Ngoài công tác khám chữa bệnh, bác sĩ Phạm Trọng Tươi còn thường xuyên sử dụng các loại thuốc nam phục vụ công việc cứu chữa bệnh nhân ở huyện vùng cao Đà Bắc.
Năm 1997, khi đang theo học trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình, vì lý do gia đình anh Tươi phải bỏ học giữa chừng. Sau đó anh chuyển sang học trường Trung cấp Y tỉnh Hòa Bình. Học xong trung cấp Y, anh học tiếp Đại học Y Thái Nguyên. Năm 2022 ra trường, anh xung phong về Hòa Bình công tác, được phân về làm việc tại xã Vầy Nưa. Có bằng đại học, anh được bổ nhiệm làm Trạm trưởng trạm y tế xã. Vầy Nưa khi đó chưa có đường ô tô, chưa có điện, muốn đến xã phải đi thuyền trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Xã có 8 xóm nằm rải rác, nhiều xóm ở xa trung tâm phải đi bộ cả ngày mới đến. Anh Tươi chia sẻ: "Khi lên đây tôi mới thấy sự khó khăn, thiếu thốn của người dân, từ kinh tế, cơ sở vật chất khám, chữa bệnh, đặc biệt là giao thông. Có nơi muốn đến khám bệnh phải đi bộ cả ngày trời. Nhiều người đến trạm y tế sinh con đã phải đẻ dọc đường do đường quá xa”.
Điều kiện thiếu thốn như vậy nên nhiều năm người dân không được tiếp cận với công tác khám, chữa bệnh. Nhiều người khi bị bệnh đã nhờ thầy cúng, thầy mo "giải trừ”. Phụ nữ thường sinh đẻ ở nhà, rất ít khi ra cơ sở y tế. Để vận động người dân đi khám bệnh, những ngày đầu đến với bà con rất khó. Anh Tươi chia sẻ thêm: "Những ngày dầm mưa, dãi nắng đến các bản vận động mãi mà bà con chưa thay đổi, đôi lúc tôi muốn chuyển nghề. Nhưng mỗi lần nhìn thấy phụ sản khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông, trẻ con khỏi ốm khi được thăm khám kịp thời là động lực giúp tôi gắn bó với nghề, với bà con vùng cao”.
Với sự nhiệt tình, anh Tươi đã lấy được lòng tin của Nhân dân trong công tác khám, chữa bệnh. Mỗi khi ở bản có em bé bị sốt cao hay người già đau yếu, bất kể đêm hôm anh đều tận tình vượt đường xa đến với bà con kịp thời. Khi đã có được niềm tin, anh cùng các y, bác sỹ của trạm vận động bà con thay đổi nếp sống. Trước đây các hộ hay nhốt trâu, bò dưới gầm nhà sàn mất vệ sinh, từ tập quán này sinh ra nhiều bệnh tật. Trong việc ăn uống, vệ sinh cho con trẻ cũng còn nhiều bất cập, bà con thường sử dụng các biện pháp truyền thống. Phụ nữ đa phần sinh đẻ tại nhà. Vận động bà con ăn chín uống sôi, ngủ có màn và vệ sinh nhà cửa sạch cũng mất một thời gian.
Khi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, đặc biệt là tiêm chủng các bệnh lao, sởi, viêm não Nhật Bản cũng rất vất vả. Đi tuyên truyền nhiều người bảo: "Con mình vẫn khỏe, không phải tiêm”. Nhiều gia đình còn phản đối. Trạm y tế xã kết hợp với chính quyền, các trưởng bản thuyết phục, giải thích thời gian dài bà con mới dần tin cán bộ y tế tiêm là để phòng bệnh. Nhờ vậy mà đến nay, con trẻ được tiêm chủng đầy đủ các mũi.
Trong những năm qua, anh Tươi luôn phấn đấu, học tập, rèn luyện trau dồi kiến thức chuyên môn kỹ thuật, bản lĩnh chính trị, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó tạo được niềm tin với người bệnh, góp phần thay đổi nhận thức của người dân về việc đến bệnh viện khám, chữa bệnh khi đau ốm. Thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của ngành lấy người bệnh làm trung tâm, phấn đấu vì sự hài lòng của người bệnh là tiêu chí hoạt động. Trong quá trình công tác, bác sỹ Tươi đã tích lũy được kinh nghiệm, tiếp thu được một số kỹ thuật áp dụng vào công tác điều trị, chăm sóc người bệnh, làm giảm tỷ lệ chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, giảm chi phí cho người dân khi điều trị. Anh tham gia tích cực, có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh tại đơn vị, địa phương; triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của ngành Y tế và các cấp chính quyền; vận động Nhân dân thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch tại gia đình và cộng đồng.
Việt Lâm
(HBĐT) - Với phong thái nhẹ nhàng, gần gũi, Trung tá Bùi Thị Xuân, Trưởng Công an xã Hợp Thành, TP Hòa Bình có lợi thế hơn khi tiếp xúc, giải quyết công việc cho người dân. Đối với những vụ việc mâu mắc ở cơ sở, chị khéo léo hòa giải, thuyết phục làm giảm những "cái đầu nóng”, không để vụ việc phức tạp hơn. Với người dân Hợp Thành, Trưởng Công an xã Bùi Thị Xuân như người thân trong gia đình - đi dân nhớ, ở dân thương.
(HBĐT) - Nhắc đến xã Chiềng Châu (Mai Châu) nhiều người nghĩ ngay đến bản Lác, địa điểm thu hút du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng. Cùng với tình yêu quê hương và sự chăm chỉ học hỏi, sáng tạo, anh Hà Trọng Quyết đã xây dựng thành công mô hình homestay đem lại hiệu quả kinh tế, phục vụ nhu cầu du lịch, trải nghiệm văn hóa của du khách trong và ngoài nước.