Bước sang tuổi thất thập cổ lai hy, ông Nguyễn Văn Châu (SN 1954) ở xóm Trúc Sơn, xã Toàn Sơn (Đà Bắc) có cuộc sống yên vui với nguồn thu nhập ổn định.


Khách hàng mua thanh long tại vườn của gia đình ông Nguyễn Văn Châu, xóm Trúc Sơn, xã Toàn Sơn (Đà Bắc).

Khi nhà máy thủy điện Hòa Bình chưa được xây dựng thì gia đình ông Châu ở xã Hiền Lương (Đà Bắc). Vì dòng điện của Tổ quốc, gia đình ông chuyển đến xóm Trúc Sơn, xã Toàn Sơn khai phá đất hoang làm lại từ đầu. Mảnh đất khai phá trồng ngô, khoai, sắn để có lương thực. Vốn là người hay làm, luôn đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng nên ông Châu chịu khó tìm hiểu cách làm kinh tế ở các địa phương khác.

Đầu năm 2000, ông đưa giống cây hồng về trồng. Mấy năm đầu cây phát triển tốt nhưng dần bị sâu bệnh phá hoại. Mặt khác, giống hồng này quả xanh ăn chát, bán không ai mua, quả chín ăn ngon nhưng vận chuyển bị dập nát, không tiêu thụ được. Sau mấy năm trồng hồng ông lại mắc thêm khoản nợ.

Trồng hồng thất bại, ông Châu mạnh dạn đưa cây nhãn, cam, bưởi vào thay thế. Khi trồng được một thời gian nhiều người cũng trồng nên giá thành rẻ; chi phí sản xuất như phân bón, công lao động cao nên không hiệu quả. Ông lại ngậm ngùi phá bỏ để trồng cây mới. Hành trình mấy chục năm trồng rồi chặt không khiến ông Châu nhụt chí. Ông luôn suy nghĩ tìm ra cây phù hợp với đồi đất ở Đà Bắc.

Sau nhiều lần tìm hiểu, cách đây 5 năm, ông Châu cất công về Thái Bình mua 2.000 gốc thanh long ruột đỏ. Chuyến mua giống đó đã ngốn mất của ông một con trâu. Biết ông lại đưa giống mới về trồng, nhiều người đã ái ngại. Suốt mấy tháng ông cần mẫn chôn cọc bê tông, ươm từng mầm thanh long trên đất núi. Cây thanh long dễ trồng và sinh trưởng mạnh, chưa đầy 1 năm cây đã ra quả. Cầm trái thanh long đầu tiên, ông muốn khóc vì vị ngon ngọt của thanh long trên đất đồi.

Có sản phẩm chất lượng thì điều quan trọng nữa là tiêu thụ. Sau khi chào hàng một số nơi và thử sản phẩm, nhiều người đã đến tận vườn mua.

Có được thành quả ban đầu, ông chuyên tâm hơn với việc chăm sóc vườn thanh long. Cả ngày ông ở ngoài vườn cắt tỉa, tối về nghiên cứu tài liệu trên mạng. Ông Châu cho biết, ông thích nhất là đi thăm vườn thanh long về đêm. Hoa thanh long chỉ nở trong đêm, tỏa hương dìu dịu, thơm mát. Sau gần 5 năm, ông có hơn 500 trụ thanh long cho thu hoạch đều đặn. Tư thương biết tiếng đến tận vườn thu mua. Nhiều người ở thị trấn Đà Bắc cũng tìm đến mua. Hàng ngày ông dùng xe máy đi giao hàng cho khách.

Ông Châu cho biết: Cái hay của thanh long là ra quả rải vụ nên có điều kiện làm lại, sản lượng không bị dồn vụ. Tôi có thể chủ động việc bán hàng, nhờ vậy không bị ép giá. Cây thanh long dễ chăm sóc và phát triển mạnh, kháng sâu bệnh nên gần như không dùng đến thuốc. Phân bón chủ yếu là phân chuồng. Một năm bón 3 lần là đủ cung cấp dưỡng chất cho cây. Năm nay mảnh vườn hơn 4.000 m2 cho thu hoạch hơn 4 tấn thanh long, giá trung bình từ 15 - 20 nghìn đồng/kg.

Trên trồng thanh long, dưới tán cây ông trồng bí, rau sạch, mỗi năm thu được cả tấn bí đỏ, rau cải... Trên một thửa đất, nhờ sự chịu thương, chịu khó, ông Châu đã khai thác tối đa tiềm năng của khu vườn. Sau mỗi năm, sản lượng thanh long và bí được nâng lên, vợ chồng ông có thêm nguồn thu nhập.

Ông Châu chia sẻ: Vợ chồng tôi tuy không có lương hưu nhưng có nguồn thu nhập thường xuyên từ mảnh vườn. Đợt sốt đất có người trả tôi vài tỷ đồng nhưng tôi không bán. Tôi thích lao động và coi mảnh vườn là của để dành cho mình và các con.



Việt Lâm

Các tin khác


Nhặt được của rơi, trả người đánh mất

(HBĐT) - Trong lúc có việc đi qua phường Phương Lâm (TP Hòa Bình), chị Nguyễn Thị Hòa ở tổ 1, phường Tân Hòa đã nhặt được 1 chiếc ví cùng nghiều giấy tờ quan trọng. Theo số điện thoại trong ví, chị Hòa đã liên lạc với chủ nhân để trả lại tiền, tài sản, giấy tờ.

Làm giàu từ mô hình trồng bưởi đỏ

(HBĐT) - Bằng sự cần cù, chịu khó, ông Quách Công Nghiệp, sinh năm 1964 ở thôn An Thịnh, xã Thanh Sơn (Lương Sơn) được nhiều người biết đến là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi với mô hình trồng bưởi đỏ đem về thu nhập khoảng 250 triệu đồng mỗi năm.

Bùi Văn Cương năng động phát triển kinh tế

(HBĐT) - Anh Bùi Văn Cương, xóm Quáng Ngoài, xã Hợp Phong (Cao Phong) được nhiều người biết đến là thanh niên dân tộc Mường giàu ý chí, khát vọng, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, linh hoạt trong việc tìm hướng phát triển kinh tế, đến nay, mô hình kinh tế của gia đình anh đã trở thành điểm sáng trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp tại xã Hợp Phong. Từ đó góp phần "truyền lửa” khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn.

Nguyễn Hoài Anh - cô học trò giỏi tiếng Anh

(HBĐT) - Đến Trường TH&THCS Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) hỏi về cô học trò Nguyễn Hoài Anh, lớp 9A1 ai cũng biết, bởi Hoài Anh là học sinh giỏi toàn diện, trong đó nổi trội nhất là môn tiếng Anh.

Trưởng Công an xã tâm huyết công tác phong trào

(HBĐT) - Từng là cán bộ Đội Xây dựng phong trào Công an huyện Lạc Sơn, Đại uý Bùi Văn Thiện được điều động giữ chức vụ Trưởng Công an xã Quyết Thắng. Đây là địa bàn rộng, hợp nhất bởi 3 xã Phúc Tuy, Chí Thiện và Phú Lương, dân số 14.027 người, chia thành 23 xóm. An ninh, trật tự (ANTT) cơ bản ổn định, song vẫn tiềm ẩn phức tạp; các mô hình tự quản thiếu sự quản lý, hoạt động kém hiệu quả, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và Nhân dân tham gia bảo đảm ANTT.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục