(HBĐT) - Chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn biết bao hài cốt của các liệt sỹ chưa được đưa về đất mẹ. Việc tìm kiếm, quy tập, xác định hài cốt liệt sỹ càng để lâu càng khó. Mỗi năm qua đi là thêm một thách thức với phần thi thể còn lại của các liệt sỹ. Đó là sự day dứt khôn nguôi của những người ở lại, thân nhân, đồng đội liệt sỹ và cả những người đang được giao trách nhiệm đầy nghĩa tình là quy tập hài cốt liệt sỹ.
Chúng tôi có dịp đến thăm bà Bùi Thị Sấu, xóm Mè,
xã Yên Quang (Kỳ Sơn). Bà Sấu sinh năm 1922, quê ở Ba Vì - Sơn Tây. Khi trưởng
thành, bà kết hôn với ông Bùi Văn Mong. Năm 1949, ông Mong hy sinh trong kháng
chiến chống Pháp khi bà Sấu đang mang thai người con Bùi Văn ánh. Đến năm 1953,
bà Sấu tái giá với ông Nguyễn Văn Con và cùng gia đình chồng sơ tán lên xã Yên
Quang sinh sống. Bà sinh thêm được 4 người con. Năm 1968, chàng trai Bùi Văn
ánh tình nguyện lên đường nhập ngũ, năm 1970 hy sinh khi chiến đấu ở mặt trận
phía Nam…
Năm 2015, bà Bùi Thị Sấu vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Năm nay, Mẹ Sấu đã
bước sang tuổi 96, sức yếu, trí nhớ không còn minh mẫn nhưng khi cầm tấm ảnh
người con trai cả trên tay, khóe mắt Mẹ rưng rưng dòng lệ. Mẹ chỉ mong muốn
được đưa con về quê hương nhưng mong mỏi đó mẹ cũng chỉ ấp ủ trong lòng…
Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Sấu, xóm
Mè, xã Yên Quang(Kỳ Sơn) mong muốn tìm
mộ con trai là liệt sỹ Bùi Văn Ánh hy sinh ở mặt trận phía Nam.
Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Chửng ở xóm Đồi Chai, xã
ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn cũng có nỗi đau như vậy. Mẹ Chửng có con trai duy nhất
là liệt sỹ Bùi Văn Tạch, sinh năm 1950. Năm 1971, cuộc kháng chiến chống Mỹ
bước vào giai đoạn ác liệt nhất, Bùi Văn Tạch xung phong lên đường nhập ngũ khi
vừa cưới vợ được 1 tháng. Tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, năm
1972, Bùi Văn Tạch đã anh dũng hy sinh. Mẹ Bùi Thị Chửng năm nay đã gần 100
tuổi. Nhiều năm nay mẹ được người cháu ruột phụng dưỡng. Được sự quan tâm của
Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và đặc biệt là danh hiệu cao quý Mẹ Việt
Nam anh hùng chính là nguồn động viên, an ủi lớn để xoa dịu nỗi đau của mẹ. Duy
chỉ có điều mẹ luôn trăn trở là chưa tìm được hài cốt của con để thắp lên nén
hương tưởng nhớ…
Niềm trăn trở của mẹ Bùi Thị Sấu, Bùi Thị Chửng cũng
là nỗi đau của biết bao gia đình, người thân khi chưa tìm thấy hoặc chưa chuyển
được mộ của người thân về với mảnh đất quê hương. Theo số liệu từ Hội Hỗ trợ
gia đình liệt sỹ, trong cuộc kháng chiến vĩ đại, đấu tranh giải phóng đất nước
và làm nghĩa vụ quốc tế, tỉnh ta có gần 30.000 con em các dân tộc lên đường
nhập ngũ. Gần 6.000 người con ưu tú của quê hương đã chiến đấu, anh dũng hy
sinh ở khắp các chiến trường trong nước và hai nước bạn Lào- Campuchia. Trong
đó, liệt sỹ chống Pháp trên 400 người, chống Mỹ gần 3.000 người; bảo vệ Tổ quốc
gần 2.500 người; có 8 liệt sỹ là anh hùng LLVT nhân dân. Số liệt sỹ chưa biết
nơi an táng phần lớn hy sinh ở chiến trường biên giới, hải đảo, từ phía Bắc đến
biên giới Tây Nam
của Tổ quốc. Toàn tỉnh có trên 3.000 mộ nhưng chiếm tới 93% số mộ ở các nghĩa
trang liệt sỹ chưa biết tên.
Đồng chí Bùi Tuấn Hải, Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình
liệt sỹ tỉnh cho biết: Công tác tìm mộ liệt sỹ luôn được Đảng, Nhà nước và tỉnh
quan tâm, chỉ đạo thông qua việc banh hành Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 15/5/2013
của Bộ Chính trị; Quyết định số 1237/QĐ-TTg, ngày 27/7/2013 của Thủ tướng Chính
phủ; Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 18/3/2014 và thành lập Ban chỉ
đạo thực hiện Đề án 1237 tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ của tỉnh để triển
khai thực hiện. Tuy vậy, khó khăn trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ
là qua tổng hợp các chương trình điều tra về mộ liệt sỹ, có trên 1.600 liệt sỹ
là biết nơi an táng nhưng mới chiếm 1/5 trong tổng số liệt sỹ (trong đó có trên
200 liệt sỹ có sơ đồ mộ chí an táng ban đầu, số này đã được quy tập về nghĩa
trang liệt sỹ). Vì vậy, việc đi tìm mộ liệt sỹ là hết sức khó khăn và vô cùng
nan giải. Bên cạnh đó, do tính chất ác liệt của chiến tranh mà thông tin về các
liệt sỹ rất phân tán. Có nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều cơ quan quản lý có nơi
còn lưu trữ được hồ sơ nhưng nhiều nơi đã bị thất lạc. Cán bộ quản lý về công
tác này không chuyên sâu, thường hay thay đổi...
Chiến tranh đã lùi xa trên 40 năm đối với kháng chiến
chống Mỹ nên địa hình, địa vật biến dạng, có nơi núi non hiểm trở... nên việc
xác định tọa độ, vị trí mộ gặp nhiều khó khăn, bất cập. Có 4.078 liệt sỹ không
còn thân nhân như: Bố, mẹ, vợ, chồng, con, là người có công nuôi dưỡng, chiếm
4/5 tổng số liệt sỹ. Số này chủ yếu là nhờ người thờ cúng liệt sỹ chăm lo, phần
lớn họ sống ở nông thôn, làm nghề thuần nông, đời sống kinh tế khó khăn, chưa
có điều kiện để tìm kiếm hài cốt hoặc xác định danh tính liệt sỹ của gia đình
mình...
ông Bùi Tuấn Hải trăn trở: Là người lính từng chiến
đấu trong những năm tháng chiến tranh ác liệt của thời kỳ chống Mỹ, lúc nào tôi
cũng đau đáu nhớ về đồng đội, hồi tưởng lại ký ức chiến tranh, gian khổ ác liệt
đã qua. Không ai bảo ai nhưng chúng tôi đều có chung nguyện vọng về chiến trường xưa để tìm đồng
đội. Trước khi thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ của tỉnh, tôi cùng một số
anh em đã nhen nhóm thành lập Ban liên lạc của Tiểu đoàn 647. Năm 2011, 2012 tổ
chức 2 đợt đi tìm mộ và tri ân đồng đội tại chiến trường Tây Nguyên và đã tìm
được danh sách 369 liệt sỹ. Số liệt sỹ
này đang được quản lý trong sổ vàng truyền thống của Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 và
Sở LĐ- TB & XH các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Quảng Trị. Về phần mộ có
233 mộ liệt sỹ, số liệt sỹ này đã được xác định có mộ thực tế ở các nghĩa trang
Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Quảng Trị. Khi Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ ra đời,
Hội phối hợp chặt chẽ với Ban liên lạc cùng gia đình và nơi quản lý liệt sỹ vừa
gián tiếp, vừa trực tiếp, hầu hết là trực tiếp đã đưa được hơn 10 hài cốt của
đồng đội về an táng tại nghĩa trang quê nhà. Riêng 2 liệt sỹ Hoàng Văn Xuân,
Bùi Văn En đang ngự tại nghĩa trang Kon Tum, Hội và Ban liên lạc đã hướng dẫn
và đưa được thân nhân của gia đình vào tận nơi để thắp hương cho đồng đội.
Đồng chí Nguyễn Quang Huy, Phó trưởng phòng Người có
công (Sở LĐ-TB &XH) cho biết: Việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sỹ về
nghĩa trang để chăm lo mộ phần là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước
và của tỉnh góp phần xoa dịu nỗi đau do chiến tranh để lại. Thực hiện Kế hoạch
của Cục Người có công (Bộ LĐ-TB &XH), Sở LĐ-TB &XH đã tiến hành rà soát
và lấy thông tin về mộ, tên thân nhân người lấy mẫu sinh phẩm 5.810 thân nhân
liệt sỹ (mẹ, cậu, dì, chị gái mẹ liệt sỹ…) để thời gian tới, Cục Người có công
sẽ căn cứ vào danh sách đó lấy mẫu sinh phẩm đưa vào ngân hàng gen phục vụ cho
công tác tìm, xác định mộ liệt sỹ sau này. Đây là một trong những việc làm cần
thiết vì những người thân liệt sỹ không còn nhiều, đặc biệt là thời kỳ kháng
chiến chống Pháp.
Hương Lan