Có dịp trở lại vùng trồng ớt của hội viên phụ nữ vùng Phú Lương, xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) đúng dịp chị em nơi đây tập trung thu hoạch ớt để chế biến, chuẩn bị cho đơn khách hàng ở Hà Nội đặt, chúng tôi cảm nhận không khí làm việc phấn khởi với vụ ớt mới được mùa, được khách tin dùng.
Thành viên Tổ hợp tác Ớt rừng Phú Lương, xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) sơ chế, đóng gói sản phẩm.
Vừa nhẹ nhàng thu hoạch những quả ớt nhỏ, căng, chắc, chị Bùi Thị Hà, Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) ớt rừng Phú Lương vừa chia sẻ: Cây ớt đã gắn bó từ lâu đời với cuộc sống của người dân nơi đây. Với thổ nhưỡng và khí hậu đặc trưng, cây ớt rừng ở đây cho hương thơm và vị cay riêng biệt, trở thành loại gia vị không thể thiếu trong mỗi bữa cơm hàng ngày của người dân vùng Phú Lương xưa. Nhớ những ngày đầu ấp ủ ý tưởng "Trồng ớt rừng theo hướng sinh học”, rồi gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện. Từ mô hình (năm 2018) THT với 15 thành viên, diện tích 3.000m² trồng ớt, sản lượng gần 700kg/năm đến nay đã tăng lên hơn 25 thành viên tham gia trồng hơn 1 ha, sản lượng 1,5 - 2 tấn quả. Mỗi thành viên THT thu nhập trung bình 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Từ khi tham gia mô hình, các thành viên được dự các chương trình tập huấn, hỗ trợ về vốn và kỹ thuật để cải thiện chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định. Giờ đây, ý tưởng đã kết trái ngọt và thực sự mở ra cơ hội khởi nghiệp, giúp nhiều phụ nữ thoát nghèo, nâng cao đời sống.
Đặc biệt, ý tưởng "Trồng ớt rừng theo hướng sinh học" đã xuất sắc giành giải thưởng trong Cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp cho phụ nữ do Hội LHPN Việt Nam tổ chức với số tiền thưởng 157 triệu đồng. Từ nguồn hỗ trợ này, THT tiếp tục đầu tư để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đưa sản phẩm tốt nhất đến người tiêu dùng.
Với sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện Lạc Sơn, sản phẩm ớt rừng Phú Lương đã được xây dựng thương hiệu, đóng gói và thiết kế mẫu mã đẹp, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm đã đăng ký nhãn hiệu, mã vạch truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng có thể yên tâm về chất lượng. Nhờ đó, sản phẩm ớt rừng Phú Lương ngày càng được ưa chuộng và dễ dàng tiêu thụ trên thị trường. Bên cạnh việc trồng và thu hoạch ớt tươi, các thành viên THT còn sơ chế, chế biến ớt muối. Trước đây, ớt muối thường được cho vào chai nhựa, nhanh chóng bị mốc và không bảo quản được lâu. Giờ đây, ớt muối Phú Lương đã được đóng lọ thủy tinh theo quy cách 100g với giá bán 35.000 đồng/lọ. Sản phẩm này không chỉ giữ được lâu hơn mà còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có thể bảo quản trong thời gian lên đến 24 tháng.
Đồng chí Bùi Thị Ngợi, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lạc Sơn cho biết: Với đặc trưng về độ nồng, cay dịu, không rát và thơm ngon, ớt rừng Phú Lương đang trở thành sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, sản phẩm không chỉ tiêu thụ mạnh tại Hòa Bình mà còn được phân phối ở nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Dương. Nhờ mô hình này, nhiều phụ nữ dân tộc Mường tại địa phương đã có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Sự thành công của mô hình trồng ớt rừng Phú Lương không chỉ là minh chứng cho tiềm năng kinh tế của cây ớt rừng mà còn khẳng định khả năng khởi nghiệp và đổi mới của phụ nữ dân tộc thiểu số. Với sự hỗ trợ của các tổ chức, đặc biệt là Hội LHPN, phụ nữ huyện Lạc Sơn đã biết tận dụng tiềm năng sẵn có, dám nghĩ, dám làm và đạt được những kết quả lớn.
H.D
Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Kim Bôi vừa tổ chức Hội nghị tập huấn hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy đã mang lại những kết quả tích cực, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.
Thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã phối hợp Ban Dân tộc tỉnh rà soát, xác định nhu cầu vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 theo quy định.
Là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn với hơn 88% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, huyện Mai Châu đã triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thông qua các chính sách hỗ trợ sản xuất, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, lồng ghép với các chương trình, dự án khác... đời sống người dân vùng DTTS không ngừng được nâng lên, diện mạo nông thôn đổi thay.
Thực hiện Dự án "Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực" trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, năm 2023, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX huyện Lương Sơn đã mở 27 lớp đào tạo nghề với 763 học viên. Trong đó, ngân sách huyện mở 3 lớp với 73 học viên; ngân sách trung ương mở 24 lớp với 690 học viên. Đến hết tháng 8/2024, trung tâm đã mở được 11 lớp với 314 học viên.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ khi về thăm Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình năm 1958 (nay là Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Hòa Bình), cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt phong trào thi đua "Dạy tốt - học tốt” và đạt những kết quả tự hào. Trường khẳng định vị trí tốp đầu trong các trường THPT toàn tỉnh và hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú toàn quốc.