(HBĐT) - Xóm Dương 1 là nơi có truyền thống nông nghiệp lâu đời của xã Ngọc Lương (Yên Thuỷ). Nắm bắt và tận dụng lợi thế đó, chị Nguyễn Thị Thơ (SN 1992) đã mạnh dạn khởi nghiệp và thành công với nghề kinh doanh nông sản.
Chị Nguyễn Thị Thơ (ngoài cùng bên phải) giới thiệu hệ thống máy móc, thiết bị và xưởng chế biến nông sản của gia đình.
Vốn dĩ là "con nhà nòi” trong gia đình có bố, mẹ và các chị chuyên kinh doanh buôn bán, cô gái 9X này đã thể hiện tố chất, bản lĩnh trong mọi việc. Năm 2011 nên duyên với anh Đinh Văn Thuý, chị Thơ đã quyết tâm cùng chồng lập nghiệp. Công việc đầu tiên của vợ chồng chị là sử dụng số vốn hai bên gia đình cho khi cưới để đầu tư cửa hàng phân phối sắt thép, xi măng và vật tư nông nghiệp. Việc kinh doanh vấp phải nhiều khó khăn, thách thức. Cửa hàng mở ra phải cạnh tranh với nhiều cơ sở khác, cộng thêm việc nhiều người độ tuổi thanh niên và trung niên có xu hướng đi làm công ty, không còn mặn mà với nghề nông.
Năm 2015, nắm bắt được thời thế, bên cạnh duy trì kinh doanh, chị Thơ đầu tư vào vận chuyển và phân phối ngô nông sản. Từ đây, hai vợ chồng đã có những thành công bước ngoặt. Nguồn hàng dồi dào được sấy khô và đóng bao kĩ lấy từ Mộc Châu (Sơn La). Lượng ngô tiêu thụ chủ yếu ở tỉnh Ninh Bình và Hà Nam, trong đó, 90% tiêu thụ ở tỉnh Ninh Bình. Việc phân phối ngô nông sản phải cần đến 3 xe tải và hơn 10 công nhân hàng tháng. Trung bình 2 ngày, chị Thơ giao 40 – 50 tấn ngô đến nơi tiêu thụ. Mặt khác, chị đầu tư trang thiết bị và máy nghiền để đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi quanh vùng.
Thời gian ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, việc kinh doanh nông sản của chị gặp không ít khó khăn, đọng vốn trong dân. Có trường hợp nợ vật tư phân bón cả trăm triệu đồng không có khả năng chi trả. Từ khi cuộc sống bình thường trở lại, việc bán và phân phối ngô thuận lợi, trở thành nguồn thu nhập chính, giúp vực dậy kinh tế gia đình. Trên diện tích đất được cha mẹ cho, vợ chồng chị mở thêm xưởng sửa chữa, bảo dưỡng xe. Chị Thơ bộc bạch: May mắn là trong mọi việc gia đình đều có sự đồng thuận, đồng lòng. Thêm vào đó, chồng tôi rất tháo vát trong việc sửa chữa máy móc trong nhà và xe cộ nên gia đình đã mở thêm gara để đa dạng nguồn thu nhập.
Có một thuận lợi là việc sản xuất, kinh doanh của vợ chồng chị Thơ được gia đình hai bên ủng hộ và tạo mọi điều kiện. Năm 2022, chị Thơ bàn với chồng đầu tư vào trại lợn nuôi gia công cho Công ty chăn nuôi CP tại xã Đoàn Kết, huyện Yên Thuỷ. Trang trại nuôi duy trì số đầu lợn 3.000 con. Chồng chị trực tiếp quản lý trại lợn với hơn 50 nhân công lao động.
Tu chí làm ăn và với tinh thần của tuổi trẻ dám nghĩ, dám làm, gia đình chị Thơ đã thành công ở nhiều lĩnh vực kinh doanh và có được nguồn thu nhập lớn. Hiện nay, tổng thu nhập của gia đình chị đạt hơn 1 tỷ đồng/năm. Không chỉ là gương thanh niên điển hình trong phát triển kinh tế, chị còn được biểu dương vì những đóng góp trong công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững ở địa phương. Từ kinh doanh nông sản và đầu tư trại lợn nuôi gia công, gia đình chị tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho hơn 60 lao động. Trong đó, 10 lao động phụ việc vận chuyển, kinh doanh nông sản được trả lương từ 8-15 triệu đồng/người/tháng tuỳ khối lượng công việc; hơn 50 lao động làm việc trong trang trại với mức lương 6 triệu đồng/ người/tháng.
Phạm Tân Anh
(Lớp Báo in K39, Viện Báo chí, Học viện Báo chí & Tuyên truyền)
(HBĐT) - Bản Suối Rằm thuộc xã Cun Pheo, huyện Mai Châu nằm trên núi cao, là địa bàn giáp ranh của 3 tỉnh: Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La. Bản có 24 hộ dân là người Mông di cư tự do ở các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái tụ hợp lại. Giao thông khó khăn nên trẻ em không thể đến trường. Nhưng rồi có một "bà giáo” tình nguyện lên đây dạy học để các em biết đến con chữ.
(HBĐT) - Tuy mới thành lập và đi vào hoạt động được hơn 5 năm, nhưng Công ty TNHH thương mại và dịch vụ (TM&DV) phát triển cộng đồng Hòa Bình đã tạo việc làm cho số lượng khá lớn thanh niên, phụ nữ, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp cho người yếu thế.
(HBĐT) - Nguyễn Thị Mai Linh, Bí thư Đoàn phường Thái Bình (TP Hòa Bình) là 1 trong 100 cán bộ Đoàn tiêu biểu được nhận giải thưởng Lý Tự Trọng - giải thưởng cao quý của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng cán bộ Đoàn tiêu biểu xuất sắc thường niên hàng năm nhân kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đoàn 26/3.
(HBĐT) - Năm 45 tuổi, thầy mo Bùi Văn Minh (SN 1970) ở xóm Mận Bùi, xã Văn Sơn (Lạc Sơn) được Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Năm 2022, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng. Ông trở thành người đầu tiên của tỉnh được phong tặng danh hiệu cao quý này.
(HBĐT) - Bảo Hiệu là xã vùng 135 của huyện Yên Thủy. Cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, nhưng trên mảnh đất nghèo này có một người thanh niên dám nghĩ, dám làm, vượt lên hoàn cảnh để phát triển kinh tế gia đình.
(HBĐT) - Tháng 11/2020, bác sỹ Nguyễn Hoàng Diệu nhận quyết định bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh trong bối cảnh khá đặc biệt. Dịch Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp, cùng với đó là những "ngổn ngang” tại bệnh viện như cơ sở vật chất xuống cấp; uy tín, hình ảnh bệnh viện bị ảnh hưởng từ sự cố y khoa năm 2017; một số bác sỹ có tay nghề chuyển công tác; tâm tư cán bộ, nhân viên y tế xáo trộn…