, chuẩn hóa các tiêu chuẩn sản phẩm, miến dong Chiến Thọ được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Được gắn sao OCOP giúp thương hiệu miến dong Chiến Thọ lan tỏa tới người tiêu dùng. Một số thị trường tiêu thụ chính là TP. Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… Để phục vụ Tết Nguyên đán, từ tháng 9 công nhân phải làm việc tất bật, trung bình 1 ngày cơ sở sản xuất khoảng 1 tấn miến dong thành phẩm.
Lợi ích kép từ trồng cà gai leo dưới tán bưởi
Với vai trò là Bí thư chi bộ, hội viên nông dân, ông Chiến đã tuyên truyền, vận động nông dân cải tạo vườn tạp, quy hoạch đất nông nghiệp để trồng những cây có giá trị kinh tế cao. Sau khi tháo gỡ được bài toán tiêu thụ dong riềng cho bà con, ông Chiến thử kết hợp trồng cây dược liệu cà gai leo dưới tán bưởi.
Với 7 ha trồng bưởi Diễn, bưởi đỏ, khoảng 4.000 gốc bưởi. Khi bưởi còn nhỏ, riêng tiền thuê lao động làm cỏ cũng rất tốn kém. Với quan điểm "tấc đất, tấc vàng”, "lấy ngắn nuôi dài”, ông trồng cà gai leo dưới tán bưởi, vừa để giữ ẩm cho đất, vừa không tốn công sức làm cỏ. Sau 3 tháng trồng, cà gai leo phát triển tốt, chỉ trồng 1 lần thu tới 6 - 10 năm, sản lượng khoảng 10 tấn/năm. 1 ha đất trồng bưởi 1 năm thu 3 - 4 lần, giá bán 40.000 đồng/kg, như vậy, mỗi ha thu được khoảng 400 triệu đồng. Thấy lợi nhuận từ trồng cà gai leo cao, dễ tiêu thụ, bà con trong xóm tới học hỏi kinh nghiệm. Đến nay, toàn xóm có 15 ha cà gai leo. Ông Chiến đã liên kết và thu mua toàn bộ cà gai leo của bà con, sơ chế, đóng gói để các công ty đến thu mua. Ngoài ra, ông trồng 2 ha mít Thái, 2 ha nghệ đỏ, 40 ha rừng sản xuất. Trung bình mỗi năm, trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận đạt trên 1 tỷ đồng. Ông dự định mở rộng quy mô sản xuất miến dong, đầu tư thêm 1 máy sơ chế, 1 máy sấy khô nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao miến dong Chiến Thọ.
Đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch HND xã Thịnh Minh cho biết: Ông Đỗ Văn Chiến là tấm gương tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của TP Hòa Bình. Mô hình kinh tế của gia đình ông đã tạo việc làm cho 15 lao động địa phương, thu nhập từ 6,5 - 8 triệu đồng/người/tháng; giúp 40 hộ trong xóm bằng hình thức bán phân bón trả chậm từ đầu mùa đến cuối năm thu hoạch mới trả. Ông nhận được nhiều bằng khen của các cấp trong các phong trào thi đua, xứng đáng là 1 trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc.
Thu Thủy