(HBĐT) - Thức ăn đường phố, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ở các hội chợ, đám cưới, đám ma, dịch vụ ăn uống, quán bánh kẹo, nước giải khát ở các cổng trường học… chưa được quản lý chặt chẽ là những mối nguy mất ATTP đối với cộng đồng. Đây cũng là thực trạng đang diễn ra tại địa bàn tỉnh.

 

Quản lý an toàn thực phẩm  còn buông lỏng

 

Hiện nay, thức ăn đường phố hay dịch vụ ăn uống, bày bán thực phẩm khu vực trường học được phân cấp quản lý thuộc tuyến xã, phường, thị trấn. Đáng lưu tâm là nhiều quán ăn vỉa hè trong nhóm thức ăn đường phố thường bày bán ngay trên nền đất, gần đường giao thông bụi bặm, thậm chí gần với khu vực cống, rãnh, hố ga. Nhiều cơ sở nhập thức ăn có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, chế biến mất vệ sinh, chưa kể đến việc xả rác bừa bãi mất vệ sinh, lấn chiếm vỉa hè, hàng lang giao thông gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Một số người kinh doanh vì lợi nhuận bất chấp nhập về thực phẩm kém chất lượng, ôi thiu. Nhiều cơ sở thức ăn đường phố sử dụng dụng cụ chứa thức ăn không đạt tiêu chuẩn, không che đậy hoặc che đậy thức ăn một cách sơ sài. Đa số người bán vẫn dùng tay trần bốc thức ăn mà không sử dụng găng tay nilon theo quy định…  

 

Hội đồng tiêu hủy hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng tỉnh tiêu hủy hàng vi phạm an toàn thực phẩm vào tháng 12/2016.

 

 

Theo thống kê của ngành Y tế, toàn tỉnh trên 1.200 cơ sở thức ăn đường phố. Tuy nhiên chỉ có khoảng 40,6% tổng số cơ sở trong số đó được quản lý, nghĩa là hàng năm được tập huấn, xác nhận kiến thức VSATTP và khám sức khỏe định kỳ. 59,4% cơ sở thức ăn đường phố còn lại chưa có sự quản lý. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ ô nhiễm thức ăn, ngộ độc thực phẩm, mất VSATTP rất lớn từ các cơ sở thức ăn đường phố.

 

Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm đông người liên quan đến dịch vụ kinh doanh ăn uống đám cưới, đám ma, trong đó 1 vụ ở xã Mỹ Hòa (Tân Lạc), 1 vụ ở thị trấn Mai Châu (Mai Châu) đều bị ngộ độc sau ăn cỗ cưới. Loại hình dịch vụ này đang ngày càng phát triển trong khi vấn đề quản lý chưa đảm bảo chặt chẽ đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, các dịch vụ ăn uống, quầy, quán bánh kẹo, nước giải khát… tràn lan khu vực các cổng trường tiểu học, THCS tại các xã, phường, thị trấn cũng là thực trạng đáng lo ngại. Hàng hóa chủ yếu bày bán mất vệ sinh, không an toàn, nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ như bánh kẹo, ô mai, kem mút… Theo Chi cục VSATTP, đến nay, vấn đề quản lý các cơ sở dịch vụ này gần như bỏ ngỏ.

 

Tuyến cơ sở cần ra tay quyết liệt

 

Đó là ý kiến trao đổi của đồng chí Bùi Quang Huấn, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP, bởi theo đồng chí, khi và chỉ khi cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm vào cuộc, những vấn đề nổi cộm trong quản lý ATTP ở cơ sở mới được giải quyết, tình hình thực hiện các quy định về ATTP mới chuyển biến tích cực.

 

Quán ăn vặt vỉa hè thuộc nhóm thức ăn đường phố tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. ảnh: Một quán ăn đông khách gần Nhà thi đấu tỉnh.

 

Vài năm gần đây, công tác thanh, kiểm tra trong lĩnh vực ATTP được các cấp, ngành tăng cường phối hợp thực hiện. Có một thực tế là việc thanh, kiểm tra được thực hiện tốt ở tuyến tỉnh, những hành vi vi phạm ATTP được xử lý nghiêm nhưng khi về đến tuyến huyện, thành phố thì có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt. Tại tuyến xã – tuyến được phân cấp quản lý thực phẩm liên quan đến thức ăn đường phố, dịch vụ ăn uống, bánh kẹo, nước giải khát tại khu vực trường học…, hàng năm, các lỗi vi phạm được chỉ ra và dừng lại ở việc nhắc nhở, không áp dụng hình thức xử lý nên gần như không chuyển biến.   

 

Để khắc phục những khó khăn, tồn tại trong quản lý ATTP tuyến xã, phường, thị trấn, cũng theo đồng chí Chi cục trưởng Chi cục VSATTP cần lựa chọn các mục tiêu ưu tiên để phấn đấu thực hiện hàng năm. Trước tiên quan tâm đến việc nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đảm bảo ATTP tuyến huyện, xã, dành nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động các tuyến, nhất là tuyến huyện, xã. Công tác thông tin, giáo dục truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật về ATTP cần chú trọng, tăng cường giúp nâng cao kiến thức và thực hành sản xuất, chế biến thực phẩm, nâng cao chất lượng ATTP và đảm bảo sức khỏe người dân. Tuyên truyền linh hoạt dưới nhiều hình thức như mở các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo, truyền thông trực tiếp, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhiều đối tượng từ người quản lý ATTP, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu dân cư, người tiêu dùng từng bước có chuyển biến rõ hơn về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về ATTP.

                                                                       

                                                  

                                                                   Bùi Minh

 

 

* Tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm

 

                                                Bùi Văn Quyền

                                    Phó chánh Thanh tra Sở Y tế

 

 Trong năm 2016 và dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP đã được chú trọng hơn, có sự phối hợp liên ngành hiệu quả. So với các năm trước, số cơ sở bị xử lý nhiều hơn. Cụ thể trong đợt triển khai kế hoạch đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đã tổ chức 229 đoàn kiểm tra, trong đó có 3 đoàn tuyến tỉnh, 19 đoàn tuyến huyện và 207 đoàn tuyến xã. Qua kiểm tra 2.087 cơ sở, phát hiện 428 cơ sở vi phạm, chiếm 20,5%, 186 cơ sở bị xử lý, chiếm 8,9%. Có 242 cơ sở có vi phạm nhưng không xử lý, chiếm 11,6%.  Ngành y tế mong muốn thời gian tới có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa của các lực lượng liên ngành như: Sở Công Thương, NN& PTNT trong thanh tra, kiểm tra ATTP… Qua đó kịp thời ngăn chặn và xử lý nhiều vụ vi phạm, là yếu tố quan trọng để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATTP.

 

* Lo lắng thực phẩm bẩn ở quán ăn đường phố

 

                                                        Nguyễn Thị Ánh

                                  Tổ 6, phường Thái Bình (TP Hòa Bình)

 

Tôi cũng như nhiều bậc phụ huynh khác rất lo lắng bởi hiện nay, quán ăn vỉa hè rất nhiều. Tại khu vực cổng trường học từ mầm non, tiểu học, THCS không thiếu các điểm bán hàng bằng xe đẩy, quầy hàng bán đồ ăn sáng (xôi, cháo), quà vặt. Tôi cũng đã nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh nói nhiều về thực phẩm bẩn, sử dụng chất phụ gia trong chế biến thực phẩm, vụ việc nổi cộm được cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện như vụ vận chuyển hơn 1 tạ ruốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, sữa quá hạn sử dụng, kẹo mút không rõ nguồn gốc, xuất xứ, bánh quy giả... Vì vậy, tôi lo lắng trước tình trạng ATTP ở các quán ăn đường phố, khu vực cổng trường. Mong rằng, mỗi người hãy tự giác, trách nhiệm với sức khỏe của bản thân và những người xung quanh. Các cơ quan quản lý đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và kiểm tra phát hiện, xử lý nghiêm những quán ăn, điểm bán gần trường học không tuân thủ các điều kiện ATTP, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

  

* Người sản xuất, kinh doanh phải có lương tâm, trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm

 

                                                         Đinh Thị Hiệu

                                    Xóm Chiến, xã Nam Sơn (Tân Lạc)

 

Ở nhiều điểm xã vùng cao như quê tôi, chả mấy khi thấy người bán hàng ăn uống đeo găng tay khi thái, bốc thức ăn, thực phẩm sống, chín để gần nhau, môi trường xung quanh cũng không thoáng đãng, sạch sẽ cho lắm. Điểm bán quà vặt, đồ ăn, đồ uống phục vụ con trẻ giờ cũng khá phổ biến nhưng lo lắm khi mà tận mắt chứng kiến tại quán nước gần trường học bán cho trẻ 1 lon nước tăng lực chỉ 3.000 - 3.500 đồng trong khi giá trên thị trường mua cả lốc 55.000 đồng, tương đương hơn 9.000 đồng /lon thì chắc chắn không phải là hàng thật rồi. Rượu pha cồn, kem, sữa chua không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng len lỏi rao bán khắp nẻo đường thôn, xóm. Là người dân sinh sống ở vùng điều kiện còn khó khăn, bên cạnh nhu cầu được cung cấp thực phẩm có giá cả phù hợp, tôi mong muốn được sử dụng nguồn thực phẩm an toàn. Các ngành chức năng quan tâm tuyên truyền, giáo dục để cơ sở sản xuất, hộ buôn bán kinh doanh có trách nhiệm, ý thức tuân thủ thực hiện việc đảm bảo các điều kiện về ATTP, không sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận mà làm nguy hại đến sức khỏe con người.

 

 

Tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh là một trong những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại văn bản số 17/BC – UBND ngày 23/1/2017 nhằm tạo chuyển biến rõ rệt trong thực hiện Chỉ thị số 13/CT – TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch số 72/KH – UBND ngày 7/6/2016 của UBND tỉnh. Theo đó, tất cả các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trong tỉnh sớm tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai nội dung Chỉ thị số 13/CT – TTg đến lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức xã, phường, thị trấn, trưởng thôn, xóm, tổ trưởng dân phố. Chi cục VSATTP tỉnh ban hành kế hoạch, quyết định thanh tra, kiểm tra trực tiếp các cơ sở thực phẩm; thanh tra, kiểm tra chuyên ngành ATTP năm 2017 và thanh tra, kiểm tra các cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể các công ty, nhà máy, xí nghiệp và khu công nghiệp. Ban chỉ đạo ATTP các huyện, thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo xã, phường, thị trấn tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, các địa phương cần sớm khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý ATTP tại cấp xã như công tác chỉ đạo, điều hành còn chưa đồng bộ, chưa kiên quyết, trách nhiệm chưa rõ ràng. Chủ động phối hợp, triển khai các biện pháp giám sát phòng - chống ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh truyền qua thực phẩm ở các cơ sở thực phẩm, dịch vụ ăn uống, nhất là quan tâm kiểm tra, giám sát đảm bảo ATTP ở các khu du lịch, bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, trường học, các hội nghị, sự kiện, lễ hội lớn, đông người. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Với trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP, các ngành, địa phương từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung giải quyết một số vấn đề bức xúc, chủ động quản lý nguy cơ ô nhiễm theo chuỗi cung cấp thực phẩm và quan tâm triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo ATTP, chú trọng việc kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm ở cấp huyện, xã.

 

 

 

Các tin khác


Gần 50% công trình cấp nước tập trung hoạt động kém hiệu quả, vì sao?

(HBĐT)Theo Sở NN&PTNT, sau 25 năm tái lập tỉnh trên địa bàn tỉnh ta có 303 công trình cấp nước tập trung được xây dựng với tổng mức đầu tư trên 930 tỷ đồng. Các công trình cấp nước tập trung được xây dựng từ nhiều nguồn vốn của các chương trình, dự án như: Chương trình phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135); Dự án ổn định dân cư và phát triển KT-XH vùng chuyển dân lòng hồ Hòa Bình (Dự án 747); Chương trình phát triển cộng đồng và tài trợ trẻ em (ChildFund);

Xử phạt 244 triệu đồng các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường

(HBĐT) - Theo thông tin từ lực lượng chức năng, tính từ đầu năm đến hết tháng 2/2017, lực lượng Cảnh sát phòng - chống tội phạm về môi trường (PC49) - Công an tỉnh đã làm tốt công tác nắm tình hình hoạt động kinh doanh, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch; hoạt động buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép.

Phòng - chống mại dâm và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về

(HBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 18 ngày 6/3/2017 về phòng - chống mại dâm và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, năm 2017.

Nhiều hoạt động ý nghĩa trong Tháng Thanh niên

(HBĐT) - Thực hiện chủ đề “Tuổi trẻ Hòa Bình chung tay xây dựng NTM và văn minh đô thị”, trong tuần 2, hưởng ứng Tháng Thanh niên, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tình nguyện ý nghĩa hướng về cơ sở, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Cần lắm giáo dục kỹ năng chống xâm hại

Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em diễn ra gần đây đòi hỏi các trường học, giáo viên phải đề cao việc dạy kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh.

GĐ Sở Nội vụ Hải Dương ''đặc cách'' con ruột làm phó phòng

Giám đốc Sở Nội vụ Hải Dương Phạm Văn Tỏ ký quyết định bổ nhiệm con trai, không qua thi tuyển công chức, vào một vị trí cán bộ cấp phòng. Khi Bộ Nội vụ thanh tra, con trai ông tự nguyện nộp đơn xin thôi giữ chức.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục