Dự án trồng rừng của Công ty TNHH MTV D&G Hòa Bình xóm Tát, xã Tân Minh (Đà Bắc) chậm triển khai do chồng lấn vào diện tích đất rừng của người dân.
Dự án trồng rừng phòng hộ kết hợp du lịch sinh thái tại xóm Rãnh, xóm Phủ, xã Toàn Sơn (Đà Bắc) do Công ty CP năng lượng xanh Hòa Bình thực hiện chậm tiến độ trên diện tích 126,8 ha. Theo báo cáo, công ty đã nộp hồ sơ xin thẩm định nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, để dự án công viên rừng Hòa Bình thuộc dự án trồng rừng phòng hộ kết hợp du lịch sinh thái và chuyển mục đích sử dụng rừng diện tích 19,968 ha để đầu tư hạ tầng, phát triển du lịch theo báo cáo mục tiêu dự án ban đầu. Dự án trồng rừng và phát triển rừng tại xã Tây Phong (Cao Phong), xã Mỹ Hòa, xã Quy Hậu - nay là thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) do Công ty CP Lâm Quế thực hiện mới chỉ sử dụng một phần diện tích được giao, do đất của dự án đang chồng lấn vào đất ở, đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ và việc bảo chiếm của các hộ dân.
Dự án trồng rừng nguyên liệu, khoanh nuôi, tái sinh bảo vệ rừng tại xã Tân Minh (Đà Bắc) do Công ty CP Phú Thịnh chậm triển khai các nội dung đầu tư tại các xóm: Mít, Diều Bồ, Ênh, Tát, Diều Luông do một phần UBND tỉnh giao đất chồng lấn vào đất rừng của các hộ dân… Dự án trồng rừng nguyên liệu tại các xã: Trung Thành, Mường Chiềng, Tân Minh (Đà Bắc) do Công ty TNHH MTV D&G Hòa Bình làm chủ đầu tư chậm tiến độ theo các nội dung đầu tư tại 2 xã Trung Thanh, Mường Chiềng và một số xóm tại xã Tân Minh, do một phần diện tích đã giao cho công ty chồng lấn vào diện tích đất rừng của các hộ dân.
Dự án trồng rừng nguyên liệu tại 10 xã thuộc huyện Cao Phong do Công ty TNHH MTV D&G Hòa Bình làm chủ đầu tư chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ký hợp đồng thuê đất tại xã Bắc Phong, do có tranh chấp với Công ty CP thủy điện Văn Hồng xây dựng thủy điện Suối Tráng, xã Bắc Phong với diện tích đất được giao 570,44 ha; chậm triển khai tại các xã: Nam Phong, Dũng Phong, Thung Nai, Thu Phong. Ông Bùi Quang Phục, xóm Ong, xã Nam Phong cho biết: Trên địa bàn có khoảng 200 ha đất trồng rừng theo dự án của Công ty D&G Hoà Bình, nhưng chỉ được trồng vào những năm đầu và rất ít, song không triển khai. Hiện, nhiều hộ đã trồng keo và khai thác, mong muốn cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý dứt điểm, thu hồi dự án của Công ty D&G giao đất lại cho người dân để người dân yên tâm sản xuất, quản lý, bảo vệ rừng,
Dự án trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn và khai thác du lịch sinh thái thác Thăng Thiên, xóm Gò Bùi, xã Mông Hóa (TP Hòa Bình) do Công ty CP du lịch thương mại Thành Thắng thực hiện đầu tư xây dựng các hạng mục trên đất khi chưa có giấy phép xây dựng… Dự án trồng rừng nguyên liệu giấy tại xóm Hào Phong, xã Hào Lý - nay là Tú Lý (Đà Bắc) do Công ty CP thương mại Lương Sơn thực hiện mới chỉ sử dụng một phần diện tích được giao, hiện có khoảng 91 ha của 17 hộ đang trồng cây, chủ đầu tư chưa thực hiện bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích trên…
Các thiếu sót, tồn tại nêu trên trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư trong việc quản lý đầu tư dự án. Sở TN&MT, UBND các huyện: Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc trong việc tham mưu UBND tỉnh khi cho thuê đất còn có diện tích chồng lấn với tổ chức, cá nhân.
Trên cơ sở đó, Thanh tra tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp Sở NN&PTNT, Sở KH&ĐT, UBND các huyện: Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu, TP Hòa Bình tiến hành rà soát diện tích đất của các chủ đầu tư, thực hiện các giải pháp quản lý, sử dụng đất đầu tư theo quy định của pháp luật. Giao KH&ĐT chủ trì phối hợp Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, UBND các huyện: Mai Châu, Đà Bắc, TP Hòa Bình theo dõi tiến độ thực hiện dự án của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Mai Bình tại xóm Táu Nà, xã Cun Pheo; hướng dẫn Công ty CP thương mại và du lịch Thành Thắng thực hiện các trình tự điều chỉnh nội dung đầu tư theo quy định của pháp luật…
Đối với các chủ đầu tư dự án, Thanh tra tỉnh yêu cầu: Công ty CP Lâm Quế phối hợp UBND huyện Cao Phong, UBND huyện Tân Lạc tuyên truyền, vận động các hộ sinh sống tại xã Quy Hậu cũ đang canh tác đất rừng sản xuất, làm nhà tạm tại vùng lõi của dự án thuộc địa bàn xã Tây Phong (diện tích khoảng gần 10 ha) chấp hành tốt việc nhận bồi thường, hỗ trợ để công ty sớm có mặt bằng tiến hành điều chỉnh triển khai thực hiện dự án trồng và phát triển rừng tại xã Tây Phong và xã Mỹ Hòa, xã Quy Hậu (nay là thị trấn Mãn Đức), huyện Tân Lạc. Công ty CP thương mại Lương Sơn phối hợp Phòng TN&MT huyện Đà Bắc, UBND xã Tú Lý tuyên truyền, vận động các hộ dân, rà soát phần diện tích đất bị lấn chiếm, kiểm đếm tài sản trên đất và có phương án hỗ trợ để thu hồi lại phần diện tích khoảng 91 ha do 17 hộ dân đang sử dụng, đảm bảo mục tiêu của dự án. Công ty CP đầu tư và công nghệ Lạc Thủy đẩy nhanh tiến độ thực hiện trồng bổ sung 10 ha rừng sản xuất theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt đối với dự án trồng rừng kết hợp chăn nuôi công nghiệp tại thôn Mán, xã Thống Nhất (trước đây là xã Đồng Môn và xã Hưng Thi), huyện Lạc Thuỷ. Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh kiến nghị, Sở TN&MT, UBND các huyện: Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân (nếu đến mức xem xét kỷ luật thì xem xét xử lý theo thẩm quyền) đối với các khuyết điểm, thiếu sót, tồn tại trong việc tham mưu UBND tỉnh cấp khoảng 1.792 ha đất cho Công TNHH MTV D&G Hòa Bình, Công ty CP Phú Thịnh và Công ty CP Lâm Quế chồng lấn vào đất ở, đất rừng phòng hộ, đất đã giao cho các hộ dân theo Nghị định số 02/NĐ-CP, ngày 15/1/1994 của Chính phủ, đất của Công ty lâm nghiệp Hòa Bình. Thực hiện các kiến nghị nêu trên và có báo cáo về Thanh tra tỉnh trước ngày 15/5/2022.
L.C