Đồi bưởi của gia đình ông Nguyễn Văn Thái đã phủ màu xanh trên vùng đất vốn khô cằn, sỏi đá.
(HBĐT) - Từ vùng đất đầy sỏi quặng, đến cỏ cũng không mọc nổi, sau 4 năm, ông Nguyễn Văn Thái ở xóm 3, xã Tử Nê (Tân Lạc) đã đổ bao công sức mang màu xanh cho vùng đất này. Không chỉ phủ xanh đồi cằn mà còn hứa hẹn những mùa bội thu đang đến gần.
Cách đây mấy năm, cơ quan của ông Thái chuyển vào TP Vũng Tàu, ông đã quyết định bỏ nghề thợ hàn về quê làm vườn. Mấy lần lên xã Thanh Hối chơi, ông thấy nhiều nhà dân mới chỉ trồng có vài cây bưởi ăn chơi. Đất đai vùng Tử Nê lúc bấy giờ còn bỏ hoang nhiều. Ông Thái thầm nghĩ, sau nhà mình có mấy quả đồi bỏ hoang bao năm nay, mình mà không trồng bưởi ở đó là “có lỗi” với đất. Hơn nữa, xu thế tiêu thụ bưởi trong tương lai rất lớn. Ông Thái bắt đầu học nghề nông từ những bước đi đầu tiên. Lý do ông chọn trồng bưởi mà không trồng cam như vùng Cao Phong vì đất Tân Lạc rất hợp với trồng bưởi. Hơn nữa, trồng bưởi ít phải phun thuốc sâu, bưởi sạch nên người tiêu dùng ưa chuộng. Với suy nghĩ đó, ông Thái thuê máy xúc mở đường lên đồi. Ngay cả máy xúc cũng khó bởi đất ở quả đồi này bề mặt toàn là quặng sắt. Khi bắt tay vào phát hoang, mọi người khuyên ông không nên “húc đầu vào đá”, ở vùng đất chỉ có sim, mua là mọc được làm sao có thể trồng bưởi được.
Tuy vậy ông vẫn quyết tâm làm cho kỳ được. Ngày ngày ông kiên trì đào từng hố đất, nhổ từng gốc sim, đánh từng gốc mua để tạo đường lên đồi. Sau nửa năm trời đánh vật với đất, ông Thái mới đào được 300 hố trồng bưởi, ông hào hứng mua bưởi giống về trồng. Không may cho ông là vùng đất cằn cỗi lại thiếu nước, ông hạ cây vào đúng năm hạn nặng, mấy trăm cây bưởi trồng được 2 tháng mà vẫn héo rũ vì thiếu nước. Không thể khoanh tay nhìn đồi bưởi héo hon, ngày ngày, ông kỳ công gánh từng thùng nước lên đồi để tưới với quyết tâm phủ xanh bằng được vùng đất này. Để chủ động nước tưới cho đồi bưởi, ông đào 1 cái giếng dưới chân đồi và đã tìm đúng mạch nước. Để đưa nước lên đồi, ông dùng 2 bơm nối nhau. Trên đỉnh đồi, ông xây chuồng lợn và đào hố biogas. Nước biogas chảy ra, ông hòa với nước bơm từ dưới giếng lên để tưới cho bưởi. Theo ông Thái, nước thải từ bể biogas rất tốt cho cây bưởi. Năm vừa rồi, sau bao công sức đổ xuống đồi, đổi lại ông đã trồng được gần 200 cây bưởi da xanh khỏe khoắn, tươi tốt đang dần khép tán, 200 cây bưởi đỏ năm thứ 3 đã bắt đầu bói quả.
Đưa tôi đi thăm vườn bưởi trên đất cằn cỗi nhưng cây luôn xanh tốt, ông say sưa kể về kỹ thuật chăm sóc bưởi mà mình học hỏi được. Ông chia sẻ: “Hầu hết cây có múi năm nay đều mất mùa nhưng may mắn vườn nhà tôi không bị vì áp dụng đúng KH -KT phòng trừ được mưa axit”. Từ cách làm của ông Thái, anh em và hàng xóm có đất quanh đồi của ông Thái cũng noi gương ông phát hoang trồng bưởi. Đến giờ, hơn chục gia đình nơi đây đã trồng được 15 ha bưởi đỏ và bưởi da xanh. Mồ hôi, công sức của họ đổ xuống đã biến vùng đất đồi khô cằn sỏi đá hứa hẹn trở thành vùng bưởi giàu có, trù phú.
