(HBĐT) - Đầu những năm 1990, không ít bà con ở một số xã của huyện Đà Bắc đã thực hiện cuộc “Tây Nguyên tiến” với khát vọng tìm được “miền đất hứa” thuận lợi làm ăn kinh tế. Sau hơn 20 năm rời quê hương lập nghiệp, cuộc sống của những người con Hòa Bình xa quê ngày nào giờ đã đủ đầy, ấm no. Ra đi trong thuở hàn vi nhưng qua bao thăng trầm, giữa người ở lại quê hương và người đi vẫn keo sơn một tình máu mủ... Câu chuyện về chuyến xe Hào Lý (Hòa Bình) - Ngọc Hồi (Kon Tum) là minh chứng sợi dây thắt chặt cho tình nghĩa đó.

 

Người lái xe, người anh em!

 

Đầu những năm 1990, trước khó khăn chồng chất về phát triển kinh tế, nhiều bà con ở một số xã của huyện Đà Bắc như: Hào Lý, Cao Sơn, Vầy Nưa, Tiền Phong đã lên đường theo chủ trương của Đảng và Nhà nước vào 2 tỉnh ở Tây Nguyên là Kon Tum và Gia Lai để xây dựng vùng kinh tế mới. ông Dương Văn Tỵ (nhà xe Tỵ Diễn), tổ 1, phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình là một trong những người trực tiếp đưa bà con đi vào miền đất mới.

 

Tranh thủ thời gian ông Tỵ đang nghỉ sau chuyến đi từ Tây Nguyên ra, chúng tôi có dịp được trò chuyện với ông tại nhà riêng. Đã bước sang tuổi 64 nhưng ông Tỵ vẫn mang vẻ phong trần của những bác tài chuyên chạy  đường dài. “Nhà mình là xe đầu tiên mở ra tuyến này, cũng xuất phát từ nhu cầu được đi lại thăm hỏi sức khỏe nhau của bà con ở 2 tỉnh thôi. Đến nay, đã qua 5 đời xe rồi. Ngày đi thì vô cùng khó khăn nhưng phải công nhận, bà con Hòa Bình mình rất chịu khó làm ăn, giờ thì đời sống nhiều nơi rất khá giả”, ông Tỵ mở đầu câu chuyện.

 

Bà con nhà mình – cách xưng hô xuất hiện qua mỗi câu chuyện mà ông Tỵ say sưa kể cho chúng tôi về cuộc sống mới, ngôi nhà mới, về hàng chục tấn thóc, ngô, cà phê mà bà con thu hoạch được hàng năm. Mỗi tháng 9 chuyến, 3 xe chạy vào các ngày mùng 8, 12, 16, 18, 22, 26 và 28 âm lịch, ông và các đồng nghiệp lại lên đường chở những người “khách ruột”. Trong những chuyến xe đó, người ra thì mang theo gạo, tiền biếu họ hàng; còn người vào thì những rau rừng, măng đắng như một lời nhắc nhở về nguồn cội. Nhiều khi chỉ đơn giản là những lời hỏi thăm vội vã mỗi khi xe đi qua nhà. “Vào mùa măng đắng thì chuyến nào cũng chở rất nhiều, có khi một chuyến chở gần 2 tấn măng vào, bà con trong này họ thích măng ở quê mình lắm”, ông Tỵ chia sẻ.

 

 

Bà con xã So Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum múa hát trong ngày

kỷ niệm 25 năm thành lập xã.

 

Theo chia sẻ của ông Tỵ, để nhớ về nơi chôn nhau, cắt rốn của mình, bà con ở huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) thường lấy tên xã, xóm ở quê để đặt tên cho nơi mình đang sinh sống. Đó là các xóm như Cao Sơn, Hào Lý, thôn Hòa Bình, Vầy Nưa, Tiền Phong. Trong các dịp lễ, tết, bà con vẫn mặc áo, váy truyền thống và biểu diễn những tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc. ở Ngọc Hồi, bên cạnh những đồi cà phê, rừng cao su bạt ngàn, vẫn thấp thoáng đâu đó những mái nhà sàn khang trang.

 

An cư ở vùng đất mới

 

Nhớ về những ngày đầu mà người thân, hàng xóm của mình lên đường vào Tây Nguyên, nhiều bà con ở xã Hào Lý (Đà Bắc) thừa nhận, họ cũng ít nhiều lo lắng. “Trước năm 1990, đã có một số bà con được di rời vào Long An để khai hoang, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chạy nước lại gặp mùa nước nổi nên bà con chỉ trụ lại trong thời gian ngắn. Một số chạy lên vùng Di Linh (Lâm Đồng), một số trở về quê. Do đó, trong chuyến vào Tây Nguyên, tâm lý của người đi và người ở lại đều có những lo lắng”, đồng chí Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Hào Lý cho hay. Còn hiện tại: “Hàng năm, tỉnh, huyện đều tổ chức những chuyến đi thăm bà con trong Tây Nguyên. Mỗi chuyến đi đều tràn ngập tình thân mến và cảm nhận rõ sự đổi thay tích cực trong đời sống kinh tế của bà con. Đến giờ phút này, có thể nói, bản thân những người ở ngoài Bắc như chúng tôi phải phấn đấu nhiều mới bắt kịp anh em của mình trong đó”, đồng chí Đinh Văn Xuân phấn khởi.

 

Ông Đinh Văn Kín, xóm Tân Tiến, xã Hào Lý (Đà Bắc) cũng không giấu nổi niềm vui vì những người thân của ông đã “an cư, lạc nghiệp” ở xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum). ông Kín cho biết: “Anh em vào trong đó trồng cà phê, cao su nên thu nhập cao hơn nhiều so với ngoài này. Bây giờ, điều kiện kinh tế đã ổn định, điện thoại liên lạc, xe cộ đi lại đều rất thuận tiện nên dù khoảng cách có xa xôi nhưng tình cảm vẫn luôn gắn bó. Dù đời sống khá giả nhưng anh em vẫn gìn giữ bản sắc của dân tộc mình và hòa nhập rất tốt với lối sống trong đó”.

 

Không chỉ chí thú làm ăn, ổn định kinh tế, theo lãnh đạo và người dân ở xã Hào Lý cho biết, nhiều người con của Hòa Bình đang nắm giữ những chức vụ chủ chốt trong chính quyền các xã. Qua trò chuyện với ông Cảnh, một người dân ở xã Bờ Y, chúng tôi cảm nhận được những tình cảm mà bà con dành cho nơi mình đã sinh ra. “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”, câu thơ trĩu nặng tính triết lý mà nhà thơ Chế Lan Viên viết trong bài thơ “Tiếng hát con tàu” như thay lời muốn nói cho cả người đi và người ở lại. Chuyến xe khách của gia đình ông Tỵ vẫn bon bon hành trình kết nối của mình. Những người con Hòa Bình ở quê hương thứ 2 thì vẫn luôn hướng về phía trước để thay đổi cuộc sống và nhìn về nơi chôn nhau, cắt rốn để có thêm những động lực. 

 

                                                                               Viết Đào

Các tin khác


Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nét đẹp văn hóa đó được bồi đắp qua các thế hệ và mỗi khi được khơi dậy mạnh mẽ tạo thành nguồn lực to lớn giúp đỡ đồng bào khó khăn. Đúng như tinh thần "lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm là rách nhiều”, "bầu ơi thương lấy bí cùng”…

Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục