(HBĐT) - Từng thành công với mô hình nuôi vịt đẻ trứng, nhưng do thị trường biến động, giá thức ăn tăng cao, sản phẩm bán ra không có lãi, do vậy, anh Bùi Văn Diện ở xóm Trao, xã Phú Cường (Tân Lạc) đã chuyển sang xây dựng mô hình chăn nuôi dê thả đồi. Sau 5 năm, mô hình đã mang lại hiệu quả, giúp gia đình anh Diện có nguồn thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững.
Mô hình nuôi dê chăn thả đã đem lại cho gia đình anh Bùi Văn Diện nguồn thu nhập ổn định.
Từ diện tích đất đồi của gia đình tương đối rộng, phù hợp chăn thả gia súc, lại có nguồn thức ăn dồi dào từ ngô và đồng cỏ, anh Diện đã tìm tỏi, học hỏi từ nhiều nơi để đầu tư mô hình chăn nuôi dê tự nhiên. Bắt đầu từ vài con dê giống, đến nay, đàn dê của anh đã có gần 50 con.
Anh Diện chia sẻ: "Đàn dê của gia đình là giống dê núi, chủ yếu ở địa phương nên có khả năng thích nghi tốt, dễ nuôi. Nuôi dê bỏ vốn đầu tư ít hơn một số vật nuôi khác, giá thành khi bán lại cao và ổn định hơn. Thời gian đầu, tôi cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi nên để đàn dê bị dịch bệnh, tiêu chảy, chết khá nhiều, gây tổn hại về kinh tế. Dần dần từ những khó khăn đó, tôi rút được nhiều kinh nghiệm, phương pháp chăm sóc, phòng bệnh và tích cực tham khảo tài liệu để chăn nuôi hiệu quả hơn”.
Mỗi con dê để đạt tiêu chuẩn xuất ra thị trường cần nuôi từ 7 - 8 tháng, cân nặng trung bình từ 20 - 25 kg. Giá bán dao động từ 140 - 160 nghìn đồng/kg. So với thịt lợn thì giá thịt dê cao và ổn định hơn. Năm vừa qua, đàn dê đem lại cho gia đình anh Diện thu nhập hơn 100 triệu đồng, giúp cải thiện kinh tế gia đình. Dê được bán buôn theo lứa, trung bình 1 năm dê đẻ được 2 lứa, mỗi lứa 1 - 2 con. Nhu cầu thị trường tương đối lớn nên anh chủ yếu bán cho các tư thương trên địa bàn huyện Tân Lạc và các huyện lân cận, không phải lo đầu ra cho sản phẩm.
Anh Diện chia sẻ thêm: "Nhờ đầu tư nuôi dê nên kinh tế gia đình đã khá hơn. Chăn nuôi dê không khó, khi quen rồi chỉ cần thả lên rừng, một ngày cho ăn thêm từ 1 - 2 lần. Hơn nữa, dê sinh sản cũng rất nhanh, đem lại lợi nhuận tốt, giúp gia đình phát triển kinh tế nhanh hơn”.
Thời gian tới, anh Diện dự định tiếp tục mở rộng đàn dê, tăng số lượng lên 80 - 100 con, đồng thời nâng cấp và cải tạo hệ thống chuồng trại, bảo đảm về chất lượng cũng như đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh, thông thoáng, sạch sẽ.
Đồng chí Bùi Văn Nha, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Cường cho biết: "Hiện nay, trên địa bàn xã có ít hộ chăn nuôi dê. Mô hình nuôi dê chăn thả tự nhiên của gia đình anh Diện là điển hình, đem lại nguồn thu nhập ổn định, là tấm gương cho hội viên nông dân trong xã học tập. Hội Nông dân xã mong muốn anh Diện tiếp tục mở rộng, phát triển mô hình, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi dê cho các hộ tại địa phương, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ, chung sức thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Hoàng Dương
(HBĐT) - Tiên phong trồng chuối nuôi cấy mô trên quy mô lớn, chàng thanh niên Trần Trung Đức, xã Liên Sơn (Lương Sơn) đã có diện tích nguyên liệu chuối ổn định cùng xưởng sơ chế, giấm chuối bằng công nghệ hiện đại. Mô hình HTX trồng và sản xuất chuối theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô lớn của anh Đức đã mang đến nguồn thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn huyện.
(HBĐT) - Hưởng ứng Chương trình "1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, chị Vũ Thị Sâm, Chủ tịch Công đoàn kiêm Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH GGS Việt Nam (khu công nghiệp bờ trái sông Đà - TP Hòa Bình) đã có những đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp (DN) FDI. Qua đó góp phần đảm bảo chế độ, chính sách cho trên 700 công nhân lao động (CNLĐ), thúc đẩy phát triển DN bền vững.
(HBĐT) - Bao năm nay, người dân xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc quen với hình ảnh bác sỹ Phạm Trọng Tươi tận tụy với công tác khám, chữa bệnh. Hình ảnh của anh đã in sâu trong lòng mọi người và được gọi với cái tên trìu mến: Bác sỹ của vùng cao.
(HBĐT) - Sinh ra và lớn lên ở xã Pà Cò (Mai Châu), Sùng Y Múa may mắn hơn nhiều người con gái Mông khác là được đi học lên cao. Sau khi học xong, Y Múa trở về làm ở trạm y tế. Không chỉ là một nữ hộ sinh mát tay, Y Múa còn là người kinh doanh giỏi, tạo việc làm cho bà con người Mông ở xã Hang Kia, Pà Cò.
(HBĐT) - Bị tai nạn giao thông, liệt nửa người, anh Lê Huy Tích, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) không cam chịu số phận, bền bỉ phấn đấu trở người có ích cho xã hội. Anh là chủ cơ sở sản xuất xe lăn đầu kéo điện dành cho người khuyết tật và người già, truyền cảm hứng cho những người không may mắn trên hành trình tái hòa nhập cộng đồng, sống có ích cho xã hội.
(HBĐT) - Kịp thời ghi nhận hành động đẹp, nhặt được của rơi trả lại người đánh mất của 6 em học sinh trường Tiểu học Lý Tự Trọng (thành phố Hòa Bình), sáng 24/4, Thành Đoàn, Hội Đồng đội thành phố Hòa Bình đã trao giấy khen, biểu dương 6 em học sinh có thành tích trong phong trào "Nghìn việc tốt”.