Bà Bùi Thị Hương xóm Cóm, xã Đông Lai (Tân Lạc) có gần 50 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Bà Bùi Thị Hương đã mang tình yêu, tâm huyết của mình để bảo tồn và phát triển các sản phẩm thổ cẩm truyền thống dệt thủ công của người Mường, vừa phục vụ nhu cầu của gia đình, đồng thời kết hợp kinh doanh, tạo thêm thu nhập.
Chúng tôi đến thăm nhà đúng lúc bà đang miệt mài bên khung cửi dệt những tấm thổ cẩm đủ màu sắc, hoa văn. Bà Hương chia sẻ: Từ khi còn nhỏ tôi đã thấy các bà, các mẹ dệt vải. Sau đó được mẹ và bà hướng dẫn những đường chỉ đầu tiên, cốt học lấy cái nghề nối nghiệp cha ông. Ngày xưa người dân trồng bông kéo sợi để dệt nhưng nay sợi chủ yếu được lấy từ nhà máy, tuy nhiên vẫn đảm bảo chất lượng. Sản phẩm làm ra chủ yếu là trang phục thổ cẩm truyền thống của người Mường, ngoài ra có thêm vỏ chăn, gối và các đồ dùng trong nhà. Vì là dệt thủ công nên sản phẩm đảm bảo chất lượng và có độ bền đẹp hơn so với dệt bằng máy. Thực tế hàng may sẵn với nhiều loại vải, đa dạng về hình thức, mẫu mã đôi khi lấn át các mặt hàng dệt thổ cẩm truyền thống. Bởi vậy, tôi và các chị em trong làng có nỗi lo nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình bị mất đi. Vì thế tôi luôn suy nghĩ, trăn trở tìm cách để bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm ở quê hương. Những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc do chính tay mình dệt đem đến người tiêu dùng, đối với tôi đó là niềm vui khó diễn tả bằng lời.
Trang phục truyền thống của người Mường có rất nhiều màu sắc, chi tiết, họa tiết như hình con rồng, phượng, hươu, nai, chim... Mỗi loại hoa văn có một ý nghĩa riêng. Bà Hương chia sẻ thêm: Nghề dệt thổ cẩm ngày trước chỉ để phục vụ gia đình, những năm gần đây sản xuất để kinh doanh. Để làm ra một bộ trang phục hoàn chỉnh cần nhiều người làm, mỗi người một công đoạn khác nhau, từ 2 - 3 ngày mới hoàn chỉnh xong. Mặc dù mất nhiều thời gian, công sức để làm ra nhưng giá bán khá thấp, chỉ từ 50 - 80 nghìn đồng/bộ tùy vào chất liệu và độ công phu. Những bộ trang phục truyền thống thường được người trẻ sử dụng vào những dịp lễ, Tết, cưới hỏi, còn người già sử dụng hàng ngày.
Với mong muốn gìn giữ nét văn hóa của dân tộc, Đảng ủy, chính quyền xã Đông Lai đã đề nghị và được UBND tỉnh công nhận làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống xóm Cóm năm 2016. Anh Bùi Văn Khoa, Chủ nhiệm làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống chia sẻ: Trước đây làng nghề có hơn 100 người, tuy nhiên theo thời gian, các bà, các mẹ tuổi cao nên nghỉ dần, hiện còn hơn 70 người, cũng chủ yếu là người già, thanh niên hầu hết đi làm ở các công ty vì nghề dệt thổ cẩm truyền thống chưa đem lại giá trị kinh tế cao. Lớp trẻ trong xóm vẫn có những người muốn theo học nghề nhưng không nhiều. Bà Hương là một trong những thành viên tiêu biểu của làng nghề, đã tham gia và đóng góp, hỗ trợ từ những ngày đầu thành lập. Hiện nay vẫn chủ yếu làm nghề bằng đam mê, mong muốn giữ gìn nét văn hóa của dân tộc và hơn hết là để hướng dẫn, dìu dắt lớp trẻ để không bị mai một, dẫn đến mất nghề. Sản phẩm phục vụ nhu cầu sử dụng là chính, chưa đem lại nhiều hiệu quả về kinh tế vì chưa được phổ biến rộng rãi.
Đồng chí Bùi Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Lai cho biết: Theo thời gian, nghề dệt thổ cẩm truyền thống dần mai một. Xã mong muốn nhận được hỗ trợ của các cấp để duy trì, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống mang lại giá trị kinh tế, tạo thu nhập, nâng cao đời sống cho bà con, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Hoàng Dương