Tuyến đường giao thông xóm Sơn Lập, xã Cao Sơn (Đà Bắc) được đầu tư nâng cấp từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc, thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, tổng vốn kế hoạch năm 2023 là 813.580 triệu đồng, trong đó, vốn đầu tư 361.171 triệu đồng, vốn sự nghiệp 452.409 triệu đồng. Tuy nhiên đến thời điểm này, các danh mục, dự án đầu tư đang thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Dự kiến trong quý III, các danh mục, dự án tổ chức thực hiện giai đoạn đầu tư và giải ngân nguồn vốn theo quy định.
Chia sẻ về việc tiến độ giải ngân vốn đầu tư chậm so với kế hoạch, theo lãnh đạo Ban Dân tộc, nguyên nhân chủ yếu là do T.Ư giao vốn chậm. Mặc dù thời gian thực hiện các Chương trình MTQG đã được Quốc hội phê duyệt thực hiện trong thời gian 5 năm và thực hiện từ năm 2021. Tuy nhiên, đến các tháng cuối năm 2021, 2022, Thủ tướng Chính phủ mới có quyết định đầu tư và ban hành một số văn bản hướng dẫn thực hiện. Năm 2022 do vừa phải xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, vừa phải lập, giao kế hoạch thực hiện trung hạn 2021 - 2025 và hàng năm. Với trình tự, thủ tục đầu tư thực hiện theo quy định của các Luật: Đầu tư công, Xây dựng, Đấu thầu… nên tiến độ thực hiện còn chậm và khó khăn trong giải ngân. Kinh phí năm 2022 chuyển nguồn sang thực hiện năm 2023 là 377.713 triệu đồng. Như vậy, tổng kinh phí giao 2 năm 2022 - 2023 là 1.268.963 triệu đồng. Trong khi đó, nguồn vốn năm 2023 mới được giao từ tháng 5 nên khó giải ngân theo đúng tiến độ.
Triển khai thực hiện chương trình từ thực tế cũng bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án, trong đó đáng chú ý nhất là các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện từ các bộ, ngành T.Ư. Theo đồng chí Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN là chương trình mới, phạm vi thực hiện rộng, liên quan đến nhiều bộ, ngành. Tuy nhiên, việc ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn chưa thực sự đồng bộ, kịp thời. Thực tế là đến thời điểm hiện nay, nhiều dự án chưa có hướng dẫn hoặc chưa thống nhất về cơ chế thực hiện nên rất khó triển khai.
Theo tổng hợp của Ban Dân tộc, hiện vẫn có nhiều dự án chưa triển khai được do chưa có hướng dẫn như Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt chưa có hướng dẫn cụ thể về sử dụng vốn đầu tư hỗ trợ trực tiếp cho hộ để giải quyết khó khăn về nhà ở, đất ở, đất sản xuất. Dự án 3 về phát triển nông, lâm nghiệp bền vững phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị, hiện chưa thống nhất về cơ chế thực hiện khoán bảo vệ rừng đặc dụng trên địa bàn xã khu vực II, khu vực III giữa Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT cũng như chưa có hướng dẫn cụ thể đối với các thủ tục thanh quyết toán. Dự án 5 về phát triển đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện chưa ban hành bộ tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ triển khai chương trình các cấp và cộng đồng và nhiều nội dung tiểu dự án còn vướng mắc, bất cập.
Đặc biệt, Dự án 10 về truyền thông tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS mới được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ban hành văn bản tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, các yêu cầu cơ bản về điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin theo Thông tư số 03/2023/TT-BTTTT, ngày 30/5/2023 rất khó khăn cho địa phương triển khai thực hiện.
Trao đổi về thực hiện Dự án 10, đồng chí Nguyễn Thành Vinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết: Sau khi nghiên cứu các văn bản do Bộ TT&TT ban hành, Sở TT&TT đã có văn bản đề nghị Bộ hướng dẫn cụ thể hơn để tiếp tục triển khai tại địa phương. Song đến thời điểm này Bộ cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Theo kế hoạch, năm 2023 toàn tỉnh phấn đấu có các xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn là Nà Phòn (Mai Châu); Thung Nai, Thạch Yên (Cao Phong); Vĩnh Tiến (Kim Bôi); Văn Nghĩa (Lạc Sơn); Đa Phúc (Yên Thuỷ); Nhân Mỹ (Tân Lạc) và Độc Lập (TP Hoà Bình). Việc triển khai các dự án thuộc Chương trình MTQG có ý nghĩa rất lớn góp phần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn. Xác định nhiệm vụ đó, Ban Dân tộc tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, tạo sự đồng thuận giữa các cấp, các ngành trong việc triển khai nhiệm vụ, đặc biệt là lồng ghép để thực hiện đồng bộ 3 Chương trình MTQG trên địa bàn. Qua đó tạo nguồn lực thúc đẩy KT-XH vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS phát triển.
Đinh Hòa