Vườn cam của gia đình bà Bùi Thị Hảo, xóm Muôn, xã Kim Lập (Kim Bôi) cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Cách trung tâm huyện 3 km với đường tỉnh 12B chạy qua, xã Kim Lập có nhiều tiềm năng phát triển KT-XH. Sau sáp nhập từ 3 xã (Hợp Kim, Kim Sơn, Lập Chiệng), nay xã có 9 xóm, 2.005 hộ, 9.050 nhân khẩu. Khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), xã gặp nhiều thách thức, khó khăn, từ thu nhập, sản xuất đến hạ tầng giao thông. Thời điểm sát nhập năm 2021, xã Hợp Kim (cũ) đạt chuẩn NTM, 2 xã còn lại mới đạt 5 - 6 tiêu chí. Với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền xã, sự đồng thuận cao từ Nhân dân, diện mạo NTM của xã dần khởi sắc. Đến nay, trên 46 km đường trục xóm, xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa, đạt 66,5%; các tuyến còn lại được cứng hóa, không lầy lội về mùa mưa, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân. Toàn xã có 36,2 km kênh mương, trong đó cứng hóa 21,8 km cùng 28 bai, đập, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho 88,7% diện tích đất nông nghiệp. Cơ sở vật chất văn hóa, trạm y tế xã, điện lưới, hạ tầng thông tin được đầu tư xây dựng, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Đồng chí Bùi Văn Lục, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã đã tập trung các nguồn lực, từng bước đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Đồng thời, phát huy tính dân chủ, huy động tối đa nguồn lực trong Nhân dân đã tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các tiêu chí, từng bước khắc phục khó khăn. Xã xác định xây dựng NTM là tiến trình lâu dài, đồng bộ, do đó cần thực hiện nghiêm túc, bài bản, bền vững.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân đóng góp sức người, sức của tích cực tham gia xây dựng NTM, từ năm 2021 đến nay, xã đã sửa chữa, cứng hóa nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, nâng cấp nhà văn hóa xóm. Trong đó, Nhân dân đã đóng góp 6.700 ngày công và tham gia nạo vét, tu sửa nhiều tuyến kênh mương, sửa chữa các công trình công cộng, phát quang bụi rậm tạo cảnh quan sạch, đẹp; giải tỏa hành lang giao thông tại xóm Gò Chè, Mến Bôi. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều diện tích vườn tạp được chuyển sang trồng cây có hiệu quả kinh tế hơn. Đến nay, toàn xã có 86 ha bí xanh, 80 ha cây có múi như cam, bưởi với trên 100 hộ trồng; trong đó, 30 hộ canh tác theo quy trình VietGAP, đầu ra và giá cả ổn định.
Thăm mô hình trồng cây có múi theo quy trình VietGAP của gia đình bà Bùi Thị Hảo, xóm Muôn, bà Hảo cho biết: Toàn bộ diện tích vườn rộng 2 ha đang trồng cam V2, tư thương đặt mua tại vườn giá 20.000 đồng/kg. Vụ vừa rồi, gia đình bán được 35 tấn cam, thu hơn 400 triệu đồng. Thu nhập trung bình của gia đình trên 100 triệu đồng/năm.
Chăn nuôi được duy trì và phát triển với tổng 1.520 con trâu, 600 con bò, gần 5.000 con lợn. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ được khuyến khích mở rộng với 119 cửa hàng bán lẻ, 6 cơ sở sản xuất gạch bê tông, 2 cơ sở sản xuất chổi chít, 1 công ty may thu hút, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Lĩnh vực VH-XH cũng có bước phát triển. Trạm y tế được đầu tư đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân. Phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, cưới được người dân ủng hộ. Hàng năm, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 87% trở lên. Đến nay, thu nhập bình quân toàn xã đạt 36,5 triệu đồng/ người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,8%.
Tuy nhiên, xã còn một số tiêu chí NTM về trường học, an ninh trật tự nông thôn chưa đạt. Đồng chí Bùi Văn Lục, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã tiếp tục chỉ đạo, đề ra các kế hoạch hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt; nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, thu nhập, môi trường... Phát huy dân chủ, đẩy mạnh sản xuất, phát huy vai trò, trách nhiệm của người dân trong giữ gìn, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự.
Hoàng Anh