Trung tá Sùng A Chếnh - Đội trưởng Đội an ninh công an huyện Mai Châu được bà con xã Pà Cò tin yêu.
(HBĐT) - Trung tá Sùng A Chếnh, Đội trưởng đội an ninh công an huyện Mai Châu là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ở bản Xà Lĩnh, Pà Cò, Mai Châu.
Năm 1987 anh được vào làm công an xã, ngoài công việc của một công an viên đảm bảo an ninh trật tự địa phương anh thường xuyên đến xóm bản tuyên truyền bà con không tái trồng cây thuốc phiện. Năm 1990 anh được điều chuyển lên Đội an ninh công an huyện. Được đào tạo cơ bản tại Đại học an ninh nên anh có thêm kiến thức về công tác phòng chống ma tuý. Anh nghĩ: người Mông mình tốt bao năm nay làm nô lệ cho ma tuý.
Năm 2010 anh được cấp trên điều động về làm phó công an xã Pà Cò. Gần với đồng bào hơn anh có thêm cơ hội được tiếp xúc với bà con mình, vận động không trồng, buôn bán, vận chuyển ma tuý. Anh chia sẻ: Cái khó nhất là nhiều người trong dòng họ hoặc có quan hệ huyết thống buôn bán, vận chuyển ma tuý. Nhiều lúc ngay cả nhà anh mình họ không tiếp hoặc tránh mặt. Họ nghĩ rằng mình đến để bắt anh em, con cháu đi tù. Phải giải thích mãi họ mới hiểu mình đến không phải để bắt người mà đến để vận động mọi người tránh xa ma tuý. Sau khi họ đã hiểu mình nắm tình hình, rồi nói cho mọi người hiểu rõ tác hại của ma tuý. Từ đó qua các buổi họp ở huyện, ở xã, thôn xóm, gia đình dòng họ tổ chức cho bà con ký cam kết. Bản cam kết gồm 5 điều mục: không tổ chức tuyên truyền mê tín dị đoan, không trồng cây thuốc phiện, không được tảo hôn, không vận chuyển buôn bán chất ma tuý, không tàng trữ vũ khí, không cho trẻ đi học bằng xe máy, đi xe máy đội mũ bảo hiểm và đoàn kết trong khu dân cư.
Sau khi ký cam kết, trên địa bàn xã không còn việc tái gieo trồng cây thuốc phiện, hạn chế được 70% nạn tảo hôn so với trước, hạn chế người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm và trẻ đến trường bằng xe máy. Việc buôn bán vận chuyển ma tuý cũng được hạn chế. Trong những điều cam kết thì việc giao nộp vũ khí là công việc khó khăn nhất. Anh Chếnh cho biết: Đối với bà con thì việc có được khẩu súng trong nhà là một tài sản quý. Nhiều nhà phải bán 1-2 con trâu để mua được súng. Do vậy để tuyên truyền có hiệu quả anh nhờ đến già làng, trưởng bản hoặc người có uy tín để tuyên truyền trước. Sau đó phải đến từng nhà, đến nhiều lần. Với sự kiên trì bền bỉ trong hơn một năm qua anh đã vận động được bà con giao nộp hơn 400 khẩu súng, trong đó có 5 khẩu súng hai nòng, một khẩu súng AK còn lại là súng tự chế, súng hoa cải…. Anh cho biết: Việc tuyên truyền vận động ở vùng đồng bào người Mông có đặc thù. Người đi vận động phải biết tiếng địa phương, hiểu tập quán. Ban ngày, bà con thường đi làm nương xa nhà nên việc họp bàn tuyên truyền với bà con chủ yếu là buổi tối tầm 8-9h. Như vậy hiệu quả tuyên truyền mới cao.
Với những đóng góp của mình, nhiều năm nay anh Sùng A Chếnh được bà con tin yêu, quý mến, xứng danh người công an nhân dân. Năm 2004 anh được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, UBND huyện Mai Châu tặng nhiều giấy khen và phần thưởng khác.
Việt Lâm
(HBĐT) - Tại buổi giao lưu điển hình “Phụ nữ Thừa Thiên Huế tự tin – tự trọng – trung hậu – đảm đang” do Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 17/10/2012, tôi đã gặp chị Bùi Thị Xím, giáo viên khiếm thị đang giảng dạy tại Trung tâm Giáo dục – Hướng nghiệp trẻ em mù tỉnh Thừa Thiên Huế. Ấn tượng trong tôi lần đầu gặp chị là khuôn mặt xinh tươi trong tà áo dài với đôi kính đen. Trong buổi giao lưu trò chuyện, chị đã kể về hoàn cảnh và sự nỗ lực vươn lên của chị mà không ai không xúc động, nghẹn ngào...
(HBĐT) - Đó là danh hiệu mà UBND huyện Kỳ Sơn tặng cho ông Đinh Ý Quỳnh, xóm Bẵn, xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) về những đóng góp của ông cho sự phát triển KT-XH địa phương trong giai đoạn 2007- 2012 .
(HBĐT) - Sinh năm 1985, tham gia công tác dân số từ năm 2005, Hà Văn Khuyện, cán bộ chuyên trách dân số xã Nam Sơn (Tân Lạc) luôn hết lòng vì công việc. Khuyện là một trong những thành viên có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cho người dân trong xã về thực hiện chính sách DS/KHHGĐ, góp phần nâng cao cuộc sống của người dân.
(HBĐT) - Giản dị, chân thành và gần gũi, đó là cảm nhận khi tiếp xúc với chị Bùi Thị Thảo, Trạm trưởng trạm y tế (TYT) xã Kim Bình, huyện Kim Bôi. Còn với nhiều người dân Kim Bình, chị không chỉ là thầy thuốc Thảo mà còn là mẹ Thảo, mế Thảo đầy tình yêu thương, sự tận tình và trách nhiệm.
(HBĐT) - Cô giáo Kim Quế (Hiệu trưởng trường mầm non Sơn Ca-thị trấn Hàng Trạm-Yên Thuỷ) cho biết: 2 năm học gần đây, ông Hoàng Công Đoài, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Nam Ninh trên địa bàn luôn dành cho trường sự hỗ trợ, quan tâm thiết thực.
(HBĐT) - Lời tâm sự của Lê Minh Thành (ảnh), học sinh lớp 11 chuyên tin, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ trong chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Hòa Bình năm 2012” làm hàng trăm người có mặt hôm đó đều xúc động: “Em sẽ luôn tự tin, nỗ lực và chiến thắng để chia sẻ phần nào những khó khăn, vất vả với bố mẹ”.