(HBĐT) - Sinh ra và lớn lên ở xã Pà Cò (Mai Châu), Sùng Y Múa may mắn hơn nhiều người con gái Mông khác là được đi học lên cao. Sau khi học xong, Y Múa trở về làm ở trạm y tế. Không chỉ là một nữ hộ sinh mát tay, Y Múa còn là người kinh doanh giỏi, tạo việc làm cho bà con người Mông ở xã Hang Kia, Pà Cò.



Chị Sùng Y Múa cùng du khách nước ngoài. 

Từ một nữ hộ sinh giàu tình thương

Cách đây khoảng 20 năm, trong số 15 người ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò rời bản xuống huyện học THPT, rồi đi học các ngành nghề có Sùng Y Múa. Học xong phổ thông, chị quyết định theo nghề y. Y Múa chia sẻ: "Nhìn thấy bố mẹ, người thân ốm đau mà không biết chữa, mình buồn lắm. Mình học nghề để về bản đuổi bệnh tật và lạc hậu đi". Những ngày đầu về công tác tại trạm y tế xã Hang Kia, Y Múa gặp rất nhiều khó khăn khi vận động bà con thực hiện nếp sống vệ sinh và bỏ hủ tục. Đa phần phụ nữ ở đây ít để ý đến sức khỏe sinh sản, sinh đẻ có kế hoạch. Ở các bản cao, nhiều chị em mới ngoài 30 tuổi mà có đến cả chục đứa con. Vòng luẩn quẩn lấy vợ, lấy chồng sớm, đẻ con nhiều, rồi đói nghèo cứ đeo bám mãi mảnh đất này.

Vốn là người giàu tình thương và trách nhiệm nên Y Múa có cách giải quyết cho phù hợp với phong tục tập quán. Nhiều bà mẹ sinh non đã được Y Múa mát tay giúp đỡ. Từ ngày biết dùng mạng xã hội, Y Múa đã  viết những câu chuyện đó chia sẻ lên facebook để kêu gọi mọi người ủng hộ các gia đình này. Tấm lòng chân thành của cô đỡ nơi thôn bản đã huy động được nhiều nhà hảo tâm cùng tham gia. Nhiều đoàn từ thiện thông qua kết nối của Y Múa đã trao được những món quà đầy ý nghĩa tới các gia đình phụ nữ nghèo. Cũng có chị em có mái nhà mới nhờ sự nỗ lực của Y Múa. Những việc làm của Y Múa dần được chị em ủng hộ. Giờ đây, việc sinh con tại nhà gần như không còn. Việc ăn ở, vệ sinh của bà con người Mông dần có sự thay đổi. Mỗi khi gia đình hay người thân có việc gì liên quan đến sức khỏe, bà con người Mông đều hỏi ý kiến Y Múa. Hình ảnh cô hộ sinh không quản ngày đêm đến với bản làng đã quen thuộc với bà con người Mông.

Đến một người làm sáng bản Mông

Từ năm 1995, khách du lịch đã biết đến Hang Kia bởi sự hoang sơ và giữ được bản sắc văn hóa của người Mông. Trang phục truyền thống, làng nghề thêu, dệt vải, vẽ sáp ong, nhuộm chàm, đổ giấy giang thủ công, lò rèn, rượu ngô vẫn còn giữ nguyên vẹn. Nhận thấy đây là tiềm năng của địa phương mà ít nơi còn có được, từ năm 2011-2013, gia đình Sùng Y Múa mạnh dạn đầu tư xây dựng homestay cho khách lưu trú. Một thời gian sau, gia đình chị Múa đã làm thêm nhà để đón khách, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển du lịch tại địa phương.

Lúc đầu, lượng khách du lịch đến với homestay Y Múa và xã Hang Kia chủ yếu khách tour nên không nhiều. Sau đó, Y Múa đã mạnh dạn tìm hiểu về cách làm du lịch của các homestay và địa bàn lân cận để cải tiến, áp dụng cho homestay của mình và địa phương. Từ đó số lượng khách đến với homestay của gia đình chị và xã Hang Kia tăng lên rõ rệt. Trong những năm làm du lịch cộng đồng, chị không ngừng phấn đấu và quảng bá hình ảnh đẹp về Hang Kia. Tạo niềm tin cho các công ty lữ hành giới thiệu du khách biết đến Hang Kia nhiều hơn.

Hiện nay, trung bình mỗi tháng homestay của chị thu hút 200 - 250 khách du lịch lưu trú, việc làm cho 4 - 7 người, cao điểm 7 - 10 người với thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.  Homestay Y Múa đã kết nối với nhiều homestay trên địa bàn như các tuyến Hang Kia - Bản Bước, Hang Kia - Mai Hịch, Hang Kia - Mai Châu. Kết nối với các homestay của các tỉnh lân cận như: Hang Kia - Pù Luông, Hang Kia - Ninh Bình, Hang Kia - Hua Tạt, Vân Hồ, Hang Kia - Ngọc Chiến, Hang Kia - Nghĩa Lộ, Yên Bái... 

Bên cạnh thu hút khách du lịch đến với Hang Kia, chị Sùng Y Múa luôn là người tiêu biểu trong công tác từ thiện nhân đạo tại địa phương. Chị kết nối với nhiều nhà hảo tâm để kêu gọi các đoàn từ thiện về xã ủng hộ nhà trường, đồ dùng học tập, quần áo ấm cho học sinh và bà con 2 xã Hang Kia, Pà Cò. Với những việc làm ý nghĩa, hiệu quả, năm 2021, Sùng Y Múa đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong sản xuất - kinh doanh giai đoạn 2018-2020.


Việt Lâm

Các tin khác


Bí thư chi đoàn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá lồng

Qua tìm hiểu, anh Nguyễn Văn Lân, Bí thư chi đoàn tổ Vôi, phường Thái Bình, TP Hòa Bình đã tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có của quê hương, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn.

Thoát nghèo từ mô hình nuôi ong và trồng bưởi đỏ

Tận dụng lợi thế đồi rừng, những năm qua, nông dân xã Tử Nê, huyện Tân Lạc đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó có nghề nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu là gia đình anh Bùi Văn Liêm ở xóm Cú. Với ưu thế nhà gần rừng có nhiều loại cây và các loại hoa rừng, tốt cho việc nuôi ong, anh Liêm đã tìm tòi, học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hộ nuôi ong trong vùng, từ đó đầu tư trên 50 tổ ong nuôi lấy mật.

Khởi nghiệp từ đặc sản quê hương

Nhận thấy quê hương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, anh Hà Công Hưng, Phó Bí thư Đoàn xã Mai Hịch (Mai Châu) bắt tay vào làm sản phẩm thịt gác bếp với mong muốn mang đặc sản của quê hương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bùi Đình Văn - gương sáng phát triển kinh tế

Trong những năm qua, phong trào đoàn viên, thanh niên vượt khó làm kinh tế được tuổi trẻ xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc tích cực hưởng ứng. Ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên bằng khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm đi lên từ hai bàn tay trắng để trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện.

Người phát triển nghề mây tre đan trên quê hương Mường Động

Từ một phụ nữ thuần nông, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mạnh dạn về xuôi tìm hiểu và theo học làm mây tre đan với mong muốn chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện sinh kế. Sau nhiều nỗ lực, chị trở thành người có tay nghề vững, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mời về làm giáo viên thỉnh giảng. Quá trình giảng dạy chị vừa truyền nghề, vừa đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho học viên.

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Bà Nguyễn Thị Nụ ở tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được biết đến là người phụ nữ giản dị, giàu lòng nhân ái. Mặc dù kinh tế gia đình không dư giả nhưng với gần 10 năm làm công tác thiện nguyện cũng đủ nói lên tấm lòng nhân ái, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn của bà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục