Từ sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp Hội LHPN, hội viên phụ nữ xã Bắc Phong có thêm điều kiện, kiến thức xây dựng mô hình trồng cây ăn quả để cải thiện thu nhập.
Hội viên Nguyễn Thị Thanh Mai, xóm Nam Sơn, xã Thu Phong được biết đến là một trong những tấm gương phụ nữ điển hình trong thực hiện phong trào phát triển kinh tế của địa phương. Thế nhưng, nhìn vào mô hình chăn nuôi của gia đình, ít ai có thể tưởng tượng được trước đây, gia đình chị gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn và kinh nghiệm sản xuất. Nhờ sự đồng hành, hỗ trợ, tư vấn của Hội LHPN huyện, xã, thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ DTTS trong phát triển kinh tế, chị được vay vốn với lãi suất ưu đãi để xây dựng mô hình. Chị bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2010 với mô hình chăn nuôi gà kết hợp trồng cây ăn quả có múi. Nhờ sự nỗ lực và không ngừng học hỏi, đến nay, gia đình chị đã mở rộng quy mô trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt với tổng diện tích khoảng 5.000 m2. Mỗi năm, trang trại đem lại cho gia đình chị trên 300 triệu đồng.
Từ phong trào hỗ trợ phụ nữ, nhất là phụ nữ DTTS sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, không riêng chị Mai mà có nhiều HVPN người DTTS trên địa bàn huyện đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến 1 tỷ đồng mỗi năm. Tiêu biểu như các hội viên: Bùi Thị Hạnh (xã Hợp Phong), Hoàng Thị Nhinh (xã Nam Phong), Tô Thị Bích Ngọc (thị trấn Cao Phong)…
Từ đầu năm đến nay, nhằm hỗ trợ, đồng hành với HVPN, đặc biệt là phụ nữ người DTTS trong phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện tích cực triển khai các hoạt động, phong trào như: "Phụ nữ giúp nhau xóa đói, giảm nghèo”, mô hình "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, vận động đóng góp quỹ Mái ấm tình thương, giúp nhau bằng ngày công lao động cùng con giống, cây giống, hỗ trợ phụ nữ DTTS duy trì ngành nghề truyền thống; vận động HVPN tham gia xây dựng các mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ quay vòng vốn tại các chi, tổ hội để giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn trong phát triển kinh tế; hỗ trợ phương tiện sinh kế cho HVPN có hoàn cảnh khó khăn…
Đồng thời, Hội đứng ra tín chấp với Ngân hàng CSXH cho hội viên vay vốn để phát triển sản xuất với tổng dư nợ hơn 91,47 tỷ đồng; vận động hội viên tham gia các lớp tập huấn ứng dụng KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi, tạo điều kiện cho hội viên tham quan học tập các mô hình, gương điển hình làm kinh tế giỏi của các đơn vị bạn để học hỏi; giới thiệu việc làm cho hội viên…
Bên cạnh đó, hàng năm, công tác tuyên truyền, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho HVPN ở cơ sở được đẩy mạnh. Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội LHPN huyện Cao Phong đã tổ chức 10 hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm cho trên 500 hội viên... Ngoài ra, Hội thường xuyên rà soát, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà Mái ấm tình thương cho các gia đình hội viên DTTS nghèo. Với việc thực hiện hiệu quả các phong trào, chương trình, dự án đã hỗ trợ, nâng cao vị thế của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ DTTS. Đến nay, toàn huyện có 98 hộ nghèo, 74 hộ cận nghèo có phụ nữ được Hội LHPN huyện hỗ trợ, giúp đỡ. Trong đó, có 22 hộ hội viên nghèo, 31 hộ hội viên cận nghèo được giúp đỡ thoát nghèo.
Đồng chí Vi Thị Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cao Phong cho biết: Thông qua công tác tuyên truyền, vận động và triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, chị em đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng gia sản xuất. Đời sống được nâng cao rõ rệt, nhiều chị vươn lên thoát nghèo bền vững, cùng với Nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, góp phần tích cực phát triển KT-XH ở địa phương. Qua đó thu hút, tập hợp đông đảo phụ nữ tham gia tổ chức Hội. Đến nay, tổng số HVPN trong huyện có gần 10.800 người, sinh hoat tại 11 cơ sở hội.
T.H