Sinh ra và lớn lên tại bản Mông nghèo thuộc huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, cô gái Giàng Thị Sao (SN 1986) nỗ lực học tập để hiện thực ước mơ được đứng trên bục giảng. Sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm âm nhạc, cô được tuyển dụng và phân công về Trường TH&THCS Hang Kia A, xã Hang Kia (Mai Châu) dạy từ năm 2010.


Cô Giàng Thị Sao, giáo viên Trường TH&THCS Hang Kia A, xã Hang Kia (Mai Châu) tổ chức hoạt động ngoài giờ nhằm khơi niềm hứng thú học tập, giúp học sinh người Mông giao tiếp tiếng Việt dễ dàng hơn.

Công tác ở một điểm trường thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, tình trạng học sinh bỏ học nhiều, bản thân cô có nhiều trăn trở, nhất là trong vận động học sinh ra lớp. Có những buổi học hay kỳ thi quan trọng nhưng gần đến giờ mà không thấy trò đâu, phương tiện thông tin liên lạc không có. Cô và đồng nghiệp lặn lội qua quãng đường đèo dốc đến nhà động viên và chở các em tới trường.

Nhắc lại kỷ niệm đáng nhớ, cô giáo người Mông tâm sự: Những ngày đầu dạy học hồ hởi bao nhiêu, tôi càng hụt hẫng bấy nhiêu, bởi học sinh không hiểu được lời cô nói. Do không biết tiếng phổ thông, khi tôi hát mẫu và bắt nhịp 2 - 3 cho cả lớp hát, các em không hát mà bắt nhịp lại "2 – 3” theo cô giáo. Điều này cứ lặp đi, lặp lại gây khó khăn trong việc truyền đạt và tiếp thu. Trong "cái khó, ló cái khôn”, tôi nghĩ ra cách giảng mới là sử dụng "song ngữ” tiếng Việt  - tiếng Mông, kết hợp với các biểu cảm, hành động. Từ đó, thu hút được sự chú ý, khiến các em tiếp thu bài dễ dàng hơn. Sau này, khi đã quen với phương pháp, có em thủ thỉ: "Cô ơi, em thích nhất là tiết học âm nhạc của cô ạ!” Những câu nói của các em đã khích lệ tôi cố gắng mỗi ngày…  

Ngoài dạy âm nhạc, cô Giàng Thị Sao còn đảm nhiệm vai trò Tổng phụ trách đội. Cùng là người Mông, cô hiểu được tâm lý yêu thích các hoạt động tập thể của các em. Do đó, cô chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và hoạt động ngoài giờ lên lớp đa dạng, sinh động, giúp các em nâng cao kỹ năng sống. Nhằm động viên, hỗ trợ học sinh yếu kém vươn lên, cô thường tranh thủ sau giờ học ngồi lại cùng các em để chia sẻ, hướng dẫn thêm. Có những hôm, cô đón các em về nhà về nhà mình ở bản Hang Kia 3, xã Hang Kia để tiện việc hỗ trợ, giúp đỡ. Qua các hoạt động đội, nhiều em xoá được "rào cản” tâm lý, trở nên tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp và cởi mở hơn.

Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhận thức đối với việc học chưa đầy đủ nên trên địa bàn xã có những gia đình ít quan tâm, thậm chí để con em phải nghỉ học sớm. Không nề hà việc leo núi, vượt đèo đến những bản xa xôi, cô gặp gỡ các phụ huynh tuyên truyền, phân tích để họ hiểu và ưu tiên cho việc học. Không chỉ hết lòng yêu thương, dạy dỗ, truyền đạt kiến thức, cô còn tích cực kết nối với các nhà từ thiện, hảo tâm hỗ trợ quần áo, sách vở, đồ dùng học tập giúp các em vơi bớt khó khăn trong cuộc sống. Đáp lại tấm lòng cô giáo, các em không còn bỏ học nhiều như trước, việc học ngày càng tiến bộ.

Đặc biệt, với tâm huyết cải thiện và tăng cường tiếng Việt cho trẻ, nhất là đối với các bé chuẩn bị vào lớp 1, từ năm học 2022 – 2023 đến nay, được sự đồng tình, ủng hộ, tạo điều kiện của Ban Giám hiệu nhà trường, cô Giàng Thị Sao đã đứng ra mở lớp học miễn phí "Tiếng Việt cho em”. Thông qua lớp học này, các em được vui chơi và học giao tiếp, tập nói các câu, từ khó cùng nhau, được trang bị tiếng Việt để tự tin hơn khi bước vào năm học đầu cấp.

Theo chia sẻ của Cô Ngần Thị Lâm, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Hang Kia A: Cô Giàng Thị Sao có chồng bộ đội cũng là con em người Mông xã Hang Kia. Trong hoàn cảnh chồng đi công tác xa, cô khắc phục bằng cách chủ động thu xếp việc nhà, chăm sóc con nhỏ và vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Gắn bó với quê hương vùng cao còn nhiều gian khó, bằng tấm lòng yêu nghề, mến trẻ cùng những sáng kiến trong giảng dạy của cô đã góp phần làm chuyển biến chất lượng giáo dục, phát triển công tác đội và phong trào thanh thiếu nhi tại địa phương. Bên cạnh những ghi nhận của tập thể nhà trường trong bình xét và công nhận các danh hiệu thi đua hàng năm, cô được công nhận giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi, giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Gần đây nhất, cô vinh dự được UBND huyện biểu dương, khen thưởng là điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.


Bùi Minh

Các tin khác


Vị ngọt ớt rừng Phú Lương

Có dịp trở lại vùng trồng ớt của hội viên phụ nữ vùng Phú Lương, xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) đúng dịp chị em nơi đây tập trung thu hoạch ớt để chế biến, chuẩn bị cho đơn khách hàng ở Hà Nội đặt, chúng tôi cảm nhận không khí làm việc phấn khởi với vụ ớt mới được mùa, được khách tin dùng.

Huyện Lương Sơn chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Xác định công tác dân tộc là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Lương Sơn tập trung mọi nguồn lực thực hiện tốt các chương trình, chính sách đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ đó, đời sống đồng bào vùng DTTS không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Phó Chi hội phụ nữ thôn Rị gương mẫu, trách nhiệm xây dựng cộng đồng 

Là cán bộ Hội năng nổ, nhiệt tình, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào các hoạt động cộng đồng và phong trào phụ nữ địa phương, chị Bùi Thị Hoa, dân tộc Mường, Chi hội phó Chi hội phụ nữ thôn Rị, xã Phú Thành (Lạc Thủy) xứng đáng là tấm gương phụ nữ tiêu biểu, được hội viên phụ nữ và người dân địa phương quý trọng, ủng hộ trong việc xây dựng một cộng đồng phụ nữ tiến bộ và đoàn kết.

Vật nuôi bản địa giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập

Gà ri, lợn đen và một số vật nuôi nguồn gốc bản địa khác đang được nhiều người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chú trọng phát triển. Đây là hướng đi phù hợp để khai thác tiềm năng, lợi thế và đang đem lại những hiệu quả kinh tế thiết thực.

Huyện Mai Châu: Phát huy vai trò của nông dân các dân tộc thiểu số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn

Giai đoạn 2021-2024, thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân (HND) Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM) và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020” (gọi tắt là Đề án 61), lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của huyện Mai Châu có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống của hội viên nông dân các dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên; vị trí, vai trò của HND được củng cố.

Huyện Kim Bôi: 90 phụ nữ được tập huấn ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao quyền năng kinh tế

Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Kim Bôi vừa tổ chức Hội nghị tập huấn hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục