(HBĐT) - Không chỉ nhiệt tình, trách nhiệm trong mọi phong trào, hoạt động của Hội Phụ nữ tại địa phương, chị Bùi Thị Tường, sinh năm 1988, hội viên Chi hội Phụ nữ xóm Chầm, xã Thạch Yên (Cao Phong) còn được biết đến là một tấm gương trong phát triển kinh tế. Vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng, gia đình chị có mức thu nhập ổn định từ 200 - 300 triệu đồng/năm.
Chị Bùi Thị Tường, Chi hội Phụ nữ xóm Chầm, xã Thạch Yên (Cao Phong) chăm sóc đàn trâu của gia đình.
Vốn quê ở xã Đông Lai (Tân Lạc), năm 2011, chị Tường về làm dâu tại xóm Chầm, xã Thạch Yên. Năm 2015, vợ chồng chị ra ở riêng với ngôi nhà tạm và con nhỏ. Tuy có chút bỡ ngỡ và khó khăn ban đầu, nhưng vợ chồng chị Tường nhanh chóng định hướng và quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống mới.
Có diện tích đất 8.000m2 đất đồi và 4.000 m2 đất ruộng, vợ chồng chị xác định phát triển kinh tế từ chăn nuôi và trồng trọt. Những ngày đầu, để có vốn mua con giống, gia đình chị đã phải bán đi 1 tạ thóc để mua lợn nái sinh sản. Rồi xác định tận dụng nguồn thức ăn có sẵn như: Rau, cây chuối trong vườn gia đình tự trồng được cộng với sự chăm chỉ, chăm chút cho vật nuôi, năm đầu, gia đình chị đã xuất chuồng 2 lứa lợn. Ngoài ra, anh chị còn nuôi gà, vịt xác định "lấy ngắn nuôi dài”. Mỗi năm, gia đình nuôi 2 lứa vịt được trên 300 con. Tổng thu nhập từ nuôi lợn, gà vịt được gần 40 triệu/năm. Cứ dành dụm, tích góp, gia đình chị bắt đầu mạnh dạn đầu tư trồng 500 gốc cam, bưởi. Tuy nhiên, thời điểm cam, bưởi cho thu hoạch thì cam lại không còn được giá. Cộng với đường xá xa xôi, đi lại khó khăn nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ sản phẩm.
Chị Tường chia sẻ: "Trăn trở trước khó khăn gặp phải, vợ chồng tôi đã bàn nhau vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng NN&PTNT mua 3 con trâu. Những ngày đầu chưa có kỹ thuật chăn nuôi, trâu lớn chậm. Từ khi được tham gia lớp tập huấn chăn nuôi trâu, bò do Hội LHPN xã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện tổ chức, tôi đã đã học hỏi được kiến thức và áp dụng kỹ thuật chăn nuôi trâu vào thực tế tại gia đình. Và hiệu quả chăn nuôi đã đã thể hiện rõ khi trâu lớn nhanh, khỏe mạnh. Cuối năm 2019, gia đình bán đàn trâu được 100 triệu đồng”.
Thấy nuôi trâu đem lại hiệu quả kinh tế cao, đầu năm 2020, gia đình chị Tường quyết tâm mở rộng quy mô chăn nuôi và vay thêm vốn của Ngân hàng CSXH 50 triệu đồng. Cùng với vay mượn thêm anh em họ hàng 200 trăm triệu đồng, anh chị xây dựng chuồng trại, mua thêm trâu, trồng các loại cây làm thức ăn như: Cỏ voi, chuối hồng, ngô; đầu tư mua máy thái cỏ, mua cây mía cỏ trắng để đảm bảo nguồn thức ăn ổn định cho đàn trâu. Mỗi năm, anh chị nuôi được 2 lứa trâu, mỗi lứa từ 18 - 20 con. Mỗi lứa trừ chi phí đầu tư, anh chị thu về khoảng 200 triệu đồng. Bên cạnh chăn nuôi trâu, bò, vợ chồng chị Tường vẫn duy trì nuôi lợn, gà, vịt và trồng cam, bưởi tăng thêm thu nhập.
Dự định tới đây, gia đình chị sẽ mở rộng thêm chuồng trại và tăng thêm số lượng đàn trâu, bò lên khoảng 30 con/1 lứa và thuê thêm 1 lao động thường xuyên có việc làm ổn định.
Đồng chí Lê Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Cao Phong cho biết: Ngoài làm kinh tế giỏi, chị Bùi Thị Tường còn chăm lo, tổ chức cuộc sống gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan; là một hội viên nòng cốt tích cực tham gia hoạt động công tác Hội, các phong trào và hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Khi chị em hội viên trong chi hội gặp khó khăn về vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, chị luôn sẵn sàng giúp đỡ cho vay không lấy lãi. Chị cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho chị em học tập. Với những thành quả đạt được trong phát triển kinh tế gia đình đã góp phần cùng địa phương thực hiện xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Chị Tường xứng đáng làm tấm gương cho chị em hội viên phụ nữ noi theo.
H.D
(HBĐT) - Nêu gương trong lối sống, nêu gương trong cách nghĩ, nêu gương trong cách làm, đó là cách mà trong suốt nhiều năm qua, ông Lê Văn Dĩnh, tổ dân phố số 2, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) đã học và làm theo Bác Hồ. Với vai trò là Bí thư chi bộ, người đứng đầu tổ dân phố, ông đã nêu cao ý thức, trách nhiệm tự giác trên cả 3 nội dung: Học Bác, làm theo Bác và nêu gương Bác.
(HBĐT) - Những ngày đầu tháng 7, ở các tỉnh phía Nam, lượng bệnh nhân Covid-19 tăng chóng mặt. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, gần 70 cán bộ, y, bác sỹ của tỉnh Hòa Bình đã chi viện cho các tỉnh miền Nam. Nhận lời kêu gọi tham gia vào lực lượng chi viện cho TP Hồ Chí Minh, điều dưỡng Đàm Thu Hà, Khoa Ngoại thần kinh - Ung bướu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) là một trong những người xung phong tình nguyện đăng ký lên đường.
(HBĐT) - Xen giữa màu xanh của vườn cây ăn quả có múi, ngô là cánh đồng măng tây trải dài ngút tầm mắt của HTX nông nghiệp sạch Anh Tuấn, phố Lâm Hóa 2, xã Vũ Bình (Lạc Sơn). Những búp măng tây đua nhau mọc là thành quả của những tháng ngày lao động cần cù, vất vả và tinh thần dám nghĩ, dám làm của anh Lương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nông nghiệp sạch Anh Tuấn.
(HBĐT) - Chị Vi Thị Hiền sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân tại mảnh đất xứ Nghệ. Năm 2001, chị xây dựng gia đình, về làm dâu tại xã Hữu Lợi (Yên Thủy). Những năm đầu, gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn bởi kinh tế quanh năm chỉ trông chờ vào mảnh ruộng, nương ngô cằn cỗi và 1 con bò, 5 sào đất bố mẹ cho. Chị luôn trăn trở suy nghĩ phải làm thế nào để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài.
(HBĐT) - Cùng chung tay với các hoạt động chống dịch của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã 5 lần tổ chức xuất quân chi viện cho các tỉnh, thành phố. Mỗi đợt ra quân là một lần tập thể Bệnh viện Đa khoa tỉnh thêm tự hào về những người đồng nghiệp, bố mẹ thêm tự hào về những người con, người dân tự hào vì được chứng kiến những hành động đầy tình người. Và hình ảnh về một lớp thế hệ những y, bác sĩ thời chống dịch Covid-19 hiện lên trong mỗi người dân thân thương đúng như tên gọi "chiến sĩ áo trắng”.
(HBĐT) - Với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo cùng đức tính kiên trì, tỉ mỉ, đầu óc sáng tạo, giàu trí tưởng tượng, anh Nguyễn Quang Tuấn (SN 1992), thôn Tân Tiến, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) lựa chọn con đường khởi nghiệp bằng công việc tạo ra những cây bonsai sinh động, hấp dẫn. Đến nay, mô hình phát triển kinh tế của anh đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.