Anh Nguyễn Văn Tại nâng niu những chú gà được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường tốt
(HBĐT) - Nhiều người không thích con số 13 nhưng với anh Nguyễn Văn Tại, ông chủ trẻ của một trang trại ở thôn Đất Đỏ, xã Liên Sơn (huyện Lương Sơn), đó là một con số may mắn. Là con thứ 13 trong một gia đình nghèo khó. Lăn lộn kiếm sống từ khi còn là một cậu bé, đến 30 tuổi, anh đã có tới 13 thứ nghề. Việc gì anh cũng có thể làm và làm một cách chắc chắn, có tâm nhưng cuối cùng anh vẫn trụ lại với nghề mà mình thích nhất - trồng trọt và chăn nuôi.
Bố mất từ khi Tại mới lên 3, một mình mẹ tần tảo rau cháo qua ngày nuôi đàn con nhỏ. Là con út nên Tại được chiều chuộng hơn các anh, chị trong gia đình. Tuy nhiên, vì cuộc sống khó khăn nên mới học hết lớp 9, Tại phải bỏ học giữa chừng để đi làm thuê. Trải qua những tháng ngày đi bán kem, làm gạch, làm than, phụ vữa trên các công trình xây dựng, làm tiếp thị... khắp các ngõ ngách ở Hòa Bình, Hà Nội, Tại đã trang bị cho mình kinh nghiệm sống khá dày dặn. Hàng ngày phải lao động vất vả để kiếm sống nhưng lúc nào trong đầu Tại cũng có suy nghĩ phải học để có kiến thức. Tại đã biến ước mơ thành hiện thực bằng cách ngày đi làm thuê, tối đến Trung tâm giáo dục thường xuyên ở Hà Nội để học. Khi đã cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp cấp III, Tại mới bắt đầu hoạch định đường đi, nước bước để gây dựng cơ nghiệp.
Sau một thời gian dài bám trụ ở Hà Nội, làm đủ thứ nghề và lập gia đình, cuối năm 2003, anh quyết định đưa vợ về nơi chôn nhau, cắt rốn của mình tại thôn Đất Đỏ - Liên Sơn. Cũng từ đây, ý tưởng phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi gà công nghiệp đã được manh nha. Nhưng vì không có nền tảng từ ban đầu nên mãi đến năm 2007, Tại mới hoàn thành xong việc mua đất để xây dựng chuồng trại và năm 2008 bắt đầu chăn nuôi.
Gây dựng trang trại với diện tích 15.000m2, trong đó có 2 trại gà đủ để nuôi với số lượng 2 vạn con, Tại cho mình là người đã gặp nhiều may mắn. Ngay trong năm đầu tiên nuôi gà công nghiệp ,Tại đã được sự hỗ trợ của tổ ABS ( một tổ chức phi chính phủ gồm những doanh nhân thành đạt của nước Mỹ) đầu tư công nghệ trị giá 10.000 USD trong năm 2008 và 9.000 USD năm 2009 với yêu cầu khoản tiền hỗ trợ đó phải được tái đầu tư cho người nghèo. Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, biết được bà con mình thiếu gì, cần gì..., Tại đã chọn cách trả nợ bằng việc tổ chức các lớp chuyển giao KH-KT, hỗ trợ giống, nguyên liệu cho các hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình. Năm 2008, anh đã đứng ra tổ chức dạy nghề và hỗ trợ vốn, nguyên liệu cho bà con phát triển nghề mây- giang đan thủ công. Kết quả đã có 300 người nghèo 3 xã Liên Sơn, Trung Sơn, Nhuận Trạch tham gia và đến nay, nghề mây- giang đan đã được duy trì bền vững. Tại lại là người đứng ra làm đại lý thu gom sản phẩm và tìm hướng tiêu thụ cho bà con. Để trả khoản nợ 9.000 USD của năm 2009, anh đã và đang triển khai mở lớp chuyển giao KH-KT chăn nuôi gà cho bà con nông dân xã Trung Sơn. Sau mỗi khoá tập huấn, mỗi thành viên của lớp được tặng 100 con gà giống cùng với kim tiêm, vắc xin phòng bệnh... để nuôi thử.
Hiện nay, trang trại của Tại đã góp phần tạo việc làm cho 20 lao động, trong đó có 1 kỹ sư nông nghiệp. Dù bận bịu với công việc làm ăn nhưng Tại vẫn dành thời gian cho học tập để nâng cao kiến thức, trình độ. Hiện, anh đang học năm cuối khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Kinh tế quốc dân. Trong quá học tập, được tiếp xúc với các chuyên gia kinh tế, anh đã mở mang thêm nhiều kiến thức, mối quan hệ để thực hiện tốt công việc của mình.
Thông minh, nhạy bén trên thương trường nhưng Tại là người sống tình cảm và đặc biệt yêu thiên nhiên. Sở thích đặc biệt đó đã giúp Tại trở thành một nhà thiết kế nhà vườn. Chỉ trong khoảng 5 năm qua, anh đã thiết kế tới vài trăm nhà vườn cho các gia đình, cơ quan, công sở ở Hoà Bình, Hà Nội và các tỉnh lân cận. Mạnh dạn, tự tin, Tại luôn đặt hy vọng vào công việc mình làm và luôn cảm thấy vui vì đã đóng góp một phần công sức để giúp bà con nông dân xoá đói- giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Nguyễn Văn Tại đã được tôn vinh là một trong những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh giai đoạn 2005-2010.
Thúy Hằng
(HBĐT) - Bao đời nay, người dân ở hai huyện vùng cao Mai Châu và Đà Bắc bỏ hoang những cây chè cổ thụ. Với họ, đây chỉ là cây rừng và hái về để uống. Thế nhưng, sau 5 năm được Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh giống cây trồng Phương Huyền đầu tư, cây chè ở 2 huyện này đã trở thành hàng hóa và từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.
(HBĐT) - Đồng chí Phạm Văn Cận, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh cho biết: Với chức năng tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh về công tác quản lý sâu bệnh bảo vệ mùa màng, Chi cục đã đảm nhiệm tốt công tác dự tính dự báo tình hình sâu bệnh, nắm chắc diễn biến sâu bệnh hại, thông báo kịp thời cho lãnh đạo ra quyết sách xử lý, phòng trừ kịp thời khi xảy ra dịch.
(HBĐT) - Sau nhiều năm phục vụ trong quân ngũ và công tác tại địa phương, ông Vũ Xuân Hoằng, thương binh hạng 3/4 ở tiểu khu 3 thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thuỷ luôn nêu cao tấm gương sáng về ý chí tự lực tự cường, vượt khó vươn lên phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình và quê hương, giữ vững phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ
(HBĐT) - Với nhiệm vụ trọng tâm là đấu tranh phòng chống những âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, phòng chống khủng bố, quản lý xuất nhập cảnh… cán bộ chiến sỹ (CBCS) phòng Bảo vệ chính trị công an tỉnh (PA61) thường xuyên phải bám địa bàn, bám đối tượng, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
(HBĐT) - Trường mần non Hoa Mai, thị trấn Đà Bắc tiền thân là nhà trẻ khu vực huyện, quy mô ban đầu chỉ có 1 nhóm trẻ ghép các độ tuổi và một lớp mẫu giáo với gần 60 học sinh. Ngày 24/8/1989, trường chính thức thành lập và đến tháng 8/2000, đổi tên thành trường mầm non Hoa Mai. Hiện nay, trường 46 CBGV, nhân viên trực tiếp giảng dạy, 5 nhóm trẻ với 128 cháu, 7 lớp mẫu giáo với 237 cháu.
(HBĐT) - Chị Bùi Thị Xiềm, UV BTV, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, là người có nhiều tâm huyết, trách nhiệm trước công việc, chân thành và tình cảm.