Xóm Khộp Đèn, xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn) được hỗ trợ thiết chế nhà văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đường giao thông lên khu vực Đồi Thung, xã Quý Hoà đã được mở rộng và bê tông hoá giúp những vất vả, nhọc nhằn của đồng bào vùng cao vơi đi đáng kể. Ở nhiều xã vùng khó khăn trong huyện cũng được đầu tư, nâng cấp mở rộng tuyến đường bằng nguồn vốn các chương trình, dự án, tiêu biểu là tuyến đường ĐH.75 từ xã Nhân Nghĩa lên xã Quý Hoà với tổng chiều dài 17,5km; đường ĐH.72B Thượng Cốc - Văn Sơn - Miền Đồi dài 9,76km; đường ĐH.74 Nhân Nghĩa - Miền Đồi dài 10,2km… Trước đó, tuyến đường ĐH.17 Định Cư - Ngọc Sơn - Ngọc Lâu - Tự Do dài 16km được đầu tư cũng mở ra hướng phát triển KT-XH vùng cao.
Theo đồng chí Bùi Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện, cùng với thành quả của những chương trình, dự án trước, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đã, đang triển khai thực hiện tại 13 xã đặc biệt khó khăn (Văn Sơn, Mỹ Thành, Quý Hòa, Văn Nghĩa, Định Cư, Tự Do, Tuân Đạo, Bình Hẻm, Ngọc Lâu, Chí Đạo, Ngọc Sơn, Miền Đồi, Quyết Thắng) và 5 xã có xóm đặc biệt khó khăn (Vũ Bình, Tân Lập, Ân Nghĩa, Tân Mỹ, Thượng Cốc). Chương trình được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo triển khai kịp thời, đồng bộ nhằm ổn định phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN tại địa bàn.
UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG của huyện, Văn phòng Điều phối của chương trình, phê duyệt đề án thực hiện chương trình giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện… Đồng thời tiếp tục triển khai các chương trình, dự án, chính sách đã, đang còn thực hiện có tính chất tác động, hỗ trợ thúc đẩy việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS&MN, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, góp phần vào việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển KT-XH chung của huyện.
Giai đoạn 2021-2023, từ chương trình đã hoàn thành 7 công trình hạ tầng thiết yếu (đường nội đồng, nhà văn hoá xóm); duy tu, sửa chữa 69/69 công trình; mở 5 lớp đào tạo nghề cho người dân, mua trang thiết bị phục vụ đào tạo cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ thiết chế nhà văn hoá cho 10 xóm thuộc xã đặc biệt khó khăn, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.364 hộ; tổ chức hội nghị biểu dương người có uy tín và tặng quà 249 người có uy tín; mở 7 lớp tuyên truyền về hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn; xây dựng 7 nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật cấp xã. Ngoài ra, Hội LHPN huyện thành lập 18 địa chỉ an toàn, 18 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi, 36 tổ truyền thông cộng đồng.
Đồng chí Bùi Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Năm 2023, tổng nguồn vốn được giao thuộc chương trình theo Quyết định số 654/QĐ-UBND, ngày 4/4/2023 của UBND tỉnh trên 55,46 tỷ đồng. Đến ngày 30/6, kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển đạt khoảng 10,4%, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đạt 15%. Chương trình có 10 dự án và nhiều tiểu dự án, liên quan đến nhiều lĩnh vực nên việc phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện chưa kịp thời, đồng bộ. Thời gian tới huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đến với đồng bào dân tộc; phối hợp thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn theo hướng ưu tiên các danh mục cơ sở hạ tầng của các tiêu chí trong xây dựng NTM; thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng dân cư, phát triển KT-XH, xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS& MN giai đoạn 2021 - 2025.
Bùi Minh