Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Huế vừa là kinh đô của Nhà nước phong kiến Việt Nam, vừa là thủ phủ của Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và là nơi đặt cơ quan cai trị của quân đội Nhật. Tháng 8-1945, trên kỳ đài Huế, cùng với bản nhạc hùng tráng “Tiến quân ca”, lá cờ đỏ sao vàng từ từ kéo lên, tung bay giữa trời Huế tự do độc lập. Cách mạng Tháng Tám ở Huế đã đi vào lịch sử với một tầm quan trọng đặc biệt, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ phong kiến, chính phủ bù nhìn và thế lực bảo trợ là quân đội phát-xít Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân.

                                   Một góc thành phố Huế. 

I - Cách thành phố Huế khoảng 8 km về phía đông nam, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy là điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước với không gian nhà vườn, đình chùa, nhà thờ họ kiến trúc khá đặc sắc, nơi có cầu ngói Thanh Toàn, một di tích kiến trúc cổ có giá trị lịch sử và văn hóa, là di tích quốc gia. Thủy Thanh là xứ sở của trò chơi dân gian phong phú, đậm chất Huế... Vùng quê văn hiến này cũng là mảnh đất sục sôi phong trào cách mạng từ khi có Đảng. Chúng tôi về Thủy Thanh vào đúng ngày bà con làng xã tổ chức Lễ công bố quyết định truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho mẹ Lê Thị Lịch, thân mẫu của liệt sĩ Đặng Tràm, nguyên Bí thư Huyện ủy Hương Thủy. Năm 1968, ông hy sinh trên đường đi công tác do bị giặc phục kích. Người đảng viên kiên trung lập nhiều chiến công trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được đặt tên cho một con đường ở Huế - đường Đặng Tràm, giao cắt với đại lộ Nguyễn Tất Thành. Thủy Thanh, vùng quê mang vẻ đẹp trữ tình này cũng là dải đất cách mạng quật cường, kiên trung. Xã được phong tặng Anh hùng LLVT trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lễ truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Lịch, có đông đảo đại diện lãnh đạo huyện, xã, bà con quê hương và gia đình họ mạc. Nhiều đảng viên lâu năm, nguyên là lãnh đạo của huyện, của thành phố, trong đó có những cựu tù chính trị tại Côn Đảo, Phú Quốc và những nhà tù khác của kẻ thù. Như bác Trần Thanh Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Thủy; Ngô Tài Nhiên, nguyên Phó Chủ tịch HĐND thành phố Huế và nhà thơ Đặng Văn Thùy, từng bị địch bắt, giam cầm 11 năm ở Côn Đảo... Đặc biệt là Đại tá Phan Thanh Toàn, một cán bộ tình báo, gần 90 tuổi song vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Nhắc lại truyền thống quê hương, Đại tá Phan Thanh Toàn hào sảng: Ở huyện Hương Thủy, ngày 20-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa huyện tập hợp nhân dân tại ba điểm: đình làng Thanh Thủy thượng, đình làng Thần Phù và đình làng Bãng Lãng, sau đó giương cờ, gióng trống với vũ khí thô sơ kéo đi giành chính quyền ở tổng xã...

II - Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên-Huế, ghi: “Ngày 15-8-1945 phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh. Được tin này, dưới danh nghĩa Việt Minh Nguyễn Tri Phương, Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập hội nghị cán bộ toàn tỉnh tại nhà ông Tố Tuân và bà Phan Thị Luận (phường Phú Bình - TP Huế). Hội nghị hoàn toàn nhất trí với chủ trương khởi nghĩa và quyết định chọn huyện Phú Lộc để phát động nhân dân nổi dậy giành chính quyền trước".

Khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế lúc bấy giờ là nhiệm vụ đầy cam go. Bên cạnh chính phủ bù nhìn của Trần Trọng Kim, Huế là nơi đồn trú của quân đội Nhật có tới năm nghìn sĩ quan và binh sĩ do cố vấn Yô-kô-ha-ma chỉ huy, chưa kể hàng chục nghìn lính khố xanh, khố vàng, khố đỏ... của triều đình nhà Nguyễn. Bác Hoàng Anh, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ ghi lại trong cuốn hồi ký của mình: Chiều 20-8, Việt Minh tỉnh họp mở rộng để bàn kế hoạch khởi nghĩa ngày 23-8. Hai đoàn cán bộ chúng tôi cử ra Trung ương để xin chỉ thị vẫn chưa về. Đúng lúc cuộc họp kết thúc thì đoàn cán bộ của Trung ương gồm có các đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Tố Hữu, Hồ Tùng Mậu vào Huế chỉ đạo khởi nghĩa. Đó là sự tiếp sức rất kịp thời.

Cũng từ đó, tại các huyện, quần chúng sôi sục khí thế cách mạng. Tại Huế, từ ngày 21-8-1945, các đội tự vệ, các đoàn thể cứu quốc có trang bị vũ khí thô sơ, giương cờ, biểu ngữ, biểu tình thị uy qua các đường phố. Các trại lính bảo an đã được chuẩn bị tham gia phong trào khởi nghĩa. Bọn lính Nhật hoảng sợ không dám hành động. Hào khí cách mạng những ngày ấy ở Huế được nhà thơ Tố Hữu mô tả: “Tháng Tám vùng lên Huế của ta /Quảng Phong ơi! Hương Thủy, Hương Trà/ Phú Vang, Phú Lộc đò lên Huế /Đỏ ngập dòng sông rộn tiếng ca".

Cách mạng Tháng Tám đã có sức cảm hóa, thu hút nhiều thanh niên trí thức, con em của các quan lại, đại thần triều Nguyễn đều tích cực tham gia tổng khởi nghĩa từ những ngày đầu. Như, Tôn Thất Hoàng là con của Thượng thư Tôn Thất Quảng; Đặng Văn Việt, con cụ Đặng Văn Hướng, Tổng đốc Nghệ An, từng ba lần giữ chức Thượng thư; Võ Sum con quan Án sát Võ Chuẩn; Lê Thiệu Huy con trai cụ Lê Thước, giải nguyên Hán học; Hoàng Xuân Bình, em ruột giáo sư Hoàng Xuân Hãn; Nguyễn Thế Lương, con của một nhà thầu khoán... Họ là những học viên của Trường Thanh niên Tiền tuyến, do Luật sư Phan Anh, Bộ trưởng và ông Tạ Quang Bửu làm “Đặc vụ ủy viên” Bộ Thanh niên, Chính phủ Trần Trọng Kim sáng lập.

Mới đây, chúng tôi lại gặp lại ông Đặng Văn Việt, trong ngôi nhà bình dị tại làng Hoàng Mai (Hà Nội), ông vẫn khỏe mạnh dù tuổi đã ngoài 90. Về sự kiện ngày 20-8, Ủy ban khởi nghĩa đã hạ cờ quẻ ly của Nam Triều, treo lá cờ cách mạng nền đỏ sao vàng lên kỳ đài Phu Văn Lâu, ông kể: Ngày 21-8, được cấp trên giao nhiệm vụ, tôi cùng anh Nguyễn Thế Lương cuộn lá cờ đỏ sao vàng cỡ lớn, gác lên hai chiếc xe đạp, tiến thẳng về kỳ đài. Cả tiểu đội lính dõng có mặt ở đó nhất cử nhất động theo lệnh hai chúng tôi, buộc lá cờ đỏ sao vàng vào ròng rọc kéo lên cao. Sự kiện diễn ra trước sự bất động của hàng trăm tay súng lính khố vàng giữ thành. Lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trên kỳ đài ngày ấy làm rúng động Kinh thành Huế.

Ai từng gắn bó với Huế hẳn ấn tượng với con đường 23-8 lịch sử, nơi in dấu ngàn vạn bước chân của quần chúng 71 năm trước. Ngày ấy, lần đầu trong đời, bao bàn chân trần còn vương bùn đất hiên ngang đứng lên bứt xiềng nô lệ. Đội quân cách mạng hiên ngang bước qua trước cửa Hoàng thành, khẳng khái, thể hiện vị thế của người dân làm chủ. Chiều 23-8, tại sân vận động Huế, hàng chục nghìn quần chúng nhân dân hàng ngũ chỉnh tề tập trung dưới rừng cờ sao vàng phấp phới. Ủy ban khởi nghĩa tiến vào lễ đài giữa tiếng hoan hô vang dội cả một góc trời. Đồng chí Tố Hữu đọc diễn văn nói lên tầm vóc, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa và tuyên bố từ nay chính quyền về tay nhân dân. Đồng chí trân trọng giới thiệu Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh do ông Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch, đồng chí Hoàng Anh làm Phó Chủ tịch.

Chiều 30-8-1945, Lễ thoái vị của Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến đã được tổ chức tại Ngọ Môn. Vua Bảo Đại đọc thoái vị và trao cho đại diện chính phủ Quốc ấn bằng vàng và thanh gươm bằng vàng nạm ngọc tượng trưng cho quyền lực của chế độ phong kiến. Vào khoảnh khắc ấy, trên kỳ đài Huế, cùng với bản nhạc hùng tráng “Tiến quân ca”, lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa trời Huế tự do độc lập trong tiếng hô vang của người dân “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm”. Những con đường, dòng sông xứ Huế ngày ấy tràn sắc đỏ cờ hoa ...

III - Tháng Tám này, bến Vĩ Dạ, rực rỡ nắng vàng, những con thuyền vẫn neo chờ vận chuyển nông sản, cung cấp cho những nhà hàng đặc sản Huế. Ông Bửu Dục, con cụ Ưng Tôn, nay là chủ nhân ngôi dinh thự cũ của cụ Thượng thư Ưng Tôn, cháu nội Tuy Lý Vương Miên Trinh hiệu Vĩ Dạ (con Vua Minh Mạng). Trong những ngày Cách mạng Tháng Tám 1945, ông làm liên lạc của Ủy ban kháng chiến. Rồi ông trở thành sĩ quan quân đội. Nay đã gần 90 tuổi đời, gần 70 năm tuổi Đảng, ông tâm sự: Nhiều người trong hoàng tộc theo lời hiệu triệu của Bác Hồ, của Việt Minh đã hòa mình vào phong trào cách mạng, hăng hái tham gia các cuộc biểu tình, tuần hành. Tôi cùng các anh, các chị em ruột là Bửu Kỳ, Như Hoành, Nam Mai, Bửu Hiến cùng trong số đó. Cách mạng Tháng Tám thành công, nhiều con cháu hoàng tộc theo cách mạng, được đào tạo, được giữ những trọng trách và có nhiều cống hiến cho đất nước.

Mái trường THPT Chuyên Quốc học vẫn kiêu hãnh bên dòng sông Hương thơ mộng. Những tòa nhà cao tầng, giảng đường, lớp học với mầu sơn hồng cổ kính ẩn mình bên những hàng cổ thụ xanh mướt. Ngôi trường đã gần 120 năm tuổi, đã chở che, nâng bước bao thế hệ học trò, nơi đào tạo bao nhân tài của đất nước. Mái trường từng là nơi học tập của các bậc vĩ nhân của Việt Nam như: Nguyễn Sinh Cung (Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh), Tổng Bí thư Trần Phú, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Giáo sư Đặng Thai Mai, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... cùng nhiều tướng lĩnh, nhà khoa học, văn hóa, giáo dục, văn nghệ sĩ tài năng khác có nhiều cống hiến cho đất nước, cách mạng và dân tộc. Trường Quốc học Huế đã khơi dậy truyền thống giáo dục, đào tạo, góp phần để thành phố Huế trở thành địa chỉ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao uy tín toàn vùng.

Với truyền thống và sứ mệnh cao cả, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra bốn chương trình trọng điểm, 14 nhiệm vụ chủ yếu nhằm xây dựng tỉnh xứng đáng là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc, là trung tâm thương mại, dịch vụ và giao dịch quốc tế... trung tâm giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn tại miền trung. Phát huy hào khí Cách mạng Tháng Tám, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên - Huế đã và đang kết thành khối thống nhất ý chí và hành động, dồn sức xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng đô thị "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”.

             

 

                                                                            Theo Nhandan

Các tin khác

Đại diện lãnh đạo huyện, Ban CHQS huyện Kỳ Sơn và các đơn vị LLVT huyện trao tặng xe đạp cho các học sinh nghèo hiếu học.
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Tin vui xuất khẩu lao động Hàn Quốc cho người lao động tỉnh ta

(HBĐT) - Đồng chí Ngô Ngọc Thu, Trưởng phòng Việc làm- ATLĐ (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Sau thời gian không được cấp phép XKLĐ Hàn Quốc, trong 2 năm 2014- 2015, tỉnh ta đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động lao động ở Hàn Quốc về nước đúng thời hạn.

Từ chuyện một phụ nữ thiệt thòi trong hưởng dụng đất đai ở huyện Đà Bắc

(HBĐT) - Thời điểm năm 2013, Hội Nông dân tỉnh đã khảo sát về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại 2 huyện Đà Bắc và Yên Thủy. Qua đó cho thấy có một bộ phận không nhỏ phụ nữ chưa biết mình có quyền đứng tên cùng chồng trên GCNQSDĐ. Trường hợp của bà Đinh Thị Hện ở xóm Tân Sơn, xã Toàn Sơn (Đà Bắc) là một thí dụ.

Quan tâm chăm sóc, bảo vệ trẻ em

(HBĐT) - Theo Sở LĐ -TB&XH, toàn tỉnh hiện có gần 217.018 trẻ em, chiếm trên 26,38% dân số của tỉnh, trong đó 2.169 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 28.555 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt...

Nguy cơ tan vỡ gia đình do đi làm ăn xa - nhìn từ xã Do Nhân

(HBĐT) - Kinh tế khó khăn, nhiều người dân ở các vùng nông thôn trong tỉnh phải đi làm ăn xa nhà. Trong cuộc tha hương đó có người đã tích góp được vốn liếng để quay về phát triển kinh tế gia đình nhưng chẳng ít cặp vợ chồng trẻ “cơm không lành, canh chẳng ngọt”, thậm chí tan vỡ hạnh phúc vì không vượt qua được những cám dỗ nơi đất khách.

Pokemon Go và những cái chết ở tuổi đôi mươi

Ngoài lợi ích giải trí, số vụ tai nạn, thương vong ngày một tăng cho thấy mặt trái của trò chơi Pokemon Go

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục