Bùi Thị Quyên - HCV giải vô địch xe đạp toàn quốc 3 năm liên tiếp.

Bùi Thị Quyên - HCV giải vô địch xe đạp toàn quốc 3 năm liên tiếp.

(HBĐT) - Ngày tạm biệt vườn cam, rãnh mía quê nhà Bắc Phong (Cao Phong) theo chị gái ra mắt ban huấn luyện đội tuyển xe đạp Hoà Bình, “cô bé vàng” Bùi Thị Quyên mới 15 tuổi (năm 2006). ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, Quyên còn mơ hồ lắm về thể thao, về bộ môn xe đạp, nhất là đua xe đạp địa hình (đổ đèo, băng đồng).

 

Bởi trước đó, cô chưa hề tập một môn thể thao nào có tính chuyên sâu, việc theo chị gái lên thành phố cũng giống như bao lần đi tìm việc làm hoặc mong có một cơ hội nào đó để đổi đời. Bố mẹ cả đời làm nghề nông, mong thoát ly được ruộng đồng cũng là điều thường tình. Thế nhưng, điều không ngờ đó đã đưa cô trở thành kiện tướng thể thao, điều khá hiếm hoi ở Hòa Bình còn nhiều gian khó trong phát triển thể thao thành tích cao.

 

Những vất vả...

 

Nhập môn xe đạp nhưng vốn liếng của Quyên chỉ có duy nhất là lòng quyết tâm và một chút năng khiếu. Vì thế, bước khởi đầu của em thật không ít khó khăn. Tuy nhiên, theo huấn luyện viên Trần Đại Nghĩa, người gắn bó với xe đạp Hoà Bình từ buổi ban đầu: Quyên tiếp thu nhanh những bài tập được giao. Từ những tiêu chí ban đầu như giảm cân, tăng cường thể lực, làm quen với xe, đường đua được Quyên hào hứng đón nhận và từng bước hoà nhập. Điều quan trọng nhất là em đã sớm nhận ra được những gian khó đang ở phía trước: đổ đèo là nội dung gian khổ, vất vả và cũng khá nguy hiểm nhưng lòng đã quyết thì không run sợ. Hiểu được cái yếu của mình, em đã chăm chỉ trong những buổi tập mà “người đồng hành” với VĐV, bên cạnh HLV, số ít đồng đội chỉ là đồi cao, đèo dốc, những cua rẽ bất ngờ, mặt đường đua gồ ghề và cây mua, cây sim bên đường... Nếu là VĐV đường trường, khi tập, nhiều khi còn được khán giả bên đường hò reo, cổ vũ, VĐV xe đạp địa hình tập ở nhiều nơi vắng vẻ hơn nên không kiên trì cũng dễ nản lắm. Bên cạnh đó, là con gái, Quyên cũng phải chăm lo làn da, mái tóc, diện mạo bên ngoài nhưng là VĐV, Quyên đành phải giấu đi những nét dịu dàng, nữ tính để mỗi khi mặc bộ đồ VĐV, lên xe là phải cố gắng, phải tập đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Nếu không tập trung có thể ngã sứt chân, sứt tay và có thể nguy hiểm đến tính mạng.

 

và thành công...

 

Đồi ông Tượng, TPHB..., tháng 10/2008, tại Giải vô địch xe đạp quốc gia lần thứ 22, Bùi Thị Quyên và các đồng đội lần đầu được tham dự một giải lớn ở nội dung băng đồng và đổ đèo (1,5 km). Thời điểm đó, “ngôi sao” Phan Thuỳ Trang (An Giang) nghỉ thi đấu nhưng vẫn còn 1 VĐV khác của An Giang là Lê Thị Hồng Hiếu đua tài cùng Quyên ở nội dung đổ đèo. Tuy chưa có tên tuổi, lần đấu đối mặt với các VĐV mạnh khác nhưng Bùi Thị Quyên đã tạo một trạng thái thi đấu rất tốt: bình tĩnh, tự tin và quyết đoán trong từng kỹ thuật, đặc biệt không hề “khớp” trước đối thủ. Đây là một điểm mạnh mà em đang sở hữu và duy trì thành công trong mỗi cuộc đấu lớn. Chung cuộc, ở tuổi 17, em đã đoạt được huy chương vàng đầu tiên với thành tích 2 phút 10 giây. Cũng tại giải này, Quyên và các đồng đội nữ còn đoạt 1 HCB tiếp sức băng đồng nữ. “Vạn sự khởi đầu nan” là thế và Quyên đã vượt qua, để hai mùa giải tiếp theo, cô tiếp tục chiếm lĩnh ngôi đầu ở cự ly đổ đèo quốc gia nữ. Giải vô địch quốc gia năm 2009, lần “du đấu” xa nhà đầu tiên ở núi Cấm (An Giang), chỉ được làm quen đường đua trước ngày thi đấu 2 ngày, Quyên vẫn vượt qua cua-rơ chủ nhà Hồng Hiếu để đoạt HCV...

 

Giải vô địch xe đạp quốc gia lần thứ 24 năm 2010 được tổ chức ở thành phố quê hương nhưng lại mang một ý nghĩa đặc biệt hơn khi là môn thi của Đại hội TD-TT toàn quốc lần thứ VI năm 2010. Vì thế, mỗi tấm huy chương đều góp phần để các tỉnh, thành có thể nâng hạng trong bảng tổng sắp tại đại hội. Trong khi đó, Hòa Bình đặt chỉ tiêu vàng vào niềm hy vọng chắc chắn nhất là Bùi Thị Quyên. Không phụ lòng tin của ban huấn luyện và người hâm mộ, Bùi Thị Quyên đã tự tin quyết đấu với đàn chị Lê Thị Kim Hoa (VĐV kỳ cựu của Vĩnh Long) để đoạt HCV với thành tích 3 phút 28 giây 17. Thành công cả 3 năm liên tiếp ở giải đỉnh cao quốc gia, Bùi Thị Quyên đã ghi tên mình vào lịch sử thể thao tỉnh nhà khi được phong kiện tướng thể thao quốc gia 3 năm liên tiếp...

 

Đến với xe đạp đỉnh cao, Bùi Thị Quyên đã có nhiều dịp thi đấu các giải lớn như Segames năm 2009 tại Lào, giải vô địch châu á tại Hàn Quốc năm 2010. Nhưng thành công nhất phải kể đến Giải vô địch trẻ châu á tại Ma-lai-xia năm 2009. Tại đất khách, Bùi Thị Quyên đã đoạt HCB vẫn ở nội dung đổ đèo... Đây là dấu mốc và thực sự là động lực để Quyên tiếp tục chinh phục những giải bên ngoài biên giới Tổ quốc để không chỉ mang huy chương về cho tỉnh mà cho cả quốc gia. Trong đó, Seagames 26 tại In-ñoâ-nê-xia năm 2011 là một đích lớn mà Bùi Thị Quyên đang nỗ lực vươn tới.

 

 

                                                                                      Văn Tưởng

 

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Lão nông Bùi Văn Tiến bên vườn cam của mình.
Giữ thói quen của người đại biểu Quốc hội, hàng ngày, ông Khanh vẫn thường xuyên đọc báo để kịp thời cập nhật tin túc trong nước và quốc tế.

Người đại biểu Quốc hội của giai cấp công nhân

(HBĐT) - “Năm 1987, tôi được nhân dân tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội khoá VIII (từ năm 1987 - 1992). Đây là một nhiệm kỳ Quốc hội khá đặc biệt vì đó là những năm đầu tiên nước ta thực hiện đổi mới. Đại diện cho giai cấp công nhân tỉnh Hà Sơn Bình, tôi đã nỗ lực là cầu nối cho công nhân và chính quyền, kịp thời tham mưu cho cấp trên giải quyết chế độ hợp lý cho công nhân”. - ông Nguyễn Chí Thanh (nguyên là tổ trưởng sản xuất Công ty xây dựng miền Tây Hà Sơn Bình) đã bắt đầu câu chuyện với chúng tôi đầy thân tình như vậy.

Người bí thư chi bộ gương mẫu

(HBĐT) - Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với lớp lớp thanh niên cả nước, Nguyễn Xuân Tạc xung phong lên đường nhập ngũ. Anh được điều động về Cục kỹ thuật - Quân khu 3 - Bộ Quốc phòng.

Ông Ngoạn khuyến học

(HBĐT) - Năm 1993, sau nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục quê hương, ông Nguyễn Quang Ngoạn về nghỉ hưu tại xóm Nội (xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn). Từng là người tâm huyết với giáo dục, về tham gia công tác mặt trận, ông luôn trăn trở phải làm gì để tiếp tục có những đóng góp cho hoạt động khuyến học.

Hà Văn Cương - cá nhân điển hình trong phong trào thi đua yêu nước

(HBĐT) - Người dân thị trấn Mai Châu (Mai Châu) không chỉ biết anh là người làm kinh tế giỏi mà còn năng động trong công tác xã hội, tạo niềm tin với cơ quan, anh em, bạn bè, cùng giúp đỡ bà con trong bản xoá đói- giảm nghèo, áp dụng KH-KT vào chăn nuôi, làm du lịch, từng bước cải thiện đời sống của gia đình và bà con nông dân vùng cao. Anh là Hà Văn Cương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Mai Châu.

Người Bí thư chi bộ của dân

(HBĐT) - Sau gần 20 năm các hộ dân vùng lòng hồ sông Đà di cư về sinh sống trên mảnh đất Kim Bắc 4, Thung Rếch xã Tú Sơn (Kim Bôi), vùng đất lau lách, hoang hóa xưa kia nay đã trở thành nơi phát triển kinh tế trù phú với bạt ngàn màu xanh của ngô, mía và các loại cây ăn quả.

Người cán bộ trẻ giàu nhiệt huyết

(HBĐT) - Sau khi tốt nghiệp Trung học Kỹ thuật nghiệp vụ (Bộ Công an), Nguyễn Hoàng Linh (ảnh) được điều động về công tác tại Công an huyện Lương Sơn. Nhận thấy ở người cán bộ trẻ này hội tụ những điều kiện cần thiết của một trinh sát, lãnh đạo đơn vị đã bố trí anh tại Đội CSĐT tội phạm về TTXH.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục