(HBĐT) - Đến thị trấn Cao Phong (Cao Phong), chúng tôi ấn tượng về vùng đất trù phú, cũng là vùng cây ăn quả có múi trọng điểm của tỉnh đã được chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong. Đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội nơi đây đổi thay rõ rệt cả về chất và lượng.
Khu 5 có 230 hộ, 915 nhân khẩu, chia thành 14 tổ với 3 dân tộc cùng sinh sống là Mường, Thái, Kinh. Những năm qua, cán bộ và Nhân dân trong khu dân cư (KDC) đã đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, chung sức xây dựng đô thị văn minh. Khu có 80 ha cây ăn quả, chủ yếu là cam, trong đó, 40 ha trong chu kỳ kinh doanh (sản lượng đạt trên 500 tấn), 40 ha trong thời kỳ kiến thiết. Các ngành nghề dịch vụ, thương mại được tạo điều kiện mở mang, phát triển. Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng khu 5 cho biết: Năm 2022, tổng thu nhập kinh tế toàn khu ước đạt 56,8 tỷ đồng, bình quân thu nhập đầu người ước đạt 62 triệu đồng.
Việc áp dụng khoa học công nghệ, quy trình sản xuất VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được các hộ đẩy mạnh thực hiện. Qua đó khẳng định chất lượng nông sản đã được bảo hộ, giữ vững thương hiệu cam Cao Phong. Trên địa bàn có nhiều hộ nhờ phát triển cây ăn quả có múi mà cuộc sống ngày càng khá giả. Nhiều hộ đạt doanh thu vài tỷ đồng sau mỗi vụ cam. Như trước đây có hộ ông Tạ Đình Đào ở khu 6, bà Nguyễn Thị Thu ở khu 2…; gần đây có ông Trần Trọng Bình ở khu 2 đạt doanh thu 1,5 tỷ đồng, ông Trịnh Quốc Cừ ở khu 5 đạt doanh thu 2 tỷ đồng.
Nhân dân thị trấn không chỉ dẫn đầu trong phát triển kinh tế, xây dựng vùng trồng cây ăn quả có múi mà còn tiêu biểu trong thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng cho công trình, dự án đạt hiệu quả. Các KDC, hộ gia đình hăng hái đăng ký phấn đấu danh hiệu "KDC văn hoá”, "Gia đình văn hoá”. Các mô hình tự quản ở KDC được triển khai, nhân rộng. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động, nhất là đóng góp, ủng hộ quỹ Vì người nghèo. Ban quản lý quỹ Vì người nghèo thị trấn đã trích 6,6 triệu đồng tặng quà học sinh nghèo nhân dịp khai giảng năm học 2022 - 2023, hỗ trợ 1 triệu đồng cho trường hợp thuộc diện hộ nghèo bị tai nạn lao động…
Theo đồng chí Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong, cây ăn quả có múi giữ vai trò cây trồng chủ lực mang lại thu nhập, hiệu quả kinh tế. Toàn thị trấn, các hộ có 221 ha trên địa bàn và 132 ha ngoài địa bàn. Thống kê có 546 hộ kinh doanh lớn, nhỏ, chủ yếu là hàng tạp hoá, ăn uống, kinh doanh hoa quả theo mùa. Dịch vụ du lịch có bước phát triển, gắn với danh thắng núi Đầu Rồng. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao. Năm 2022, bình quân thu nhập đầu người của thị trấn ước đạt 68 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,48%, hộ cận nghèo còn 1,17%. 1.547/1.633 hộ đạt gia đình văn hoá, trong đó có 235 hộ đạt gia đình văn hoá 3 năm liên tục, 7/7 KDC được đề nghị khu văn hoá. Thị trấn Cao Phong đạt chuẩn văn minh đô thị năm 2022.
Bùi Minh