Việt Lâm
(HBĐT) - Dù không trở thành thành viên đội tuyển tham dự ôlympíc môn sinh học quốc tế nhưng đối với Nguyễn Việt Tiến (lớp chuyên sinh, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, giải nhất kỳ học sinh giỏi quốc gia lớp 12 môn sinh học, năm học 2014-2015), được tham dự đội dự tuyển quốc tế trong thời gian qua vẫn là một kỷ niệm đáng nhớ. Em tâm sự: “Có chút nuối tiếc nhưng qua đợt ôn luyện ở Hà Nội cũng giúp em nhận ra điều: những gì mình biết còn quá ít, vì thế cần phải cố gắng, nỗ lực tìm tòi hơn trong chặng đường tiếp theo".
(HBĐT) - Là hộ thuần nông, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, chị Bùi Thị Hoài, xóm Trung Hòa 2, xã Phú Lai (Yên Thủy) rất băn khoăn, trăn trở làm gì để gia đình thoát nghèo và có kinh tế ổn định để nuôi các con ăn học, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc...
(HBĐT) - Là người đầu tiên đưa cây ngô lai vào trồng vụ đông. Ông cũng là người mở hướng trồng rừng kinh tế cho người dân trong xã và là người đưa ra ý tưởng vận động dân “bỏ lúa trồng cỏ” để phát triển nghề nuôi nhốt trâu, bò. Mới đây, ông đã mạnh dạn đưa mô hình nuôi cá lồng vào thử nghiệm. Mô hình thành công sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân ở vùng đặc biệt khó khăn Quý Hòa (Lạc Sơn). Ông là Bùi Minh Bưn, Phó Chủ tịch UBND xã Quý Hòa.
(HBĐT) - “Cán bộ, đảng viên miệng nói, tay phải làm thì người dân mới nghe và làm theo” - ông Bùi Văn Xuân, Bí thư chi bộ xóm Mừng, xã Xuân Phong (Cao Phong) đã chia sẻ với chúng tôi về lý do 4 lần gia đình hiến trên 5.000 m2 đất.
Chúng tôi đến thăm, mô hình kinh tế của đảng viên Trần Quốc Tuấn ở xóm Nam Hòa I, xã Xuất Hóa (Lạc Sơn) đúng vào lúc ông đang chăm sóc đàn ong. Ông Tuấn chia sẻ: Nghề nuôi ong dễ mà khó, dễ với những người ham thích, chịu học hỏi và muốn gắn bó lâu dài với nghề nhưng lại khó với những ai thích “ăn xổi”, không chịu đầu tư kỹ thuật. Có người học vài tháng đã thành công…
(HBĐT) - Kỹ sư Phạm Ngọc Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành Công ty CP Gạch ngói Quỳnh Lâm là một người năng động, đam mê với công việc. Anh ít ở văn phòng mà thường đi xuống các phân xưởng để nắm tình hình sản xuất. Anh chia sẻ: 6 năm gần đây, Công ty CP Gạch ngói Quỳnh Lâm đã có sản phẩm gạch chất lượng cao, đáp ứng cho những công trình xây dựng mới của tỉnh. Mỗi năm, Công ty sản xuất trên 10 triệu viên gạch chất lượng loại A. Qua mấy năm liên tục cải tiến, tôi đã thiết kế lắp thêm hệ thống vận thăng nâng gạch mộc lên sàn công tác, chế tạo máy trộn than tự động, cải tiến cách xếp gạch nằm truyền thống thành xếp đứng vào dôn lò tiết kiệm được nhiên liệu, tỷ lệ hao vỡ dưới 6%. Hơn nữa, lò khởi động chỉ một lần trong suốt quá trình đốt giảm thiểu ô nhiễm môi trường.