(HBĐT) - Năm 2014 - 2015, bản người Dao Hạ Sơn, xã Tú Sơn (Kim Bôi) là điểm “nóng” về tình trạng xuất cảnh lao động “chui”. Với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là hệ thống dân vận cơ sở, hiện bản không còn tình trạng trên. Bà con đã nói không với xuất cảnh lao động trái phép.
Công an viên và Trưởng Ban công tác mặt trận bản Hạ Sơn, xã Tú Sơn (Kim Bôi) đến tận hộ tuyên truyền không xuất cảnh lao động trái phép.
Trung tuần tháng 11, không khí ngày hội Đại đoàn kết toàn dân lan tỏa khắp bản Dao Hạ Sơn. Phấn khởi hơn, năm nay không còn ai đi lao động “chui” ở Trung Quốc nữa. Chúng tôi thăm lại gia đình bà Dương Thị Trung sau hơn 2 năm. Bà chia sẻ: “Con trai cả Lý Văn Tài theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc lao động đã trở về từ cuối năm 2014. Trước đó, con trai thứ hai và con dâu cũng lặn lội về đến quê. Nghe các con thông tin sang bên đó bị quỵt lương, làm việc 12 giờ/ngày, bị chuyển nhiều chỗ, ăn uống kham khổ, tôi ăn, ngủ không yên. May đã về được an toàn.” Thấy mẹ trải lòng, Lý Văn Tài tâm sự: “Chỉ vì nghe những lời hứa hẹn của người môi giới, em đi vay tiền nộp cho họ rồi đón xe lên Lạng Sơn, theo đường mòn sang Trung Quốc. Cảnh lao động “chui” không như những lời quảng cáo. Em không bao giờ có ý định đó nữa”.
Triệu Văn Hùng, người chạy vạy vay 4 triệu đồng nộp cho môi giới Lý Văn Thuận ở xã Tây Phong (Cao Phong) để sang Trung Quốc đi… tù đã rút được bài học. Hơn 2 năm trở về, Hùng vẫn ám ảnh về chuyến đi và không dám quay lại nơi địa ngục trần gian. Hùng kể: “Sau chặng đường gian nan lội ruộng, lúc nhúc trên xe, ở trong căn nhà hoang màn trời, chiếu đất mới đặt chân đến xứ người. Chưa làm được 1 tháng đã bị công an Trung Quốc bắt. Bị nhốt trong phòng không một lỗ thông gió gần 3 tháng, bữa ăn cho vào gáo hổ lốn cơm rau, rồi bị trục xuất về nước”.
Trưởng Ban công tác mặt trận Triệu Văn Toàn giãi bày: Bản có 100 hộ, gần 500 nhân khẩu, hơn một nửa trong độ tuổi lao động. Vì thiếu việc làm, hiểu biết pháp luật hạn chế, bị dụ dỗ, tin lời hứa hẹn của môi giới nên hơn 30 người dân đã đi lao động trái phép tại Trung Quốc. Nhiều chuyện buồn được kể như bị quỵt lương, muốn về phải trốn nguy hiểm, về nhà không có một đồng ăn Tết, cảnh nợ nần... Chưa bao giờ việc lén lút đi lao động ở Trung Quốc lại rộ lên “cuốn” nhiều người vào “vòng xoáy” tìm giấc mơ đổi đời như năm 2014 - 2015. Cao điểm, bản có hơn 30 người vượt biên đi lao động trái phép.
Thời điểm trên, xã Tú Sơn có 53 người xuất cảnh sang Trung Quốc (chỉ 4 người có hộ chiếu), tập trung ở bản Dao Hạ Sơn. Xã chưa từng xảy ra việc nhiều người ồ ạt đi lao động “chui” như vậy. Trước tình hình đó, xã phối hợp triển khai các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể từ xã đến bản. Xác định vai trò quan trọng của hệ thống dân vận cơ sở. Đồng chí Bạch Công Luyện, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Xã giao nhiệm vụ cho công an, tư pháp tổ chức nhân dân ký cam kết không đi xuất cảnh lao động trái phép, quản lý chặt nhân, hộ khẩu. Giao các hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên. Phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng. Ngày hội Đại đoàn kết điểm của huyện vừa được chọn tổ chức tại bản cũng là để kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân.
Bí thư chi bộ Triệu Văn Quý cho biết: Việc tuyên truyền không chỉ thực hiện tại các cuộc họp toàn bản mà còn tại các buổi sinh hoạt các chi hội. Trong đó, nhấn mạnh xuất cảnh lao động trái phép là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Không nghe lời kẻ xấu hứa hẹn, vận động người thân về nước. Khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế ngay tại địa phương hoặc đi làm trong tỉnh, trong nước. Thấy ai đến dụ dỗ đi xuất cảnh lao động “chui” báo ngay cho công an. Đặc biệt, vận động chính những người đã từng đi xuất cảnh lao động trái phép lên tuyên truyền. Lúc đầu, họ mặc cảm, chưa dám nói nhưng khi cán bộ phân tích đã hiểu ra. Kết hợp phát huy vai trò của đảng viên bám hộ, phụ trách 5 tổ sản xuất, nhóm dân cư. Buổi tối cán bộ tranh thủ đến thăm hộ nắm tình hình, vận động. Nhờ đó, hiện bản không có ai đi lao động trái phép tại Trung Quốc. Năm 2016, bản có 59 hộ đạt gia đình văn hóa, không còn thấp như năm 2014; thu nhập bình quân đầu người đạt 12,7 triệu đồng, hộ nghèo đa chiều còn 38 hộ. Dẫu còn nhiều khó khăn và mong muốn có thêm việc làm nhưng nhân dân trong bản đều đồng thuận nói không với xuất cảnh lao động trái phép.
Cẩm Lệ
(HBĐT) - Đến nay, người dân xã Nuông Dăm (Kim Bôi) vẫn chưa hết bức xúc về hành vi vô nhân tính của Bùi Văn Lục, xóm Lầm Ngoài. Đó là vào tháng 1/2016, lợi dụng lúc cháu Quách Thị A (4 tuổi) cùng xóm sang nhà chơi và đi vệ sinh, Lục đã thực hiện hành vi xâm hại tình dục với cháu. Sự việc đau lòng trên được người nhà cháu A phát hiện và sau đó trình báo với công an. Bản án 13 năm tù là hậu quả của hành động đồi bại mà đối tượng Lục phải gánh chịu.
(HBĐT) - Sáng 14/11, Ban điều hành Đề án Tuyên truyền phố biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp tỉnh tổ chức Lễ tổng kết và trao giải thưởng Cuộc thi tìm hiểu Bộ Luật lao động, Luật BHXH và Luật Công đoàn năm 2016.
(HBĐT) - Theo thông tin từ phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh), vào lúc 19h, ngày 12/11, phòng nhận được tin báo cháy nhà của gia đình ông Nguyễn Đình Hải ở khu 5, thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn).
(HBĐT) - Ngày 12/11, Tỉnh Đoàn, Hội LHTN tỉnh tổ chức lễ khởi động cấp tỉnh chương trình tình nguyện mùa đông 2016, xuân tình nguyện 2017 tại trường THPT Yên Thủy C, xã Yên Trị, huyện Yên Thủy. Tham dự có đại diện lãnh đạo Tỉnh Đoàn, Hội LHTN tỉnh, Huyện ủy, UBND, một số ngành, đoàn thể huyện Yên Thủy và trên 500 ĐV-TN đến từ các cơ sở Đoàn trên địa bàn huyện.
(HBĐT) - Tiếp tục chương trình kêu gọi quyên góp, ủng hộ cho đồng bào miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề của trận mưa, lũ lịch sử vừa qua, ngày 12/11, nhóm Áo Đỏ Hòa Bình và nhóm Xe đạp Thể thao Hòa Bình đã tặng 150 suất quà cho bà con ở xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
(HBĐT) - Kho tư liệu của Đài Tiếng nói Việt Nam giờ vẫn còn lưu bài hát “Khúc ca Hà Sơn Bình” của cố nhạc sĩ Trần Chung sáng tác vào năm 1976 do ca sĩ Tuyết Thanh trình bày. Nếu ai trưởng thành vào thời nhập tỉnh Hòa Bình và Hà Tây thành tỉnh Hà Sơn Bình hẳn vẫn có thể hát theo giai điệu bài hát này.