* Gần 20.000 nhà dân ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị bị ngập

 * Miền bắc có không khí lạnh tăng cường, Bắc Trung Bộ tiếp tục mưa to

 

Nước lũ vào nhanh khiến nhiều hộ dân ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị) không kịp di chuyển đồ đạc lên cao. Ảnh: NGUYỄN VĂN HAI

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với gió đông trên cao, từ ngày 30-10 đến nay tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị xảy ra đợt mưa lớn. Tính đến 13 giờ ngày 1-11, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 50 mm đến 100 mm, có nơi cao hơn như Khe Sanh (Quảng Trị) 105 mm, A Lưới (Thừa Thiên - Huế) 114 mm, Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) 104 mm. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với gió đông trên cao, cho nên từ ngày 1 đến 4-11 ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên tiếp tục có mưa to đến rất to; tổng lượng mưa phổ biến 100 mm đến 300 mm/đợt, riêng các tỉnh, thành phố Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi 300 mm đến 500 mm.



 Lũ trên sông Gianh làm chìm ngập nhiều khu dân cư và tuyến đường ở thị xã Ba Đồn (Quảng Bình).

* Ngày 1-11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Quảng Bình cho biết, đến 17 giờ ngày 1-11, mưa lũ làm 15.062 ngôi nhà ngập trong lũ, trong đó các địa phương có số nhà ngập nhiều và sâu là thị xã Ba Đồn có 5.417 nhà, huyện Tuyên Hóa có 6.128 nhà, riêng ngập từ 1 đến 3 m có 528 nhà; có bốn người bị thương. Chính quyền địa phương hiện đã di dời tránh lũ 367 hộ tại các xã Hương Hóa, Châu Hóa và Ngư Hóa. Tại huyện Minh Hóa, các xã Thượng Hóa, Dân Hóa, Trọng Hóa, Tân Hóa, Minh Hóa, Xuân Hóa đã bị nước lũ cô lập, hàng trăm ngôi nhà chìm trong lũ. Các tuyến đường giao thông trên địa bàn bị hư hỏng và ách tắc nghiêm trọng. Cụ thể: đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa và xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch bị ngập sâu không lưu thông được. Quốc lộ 15 A đoạn qua huyện Tuyên Hóa bị ngập sâu; nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn ở 8/8 huyện, thị xã trong tỉnh Quảng Bình bị nước lũ gây chia cắt. UBND tỉnh Quảng Bình cử hai đoàn công tác đến các vùng ngập sâu để chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ. Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Bình đã huy động cán bộ, chiến sĩ và hàng chục phương tiện đến các vùng rốn lũ để cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ khi cần thiết. 

* Tính đến trưa 1-11, tại tỉnh Hà Tĩnh mưa lớn gây ngập lụt trên diện rộng, hơn 2.700 nhà dân ở năm huyện, thị xã bị ngập nước. Huyện Hương Khê có 1.116 nhà bị ngập sâu từ 1 đến 2 m, chủ yếu ở các xã Phương Điền, Phương Mỹ, Hương Thủy, Hương Đô, Lộc Yên, Phúc Trạch... Tại thị xã Kỳ Anh có 547 nhà dân nước ngập từ 0,5 đến 1m. Tại huyện Cẩm Xuyên cũng có hơn 885 nhà bị ngập sâu trong nước. Theo thống kê sơ bộ của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh, do nước lũ chia cắt nhiều địa bàn nên sáng 1-11, toàn tỉnh có hơn 30 nghìn học sinh thuộc 84 trường ở các bậc học phải nghỉ học. 

* Ngày 1-11, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to trên diện rộng, phổ biến từ 170 đến 220 mm. Riêng tại thượng nguồn sông Hiếu lên đến hơn 480 mm (từ 19 giờ ngày 31-10 đến 1 giờ sáng 1-11 đạt 214 mm). Lượng nước từ thượng nguồn đổ về mạnh và lượng mưa trên địa bàn lớn khiến một số địa phương trong tỉnh bị ngập cục bộ. Trong đó, tại các xã Cam Tuyền, Cam Thủy, Cam Hiếu, Cam Thành và thị trấn Cam Lộ (Cam Lộ) có hơn 2.140 nhà dân bị ngập, nơi sâu nhất hơn 3 m, làm ẩm ướt nhiều lúa, gạo của các hộ gia đình; hàng trăm héc-ta hoa màu bị ngập sâu trong nước lũ. Một số công trình thủy lợi, đê điều, hồ chứa, trạm bơm, đường giao thông… bị hư hỏng, thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng. Dọc bờ sông Hiếu đoạn qua khu phố 3, phường 4, TP Đông Hà có hàng chục hộ dân có nhà ở sát mép sông lo lắng vì sạt lở đất đã vào tận móng nhà. Tại hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đa Krông mưa lớn kéo dài gây ngập nhiều tuyến đường. Trong đó, một số tuyến đường bị sạt lở đất, đá gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sư đoàn 968, Ban Chỉ huy quân sự, Công an huyện đã huy động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ và hàng chục ca-nô đến sơ tán bà con ra khỏi những vùng thấp, lũ. 

* Từ rạng sáng 1-11, tại huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) có mưa to đến rất to khiến nhiều tuyến đường chính và nhà dân ở trung tâm thị trấn Khe Tre bị ngập nặng, gây cản trở, ách tắc giao thông cục bộ và làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, nhiều xe đang lưu thông thì chết máy. Để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ, UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; bố trí trực ban 24/24 giờ; sẵn sàng di dời người và tài sản đối với các hộ ở vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét; khuyến cáo không đi rừng, vớt củi, bắt cá trên sông suối; đôn đốc các nhà thầu kịp thời khơi thông rãnh, cống thoát nước, xử lý tình huống có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân. 

* Mưa lớn chiều 1-11 đã gây sạt lở nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, nhất là ở hai huyện Nam Trà My và Bắc Trà My, khiến giao thông nhiều nơi bị gián đoạn cục bộ. Tại Km 70 trên tuyến quốc lộ 40B thuộc địa phận xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, nối tỉnh Quảng Nam với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, mưa lớn khiến hơn 5.000 m3 đất đá phía ta-luy dương sạt lở tràn xuống nền đường, gây ách tắc giao thông. Nước lũ dâng cao gây ngập sâu ngầm Sông Trường thuộc địa phận xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My khiến giao thông trên tuyến quốc lộ 40B, đoạn từ Km 70 đến Km 84 bị đình trệ hoàn toàn. Sở Giao thông vận tải tỉnh đã kịp thời chỉ đạo Công ty cổ phần Công trình giao thông vận tải tỉnh điều động hàng chục phương tiện các loại và hàng trăm công nhân đến hiện trường để san ủi lượng đất đá bị sạt lở, khơi thông cống rãnh, bảo đảm giao thông thông suốt. 

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, ngày 2-11, không khí lạnh tăng cường đã ảnh hưởng đến các tỉnh phía bắc khiến nền nhiệt thấp nhất về đêm và sáng sớm, phổ biến từ 19 đến 21 độ C, vùng núi 16 đến 18 độ C, trời tiếp tục lạnh. Khu vực Nam Bộ có mưa nhiều, cảnh báo có những điểm mưa vừa, mưa to, tiềm ẩn gió giật và tố lốc kèm theo.

Ứng phó khẩn cấp mưa lũ tại miền trung

Ngày 1-11, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1925/CĐ-TTg về việc ứng phó khẩn cấp mưa lũ tại miền trung. Trong công điện, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia sẻ khó khăn với chính quyền và nhân dân các địa phương vùng ngập lũ; yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó theo cấp báo động với phương châm “bốn tại chỗ”, trong đó tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau: Rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi các vùng nguy hiểm có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở, vùng bị ngập sâu chia cắt đến nơi an toàn. Huy động phương tiện, lực lượng, bằng mọi biện pháp tiếp cận những khu dân cư bị ngập sâu, chia cắt để tổ chức cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân, bảo đảm không để người dân nào bị đói, khát. Cử lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông, hướng dẫn việc đi lại an toàn qua các bến đò, các ngầm, tràn, tuyến đường giao thông bị ngập sâu, khu vực nước chảy xiết. Tổ chức kiểm tra an toàn các hồ chứa, giám sát việc vận hành xả nước đón lũ và vận hành xả lũ, bảo đảm an toàn đập và hạ du các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là các hồ chứa đã đầy hoặc gần đầy nước, các đập xung yếu. Tùy theo tình hình mưa lũ cụ thể tại từng khu vực, chủ động quyết định việc cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn.

Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng tìm kiếm cứu nạn, các lực lượng quân đội, công an trên địa bàn sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ thực hiện việc sơ tán nhân dân, cứu nạn, cứu hộ theo đề nghị của địa phương.

Các bộ, ngành liên quan theo chức năng và nhiệm vụ được giao chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sẵn sàng giúp đỡ địa phương khi có yêu cầu, hỗ trợ địa phương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống và phục hồi sản xuất. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng-Thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa, lũ, dự báo và cung cấp thông tin kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo và thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng, tránh, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa và khu vực ven sông, suối. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức thường trực theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ; chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các biện pháp ứng phó; kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các tình huống cấp bách, vượt thẩm quyền.

 

 

                                                                                  

                                                                    Theonhandan

Các tin khác


Nổ xưởng chế biến hải sản: 4 người chết, 11 bị thương

Sau tiếng nổ lớn bên trong xưởng chế biến hải sản tại xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, người dân phát hiện có 4 người chết, nhiều người bị thương nằm la liệt.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu hủy quyết định bổ nhiệm giám đốc BVĐK huyện Phú Quốc

Ngày 30-10, thông tin từ UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đã yêu cầu Giám đốc Sở Y tế thu hồi Quyết định số 421 (ngày 16-3-2016 của Giám đốc Sở Y tế) về việc bổ nhiệm lại chức vụ Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Phú Quốc đối với ông Nguyễn Đức Phát, đồng thời điều động, bố trí công tác khác cho ông Phát theo quy định. Ông Phạm Vũ Hồng cũng yêu cầu Giám đốc Sở Y tế phải kiểm điểm nhiệm túc về việc ban hành quyết định bổ nhiệm lại chức vụ đối với ông Phát.

Sở 46 người có 44 quản lý: Lãnh đạo Sở thừa nhận thiếu sót

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương đã thừa nhận một số thiếu sót, khuyết điểm trong công tác bố trí, tuyển dụng cán bộ tại đơn vị này

Lễ trao thưởng Cuộc thi tìm hiểu lịch sử “Tỉnh Hòa Bình- 130 năm xây dựng và phát triển 1886- 2016” sẽ diễn ra vào ngày 16/11

(HBĐT) - Sáng 28/10, Ban tổ chức Cuộc thi tìm hiểu lịch sử “Tỉnh Hòa Bình- 130 năm xây dựng và phát triển 1886- 2016” tổ chức hội nghị xét chọn giải thưởng và thống nhất nội dung Chương trình Lễ trao giải thưởng Cuộc thi.

34 hành khách gặp sự cố sức khoẻ trên máy bay của Vietnam Airlines

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa cho biết, một nhóm hành khách trên chuyến bay từ TPHCM đi Narita (Tokyo) sáng nay 28-10 mang số hiệu VN300 đã gặp vấn đề về sức khỏe không rõ lý do, ngay sau khi máy bay cất cánh.

Người dân xóm Bu Chằm lo ngại trại lợn mới hoạt động đã gây ô nhiễm

(HBĐT) - Trang trại chăn nuôi lợn với quy mô 1.200 con /lứa của gia đình ông Nguyễn Xuân Dũng đầu tư tại xóm Bu Chằm, xã Phú Minh (Kỳ Sơn) mới đi vào hoạt động từ tháng 7. Tuy nhiên, người dân trong xóm rất lo lắng về tình trạng ô nhiễm môi trường khi dòng suối bị nhuộm đen, cá ao chết, mùi hôi thối nồng nặc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục